YouMed

Bác sĩ gỡ rối cho bố mẹ khi trẻ sơ sinh bị ho

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng

Ho là một vấn đề rất thường gặp và khiến cho các bậc cha mẹ rất lo lắng. Bởi vì nó có thể là biểu hiện của những vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Vì vậy, hãy cùng bác sĩ YouMed tìm hiểu những nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị ho trong bài viết dưới đây nhé!

Phản xạ ho là gì?

Thực sự, ho là một phản xạ tự nhiên có lợi cho cơ thể. Ho nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh hoặc tống xuất dị vật lọt vào đường hô hấp ra khỏi cơ thể. Chất gây kích thích có thể là một yếu tố môi trường như bụi, phấn hoa hoặc khói hoặc có thể là viêm thanh quản, khí quản, phế quản hoặc phế nang.

Khi trẻ ho có thể tiềm ẩn một vấn đề sức khỏe nào đó
Khi trẻ ho có thể tiềm ẩn một vấn đề sức khỏe nào đó

Có thể bạn không biết rằng, ho là một biện pháp phòng thủ tự nhiên được thực hiện bởi cơ thể để làm thông đường thở. Mặc dù ho có thể là một dấu hiệu của bệnh tật, nhưng điều quan trọng cần nhớ là nó cũng là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tự bảo vệ mình.

Có những kiểu ho nào ở trẻ sơ sinh?

Bạn có thể để ý đến một số đặc điểm tiếng ho của con mình. Thông thường, có hai kiểu ho điển hình, đó là:

  • Ho khan: Ho khan thường xảy ra khi em bé của bạn bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Ho khan giúp làm sạch những chất dịch còn sót lại sau sinh hoặc sự kích thích từ vùng họng bị đau. Trẻ sơ sinh bị ho khan là do thanh quản bị viêm và phản ứng của khí quản dưới sự thay đổi của nhiệt độ về chiều tối và ban đêm. Đôi khi ho khan kèm theo triệu chứng thở khò khè.
  • Ho có đàm: Ho đàm là do chất nhầy hoặc đàm (chúng chứa các tế bào bạch cầu để giúp chống lại các vi khuẩn) hình thành trong đường thở của em bé. Đây có thể là kết quả của một bệnh lý về đường hô hấp kèm theo tình trạng nhiễm trùng. Trẻ sơ sinh bị ho có đờm nhầy có màu trắng hoặc xanh.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho. Việc nhận diện được nguyên nhân gây ho là rất quan trọng, bởi như vậy mới điều trị hiệu quả cho trẻ được. Một số nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh bị ho đó là:

Cảm lạnh thông thường hoặc cúm

Thông thường, đây là nguyên nhân chủ yếu gây ho và thường không có cách chữa trị nhanh chóng. Kháng sinh không luôn luôn có hiệu quả, vì chúng chỉ tiêu diệt vi khuẩn. Điều tốt nhất bạn nên làm là điều trị các triệu chứng và chờ hệ thống miễn dịch của trẻ đẩy lùi bệnh.

Dị ứng

Dị ứng cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ho ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn có vật nuôi ở nhà, thì vẩy da hoặc lông động vật có thể là vấn đề. Không chỉ vậy, phấn hoa cũng có thể là nguyên nhân cho tình trạng ho ở trẻ sơ sinh.

Dị ứng cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ho ở trẻ sơ sinh
Dị ứng cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ho ở trẻ sơ sinh.

Viêm phế quản

Ước tính có khoảng 6% trẻ em bị viêm phế quản hàng năm. Giống như cảm lạnh và cúm thông thường, viêm phế quản là một bệnh nhiễm virus, vì vậy nó không thể được điều trị bằng kháng sinh. Hầu hết các trường hợp viêm phế quản đều tự khỏi sau bảy đến mười ngày.

Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng viêm của phế nang, túi khí nhỏ trong phổi. Tình trạng này có thể do nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Một loại vắc-xin ngừa viêm phổi do phế cầu, được gọi là PCV13, có sẵn và được coi là an toàn cho trẻ lớn hơn hai tháng. Đối với viêm phổi do virus, như cảm lạnh thông thường và cúm, không có vắc-xin hoặc phương pháp chữa trị.

