YouMed

Hạ thân nhiệt: Xử trí chậm trễ, hậu quả khó lường

bác sĩ hồ ngọc lợi
Tác giả: ThS.BS Hồ Ngọc Lợi
Chuyên khoa: Lão khoa, Nội tổng quát, Y học gia đình

Hạ thân nhiệt là một trong những vấn đề nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Trên thực tế, vấn đề này lại ít người quan tâm đến. Do một phần Việt Nam là vùng khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên một số nơi vẫn có khí hậu lạnh quanh năm hoặc nhiệt độ thời tiết không ổn định. Đặc biệt vào mùa đông, một vài nơi có nhiệt độ cực kỳ thấp. Đủ để gây mất nhiệt nghiêm trọng nếu không biết cách bảo vệ cơ thể. Vì thế, hãy cùng bác sĩ Hồ Ngọc Lợi tìm hiểu cách xử trí kịp thời vấn đề hạ thân nhiệt qua bài viết dưới đây nhé!

Vậy khi nào được gọi là hạ thân nhiệt? 

Hạ thân nhiệt là khi cơ thể trở nên rất lạnh và không thể tự làm ấm trở lại. Thông thường, nhiệt độ cơ thể vào khảng 37ºC. Hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể giảm dưới 35ºC.

Nguyên nhân gây ra hạ thân nhiệt thường là do ở ngoài thời tiết lạnh hoặc ở trong nước lạnh quá lâu. Trẻ nhỏ và người già là đối tượng hay bị hạ thân nhiệt nhất. Thân nhiệt giảm xuống mức cho phép có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này đủ để làm cho các cơ quan quan trọng như tim, não, phổi,… không thể làm việc được. Thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được xử trí làm ấm cơ thể kịp thời.

Xem thêm: Các quy tắc vàng khi tập thể dục vào mùa đông

Cơ thể bị mất nhiệt bằng cách nào?

Các cơ chế mất nhiệt từ cơ thể, bao gồm:

  • Nhiệt bức xạ: Hầu hết sự mất nhiệt là do nhiệt tỏa ra từ các bề mặt cơ thể. Nếu không được che chắn, bảo vệ.
  • Truyền nhiệt: Nhiệt cơ thể sẽ bị truyền đi khi tiếp xúc trực tiếp với vật có nhiệt độ thấp hơn. Chẳng hạn như nước lạnh hoặc mặt đất lạnh. Đây là cơ chế cân bằng nhiệt. Đặc biệt, nước lại là môi trường dẫn truyền nhiệt rất tốt. Vì thế, cơ thể sẽ mất nhiệt nhanh hơn nhiều nếu quần áo đang mặc bị ướt.
  • Gió: Làm giảm nhiệt cơ thể bằng cách mang đi lớp không khí ấm áp trên bề mặt da của bạn. Đặc biệt trường hợp gặp gió lạnh, sẽ càng làm cơ thể dễ mất nhiệt hơn.

Xem thêm: Sự thay đổi về nhiệt độ cơ thể ở người trưởng thành: sinh lý bệnh và cách xử trí!

Hạ thân nhiệt thường hay gặp ở tình huống nào?

Tình huống phổ biến nhất là ở trong thời tiết lạnh nhưng không mặc quần áo đủ để che chắn. Ngoài ra, cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hay gặp trong những tai nạn chèo thuyền,… Cũng là một trong các lý do thường gặp. 

Các tình huống dẫn đến hạ thân nhiệt, bao gồm:

  • Mặc quần áo không đủ ấm với thời tiết lạnh giá.
  • Ở ngoài trời lạnh quá lâu.
  • Không thể cởi quần áo ướt đang mặc hoặc không thể di chuyển đến nơi khô ráo, ấm áp.
  • Rơi xuống nước, như trong một tai nạn chèo thuyền.
  • Sống trong một ngôi nhà quá lạnh, do hệ thống sưởi kém hoặc máy lạnh làm việc quá mức.

Triệu chứng khi bị hạ thân nhiệt là gì?

Cơ thể run rẩy là triệu chứng đầu tiên cho thấy rằng thân nhiệt của bạn bắt đầu giảm. Vì đây là một phản ứng tự động của cơ thể khi gặp môi trường lạnh. Giúp tự sinh nhiệt làm ấm cơ thể.

