YouMed

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về tình trạng tăng kali máu

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Kali là một trong những khoáng chất thiết yếu của cơ thể. Ion Kali vô cùng quan trọng đối với các tế bào cơ, bao gồm cả cơ tim và các tế bào thần kinh. Thông thường các khoáng chất trong cơ thể luôn được đảm bảo ở một mức độ cân bằng. Nhưng vì một lý do nào đó, lượng kali trong cơ thể tăng lên, dẫn đến tình trạng tăng kali máu. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu những thông tin cơ bản về tình trạng này qua bài viết dưới đây.

1. Tăng kali máu là tình trạng như thế nào?

Ion Kali rất quan trọng cho các hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, quá nhiều hoặc quá ít Kali (hay còn là tăng kali hay hạ kali) đều có thể gây ra những rối loạn nguy hiểm. Để duy trì nồng độ các khoáng chất bình thường, thận sẽ lọc bỏ lượng kali không cần thiết, chỉ giữ lại mức độ vừa phải cho cơ thể.

Khi một rối loạn xảy ra làm mức kali trong máu tăng cao, lượng ion kali dư thừa sẽ gây ra các triệu chứng. Thông thường kali trong máu được giữ ổn định trong khoảng 3.6 đến 5.2 mmol/L (theo nguồn số liệu từ Mayo Clinic). Nếu kali tăng quá 5.5 mmol/L, tình trạng này gọi là tăng kali máu nguy hiểm. Nếu nồng độ kali vượt quá 6 mmol/L, có thể gây nguy hiểm tính mạng.

2. Nguyên nhân của tình trạng tăng kali máu là gì?

Có rất nhiều bệnh lý gây ra tăng kali máu. Ngoài ra, một số loại thuốc và thảo dược cũng có ảnh hưởng đến loại ion này. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.

Suy thận

Suy thận là nguyên nhân phổ biến nhất. Thận bình thường có chức năng lọc máu, loại bỏ lượng ion dư thừa. Khi chức năng thận suy giảm, nồng độ kali sẽ tăng cao do không được thải lọc ra ngoài nước tiểu.

Suy thận là nguyên nhân thường gặp nhất gây tăng kali máu

Các rối loạn khác gây tăng kali máu

  • Tình trạng thiếu nước
  • Đái tháo đường type 1
  • Bệnh Addison
  • Xuất huyết nội

Các loại thuốc gây ảnh hưởng đến ion kali

  • Một số loại thuốc hóa trị
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEi)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB)

Các thực phẩm chức năng/ thức uống bổ sung

Việc sử dụng quá mức các thực phẩm chức năng có thể dẫn đến tình trạng tăng kali máu. Việc sử dụng quá nhiều có thể gây nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng.

Uống rượu và sử dụng chất kích thích

Nghiện rượu và sử dụng chất kích thích có thể gây phá hủy các tế bào cơ. Trong tế bào cơ có tích trữ một lượng ion kali. Do đó, khi các tế nào này bị tổn thương, chúng sẽ phóng thích lượng ion kali vào máu, gây tăng kali máu.

Chấn thương

Một số loại chấn thương có thể làm tăng kali máu. Có thể kể đến như bỏng hay chấn thương gây đụng dập, nghiền nát một bộ phần cơ thể. Số lượng mô bị tổn thương càng nhiều thì lượng kali trong máu càng cao.

3. Tăng kali máu có biểu hiện như thế nào?

Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào nồng độ kali. Đôi khi bệnh nhân không có biểu hiện gì bất thường. Những triệu chứng có thể xuất hiện gồm:

  • Mệt mỏi, yếu cơ
  • Cảm giác tê bì, châm chích
  • Buồn nôn, nôn
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Rối loạn nhịp tim hay nhịp tim không đều

Tăng kali máu có thể gây rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim

Ở những trường hợp nghiêm trọng, có thể gặp liệt hay suy tim do tăng kali máu. Nếu tình trạng này không được điều trị có thể dẫn đến ngưng tim, tử vong.

4. Khi nào bạn nên đi khám?

Như đã nói ở trên, tình trạng tăng kali máu có thể rất nguy hiểm. Do đó, nếu bạn có bất kỳ các triệu chứng nào ở trên, hay có nghi ngờ mình mắc bệnh, hãy đi khám ngay. Nếu các biểu hiện này nặng, hãy gọi cấp cứu.

Nếu tình trạng tăng kali của bạn là nghiêm trọng hay khó kiểm soát, bạn có thể được nhập viện và điều trị cho đến khi nồng độ kali máu trở về bình thường.

5. Chẩn đoán tăng kali máu ra sao?

Một mẫu máu sẽ được lấy để đo nồng độ kali trong máu. Cùng với khám lâm sàng và hỏi bệnh sử, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Bạn hãy nhớ mang theo những toa thuốc hay hồ sơ khám bệnh trước đây nhé. Chúng có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân của tình trạng này nhanh hơn.

