YouMed

Hà diệp: Vị thuốc nhiều công dụng ít người biết

Bác sĩ TRẦN KIM ANH
Tác giả: Bác sĩ Trần Kim Anh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Hà diệp (Folium Nelumbinis) hay thường được gọi là lá sen. Mặc dù được sử dụng hằng ngày với nhiều công dụng khác nhau nhưng ít người biết được tác dụng của Hà diệp. Từ lâu, Hà diệp đã được sử dụng trong y học cổ truyền với tác dụng điều trị đau tức ngực kèm nóng sốt, tiểu tiện ít đỏ, ho ra máu, kinh nguyệt nhiều… Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn về công dụng của Hà diệp, cách dùng và những điều cần lưu ý.

1. Bộ phận sử dụng

Lá sen được thu hái vào mùa thu, bỏ cuống. Sau đó đem phơi hoặc sấy khô.

2. Thành phần trong Hà diệp

Hà diệp chứa alkaloid 0,77% – 0,84%, trong đó, có nuciferin, nor-nuciferin, roemerin, anonain, liriodenin, pronuciferin, O-nornuciferin, armepavin, N-norarmepavin, methylcoclaurin, nepherin, dehydroroemerin, dehydronuciferin, dehydroanonain, N-methylisocaclaurin.

Ngoài ra, Hà diệp còn chứa quercetin, isoquercitrin, leucocyanidin, leucodelphinidin, nelumbosid.

Lá sen
Lá sen

3. Công dụng của Hà diệp

Theo y học cổ truyền: Hà diệp có vị đắng, tính mát, vào 3 kinh can, tỳ, vị. Dược liệu còn có công dụng chữa tức ngực có nóng sốt, ho ra máu, phù thũng, chảy máu (đại tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều).

4. Một số bài thuốc có sử dụng hà diệp

4.1. Chữa băng huyết sau sinh

Lá sen sao thơm, tán nhỏ, uống với nước hoặc đồng tiện. Hoặc Hà diệp sắc uống, ngày 20 – 30g.

4.2. Thuốc an thần, gây ngủ

  • Viên nén lá sen: Cao mềm lá sen 0,03g, bột mịn lá sen 0,09g; thêm tá dược làm thành 1 viên. Uống 3 – 6 viên 3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Viên sen vông: cao khô lá sen 0,05g (bằng 1g lá khô), cao khô lá vông 0,06g (bằng 1g lá khô),  L.tetrahydropalmatin 0,03g.
  • Sirô lá sen: Liều dùng một ngày trước khi đi ngủ: người lớn 15ml, trẻ em 5ml.

4.3. Chữa sốt xuất huyết

Lá sen, ngó sen (hoặc cỏ nhọ nồi), Rau má, mỗi vị 30g, bông Mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40 – 50g. Sắc uống ngày một thang.

4.4. Chữa xuất huyết não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp

Lá sen, Cam thảo mỗi vị 15,5g. Đỗ trọng 12,5g  Sinh địa, Mạch môn, Tang ký sinh, Bạch thược mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng làm giảm huyết áp, chức năng nói và cử động các chi được cải thiện.

Hà diệp là dược liệu rất quen thuộc trong cuộc sống
Hà diệp là dược liệu rất quen thuộc trong cuộc sống

5. Bằng chứng khoa học của Hà diệp

Hà diệp đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh như sau:

5.1. Chống oxy hóa

Các flavonoid có trong Hà diệp như Quercetin, glycoside, myricetin-3-O-glucopyranoside… có khả năng chống oxy hóa.

5.2. Kháng viêm

Một nghiên cứu in-vitro cho thấy quercetin-3-O-d-glucuronide (Q3GA) có trong Hà diệp có thể ức chế đáng kể sự phóng thích NO giúp giảm viêm.

Ngoài ra, nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của quercetin chiết xuất từ ​​Hà diệp đối với 5 loại vi sinh vật thường gây bệnh ở khoang miệng. Kết quả cho thấy quercetin trong chiết xuất này có khả năng làm giảm viêm nha chu.

5.3. Hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu

Một số thí nghiệm trên chuột đã cho thấy tác dụng thúc đẩy quá trình huy động và hoà tan lipid máu, giảm trọng lượng cơ thể ở chuột béo phì do ăn nhiều chất béo.

Ngoài ra, chiết xuất giàu flavonoid giúp giảm lipid máu do chế độ ăn nhiều chất béo tương đương với silymarin và simvastatin, giúp giảm tích lũy chất béo, giảm tổn thương gan.

5.4. Hỗ trợ điều trị bệnh béo phì

Từ lâu, y học cổ truyền Trung Quốc đã sử dụng Hà diệp để điều trị bệnh béo phì.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy các flavonoid có trong Hà diệp có tác dụng kích hoạt con đường beta-AR và ly giải mỡ, đặc biệt trong mỡ nội tạng.