Hen suyễn

Hen suyễn gây ra những cơn ho ngắn. Trẻ sơ sinh bị ho có thể do bụi, phấn hoa, lông, vẩy da động vật, khói, ô nhiễm hoặc sự gắng sức. Hen suyễn thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Vì vậy, nếu trẻ thường xuyên bị ho vào ban đêm, nhưng hiếm khi vào ban ngày, đó có thể là dấu hiệu cho thấy con bạn bị hen.

Viêm thanh khí phế quản

Khi bị viêm thanh khí phế quản, tiếng ho của trẻ sẽ giống như tiếng “chó sủa”. Đây là một bệnh nhiễm virus, nhưng nó thường tồn tại trong thời gian ngắn và thường biến mất sau bốn đến năm ngày. Trường hợp bệnh trầm trọng có thể phải hỗ trợ hô hấp hoặc dùng steroid.

Bệnh ho gà

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất dễ lây lan. Các triệu chứng của ho gà bao gồm các cơn ho dữ dội gây đau ngực, nôn mửa hoặc kiệt sức. Thuốc kháng sinh có hiệu quả trong điều trị ho gà và thường chữa khỏi bệnh trong khoảng một tuần. Hiện nay đã có vaccin phòng bệnh ho gà.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

Đây là một trong những tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm phế quản,… ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Các triệu chứng bệnh gồm: Ho nhiều với đờm vàng, xanh hoặc xám, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng,… Bệnh thường không gây nguy hiểm, nhưng trẻ sơ sinh là đối tượng dễ xảy ra các biến chứng nặng hơn. Do đó, khi thấy trẻ sơ sinh bị ho và có các triệu chứng trên, đặc biệt là có nhiều đờm, khó thở, nên dẫn trẻ đến bác sĩ ngay.

Hình ảnh minh họa virus hợp bào hô hấp RSV
Hình ảnh minh họa virus hợp bào hô hấp RSV

RSV thường lui bệnh trong khoảng từ hai đến tám ngày, nhưng các triệu chứng có thể kéo dài đến ba tuần. Những tháng mùa đông và đầu mùa xuân là lúc trẻ em dễ mắc bệnh RSV nhất.

Trẻ sơ sinh bị ho do trào ngược

Trào ngược có thể là thủ phạm khiến trẻ sơ sinh bị ho. Nếu ho thường xảy ra gần hoặc ngay sau khi cho ăn, trào ngược có thể là nguyên nhân khiến bé của bạn bị ho. Để khắc phục, hãy giữ bé đứng thẳng trong 20 – 30 phút sau khi bú. Ngoài ra, bạn nên cho bé ăn với lượng thức ăn nhỏ hơn, có thể chia nhỏ bữa ăn.

Hãy cố gắng giữ em bé đứng thẳng trong 20 – 30 phút sau khi bú
Hãy cố gắng giữ em bé đứng thẳng trong 20 – 30 phút sau khi bú

Ho do sặc hay dị vật

Bị sặc khi bú hoặc chơi với thú nhồi bông đôi khi cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho. Để hạn chế trẻ bị ho, bạn không nên cho bé nằm bú, nhất là với bé bú sữa công thức. Không để thú nhồi bông xung quanh chỗ bé nằm. Vì thú nhồi bông có chất lượng kém rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ.

Làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho?

Bố mẹ thường thắc mắc trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao, câu trả lời là bạn không nên tự ý cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào. FDA đã đưa ra một số cảnh báo rằng thuốc ho không an toàn cho trẻ em dưới 4 tuổi. Điều quan trọng là con của bạn cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, để đưa ra điều trị phù hợp.

