YouMed

Vitamin B12 (cobalamin) và những điều bạn cần biết

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Vitamin B12 là một loại vitamin rất quen thuộc đối với mọi người. Tuy nhiên, liệu bạn đã hiểu rõ và hiểu đúng về vitamin này chưa? Hãy cùng YouMed tìm hiểu tất tần tật về loại vitamin vô cùng cần thiết này bạn nhé!

Vitamin B12 là gì?

Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng có vai trò bảo vệ các tế bào thần kinh khỏe mạnh. Đồng thời, nó giúp tạo ra DNA, là vật liệu di truyền trong tất cả các tế bào, đặc biệt là tế bào hồng cầu. Vitamin này cũng giúp ngăn ngừa thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ khiến người bệnh mệt mỏi và suy nhược.

Vitamin B12 hay còn gọi là cobalamin
Vitamin B12 hay còn gọi là cobalamin

Vitamin B12 từ thức ăn được hấp thu vào cơ thể qua 2 bước cơ bản sau:

  • Đầu tiên, axit trong dạ dày tách vitamin B12 ra khỏi protein (tức là tách vitamin này ra khỏi thức ăn);
  • Sau đó, vitamin này kết hợp với một loại protein do dạ dày tạo ra, được gọi là yếu tố nội tại. Cuối cùng chúng mới được cơ thể hấp thu.

Thực tế, một số người bị thiếu máu ác tính, họ không thể tạo ra yếu tố nội tại. Kết quả là họ gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin B12 từ tất cả các loại thực phẩm và từ thực phẩm chức năng.

Vitamin B12 có tác dụng gì?

Các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm về để hiểu nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng của vitamin B12 mà họ đã nghiên cứu được:

Sản sinh hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu

Thiếu vitamin B12 làm giảm sự sản sinh các tế bào hồng cầu bình thường. Chúng sẽ trở nên lớn hơn và dễ vỡ. Khi bạn bị thiếu máu, các tế bào hồng cầu sẽ không đủ để vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể. Từ đó xuất hiện các triệu chứng suy nhược, mệt mỏi.

Ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh

Hàm lượng vitamin B12 ở thai phụ thấp có nguy cơ dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ, cũng như tăng khả năng sinh non. Thiếu vitamin này ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có liên quan đến khả năng chậm phát triển. Vì những lý do này, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên có khẩu phần vitamin B12 hàng ngày cao hơn người bình thường.

Vitamin B12 giúp ngăn ngừa khuyết tật ở trẻ sơ sinh
Vitamin B12 giúp ngăn ngừa khuyết tật ở trẻ sơ sinh

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Các nhà khoa học đã nghĩ rằng, loại vitamin này có thể hữu ích vì chúng làm giảm nồng độ homocysteine trong máu. Đây là một hợp chất có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy, việc bổ sung vitamin B12 (cùng với axit folic và vitamin B6) không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tăng cường trí não

Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến đến mất trí nhớ, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Một nghiên cứu được thực hiện trên những bệnh nhân mất trí giai đoạn đầu cho thấy rằng, vitamin B12 kết hợp cùng Omega 3 giúp làm giảm sự sa sút trí tuệ.

Bổ sung năng lượng

Các quảng cáo thường đề cao việc bổ sung vitamin B12 như một cách để tăng cường năng lượng hoặc sức bền. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy làm tăng năng lượng hoặc cải thiện thành tích thể thao ở những người không bị thiếu vitamin.

Vitamin B12 có trong thực phẩm nào?

Tất cả mọi người nên ưu tiên bổ sung các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống hằng ngày. Thực tế cho thấy, thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và nhiều thành phần khác có lợi cho sức khỏe.

Trong tự nhiên, vitamin B12 được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật. Chúng bao gồm: cá, thịt, gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Dưới đây là một vài thực phẩm giàu vitamin B12:

  • Nghêu nấu chín – 85 gram: cung cấp 84,1 mcg vitamin B12, tương đương 3504% hàng ngày (DV);
  • Gan, thịt bò nấu chín – 85 gram: cung cấp 2946% DV;
  • Cá hồi hoang dã, nấu chín – 85 gram: cung cấp 225% DV;
  • Cá ngừ đóng hộp – 85 gram: cung cấp 104% DV;
  • Men dinh dưỡng: được bổ sung thêm 100% DV cho vitamin B12;
  • Sữa ít béo – 1 cốc: cung cấp 50% DV;
  • Sữa chua, trái cây, ít béo – 225 gram: cung cấp 46% DV;
  • Phô mai Thụy Sĩ – 28 gram: cung cấp 38% DV;
  • Trứng, cả quả, luộc chín – 1 quả lớn: cung cấp 25% DV;
  • Thịt gà, thịt ức, quay – 85 gram: cung cấp 13% DV.