Ngoài ra, vị thuốc này cũng giúp làm giảm sự tiêu hóa, ức chế hấp thu lipid và carbohydrate, tăng tốc độ chuyển hóa lipid và tăng tiêu hao năng lượng. Do đó, Hà diệp có lợi trong điều trị bệnh béo phì.

5.5. Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Một số nghiên cứu trên chuột và trong ống nghiệm cho thấy Hà diệp giúp giảm lượng đường trong máu và đề kháng insulin bằng cách làm giảm mỡ nội tạng, ức chế biểu hiện PPARγ2 và GLUT4, đảo ngược tình trạng không dung nạp glucose.

Do đó, Hà diệp có hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết và rối loạn lipid máu trên mô hình động vật đái tháo đường không phụ thuộc insulin do chế độ ăn nhiều chất béo.

5.6. Hỗ trợ điều trị ung thư

Trong mô hình thí nghiệm trên chuột ung thư gan do N-diethylnitrosamine, dịch chiết xuất từ Hà diệp có tác dụng bảo vệ tế bào gan bằng cách ngăn chặn quá trình peroxide hóa lipid, ngăn tổn thương tế bào gan và tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa.

Nghiên cứu của Chang CH và cộng sự cho thấy chiết xuất từ vị thuốc này có thể ngăn chặn sự hình thành khối u và di căn thông qua yếu tố tăng trưởng mô liên kết, có liên quan đến sự hình thành khối u và tiến triển trong ung thư vú.

5.7. Tác dụng an thần, giảm lo âu

Các alkaloid có trong Hà diệp có tác dụng an thần, giảm lo âu bằng cách tăng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. 

>> Tìm hiểu thêm về một dược liệu khác cũng có công dụng bảo vệ thần kinh: Tử tô: tử thư dược, thư thái cả thân và tâm.

Hà diệp hay còn gọi lá sen, được sử dụng rất nhiều trong đời sống nhưng ít người biết được những công dụng mà vị thuốc này mang lại. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

  2. Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập II. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội

  3. Horng CT et al. (2017), “Nelumbo nucifera leaf extract treatment attenuated preneoplastic lesions and oxidative stress in the livers of diethylnitrosamine-treated rats”, Environ Toxicol, tr. 2327-2340

  4. Huang CF et al. (2011), “Extract of lotus leaf (Nelumbo nucifera) and its active constituent catechin with insulin secretagogue activity”, J Agric Food Chem, 59(4):1087-94

  5. Lin HY et al. (2009), “Antioxidative effect and active components from leaves of Lotus (Nelumbo nucifera)”, J Agric Food Chem, 57(15):6623-9

  6. Lin MC et al. (2009), “Improvement for high fat diet-induced hepatic injuries and oxidative stress by flavonoid-enriched extract from Nelumbo nucifera leaf”, J Agric Food Chem, 57(13):5925-32

  7. Ohkoshi E et al. (2007), “Constituents from the leaves of Nelumbo nucifera stimulate lipolysis in the white adipose tissue of mice”, Flanta Med, 73(12):1255-9

  8. Ono Y et al. (2006), “Anti-obesity effect of Nelumbo nucifera leaves extract in mice and rats”, J Ethnopharmacol, 106(2):238-44

  9. Chang CH et al. (2016), “Nelumbo nucifera Gaertn leaves extract inhibits the angiogenesis and metastasis of breast cancer cells by downregulation connective tissue growth factor (CTGF) mediated PI3K/AKT/ERK signaling”, J Ethnopharmacol, 188:111-22

  10. Li F et al. (2017), “Enrichment and separation of quercetin-3-O-β-d-glucuronide from lotus leaves (nelumbo nucifera) and evaluation of its anti-inflammatory effect”, J Chromatogr B Analyt Technol Biomed Life Sci, tr. 186-191

  11. Li MM et al. (2017), “Effects and mechanisms of lotus leaf water extract on lipid metabolism of adult experimental obesity rats”, Zhongguo Ying Yong Sheng Li Xue Za Zhi, 33(5), tr. 476-480

  12. Yan MZ et al. (2015), “Lotus Leaf Alkaloid Extract Displays Sedative-Hypnotic and Anxiolytic Effects through GABAA Receptor”, J Agric Food Chem, 63(42):9277-85

  13. Du H et al. (2010), “Antiobesity and hypolipidemic effects of lotus leaf hot water extract with taurine supplementation in rats fed a high fat diet”, J Biomed Sci, 17

  14. Yan K et al. (2017), “Lotus Leaf Aqueous Extract Reduces Visceral Fat Mass and Ameliorates Insulin Resistance in HFD-Induced Obese Rats by Regulating PPARγ2 Expression”, Front Pharmacol, 8:409

  15. Kim AR et al. (2013), “Lotus leaf alleviates hyperglycemia and dyslipidemia in animal model of diabetes mellitus”, Nutr Res Pract, 7(3):166-71

  16. Li M et al. (2008), “Quercetin in a lotus leaves extract may be responsible for antibacterial activity”, Arch Pharm Res, 31(5):640-4

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người