Giảm testosterone ở nam giới: Khi đàn ông thiếu chất đàn ông
Nội dung bài viết
Testosterone là một nội tiết tố quan trọng đối với sức khoẻ nam giới. Sự thay đổi nồng độ trong máu của testosterone có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và gợi ý có thể đang có những bất thường đang xảy ra trong cơ thể người đàn ông. Việc giảm testosterone còn làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới thông qua nhiều cơ chế. Hãy cùng tìm hiểu biểu hiện của việc giảm testosterone ở nam giới, nguyên nhân và cách điều trị cùng bác sĩ Hoàng Lê Trung Hiếu bạn nhé.
1. Testosterone là gì?
Testosterone là một nội tiết tố nam được tạo ra chủ yếu từ tinh hoàn. Đây là nội tiết đóng vai trò cực kì quan trọng trong sự phát triển và duy trì chức năng sinh dục bình thường của nam giới. Trong những năm dậy thì, testosterone giúp bé trai phát triển các nét đặc trưng của nam giới trưởng thành như mọc râu, lông trên cơ thể, giọng nói trở nên trầm hơn, và tăng sức mạnh cơ bắp,… Ngoài ra, người đàn ông cần có testosterone để sản xuất tinh trùng. Nồng độ testosterone thường giảm cùng tuổi tác, nên những người đàn ông lớn tuổi thường có nồng độ testosterone trong máu thấp hơn.
2. Giảm nồng độ testosterone là gì?
Một số người nam có nồng độ testosterone thấp. Tình trạng suy giảm khiến cơ thể không có đủ lượng nội tiết tố nam cần thiết. Khi thiếu testosterone, sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như hệ cơ xương, hệ tim mạch và đặc biệt là hệ cơ quan sinh sản. Vì ảnh hưởng nhiều cơ quan, tình trạng này còn được gọi là hội chứng suy giảm testosterone. Hội chứng là tập hợp của nhiều triệu chứng, đi chung với nhau gợi ý một căn bệnh hay một tình trạng bất thường sức khoẻ.
>> Xem thêm: Rocket 1h là gì? Rocket 1h có tác dụng gì? Khám phá cách sử dụng
3. Nguyên nhân của testosterone trong máu thấp
Khi nam giới già đi, lượng testosterone trong cơ thể sẽ giảm dần. Hiện tượng này bắt đầu xảy ra sau tuổi 30 và tiếp tục trong những năm về sau. Một số nguyên nhân khác liên quan đến giảm testosterone trong máu gồm:
-
- Chấn thương, viêm nhiễm hoặc mất tinh hoàn.
- Hoá trị hoặc xạ trị trong điều trị ung thư.
- Bất thường di truyền như hội chứng Klinefelter (dư 1 nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể).
- Rối loạn chức năng hạ đồi (một vùng quan trọng trong não giúp điều hoà nội tiết).
- Rối loạn cấu trúc/ chức năng tuyến yên (một tuyến nội tiết trong não tiết ra nhiều hormone quan trọng cho cơ thể).
- Các bệnh mãn tính.
- Suy thận mạn.
- Xơ gan.
- Do stress.
- Nghiện rượu.
- Béo phì (đặc biệt vùng bụng).
4. Triệu chứng của thiếu hụt testosterone
Các triệu chứng đặc hiệu thường liên quan trực tiếp đến thiếu hụt testosterone như:
-
- Giảm ham muốn tình dục.
- Giảm khả năng cương dương.
- Giảm lông cơ thể.
- Ít mọc râu.
- Mất khối cơ.
- Cảm thấy mệt mỏi trong phần lớn thời gian.
- Béo phì.
- Các triệu chứng của trầm cảm.
Giảm ham muốn tình dục là một trong những triệu chứng đặc trưng của giảm testosterone ở nam giới. Tìm hiểu ngay: Giảm ham muốn tình dục là gì và những nguyên nhân nào gây ra nó.
Một số triệu không đặc hiệu có thể gợi ý thiếu hụt testosterone như:
- Thiếu năng lượng, sức chịu đựng và sức mạnh thể chất.
- Trí nhớ kém.
- Gặp khó khăn trong tìm kiếm từ ngữ diễn đạt.
- Tập trung kém.
- Làm việc không hiệu quả.
5. Hậu quả của thiếu hụt testosterone
Không chỉ dừng lại ở việc gây các triệu chứng khó chịu cho nam giới, thiếu testosterone còn có thể góp phần vào việc khởi phát hoặc làm nặng thêm nhiều bệnh lý khác:
- Tăng nguy cơ mắc và tử vong vì bệnh lý tim mạch
- Tăng nguy cơ của hội chứng chuyển hoá: tăng huyết áp, thừa mỡ bụng, bất thường cholesterol máu, tăng nồng độ insulin (chất điều hoà đường huyết).
- Liên quan mạnh đến bệnh đái tháo đường.
- Tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt và liên quan đến một số dạng ung thư khác.