* DV = Giá trị hàng ngày

Các thực phẩm giàu loại vitamin B12
Các thực phẩm giàu loại vitamin B12

Trên thị trường, các loại thực phẩm tăng cường như: men dinh dưỡng, ngũ cốc ăn sáng, sữa thực vật có rất nhiều công thức khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải đọc nhãn thông tin dinh dưỡng trên bao bì để xác định hàm lượng vitamin B12 trong sản phẩm đó.

Bổ sung Vitamin B12 đúng cách

Liều dùng vitamin B12

Lượng vitamin B12 bạn cần mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Lượng khuyến nghị trung bình hàng ngày cho các độ tuổi khác nhau được liệt kê dưới đây:

  • Trẻ sơ sinh đến 6 tháng: 0,4 mcg;
  • Trẻ sơ sinh từ 7 – 12 tháng: 0,5 mcg;
  • Trẻ em từ 1 – 3 tuổi: 0,9 mcg;
  • Trẻ em từ 4 – 8 tuổi: 1,2 mcg;
  • Trẻ em từ 9 – 13 tuổi: 1,8 mcg;
  • Thanh thiếu niên từ 14 – 18 tuổi: 2,4 mcg;
  • Người lớn: 2,4 mcg;
  • Phụ nữ mang thai: 2,6 mcg;
  • Phụ nữ cho con bú: 2,8 mcg.

Nên uống vitamin B12 vào lúc nào?

Chúng thường được uống một lần/ngày, khi đói hoặc no đều được, phụ thuộc theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tờ hướng dẫn sử dụng. Một lưu ý nữa, vì vitamin này giúp tạo ra năng lượng cho cơ thể. Do đó, khi uống buổi tối, nó sẽ khiến bạn có nhiều năng lượng và khó ngủ hơn. Chính vì vậy, tốt nhất là bạn nên bổ sung loại vitamin này vào buổi sáng bạn nhé!

Cách bổ sung vitamin B12
Bạn nên bổ sung vitamin B12 vào buổi sáng

Rủi ro khi bổ sung vitamin B12

Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng về tác dụng phụ khi được sử dụng ở liều thích hợp. Tuy nhiên, liều cao vitamin vẫn này có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn như:

  • Nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Cảm giác ngứa ran ở bàn tay, chân.

Vitamin B12 có thể tương tác hoặc gây cản trở hấp thu với một vài loại thuốc. Ngược lại, một vài thuốc cũng có thể làm giảm nồng độ vitamin trong cơ thể. Dưới đây là các loại thuốc có thể cản trở cơ thể hấp thu hoặc sử dụng vitamin B12:

  • Chloramphenicol: Đây là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng;
  • Thuốc ức chế bơm proton: Chúng chẳng hạn như omeprazole và lansoprazole, được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược axit và loét dạ dày – tá tràng;
  • Thuốc đối kháng thụ thể histamin H2: Chẳng hạn như cimetidine, famotidine và ranitidine là những thuốc được sử dụng để điều trị bệnh loét dạ dày – tá tràng;
  • Metformin: Một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.

Chính vì vậy, hãy thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về bất kỳ loại thực phẩm chức năng và thuốc nào bạn dùng. Họ có thể cho bạn biết liệu những chất đó có thể tương tác hoặc gây trở ngại cho việc bổ sung vitamin B12 của bạn hay không. Nếu có, họ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề đó an toàn và hợp lý.

Vitamin B12 là một loại vitamin vô cùng cần thiết cho cơ thể. Bạn hoàn toàn có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu muốn sử dụng thực phẩm bổ sung, hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bạn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vitamin B12https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminB12-Consumer/

    Ngày tham khảo: 29/03/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người