Giảm đau khi sinh: Bạn đã biết cách chưa?
Nội dung bài viết
Chuyển dạ là công việc khó khăn, và một phần của công việc đó là vượt qua nỗi đau. Nhưng bạn đừng hoảng sợ. Có nhiều cách để giảm đau khi sinh. Điều quan trọng là hãy thư giãn, hít thở sâu, và hãy tin tưởng, thảo luận với bác sĩ của bạn để lựa chọn phương pháp giảm đau phù hợp và hiệu quả.
1. Yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đau khi sinh
- Sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn
- Khả năng chịu đau của bản thân
- Kích thước khung chậu
- Kích thước của em bé
- Vị trí của bé
2. Biện pháp giảm đau khi sinh
2.1. Thư giãn
Hãy để tâm trí của bạn được thư giãn, thoải mái. Khi bạn sợ đau, bạn căng thẳng, điều đó càng làm cho cơn đau tồi tệ hơn.
Bạn có thể cảm thấy thư giãn hơn nếu hiểu biết rõ về quá trình chuyển dạ. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy tự chủ hơn và bớt sợ hãi về những gì sẽ xảy ra. Nếu bạn có những thắc mắc, băn khoăn về vấn đề gì, bạn nên nói chuyện và đặt câu hỏi với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ. Tham gia các các lớp học tiền sản cũng là ý tưởng hay.
Học cách thư giãn, giữ bình tĩnh và hít thở sâu. Để thư giãn, điều quan trọng là phải chú ý đến hơi thở của bạn. Điều này giống như cách bạn làm khi nâng tạ. Hãy tập trung vào hơi thở của mình và giải phóng nó, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm trong người. Học cách thở chậm và đều đặn trong chuyển dạ giúp bạn tập trung và giữ bình tĩnh. Thông thường, hơi thở của bạn phản ánh với cảm giác mà bạn cảm nhận. Nó có thể tăng nhẹ khi các cơn co thắt xảy đến. Nếu điều đó xảy ra, bạn cần tập trung và ổn định nhịp thở.
Chồng, người thân, bạn bè bên cạnh trong quá trình chuyển dạ, có thể giúp bạn giảm căng thẳng, lo lắng và an tâm hơn.
2.1. Tê ngoài màng cứng
Đây là phương pháp gây tê cục bộ. Nó làm tê liệt các dây thần kinh mang đến cảm giác đau ở đường dẫn truyền thần kinh cảm giác.
Trong 10 năm qua, tê ngoài màng cứng để giảm đau khi sinh đã phát triển đáng kể. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để giảm đau trong mổ và sau mổ ở các phẫu thuật khác nhau.
Đối với hầu hết phụ nữ, tê ngoài màng cứng giúp giảm đau hoàn toàn. Thuốc gây tê ngoài màng cứng có thể giúp giảm đau rất tốt, nhưng nó không phải lúc nào cũng hiệu quả trong quá trình chuyển dạ. Hiệp hội Bác sĩ gây mê sản khoa ước tính rằng 1 trong 10 phụ nữ khi được gây tê ngoài màng cứng cần sử dụng các phương pháp giảm đau khác. Nó có thể hữu ích cho những sản phụ đang có một cuộc chuyển dạ kéo dài hoặc đặc biệt đau đớn. Kĩ thuật này có thể thực hiện ở bất cứ lúc nào trong quá trình chuyển dạ.
Bác sĩ gây mê là người duy nhất có thể thực hiện gây tê ngoài màng cứng. Vì vậy phương pháp này sẽ không có sẵn ở nhà.
Các nghiên cứu cho thấy rằng tê ngoài màng cứng không ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ kéo dài hay nguy cơ mổ lấy thai.
Tùy thuộc vào sức khỏe của em bé và thai kỳ, và đặc thù của chuyển dạ và sinh nở mà giảm đau ngoài màng cứng có thể không phải là lựa chọn cho bạn. Nếu bạn bị các vấn đề về rối loạn đông máu, vẹo cột sống, nhiễm trùng tại chỗ đâm kim hoặc nhiễm trùng huyết thì tê ngoài màng cứng sẽ không được thực hiện.