Một số biểu hiện khác báo động thân nhiệt đang giảm xuống, bao gồm

  • Mất nhận thức.
  • Nổi da gà, môi thâm tím.
  • Da lạnh, rùng mình.
  • Nói lắp bắp.
  • Hạ thân nhiệt ở trẻ làm trẻ đổ mồ hôi, da lạnh và ửng đỏ. Đây có thể là tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng. Cần can thiệp sớm nhất có thể.
hạ thân nhiệt
Những biểu hiện phổ biến của người bị hạ thân nhiệt

Một vài người đang bị hạ thân nhiệt thường không có nhận thức về tình trạng của mình. Bởi vì các biểu hiện đều bắt đầu chậm rãi và nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, sự lú lẫn do thân nhiệt thấp gây ra khiến cho bộ não mất nhận thức, bất chấp về rủi ro và hậu quả sắp xảy ra.

Hậu quả của tình trạng này là gì?

Nếu như cơ thể đang bị hạ thân nhiệt trầm trọng, mà không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như:

  • Đóng băng các mô, các bộ phận cơ thể. Có thể làm ngưng tim, ngưng thở, và dẫn đến tử vong.
  • Làm chết các mô, đặc biệt ở đầu ngón tay, ngón chân do bị ngăn cản dòng máu tới nuôi, gây hoại tử. Trường hợp xấu, cần cắt bỏ các mô đã bị hoại tử nghiêm trọng.

Xem thêm: Hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (Calciphylaxis)

Những yếu tố nào khiến cơ thể dễ rơi vào hạ thân nhiệt?

Có một số đối tượng, hoặc những điều kiện sức khỏe không tốt khiến cơ thể dễ rơi vào hạ thân nhiệt.

Liên quan đến đối tượng

  • Người đang bị kiệt sức: Lúc này khả năng chịu đựng được lạnh rất kém.
  • Người cao tuổi: Khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể và nhận thức được cái lạnh giảm đi với tuổi tác. Đặc biệt, một số người lớn tuổi mất khả năng trao đổi với người xung quanh. Ngoài ra, những người cao tuổi sẽ khó khăn để tự di chuyển đến vùng ấm hơn khi thấy lạnh.

Xem thêm: Điểm mặt những căn bệnh người lớn tuổi hay gặp vào mùa lạnh

hạ thân nhiệt
Người cao tuổi là đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt vì có thể trạng yếu
  • Trẻ em: Trên thực tế, cơ thể trẻ em mất nhiệt nhanh hơn so với người lớn. Ngoài ra, trẻ em đang chơi giỡn đôi khi không nhận thức được cơ thể đang rất lạnh để biết cách bảo vệ bản thân.
hạ thân nhiệt
Trẻ em là đối tượng dễ rơi vào tình trạng hạ thân nhiệt
  • Sử dụng rượu và ma túy. Rượu có thể làm cho cơ thể cảm thấy ấm bên trong. Tuy nhiên tác dụng này làm cho các mạch máu bị giãn ra, dẫn đến mất nhiệt nhanh hơn. Ngoài ra, ở những người uống rượu, đáp ứng run rẩy khi gặp lạnh kém hơn so với người bình thường. Chưa kể một người bị say và bất tỉnh trong thời tiết lạnh, là nguy cơ cao dễ rơi vào tình trạng hạ thân nhiệt.

Liên quan đến vấn đề sức khỏe

  • Vấn đề về thần kinh: Những người mắc bệnh tâm thần, mất trí nhớ có thể mất nhận thức đúng đắn và ăn mặc không phù hợp với thời tiết. Đặc biệt, những người mắc chứng mất trí nhớ có thể đi lang thang, khiến họ dễ bị mắc kẹt bên ngoài trong thời tiết lạnh.
  • Vấn đề đặc biệt về sức khỏe: Một số bệnh, di chứng ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Bao gồm: suy tuyến giáp, dinh dưỡng kém hoặc chán ăn do tâm thần, tiểu đường, đột quỵ, viêm khớp nặng, bệnh Parkinson, chấn thương cột sống.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ thay đổi khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Bao gồm: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc giảm đau có tính hướng thần và thuốc an thần.

