Giải đáp thắc mắc thường gặp về nội soi dạ dày, thực quản
Nội dung bài viết
Nội soi dạ dày, thực quản là một phương pháp được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh về đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những điều cần chuẩn bị trước khi nội soi để có thể có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Khi nào cần nội soi dạ dày, thực quản?
Nội soi dạ dày thường được chỉ định khi có các triệu chứng về tiêu hóa như sau:
- Đau bụng phía trên rốn;
- Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng;
- Đầy bụng, khó tiêu;
- Buồn nôn, nôn sau khi ăn;
- Nóng rát, đau tức ngực;
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân đột ngột;
- Đi ngoài phân đen hoặc có dính máu.
Qua nội soi, các bác sĩ sẽ thấy được các bất thường, thương tổn, mức độ viêm loét ở dạ dày – thực quản… Trong quá trình nội soi, nếu có nhu cầu, bác sĩ có thể kết hợp lấy mẫu để xét nghiệm vi khuẩn HP và chẩn đoán ung thư thực quản, dạ dày.
Có mấy phương pháp nội soi dạ dày?
Nội soi qua đường miệng, không gây mê: thường ít đau nhưng bệnh nhân thường cảm thấy buồn nôn, nôn mửa do dây soi được đưa vào cổ. Cảm giác buồn nôn chính là nguyên nhân khiến rất nhiều bệnh nhân sợ hãi việc nội soi. Để giảm bớt tình trạng khó chịu này, bạn cần thả lỏng cơ thể và thực hiện đúng theo hiệu lệnh của bác sĩ trong quá trình nội soi. Nếu gặp bất cứ khó chịu nhỏ nào trong suốt quá trình, bạn có thể hít thở sâu, chậm rãi để thoải mái hơn.
Nội soi có thuốc gây mê: Phương pháp này giúp người bệnh không phải chịu cảm giác khó chịu như khi nội soi thường. Người bệnh sẽ được gây mê trước khi nội soi. Tuy nhiên, người bệnh có nguy cơ dị ứng thuốc mê, sốc thuốc do sử dụng thuốc gây mê, tuy xác suất là hiếm gặp. Phương pháp này có giá thành cao hơn phương pháp không gây mê.
Nội soi qua đường mũi: người bệnh vẫn tỉnh táo và có thể nói chuyện với bác sĩ, ít khó chịu hơn nội soi qua đường miệng nhưng thường có giá thành cao hơn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Cần chuẩn bị gì trước khi đi nội soi dạ dày, thực quản?
Sau khi nội soi dạ dày bạn biết được điều gì?
Sau khi nội soi, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận là bạn đã bị viêm, xung huyết, phù nề, loét… dạ dày, tá tràng kèm theo kết quả test vi khuẩn HP. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bạn. Để thoát cảnh nội soi, mỗi bệnh nhân dạ dày cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và tái khám theo lịch hẹn để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi?
- Nhịn ăn trong vòng 8 giờ trước khi đi nội soi dạ dày. Bạn có thể đi nội soi vào buổi sáng, khi chưa ăn sáng. Việc nhịn ăn này là để ngăn ngừa tình trạng nôn, sặc, và giúp bác sĩ quan sát rõ vùng niêm mạc dạ dày.
- Trước khi nội soi, không uống các loại nước có màu như: cà phê, sữa, nước cam, nước uống có gas… Bạn có thể uống nước lọc nhưng với một lượng ít, không uống đầy bụng.
- Không hút thuốc để giúp bác sĩ dễ quan sát, soi rõ được tổn thương.
- Không sử dụng các thuốc tráng bao tử (như Phosphalugel, thường gọi là gói thuốc chữ P; Gastropulgite,…) hoặc thuốc viên than hoạt trước khi nội soi.
- Nếu bản thân có dị ứng với các loại thuốc tê, thuốc gây mê, băng dính thì cần báo với bác sĩ trước khi tiến hành nội soi dạ dày.
- Khi đi nội soi dạ dày, đặc biệt là nội soi có gây mê, nên có người thân đi cùng để hỗ trợ sau khi nội soi. Với nội soi gây mê, sẽ cần một khoảng thời gian để tỉnh táo trở lại và thuốc mê hết tác dụng hoàn toàn (thường là khoảng 1 giờ). Vì vậy, tốt nhất là nên có người nhà đi cùng và đưa về.
Ngoài những điều kể trên thì tinh thần ổn định, thoải mái cũng là yếu tố rất quan trọng. Bạn không nên quá căng thẳng lo lắng trước thời điểm thực hiện nội soi.
Sau bao lâu thì có kết quả nội soi?
Thông thường bác sĩ sẽ trả hình ảnh kết quả ngay sau khi nội soi. Trường hợp có lấy mẫu để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori hay H. pylori) kết quả sẽ được trả 1 – 2 giờ sau đó. Kết quả sinh thiết tế bào để chẩn đoán ung thư thường có trong vòng 1 tuần. Bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ về thời gian nhận kết quả nội soi và sinh thiết của mình.
Lưu ý sau khi nội soi
Nếu nội soi không gây mê, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, có thể tự về nhà. Nếu nội soi gây mê, sẽ cần một khoảng thời gian để thuốc mê hết tác dụng (thường là khoảng 1 giờ). Người bệnh nên nghỉ ngơi chờ tỉnh táo, có người nhà đi cùng và đưa về.
Sau khi nội soi, người bệnh có thể cảm thấy: đau rát họng, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng ở mức độ nhẹ. Tình trạng này sẽ giảm dần trong ngày.
Khoảng 2 giờ sau khi nội soi, bệnh nhân có thể dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, món hầm nhừ… Có thể dùng sữa nguội, nhưng không nên uống sữa nóng có thể làm tổn thương dạ dày.
Ngày đầu tiên sau khi nội soi, bệnh nhân tránh ăn chanh, xoài, bưởi,.. hay các món ăn được muối chua như dưa kiệu, cà muối… Tránh xa rượu, bia, các loại thuốc lá, cà phê. Những chất kích thích này sẽ phá hủy lớp niêm mạc dạ dày, khiến cho dạ dày bị tổn thương.
Khi bác sĩ có chỉ định nội soi, người bệnh nên phối hợp nhiệt tình. Nội soi dạ dày là một thủ thuật khá an toàn, được áp dụng phổ biến nên người bệnh không cần quá lo lắng.