Quy trình thực hiện
Bạn sẽ được hướng dẫn tư thế nằm nghiêng hoặc ngồi sao cho bác sĩ gây mê xác định được vị trí đi kim tốt nhất. Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch lưng của bạn bằng thuốc sát trùng. Tiếp theo là gây tê một vùng nhỏ bằng thuốc gây tê cục bộ. Và bác sĩ sẽ đâm kim tại vị trí thắt lưng ở đường giữa cột sống của bạn. Sau đó, sẽ luồn catheter ( ống thông) vào khoang ngoài màng cứng.
Thuốc giảm đau đươc cung cấp qua catheter thông qua việc truyền chậm liên tục qua bơm tiêm tự động. Thuốc (thường là hỗn hợp thuốc gây tê cục bộ và opioid) được dùng qua ống thông này. Mất khoảng 10 phút để hoàn thành phương pháp này. Và thêm 10-15 phút nữa để thuốc bắt đầu có tác dụng.
Nếu bạn phải sanh mổ và catheter hoạt động hiệu quả thì bác sĩ gây mê có thể bơm thuốc qua cathater để thực hiện cuộc mổ sanh.Vì vậy, bạn không phải chịu thêm 1 lần đâm kim đau đớn hay nhận thêm nhiều thuốc mê khác nhau trong quá trình mổ.
Thuốc tê sẽ lan dọc khoang ngoài màng cứng thấm vào các sợi thần kinh để ngăn chặn các tín hiệu thần kinh chịu trách nhiệm cho cảm giác đau từ phần dưới cột sống của bạn.
Trong quá trình truyền thuốc tê, bạn sẽ được theo dõi các chỉ số mạch, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu động mạch để phát hiện các thay đổi sinh lý của cơ thể với thuốc tê. Các cơn co thắt tử cung và nhịp tim của em bé cũng sẽ cần phải được theo dõi liên tục.
Hiểu biết được những ưu và nhược điểm của gây tê ngoài màng cứng trong giảm đau khi sinh có thể giúp bạn đưa ra quyết định lựa chọn tốt nhất cho bạn và em bé.
Ưu điểm
- Giảm đau
Tê ngoài màng cứng là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giảm đau khi sinh.
Phương pháp này phát huy tác dụng nhanh chóng. Nó có thể bắt đầu phát huy tác dụng giảm đau trong vòng 10 đến 20 phút sau tiêm thuốc. Hầu hết các sản phụ trải qua phương pháp tê ngoài màng cứng đều cảm thấy ít hoặc không đau khi chuyển dạ và sinh nở.
- Giúp nghỉ ngơi
Bạn không phải mất sức chịu đựng, vật lộn với các cơn đau đớn chuyển dạ. Điều này giúp bạn được nghỉ ngơi nhiều hơn. Cơ thể sẽ dành sức lực này cho quá trình sinh bé, khi cổ tử cung của bạn mở hoàn toàn.
Bạn có thể thư giãn và có một tinh thần tích cực, thoải mái hơn để chuẩn bị cho các giai đoạn khó khăn sau đó.
- Giúp tỉnh táo
Nó có thể giúp bạn tỉnh táo để tham gia tích cực, thực hiện các y lệnh của bác sĩ để quá trình sinh nở của bạn được diễn ra thuận lợi. Nó cũng giúp bạn bớt khó chịu nếu trong quá trình sinh bé có khó khăn. Ví dụ trong trường hợp bác sĩ cần đến các dụng cụ đặc biệt chuyên dụng để đưa bé ra ngoài.
- Giảm đau sau sanh hay sau mổ
Catheter đặt trong khoang ngoài màng cứng có thể lưu tại đó trong 24 – 48 giờ sau sanh hay mổ. Tùy thuộc vào mức độ đau mà bạn có thể chịu đựng. Khi đó bác sĩ có thể cung cấp thuốc tê truyền liên tục qua catheter để giảm đau.
Nhược điểm
- Thuốc tê có thể khiến chân bạn cảm thấy tê nhẹ, nặng nề. Mức độ tùy thuộc vào loại thuốc và liều lượng, nồng độ thuốc được sử dụng.