Xét nghiệm máu giúp xác định nồng độ kali trong cơ thể

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của bệnh, việc tái khám thường xuyên để kiểm tra sẽ giúp ích rất nhiều. Việc thường xuyên đo nồng độ kali giúp theo dõi bệnh và điều trị kịp thời, trước khi các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

6. Phương pháp điều trị tăng kali máu?

Mục tiêu của điều trị là hạ nồng độ kali máu xuống mức độ phù hợp và ổn định lại nhịp đập của tim. Các phương pháp sau có thể được sử dụng, tùy thuộc vào mức độ của bệnh.

Lọc máu

Nếu như nguyên nhân gây ra bệnh này là suy thận, thì bệnh nhân cần được lọc máu. Máy lọc máu sẽ được nối vào mạch máu của bệnh nhân và lọc những chất thừa ra khỏi cơ thể.

tăng kali máu
Những trường hợp suy thận hoặc tăng kali máu nặng có thể được lọc máu

Điều trị dùng thuốc

Một số loại thuốc có thể dùng để hạ kali máu, có thể kể đến như:

  • Calcium gluconate: giúp giảm tác động của tăng kali máu lên tim, ổn định nhịp tim.
  • Thuốc lợi tiểu. Các thuốc này giúp tăng đào thải kali qua đường tiểu. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc thích hợp. Một số loại thuốc lợi tiểu như: thuốc lợi tiểu quai, lợi tiểu thiazide…
  • Resin. Thuốc resin giúp thải kali qua đường tiêu hóa.

Bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị ra sao?

Đầu tiên, việc chẩn đoán mức độ và nguyên nhân là vô cùng cần thiết. Tiếp đó, tùy vào biểu hiện của bệnh nhân và bệnh lý nền, các phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn. Nếu tình trạng tăng kali máu là nguy hiểm, bệnh nhân sẽ được lọc máu và cần phải nhập viện. Nếu tăng kali nhẹ và không có triệu chứng, bạn sẽ được điều trị tại nhà (dùng thuốc) và tái khám theo dõi.

7. Bệnh nhân bị tăng kali máu sinh hoạt như thế nào là hợp lý?

Nếu có tăng kali máu trung bình đến nặng, bạn nên được điều trị ngay. Tuy nhiên, những trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà. Dưới đây là một số lời khuyên từ bác sĩ cho các bệnh nhân.

Giảm lượng kali nhập vào từ thức ăn

Giảm lượng kali nhập vào từ khẩu phần ăn là một trong những cách hiệu quả nhất để hạ kali. Có nhiều loại thực phẩm giàu kali. Bạn nên tránh sử dụng các loại thực phẩm này.

  • Chuối
  • Các loại hạt
  • Các loại đậu
  • Sữa
  • Khoai tây
  • Bia
  • Quả mơ

tăng kali máu
Bệnh nhân có nguy cơ tăng kali máu nên tránh các thực phẩm giàu ion này

Nếu cần, bạn có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có một thực đơn phù hợp với bản thân.

Kiểm tra thành phần các loại gia vị bạn sử dụng

Trong các loại gia vị có chứa một lượng kali nhất định. Do đó, khi lựa chọn, hãy tránh sử dụng các loại muối, hạt nêm chứa kali. Ngoài ra, các loại đồ uống thể thao và bánh nướng cũng rất nhiều kali. Bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân hạn chế ăn ở ngoài và thực phẩm nấu sẵn, vì chúng thường có nhiều gia vị. Bạn không thể kiểm tra được lượng kali có trong các nguồn này, do đó có thể nhập kali vào quá nhiều, làm tăng thêm nồng độ kali máu.

Uống nhiều nước

Tình trạng mất nước có thể dẫn đến tăng kali máu. Hãy cố gắng uống nhiều nước hơn.

Tránh một số loại thảo dược giàu kali

Một số loại thảo dược như cỏ linh lăng, tầm ma, bồ công anh có chứa nhiều kali. Do đó hãy tránh lựa chọn các loại thảo dược này. Nếu cẩn thận hơn, hãy tìm hiểu kỹ các thành phần của các loại thảo dược bạn sử dụng. Và hãy nhớ sử dụng các loại thảo dược hay thuốc dân gian có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng.

Tạm kết

Tăng kali máu là một tình trạng rối loạn điện giải thường gặp. Tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về tăng kali máu. Hãy chia sẻ những thông tin này đến mọi người xung quanh nhé.

ThS.BS Vũ Thành Đô

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.healthline.com/health/high-potassium-hyperkalemia#outlook

https://www.mayoclinic.org/symptoms/hyperkalemia/basics/definition/sym-20050776

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người