Glucovance (Metformin/Glibenclamid): Công dụng, cách dùng và những lưu ý
Glucovance (Metformin/Glibenclamid) là thuốc kết hợp giữa hoạt chất Metformin và Glibenclamid. Hai nhóm này dùng để điều trị bệnh đái tháo đường. Vậy tại sao lại kết hợp hai thuốc cùng chữa 1 bệnh với nhau? Liệu có hiệu quả hay không? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Dược sĩ Trần Thị Thùy Linh.
Thành phần hoạt chất: metformin, glibenclamid.
Thuốc có thành phần tương tự: GliritDHG.
Nội dung bài viết
Glucovance(Metformin/ Glibenclamid) là thuốc gì ?
Glucovance chứa metformin và glibenclamid. Cả hai đều có tác dụng điều trị bệnh đái tháo đường nhưng tác dụng theo những cơ chế khác nhau.
Metformin làm giảm đường huyết trước và sau ăn bằng cách:
- Giảm sự tạo đường ở gan, tăng chuyển hóa đường thành dạng dự trữ ở gan.
- Tăng sử dụng đường ở cơ và ngoại biên.
- Giảm hấp thu đường vào cơ thể ở ruột do đó làm giảm đường trong máu.
- Không kích thích tiết insulin nên không gây hạ đường huyết quá mức.
- Ngoài ra metformin còn có tác dụng giảm cholesterol toàn phần, LDL cholesterol và triglycerid.
Glibenclamid gây hạ đường huyết cấp bằng cách kích thích tiết insulin (hormon giúp điều hòa đường huyết trong máu) ở tuyến tụy. Sự kích thích bài tiết insulin của glibenclamid nhằm đáp ứng với bữa ăn là chủ yếu. Glibenclamid trong bệnh tiểu đường có tác dụng hạ đường huyết sau ăn.
Metformin và glibenclamid có cơ chế và vị trí tác dụng khác nhau, nhưng tác dụng bổ sung cho nhau. Glibenclamid kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, trong khi metformin làm tăng hiệu quả hoạt động của insulin.