Hãy nhớ rằng, cách tốt nhất để điều trị cho bé là giải quyết các triệu chứng. Và đảm bảo rằng chúng thoải mái nhất có thể. Dưới đây là một số cách đơn giản để hỗ trợ cho bé trong khi cơ thể chúng chống lại bệnh tật:

  • Cung cấp đủ nước cho trẻ: có thể thông qua việc bú sữa mẹ, sữa pha; hoặc nước, nước trái cây ở trẻ lớn hơn;
  • Để trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc;
  • Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ;
  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, dùng dụng cụ hút mũi: giúp làm sạch xoang và giúp thở dễ dàng hơn;
  • Đặt máy tạo độ ẩm trong phòng, hoặc xông hơi trong phòng tắm cùng trẻ trong 10 – 15 phút;
  • Điều chỉnh tư thế ngủ: nâng đầu giường cũi hoặc nôi nhỏ của bé;
  • Tránh các tác nhân gây ra dị ứng;
  • Dùng mật ong cho trẻ từ 1 tuổi trở lên;
  • Dùng thuốc hạ sốt: có thể cho bé sử dụng thuốc hạ sốt dành cho trẻ sơ sinh nếu con sốt cao. Việc dùng thuốc cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Những điều cần tránh khi trẻ sơ sinh bị ho

Trẻ sơ sinh bị ho rất yếu và cần được chăm sóc. Dưới đây là những điều cần tránh, để giúp bệnh không trầm trọng hơn và tránh lây lan:

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm;
  • Tránh để trẻ bị lạnh;
  • Khi trẻ quấy khóc không chịu bú, đừng bắt ép trẻ;
  • Không để trẻ sơ sinh bị ho tiếp xúc với các trẻ lành;
  • Không được tự mua thuốc điều trị cho trẻ, hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh;
  • Không dùng các thuốc phối hợp nhiều hoạt chất cho trẻ sơ sinh vì rất dễ gây ngộ độc, quá liều;
  • Không nên hút mũi trẻ thường xuyên vì có thể gây tổn thương, nhiễm trùng mũi.
Không tự mua thuốc điều trị ho cho trẻ
Không tự mua thuốc điều trị ho cho trẻ

Phòng ngừa trẻ sơ sinh bị ho

Bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản để ngăn ngừa trẻ sơ sinh bị ho như:

  • Thường xuyên rửa tay bằng nước ấm, xà phòng;
  • Giữ tay càng xa mặt càng tốt;
  • Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay của bạn;
  • Không nên cho trẻ ăn các loại nguyên hạt hoặc trái cây khô;
  • Quản lý việc trẻ chơi với các vật nhỏ, thú bông có thể gây dị ứng.

Nếu cơn ho của con bạn là do hen suyễn, bạn nên tuân thủ việc dùng thuốc để kiểm soát và quản lý bệnh của trẻ. Bố mẹ cũng nên dẫn trẻ đến kiểm tra thường xuyên.

Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị ho đi khám bác sĩ?

Hãy quan sát kỹ và theo dõi những dấu hiệu của trẻ, nếu nhận thấy có bất thường, hãy đưa trẻ đến bệnh viện khám. Đó có thể là những triệu chứng như:

  • Ho kéo dài hơn hai tuần có hoặc không kèm theo cảm lạnh;
  • Cơn ho ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ hoặc cuộc sống hàng ngày của bé;
  • Trẻ bị ho và sốt.

Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu nếu:

  • Cơn ho bắt đầu đột ngột hoặc có nguy cơ con bạn hít phải dị vật;
  • Trẻ khó thở, trẻ bị ho kèm nghẹt mũi;
  • Buồn ngủ hoặc khó thức dậy;
  • Da, mặt, môi nhợt nhạt hoặc chuyển sang màu xanh lam.
Nếu nhận thấy có bất thường, hãy đưa trẻ đến bệnh viện khám
Nếu nhận thấy có bất thường, hãy đưa trẻ đến bệnh viện khám

Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kì thắc mắc hay lo lắng gì, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn. Tuyệt đối không tự ý điều trị!

Mẹ có những lo lắng, băn khoăn trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho thiên thần nhỏ? Nhận ngay sự hỗ trợ của bác sĩ bằng cách đặt khám đến các bác sĩ Nhi hàng đầu tại YouMed: BẤM VÀO ĐÂY

YouMed - Ứng dụng đặt lịch khám dễ dàng

Tóm lại, ho là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, gây nhiều lo lắng và bận tâm cho các bậc cha mẹ. Ho thường là dấu hiệu của một vẫn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vì vậy khi trẻ sơ sinh bị ho, trẻ cần được bác sĩ thăm khám và điều trị thích hợp. Hy vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin hữu ích về việc trẻ sơ sinh bị ho. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/baby/how-to-help-baby-with-cough
  2. https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/cough

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người