YouMed

Giang mai mũi: Triệu chứng và cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ NGUYỄN KIỀU VIỆT NHI
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Kiều Việt Nhi
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Giang mai – “Syphilis” là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nó được xem là một bệnh xã hội. Dấu hiệu của bệnh giang mai rất nhiều, do đó dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Giang mai mũi khá thường gặp, vì mũi là “địa bàn hoạt động ưa thích” của xoắn khuẩn giang mai. Bệnh thường xuất hiện khoảng 3 – 4 năm sau khi mắc giang mai. Thương tổn phổ biến là gôm. Thương tổn này có thể gây hoại tử xương, hoại tử sụn và để lại sẹo co dúm vùng mũi. Sau đây mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Kiều Việt Nhi tìm hiểu về giang mai mũi nhé!

Các con đường lây truyền bệnh giang mai

Ngoài đường tình dục, bệnh giang mai còn có thể lây qua đường máu, qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ với người bệnh hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai. 

Để hiểu rõ hơn về các con đường lây truyền bệnh, bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết Bệnh giang mai lây qua đường nào? của YouMed nhé!

Các con đường lây truyền bệnh giang mai
Các con đường lây truyền bệnh giang mai

Triệu chứng giang mai mũi

Khi nói đến giang mai mũi, người ta thường nghĩ đến gôm mũi vì thể này rất hay gặp.

1. Giai đoạn đầu

Các triệu chứng không điển hình gồm nghẹt mũi, nhức đầu, viêm đỏ da vùng mũi…

  • Ngạt mũi một bên hoặc hai bên có kèm theo chảy dịch nhầy hay dịch mủ có mùi hôi.
  • Nhức đầu về ban đêm, người bệnh đau ở xoang trán, ở rễ mũi.
  • Da ở mũi phù nề, đỏ, nắn tháp mũi đau.
  • Nội soi mũi sẽ thấy một trong hai loại thương tổn là thâm nhiễm lan toả và thâm nhiễm khu trú.

Với thâm nhiễm lan tỏa, niêm mạc vách ngăn, cuốn mũi dày, đỏ, vách ngăn phình to đến sát cuốn mũi. Chấm cocain và adrenalin (Rhinex) vào niêm mạc không co lại. Trong giai đoạn này nếu dùng thuốc chống giang mai, viêm sẽ rút lại, nếu không sẽ biến thành gôm.

Còn thâm nhiễm khu trú thường ở phần sau của vách ngăn mũi. Niêm mạc ở đây đỏ bầm và sưng phồng lên, hình thành một khối u tròn chắc bằng đầu ngón tay gọi là gôm. U gôm trở nên mềm, vỡ ra và tiết chất vàng đặc như keo có pha lẫn ít máu. Sau khi gôm vỡ, người bệnh thấy bớt nhức đầu.

2. Giai đoạn xương chết

Sang giai đoạn này người bệnh không đau và bớt ngạt mũi nhưng lại chảy ra mủ lẫn máu rất thối, đôi khi người bệnh xì ra một vài mảnh xương chết màu đen. Hố mũi đầy vảy đen hoặc xanh. Dùng kẹp gắp có thể di động được xương chết. Sau khi mảnh xương chết rụng đi, hai hố mũi ăn thông với nhau bằng một lỗ rộng.

Giang mai di truyền (hay giang mai bẩm sinh) ở trẻ em xuất hiện như thế nào?

1. Giang mai thể sớm

Ở thể sớm, giang mai di truyền biểu hiện giống như tình trạng viêm mũi cấp ở trẻ nhỏ. Bệnh xuất hiện vài tuần sau khi trẻ ra đời và có những đặc điểm như: nước mũi đục lẫn máu, mùi thối, vảy mũi kèm theo nẻ và loét cửa mũi. Mũi hoàn toàn tắc tịt, bé bú khó khăn.

Ngoài ra bé thường bị gan to, lách to, hoặc có những ban giang mai (sypIlilide) đỏ.

Di truyền biểu hiện giống như tình trạng viêm mũi cấp ở trẻ nhỏ
Di truyền biểu hiện giống như tình trạng viêm mũi cấp ở trẻ nhỏ

Tiên lượng không được tốt lắm vì bệnh này thường gây ra teo niêm mạc hoặc sẹo dính trong hố mũi.

Với bệnh loét mũi kéo dài của trẻ em, nên nghĩ ngay đến giang mai và phải thử xét nghiệm cho mẹ bé.

2. Giang mai muộn

Bệnh thường bắt đầu vào khoảng 10 tuổi hoặc 15 tuổi.