Glucovance sử dụng trong trường hợp nào? Liều dùng ra sao?
Cũng như tất cả các thuốc hạ đường huyết, liều dùng cho mỗi bệnh nhân phụ thuộc vào sự đáp ứng chuyển hóa của từng người. Tùy theo kết quả xét nghiệm đường huyết của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định về liều phù hợp.
Viêc điều chỉnh liều nên được thực hiện mỗi 2 tuần hoặc hơn phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm đường huyết. Sự tăng liều từ từ có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát cơn hạ đường huyết.
Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều lượng phù hợp. Số lần dùng thuốc phụ thuộc vào liều lượng của từng bệnh nhân:
- Một lần mỗi ngày, dùng vào bữa điểm tâm sáng
- Hai lần một ngày, buổi sáng và tối.
- Ba lần một ngày, vào buổi sáng, trưa và tối.
Nên uống thuốc trước khi ăn. Số lần dùng thuốc nên được điều chỉnh tùy theo thói quen ăn uống của bệnh nhân. Uống thuốc phải đi kèm với một bữa ăn chứa đủ dưỡng chất để ngăn ngừa cơn hạ đường huyết.
Người lớn tuổi: Liều dùng của nên được điều chỉnh dựa trên giới hạn chức năng thận (bắt đầu với metformin/glibenclamid 500 mg/2,5 mg); cần thường xuyên kiểm tra chức năng thận.
Thuốc Glucovance không được sử dụng trong trường hợp nào?
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc với các sulphonamid khác.
- Đái tháo đường type I (phụ thuộc insulin), nhiễm toan thể xeton tiểu đường, tiền hôn mê đái tháo đường.
- Suy giảm chức năng thận.
- Suy gan.
- Nhiễm trùng nặng (như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu,…).
- Mất nước (ví dụ trường hợp tiêu chảy thường xuyên, nôn mửa lập đi lập lại,…).
- Có cơn đau tim gần đây, suy tim, suy hô hấp.
- Uống nhiều đồ uống có cồn.
- Rối loạn chuyển hóa của cơ thể.
- Uống kèm với thuốc chống nấm miconazol.
- Phụ nữ đang cho con bú.
Cần lưu ý gì khi sử dụng Glucovance (metformin/glibenclamid)?
- Chống chỉ định sử dụng kết hợp Glucovance và Miconazol vì làm hạ đường huyết quá mức, có thể khởi đầu với các biểu hiện hạ đường huyết, hoặc ngay cả hôn mê.
- Tránh sử dụng đồ uống có cồn chung với thuốc Glucovance do tác dụng làm hạ đường huyết quá mức, gây hôn mê. Ngộ độc cấp tính làm tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic, đặc biệt ở trường hợp đói hoặc kém dinh dưỡng, suy tế bào gan thường gặp ở những người nghiện rượu bia.
Phenylbutazon cũng làm tăng tác dụng hạ đường huyết của Glucovance. Nên đổi sang thuốc khác. Nếu cần thiết phải sử dụng kết hợp thì nên điều chỉnh liều trong quá trình điều trị và sau khi ngừng thuốc. - Chlorpromazin, corticosteroid, tetracosactid cũng làm tăng đường huyết. Cần chú ý điều chỉnh liều khi sử dụng kết hợp.
- Thuốc lợi tiểu với Glucovance làm tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic.
- Chất cản quang có iod: Sử dụng chất cản quang có chứa iod bằng đường tĩnh mạch có thể dẫn tới suy thận. Điều này có thể dẫn đến việc tích tụ metformin và nguy cơ nhiễm toan acid lactic
- Thuốc chẹn beta che dấu vài triệu chứng của hạ đường huyết có thể gặp phải ở bệnh nhân sử dụng Glucovance với liều không phù hợp gây hạ đường huyết quá mức.
Cần thông báo cho bác sĩ biết tiền sử dùng thuốc của bạn kể cả đó là vitamin, thảo dược để bác sĩ có chỉ định phù hợp.
Các tác dụng bất lợi có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc Glucovance?
- Giảm glucose huyết.
- Giảm sự hấp thu vitamin B12 kèm theo sự giảm nồng độ trong huyết thanh khi dùng metformin lâu dài.
- Rối loạn vị giác.
- Rối loạn thị giác thoáng qua có thể xảy ra lúc bắt đầu điều trị do sự giảm nồng độ glucose huyết.
- Rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chán ăn. Để ngăn ngừa, Glucovance được khuyến cáo dùng mỗi ngày 2 hoặc 3 lần. Sự tăng liều chậm cũng có thể cải thiện dung nạp ở đường tiêu hóa.
Bảo quản thuốc như thế nào?
Bảo quản nơi khô ráo tránh ánh sáng trực tiếp. Để xa tầm tay trẻ em.
Bệnh nhân phải sử dụng thuốc Glucovance lâu dài nên vấn đề tuân thủ sẽ dụng thuốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe. Đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính không thể điều trị ngày một ngày hai mà hết được. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện hoặc có bất cứ thắc mắc nào cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa nội tiết để tư vấn và thăm khám đầy đủ.
Cài đặt ngay ứng dụng YouMed để đặt khám tiện lợi, không chờ đợi tại hơn 25 bệnh viện, 475 bác sĩ và 50 phòng khám đa khoa liên kết chính thức với YouMed. Hotline tư vấn 1900 2805 .
Các tính năng rất hữu ích của ứng dụng đặt khám YouMed

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Chat miễn phí
với bác sĩ

Video call
với bác sĩ

Nhận và lưu trữ hồ sơ, toa thuốc, lịch sử khám

Mua trực tuyến các sản phẩm y tế, sức khỏe chính hãng

Đọc tin y tế
chính thống