Nếu gặp một người bị hạ thân nhiệt, nên xử trí như thế nào?

Nếu bạn gặp một người có nghi ngờ đang bị hạ thân nhiệt, hãy báo cho trung tâm cấp cứu ngay lập tức. Trong trường hợp chờ xe cấp cứu tới, bạn có thể làm những việc sau đây để cứu người gặp nạn:

Những việc nên làm để cứu người gặp nạn

  • Vận chuyển cơ thể thật nhẹ nhàng: Khi gặp một người đang bị hạ thân nhiệt, chỉ được vận chuyển người đó nếu cần thiết. Ví dụ như vớt lên ao hồ khi gặp tai nạn rớt xuống hồ lạnh, hoặc đến nơi ấm hơn cách rất gần đó. Bởi vì, khi cơ thể bị dịch chuyển quá nhiều, mạnh mẽ có thể kích thích làm tim ngừng đập.
  • Cởi bỏ quần áo bị ướt: Nếu người gặp nạn đang mặc quần áo bị ướt, hãy cởi bỏ chúng. Cắt bỏ quần áo sẽ có ích nếu cần phải vận chuyển nhiều. Sau đó, sử dụng chăn, mềm khô đắp xung quanh cơ thể. Tốt hơn, đội nón và che kín hết cơ thể trừ phần mặt.
  • Cách nhiệt cơ thể từ mặt đất lạnh: Nếu bạn ở bên ngoài, đặt cơ thể người gặp nạn nằm ngửa trên một tấm chăn hoặc bề mặt ấm áp khác, nếu có thể.
  • Chú ý nhịp thở: Một người bị hạ thân nhiệt nghiêm trọng có thể đang bị bất tỉnh, nhịp thở và mạch yếu. Trong trường hợp kiểm tra không có mạch đập hoặc ngừng thở. Lập tức hồi sức tim phổi cho bệnh nhân nếu bạn đã được tập huấn kỹ năng.
  • Uống nước ấm: Nếu người gặp nạn vẫn còn tỉnh và còn khả năng nuốt. Hãy cung cấp đồ uống ấm, ngọt, không cồn, không chứa caffein cho họ, giúp làm ấm cơ thể.
  • Sử dụng một vật gì đó ấm và khô: Ví dụ như tấm vải sấy ấm, túi hoặc chai đựng nước ấm,… Sau đó áp vào cổ, thành ngực, bẹn (háng) để làm ấm người đang hạ thân nhiệt.

Những việc không được làm

  • Tuyệt đối không được áp vật ấm vào bàn, cánh tay hoặc chân. Bởi vì nhiệt lạnh ở những bộ phận xa cơ thể sẽ quay trở lại tim, phổi và não. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
  • Không sử dụng các công cụ tạo sức nóng cao: Ví dụ như lò sưởi, nước sôi, đèn sưởi để sưởi ấm cho người đang hạ thân nhiệt. Nhiệt độ quá cao có thể làm tổn thương da, tạo nhịp tim bất thường và dẫn đến ngưng tim.
  • Không mát-xa, hoặc cọ chà những vùng nghi ngờ tổn thương do bị đóng băng các mô. Ví dụ hay gặp là thâm đen ở đầu ngón tay và chân. Nếu không sẽ gây ra hậu quả nghiệm trọng cho người bị nạn, thậm chí tử vong.
hạ thân nhiệt
Ngón tay bị tím đen do máu đến nuôi kém

Hạ thân nhiệt được điều trị như thế nào?

Việc can thiệp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ hạ thân nhiệt. Bao gồm các phương pháp:

Những phương pháp làm ấm từ bên ngoài cơ thể

Áp dụng cho trường hợp hạ thân nhiệt nhẹ. Bằng cách sử dụng khăn ấm bao phủ cơ thể, uống nước ấm. Những việc này đã đủ để nâng thân nhiệt lên mức bình thường.

