Giang mai bẩm sinh: triệu chứng, điều trị và cách phòng bệnh
Nội dung bài viết
Bệnh giang mai bẩm sinh là tình trạng giang mai ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ đang mang thai bị giang mai không được điều trị có thể lây nhiễm bệnh cho thai nhi. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm ở mẹ thì vẫn có thể giảm được nguy cơ lây bệnh cho bé. Sau đây, mời bạn hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu bệnh giang mai bẩm sinh nhé.
Tổng quan về bệnh giang mai bẩm sinh
Bệnh giang mai bẩm sinh (hay giang mai sơ sinh) là một loại nhiễm trùng đa cơ quan gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum và truyền cho thai nhi qua nhau thai.
Nguy cơ nhiễm trùng nhau thai sang thai nhi khoảng 60-80% và có khả năng tăng lên trong nửa sau của thai kỳ.1
Giang mai ở những giai đoạn sớm không điều trị thường có khả năng lây truyền cho thai nhi cao. Nếu bệnh ở các giai đoạn sau, khả năng lây truyền còn khoảng 20%.1
Bệnh giang mai không được điều trị trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai lưu và tử vong sơ sinh. Năm 2021, theo thống kê từ CDC Hoa Kỳ có 2,855 trường hợp giang mai sơ sinh được báo cáo. Trong đó, bao gồm ít nhất 220 trường hợp thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh.2
Xem thêm: Bệnh giang mai và thai kỳ: Những điều cần biết
Triệu chứng giang mai bẩm sinh
1. Bệnh giang mai bẩm sinh sớm
Bệnh giang mai bẩm sinh sớm thường biểu hiện trong 3 tháng đầu của cuộc sống. Các hiện tượng bao gồm:
- Các vết phỏng loét niêm mạc hoặc phát ban trên da và mẩn đỏ trên lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Nổi sần xung quanh mũi, miệng và trong vùng tã.
- Các tổn thương xuất huyết.
- Thường có nổi hạch toàn thân và gan lách to.
- Chậm tăng cân, chảy mủ hoặc lẫn máu vùng niêm mạc mũi gây ngạt tắc mũi.
- Một số trẻ sơ sinh có thể tiến triển viêm màng não, viêm sụn khớp, não úng thủy, hoặc gây khuyết tật về trí tuệ.
- Trong vòng 8 tháng tuổi đầu tiên, viêm xương khớp (viêm sụn quanh khớp), đặc biệt là các xương dài và xương sườn, có thể gây liệt vận động chi, những tổn thương đặc hiệu này có thể quan sát thấy trên X-quang.
2. Bệnh giang mai bẩm sinh muộn
Bệnh giang mai bẩm sinh muộn thường biểu hiện sau 2 năm và gây ra các hiện tượng như:
- Những vết loét sâu thường gặp ở mũi, vách ngăn, vòm khẩu cái cứng và các tổn thương sụn đầu xương, dẫn đến giảm phát triển của sụn đầu xương.
- Giang mai thần kinh thường không triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển gây liệt và teo cơ ở lứa tuổi thiếu niên.
- Teo thị giác, đôi khi dẫn đến mù lòa.
- Viêm giác mạc kẽ, tổn thương mắt phổ biến nhất, thường tái phát, đôi khi dẫn đến sẹo giác mạc.
- Khiếm thính do thần kinh cảm nhận (Sensorineural deafness) thường tiến triển tăng dần và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
- Tổn thương răng cửa Hutchinson, tổn thương dạng nhú răng hàm (răng hàm hình quả dâu tây – mulberry molars), vết nứt da quanh miệng (rhagades), sự rối loạn phát triển xương mặt tạo bộ mặt bất thường “bulldog facies” là đặc trưng, di chứng.
Có phải tất cả trẻ được sinh ra bị giang mai bẩm sinh sẽ có triệu chứng của bệnh giang mai không?
Không phải tất cả trẻ bị giang mai bẩm sinh đều có triệu chứng. Có thể có trẻ sơ sinh mắc bệnh nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.3
Tuy nhiên, nếu không được điều trị, trẻ có thể xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng trong vài tuần đầu hoặc sau này bệnh tiến triển, trẻ có thể bị chậm phát triển, co giật hoặc tử vong do nhiễm trùng.
Chẩn đoán giang mai bẩm sinh như thế nào?
1. Chẩn đoán giang mai bẩm sinh sớm
Chẩn đoán bệnh giang mai sơ sinh sớm thường dựa trên xét nghiệm huyết thanh mẹ. Thường được thực hiện sớm trong thai kỳ, lặp lại trong tam cá nguyệt thứ ba và lúc sinh.
Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm giang mai cần được thăm khám kỹ lưỡng, tiến hành nhuộm soi vi khuẩn học; hoặc nhuộm miễn nhiễm huỳnh quang ở bất kỳ tổn thương da, niêm mạc nào; và xét nghiệm định lượng nồng độ kháng thể theo thời gian (như RPR – Rapid Plasma Reagin hoặc VDRL – Venereal Disease Research Laboratory).
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có dấu hiệu lâm sàng bệnh, hoặc kết quả xét nghiệm huyết thanh học dương tính, nên được xét nghiệm dịch não tủy bằng cách chọc dò thắt lưng. Chẩn đoán được xác nhận khi phát hiện xoắn khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm dưới hình ảnh soi kính hiển vi.
2. Chẩn đoán giang mai bẩm sinh muộn
Chẩn đoán bệnh giang mai bẩm sinh muộn dựa vào:
- Tiền sử bệnh, các dấu hiệu lâm sàng đặc hiệu và xét nghiệm huyết thanh dương tính.
- Chẩn đoán lâm sàng dựa vào tam chứng Hutchinson: viêm giác mạc kẽ, tổn thương răng cửa Hutchinson và điếc do tổn thương thần kinh số 8.
Đôi khi các xét nghiệm huyết thanh học tiêu chuẩn cho kết quả âm tính nhưng xét nghiệm hấp thụ kháng thể treponema huỳnh quang (FTA-ABS) có thể dương tính. Vì thế việc chẩn đoán nên được cân nhắc với các trường hợp bị điếc không rõ nguyên nhân, suy giảm trí tuệ tiến triển, hay viêm giác mạc.
Bệnh giang mai bẩm sinh có chữa được không?
Bệnh giang mai bẩm sinh có thể chữa được. Trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị bệnh ngay lập tức trước khi xảy ra các tổn thương nghiêm trọng đến xương, mắt, răng,…
Điều trị giang mai bẩm sinh ở trẻ
Tùy vào tình trạng bệnh và sức khỏe của bé mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp. Điều trị giang mai thường là sử dụng kháng sinh, chủ yếu là penicillin dưới dạng tiêm hoặc truyền.
Trường hợp trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh sẽ có chỉ định nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ về quy trình điều trị và sử dụng thuốc kháng sinh tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Phòng bệnh giang mai ở trẻ sơ sinh
Để phòng bệnh giang mai ở trẻ sơ sinh, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ người mẹ. Cần sàng lọc trước sinh sớm và điều trị ngay bằng penicillin nếu phát hiện bệnh.
1. Xét nghiệm giang mai ở lần khám thai đầu tiên
Xét nghiệm bệnh giang mai trong lần khám thai đầu tiên là quan trọng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, người mẹ cần được điều trị ngay lập tức. Cần lưu ý (những) bạn tình của mẹ cũng phải được điều trị. Ngay cả sau khi đã được điều trị thành công, người bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm. Do đó, cần thực hiện các hành động để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
2. Phòng ngừa mắc giang mai trước và trong khi mang thai
Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai trước và trong khi mang thai, nên thực hiện các biện pháp sau:
- Có mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài với bạn tình đã được xét nghiệm và không mắc bệnh giang mai.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn mỗi khi quan hệ tình dục. Mặc dù bao cao su có thể giúp ngăn ngừa lây truyền giang mai bằng cách ngăn ngừa tiếp xúc với vết loét. Nhưng nên biết rằng đôi khi vết loét giang mai xuất hiện ở nhiều vùng khác và việc tiếp xúc với những vết loét này vẫn có thể truyền bệnh giang mai.
Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh giang mai bẩm sinh. Mong rằng bạn đọc có thể cập nhật kiến thức, có một lối sống an toàn, lành mạnh, bảo vệ con trẻ và bản thân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bacterial and Protozoan Infections in Pregnancyhttps://www.glowm.com/article/heading/vol-6--pregnancy-complaints-and-complications-clinical-presentations--bacterial-and-protozoan-infections-in-pregnancy/id/416363#Congenital%20syphilis
Ngày tham khảo: 25/03/2023
-
National Overview of STDs, 2021https://www.cdc.gov/std/statistics/2021/overview.htm
Ngày tham khảo: 25/03/2023
-
Congenital Syphilis – CDC Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-congenital-syphilis.htm
Ngày tham khảo: 25/03/2023