- Huyết áp thấp
Thuốc tê có thể làm giảm huyết áp của bạn. Nhưng điều này rất hiếm xảy ra vì dịch truyền được truyền qua tay của bạn sẽ duy trì được huyết áp cần thiết. Huyết áp sẽ được theo dõi trong suốt quá trình chuyển dạ để đảm bảo lưu lượng máu đầy đủ đến em bé và khắp cơ thể. Nếu huyết áp của bạn thấp. Bác sĩ có thể truyền dịch, dùng thuốc để nâng huyết áp.
- Run hoặc ngứa do tác dụng của thuốc tê
- Nhức đầu do đâm thủng màng cứng là cực kỳ hiếm. Nó xảy ra chỉ trong 1 phần trăm bệnh nhân.
- Mặc dù rất hiếm, tổn thương thần kinh tạm thời hay vĩnh viễn là có thể nếu tủy sống bị tổn thương do kim hoặc ống thông đâm trúng. Hoặc chảy máu, nhiễm trùng ở khu vực ngoài màng cứng.
- Khó khăn khi đi tiểu
Bạn cần một ống thông tiểu để làm trống bàng quang của bạn. Đừng quá lo lắng, đây chỉ là tạm thời. Ống thông tiểu có thể được loại bỏ khi triệu chứng tê chân của bạn đã được giải quyết
- Đau lưng: triêu chứng này có thể xuất hiện ở một số sản phụ. Do trong quá trình đi kim, làm tổn thương các dây chằng ở cột sống. Bạn đừng quá lo lắng, đau lưng sẽ hết trong khoảng vài tuần khi các dây chằng được bình phục.
2.3. Nitơ oxit
Đây là loại khí không mùi. Nó là một loại thuốc giảm đau dạng hít được dùng qua mặt nạ cầm tay và có hiệu lực trong vòng một phút. Oxit nitơ có thể được sử dụng liên tục hoặc khi cần thiết trong quá trình chuyển dạ. Nó không hoàn toàn loại bỏ cơn đau. Giảm đau đòi hỏi phải hít vào khoảng 30 giây trước khi cơn co thắt xảy ra. Tác dụng phụ có thể bao gồm:
- chóng mặt
- buồn ngủ
- buồn nôn, nôn
2.4. Nước
Nhiều phụ nữ nhận thấy quá trình chuyển dạ xảy ra rất nhẹ nhàng trong nước ấm. Hơi ấm của nước làm thư giãn cơ bắp. Bên cạnh đó, nước hỗ trợ sự nổi của cơ thể, giúp giảm áp lực lên xương chậu của bạn.
Phương pháp giảm đau khi sinh tự nhiên này ngày càng có sẵn cho phụ nữ. Nhiều bệnh viện và trung tâm sinh sản có dịch vụ cung cấp các bồn tắm để hỗ trợ quá trình sinh. Tùy vào chính sách của bệnh viện và liệu có bác sĩ hay nữ hộ sinh nào được đào tạo bài bản về quá trình đỡ sinh dưới nước hay không mà phương pháp này có thể được áp dụng.
2.5. Các phương pháp giảm đau khác
Một số phụ nữ có thể chọn phương pháp điều trị giảm đau như châm cứu, liệu pháp mùi hương, thôi miên, xoa bóp và bấm huyệt. Hầu hết các kỹ thuật này không được chứng minh là có tác dụng giảm đau hiệu quả.
Nếu bạn muốn sử dụng bất kỳ phương pháp nào trong số này, điều quan trọng là thảo luận chúng với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn và cho bệnh viện biết trước. Hầu hết các bệnh viện sẽ có một số phương pháp giảm đau phù hợp cho bạn. Nếu bạn muốn thử bất kỳ kỹ thuật nào trong số này, hãy đảm bảo rằng người hành nghề được đào tạo và có kinh nghiệm thực hiện.
Tóm lại, giảm đau khi sinh có nhiều phương pháp. Trên đây là những phương pháp thường được áp dụng và đem lại hiệu quả cao. Bạn cần tìm hiểu rõ về quá trình chuyển dạ và các phương pháp giảm đau để chuẩn bị thật tốt cho chuyển dạ. Lựa chọn bệnh viện chuyên sâu về sản khoa và thảo luận với bác sĩ để tìm kiếm phương pháp giảm đau phù hợp. Quan trọng nhất là giữ tinh thần luôn được thoải mái và hãy tin tưởng vào bác sĩ, nữ hộ sinh của bạn nhé!
Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.