- Liên quan mạnh đến bệnh xơ vữa động mạch
6. Chẩn đoán testosterone thấp
Phương pháp chính xác duy nhất để chẩn đoán là thông qua xét nghiệm. Bác sĩ sẽ đo lường nồng độ testosteron trong máu của bạn. Tuy nhiên vì testosterone dao động theo thời gian trong ngày, có thể cần xét nghiệm nhiều lần để kết luận tình trạng thiếu hụt testosterone. Thông thường, testosterone được ưu tiên định lượng vào sáng sớm, khi nồng độ hormone này đạt đỉnh cao nhất trong ngày.
Mức testosterone bình thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA), mức testosterone bình thường ở nam là 300 ng/dL. Khi nồng độ testosterone máu dưới ngưỡng này sẽ được xem là testosterone thấp. Cũng cần lưu ý, từ 30 tuổi trở đi, mỗi năm nồng độ hormone này có thể giảm 1%. Xác định chẩn đoán thiếu hụt testosterone chỉ được thực hiện khi có triệu chứng trên lâm sàng và phải có tối thiểu 2 lần đo lường testosterone toàn phần lấy vào hai dịp khác nhau vào buổi sáng sớm.
7. Điều trị giảm testosterone như thế nào?
Khi tìm được nguyên nhân gây thiếu hụt testosterone cụ thể, việc điều trị sẽ tập trung để giải quyết nguyên nhân này. Trong trường hợp do u tuyến yên tiết quá nhiều nội tiết, có thể phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để chỉnh sửa và giải quyết nguyên nhân.
Trong trường hợp không thể xác định được rõ nguyên nhân, liệu pháp thay thế testosterone là lựa chọn điều trị phổ biến nhất.
Liệu pháp thay thế testosterone giúp tăng nồng độ testosterone của cơ thể thông qua việc bổ sung nguồn nội tiết này từ bên ngoài:
- Miếng dán da chứa testosterone
- Kem bôi da hàng ngày có tác dụng tương tự như miếng dán da.
- Testosterone dạng tiêm bắp mỗi 1-4 tuần.
- Cấy viên thuốc nhỏ chưa testosterone dưới da, giúp duy trì lượng hormone ổn định trong 4-6 tháng.
8. Lưu ý khi điều trị liệu pháp thay thế testosterone
Trước khi bắt đầu liệu pháp thay thế testosterone, cần lưu ý với bệnh nhân rằng đây là một điều trị suốt đời. Việc bổ sung testosterone từ nguồn gốc bên ngoài có thể làm giảm lượng testosterone tự nhiên do cơ thể tiết ra. Ngoài ra, bổ sung testosterone ngoại sinh còn làm tăng độ cô đặc của máu vì vậy cần phải theo dõi thường xuyên trong quá trình điều trị.
Nam giới có ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú không nên điều trị liệu pháp này. Tương tự ở nhóm nam giới có vấn đề nghiêm trọng về đường tiết niệu, suy tim không kiểm soát tốt hay ngưng thở khi ngủ trầm trọng. Nam giới trên 40 tuổi trước khi bắt đầu liệu pháp nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Điều này có thể được thực hiện qua khám trực tràng và xét nghiệm máu (PSA).
9. Tác dụng phụ của điều trị thay thế testosterone
Nhìn chung , liệu pháp này là an toàn. Tuy nhiên có thể liên quan đến một số tác dụng phụ bao gồm:
- Mụn trứng cá hoặc da dầu
- Ứ dịch nhẹ trong cơ thể
- Kích thích các mô tuyến tiền liệt, và có thể làm tăng thêm các triệu chứng đường tiểu như giảm dòng nước tiểu và số lần tiểu.
- Tăng nguy cơ bất thường tuyến tiền liệt
- Vú bị phì đại
- Tăng nguy cơ thuyên tắc mạch máu do cục máu đông
- Làm nặng thêm tình trạng ngưng thở khi ngủ
- Giảm kích thước tinh hoàn
- Làm tăng sự hung hăng và thay đổi khí sắc.
- Có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Một số chỉ số trong máu cũng có thể bị thay đổi:
- Tăng số lượng hồng cầu
- Thay đổi mỡ máu (cholesterol và các lipid khác)
- Giảm số lượng tinh trùng, có thể gây hiếm muộn (đặc biệt ở người nam trẻ tuổi)
- Tăng PSA- một chất thường do tuyến tiền liệt tiết ra
Lời kết
Testosterone có vai trò rất quan trọng trong sức khoẻ nam giới. Suy giảm nội tiết này có thể là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu có nguyên nhân cụ thể, việc điều trị tập trung vào bệnh lý nguyên nhân. Nếu không tìm ra được căn nguyên, liệu pháp thay thế testosterone có thể là lựa chọn phù hợp. Khi điều trị bổ sung testosterone từ bên ngoài có thể gây nên một số tác dụng phụ. Việc theo dõi định kì qua tăm khám cùng bác sĩ và xét nghiệm máu là hết sức cần thiết trong quá trình điều trị dài hạn bệnh lý này. Mời bạn cùng YouMed xem thêm về liệu pháp thay thế nội tiết tố nam tại đây nhé: Liệu pháp thay thế Androgen ở nam giới – Những điều cần biết?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Evaluation and Management of Testosterone Deficiency: AUA Guidelinehttps://www.auajournals.org/doi/full/10.1016/j.juro.2018.03.115
Ngày tham khảo: 15/05/2020