Những phương pháp làm ấm từ bên trong cơ thể

  • Làm ấm dòng máu: Máu của người hạ thân nhiệt sẽ được lấy ra. Sau đó, qua một thiết bị lọc máu và làm ấm máu rồi bơm lại vào cơ thể.
  • Làm ấm các dung dịch truyền: Các dịch truyền sẽ được làm ấm trước khi đưa vào cơ thể.
  • Cho thở bằng khí oxy đã được làm ấm: Người bị hạ thân nhiệt sẽ được cung cấp oxy ấm qua mask hoặc canula. Đây là dụng cụ hỗ trợ giúp cung cấp lượng oxy dồi dào.
  • Tưới nước ấm lên các cơ quan trong cơ thể: Như rửa dạ dày bằng dung dịch nước muối ấm, tưới nước ấm vào bên trong khoang bụng,…

Phòng ngừa hạ thân nhiệt như thế nào?

Trong hầu hết tất cả trường hợp, chúng ta đều có thể phòng ngừa hạ thân nhiệt chỉ đơn giản bằng cách không ở nơi có khí hậu lạnh quá lâu. Hãy chắc chắn là bạn mặc đủ ấm, nhiều lớp vải để che chắn cơ thể. Ngoài ra, thay quần áo khi bị ướt ngay khi có thể. Đặc biệt khi trời trở lạnh, đặc biệt các vùng có khí hậu lạnh ở Việt Nam. Song, bạn cũng nên đặc biệt quan tâm đến hai đối tượng dễ rơi vào tình trạng hạ thân nhiệt sau đây.

hạ thân nhiệt
Hãy đảm bảo rằng bạn mặc đủ ấm trong thời tiết lạnh

Phòng ngừa cho trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ là đối tượng thường hay bị hạ thân nhiệt hơn so với người lớn. Bên cạnh đó, trẻ ít khi chú ý, nhận thức dù đang cảm thấy lạnh. Vì thế, khi khí hậu trở lạnh, hãy chắc chắn các bé nhỏ được mặc đủ ấm, đội nón. Đặc biệt, đừng để trẻ chơi bên ngoài quá lâu mà quên trẻ cần có thời gian giữ ấm cơ thể trở lại.

hạ thân nhiệt
Nên chú ý giữ ấm cho trẻ nhỏ vì đây là những đối tượng thường không nhận thức được bản thân đang bị lạnh

Phòng ngừa cho người lớn tuổi

Những người lớn tuổi cũng thường khó tự làm ấm cơ thể hơn so với những người trẻ. Đặc biệt, những người có sử dụng thuốc có ảnh hưởng đế khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể. Ví thế, hãy luôn chắc chắn rằng căn phòng, nơi ở của người lớn tuổi luôn đủ ấm. Đặc biệt, vào mùa đông hoặc ở những vùng có khí hậu lạnh, khô.

Nghiện rượu là một trong những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến hạ thân nhiệt. Bởi vì rượu làm bộ não mất nhận thức rằng cơ thể đang trở nên lạnh hơn. Thậm chí, khi uống quá nhiều, có thể gây choáng váng, ngất, tạo nguy cơ lớn gây hạ thân nhiệt. Nếu bạn có sử dụng rượu bia, hãy báo cho thân nhân người nhà biết khi đang ở ngoài đường trong thời tiết xấu.

Xem thêm: Thời tiết lạnh có thể tàn phá hệ hô hấp và sức khỏe của bạn!

Hạ thân nhiệt gây ra hậu quả nghiêm trọng tuy nhiên việc phòng ngừa lại rất dễ dàng để áp dụng. Trường hợp bạn bắt gặp một người đang có dấu hiệu hạ thân nhiệt trầm trọng. Hãy báo ngay cho trung tâm cấp cứu. Trong lúc chờ, hãy áp dụng những biện pháp làm ấm bên ngoài cho nạn nhân. Dù có thể nhiệt độ cơ thể đã xuống quá thấp và nạn nhân không còn tỉnh táo. Tuy nhiên, nếu được xử trí tích cực vẫn có tiên lượng tốt cứu sống được nạn nhân.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Patient education: Hypothermia (The Basics)https://www.uptodate.com/contents/hypothermia-the-basics

    Ngày tham khảo: 21/04/2020

  2. Hypothermiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothermia/symptoms-causes/syc-20352682

    Ngày tham khảo: 21/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người