Bệnh diễn biến dưới thể gôm như giang mai của người lớn. Vị trí chính của gôm là ở tháp mũi nhưng đôi khi bệnh khu trú ở xương hàm, xương trán…

Giang mai muộn cũng có thể diến biến dưới hình thức quá phát xương do viêm xương mãn tính gây ra. Người bệnh bị nhức đầu hoặc đau xương trán về đêm.

Có thể tìm thấy một số triệu chứng của giang mai bẩm sinh ở các bệnh nhân này như viêm giác mạc xen kẽ, răng biến dạng và điếc (tam chứng Hutchinson).

Giang mai mũi có thể nhầm với những bệnh nào?

  • Trong giai đoạn đầu dễ nhầm giang mai mũi với viêm mũi quá phát hoặc áp xe vách ngăn. Với hai bệnh này, người bệnh có tiền sử ngạt mũi từ lâu hoặc bị chấn thương ở mũi.
  • Cũng có thể nhầm giang mai mũi với lupus và lao mũi, nhưng trong lupus không có hiện tượng lộ xương hoặc hoại tử xương. Nên làm sinh thiết để thấy những bệnh tích lao hoặc nghi ngờ ung thư mũi.
  • Nếu thương tổn mũi đã thành sẹo, có vảy, dễ nhầm với trĩ mũi nhưng trong trĩ mũi không bị thủng vách ngăn và không dính niêm mạc.
  • Nên chẩn đoán phân biệt giang mai mũi với granuloma ác tính nhất là khi bệnh này chưa loét ra ngoài da.

Chẩn đoán bệnh giang mai như thế nào?

1. Tìm xoắn khuẩn giang mai

  • Lấy bệnh phẩm là dịch tiết từ săng, mảng niêm mạc, sẩn giang mai, hạch soi kính hiển vi để tìm xoắn khuẩn giang mai.
  • Nhuộm Fontana Tribondeau sẽ thấy xoắn khuẩn dưới dạng lò xo.

2. Phản ứng huyết thanh

Lấy máu, chiết lấy huyết thanh để thực hiện các phản ứng huyết thanh:

  • Phản ứng cổ điển (không đặc hiệu): phản ứng kết hợp bổ thể (BW), phản ứng lên bông (Kahn Citochol,…).
  • Những phản ứng có sự tham gia của các kháng nguyên cardiolipin: RPR, VDRL.
  • Phản ứng đặc hiệu: Phản ứng bất động xoắn khuẩn (TPI), phản ứng miễn dịch huỳnh quang (FTA – Abs), phản ứng ngưng kết hồng cầu (TPHA hay MHA – TP)…

Điều trị

Giang mai trước kia là bệnh không chữa được nên làm người ta khiếp sợ, nhưng ngày nay có thể điều trị giang mai được bằng thuốc kháng sinh phù hợp.

Ngoài ra, trong giang mai mũi, việc chăm sóc vết thương tại chỗ rất quan trọng.

  • Nếu có xương chết phải được gắp ra. 
  • Trường hợp niêm mạc mũi bị teo và có vảy, phải được rửa mũi hàng ngày bằng dung dịch mặn đẳng trương và bôi các loại mỡ kháng sinh tại chỗ.
  • Khi có sẹo biến dạng mũi, nên phẫu thuật chỉnh hình sửa lại sau khi đã chữa hết giang mai. 

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin về giang mai mũi. Hiện nay, giang mai vẫn chưa có vac-xin chủng ngừa hiệu quả. Do đó, không quan hệ tình dục hay tiếp xúc vật lý trực tiếp với người bị bệnh. Bệnh giang mai dễ dàng chữa khỏi ở giai đoạn đầu. Bệnh sẽ trở nên nguy hiểm với nhiều biến chứng nếu không được khám và điều trị kịp thời. Việc bạn cần làm ngay khi nghi ngờ mình mắc bệnh là hãy đi đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn và tiến hành xét nghiệm giang mai.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Syphilis on the face in primary care: a rare sign of an increasingly common problemhttps://bjgp.org/content/66/648/e528

    Ngày tham khảo: 10/03/2020

  2. Treatment of Treponema pallidum (syphilis)https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/249572/9789241549806-eng.pdf

    Ngày tham khảo: 10/03/2020

  3. BỆNH GIANG MAI (Syphilis)https://vncdc.gov.vn/benh-giang-mai-nd14525.html

    Ngày tham khảo: 10/03/2020

  4. Hình ảnh người bị giang mai mũi

    https://usmlepathslides.tumblr.com/page/37#20952473462

    Ngày tham khảo: 10/03/2020

  5. Võ Tấn. Tai Mũi Họng thực hành, Giang mai mũi.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người