YouMed

Helicobacter Pylori và phương pháp điều trị hiện tại

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Helicobacter Pylori (hay còn được gọi tắt là H.Pylori) không phải là cái tên quá xa lạ với phần lớn mọi người. Làm thế nào để phát hiện mình bị nhiễm? Khi nào cần điều trị và điều trị như thế nào? Đó đều là những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay. Cũng vì vậy mà bài viết hôm nay của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin hết sức cơ bản về HP và các phương pháp điều trị hiện tại.

Một số điểm quan trọng cần biết về Helicobacter Pylori

Helicobacter pylori (hay còn được gọi tắt bằng H. pylori) là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong dạ dày. Nó hiện diện trong khoảng một nửa dân số trên thế giới.

Ở các nước đang phát triển, hầu hết trẻ em bị nhiễm H.pylori trước 10 tuổi. Tuy nhiên, ở Mỹ và các nước phát triển khác, vi khuẩn thường ít được tìm thấy ở lứa tuổi này mà chúng lại phổ biến hơn ở lứa tuổi trưởng thành.

H. pylori lây lan thông qua việc tiêu thụ thực phẩm hoặc nước không hợp vệ sinh. Nhiễm trùng này gây nên những thay đổi cho dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non), từ đó trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn thương chúng.

Phần lớn những người bị nhiễm H. pylori không có triệu chứng, cũng như không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đối với sức khỏe. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, chúng có khả năng gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như loét dạ dày và thậm chí là ung thư. Nguyên nhân giải thích cho sự khác nhau này hiện tại vẫn chưa được hiểu rõ.

Các nhóm thuốc sử dụng trong điều trị Helicobacter Pylori?

Hiện tại, không có loại thuốc nào có khả năng chữa khỏi nhiễm H. pylori nếu dùng riêng lẻ. Hầu hết các chế độ điều trị liên quan đến việc phối hợp nhiều loại thuốc, trong đó bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) – thuốc này làm giảm sản xuất axit của dạ dày, cho phép các mô bị tổn thương do nhiễm trùng được chữa lành. Một số ví dụ về các loại PPI thường thấy trên thị trường như omeprazole (Prilosec), pantoprazole (Protonix) và esomeprazole (Nexium)…
  • Ít nhất hai loại kháng sinh – thường được khuyên dùng hơn là dùng riêng lẻ nhằm tăng khả năng tiêu diệt vi khuẩn, cũng như làm hạn chế hiện tượng đề kháng kháng sinh. Các kháng sinh này có đặc điểm chung là ít bị phá hủy trong môi trường dạ dày và tác dụng hỗ trợ cho nhau. Các ví dụ phổ biến như metronidazole,  clarithromycin,…

Thời gian điều trị: Hầu hết mọi người kết thúc quá trình điều trị sau hai tuần dùng thuốc (từ 10-14 ngày). Một số ít trường hợp có thể cần thời gian dài hơn.

Lưu ý: Ngày càng có nhiều bệnh nhân bị nhiễm H. pylori có khả năng kháng kháng sinh. Do đó, điều quan trọng là phải nghiêm túc hoàn thành tất cả các loại thuốc để đảm bảo rằng vi khuẩn bị tiêu diệt.

Các phác đồ được sử dụng trong điều trị H.Pylori hiện nay

Một thông tin rất quan trọng khi lựa chọn phác đồ điều trị cho H. pylori là quá trình tiếp xúc của người bệnh với các loại kháng sinh trước đó, bao gồm các yếu tố phổ biến như:

  • Các loại kháng sinh đã sử dụng? Khi nào? Trong bao lâu?
  • Hiệu quả của chúng như thế nào?
  • Tình trạng dị ứng của người bệnh đối với thuốc?

Đối với tình trạng của Việt Nam hiện nay điều trị đầu tay thường được bắt đầu với các lựa chọn là:

  • Phác đồ 4 thuốc có Bismuth
  • hoặc Phác đồ 4 thuốc với PPI, Clarithromycin, Amoxicillin và Metronidazole.

Chi tiết về các loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng của chúng có thể được tìm thấy trong hướng dẫn sau.

Một số phác đồ thường được sử dụng đầu tay tại Việt Nam (nguồn: bộ môn Nội - ĐHYD TPHCM)
Một số phác đồ thường được sử dụng đầu tay tại Việt Nam (nguồn: bộ môn Nội – ĐHYD TPHCM)

Ngoài ra, một số cách phối hợp thuốc khác cũng tỏ ra khá tiềm năng. Tuy nhiên, hiện tại các phương pháp còn khá thiếu các bằng chứng về hiệu quả điều trị tiệt trừ của mình và cần được nghiên cứu thêm.

Các phác đồ khác cũng có thể có hiệu quả trong một số trường hợp (nguồn: bộ môn Nội - ĐHYD TPHCM)
Các phác đồ khác cũng có thể có hiệu quả trong một số trường hợp (nguồn: bộ môn Nội – ĐHYD TPHCM)

Một số tác dụng phụ có thể gặp?

Có tới khoảng 50 phần trăm bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ trong quá trình điều trị H. pylori. Tuy nhiên, chúng thường diễn ra tương đối nhẹ và có rất ít bệnh nhân phải ngừng điều trị vì các tác dụng phụ này (không tới 10%). Đối với những người gặp phải tác dụng phụ, ta có thể điều chỉnh liều hoặc thời gian dùng thuốc.

Một số tác dụng phụ phổ biến nhất được mô tả dưới đây.

  • Một số kháng sinh như metronidazole hoặc clarithromycin có thể gây ra mùi vị khó chịu trong miệng (gần giống với kim loại).
  • Sự kết hợp giữa đồ uống có cồn và metronidazole có thể gây đỏ da, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh. Do đó, nên tránh dùng rượu bia khi đang sử dụng phác đồ có mặt loại thuốc này.
  • Bismuth có thể gây táo bón và làm cho phân bị đen, dễ gây nhầm lẫn với chảy máu đường tiêu hóa.
  • Một số phác đồ còn có thể gây tiêu chảy và co thắt dạ dày.

Phương pháp đánh giá hiệu quả điều trị tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter Pylori

1. Tại sao cần đánh giá hiệu quả điều trị?

Các xét nghiệm để xác nhận diệt trừ nên được thực hiện ở tất cả các bệnh nhân được điều trị H.Pylori. Nguyên nhân là bởi hiện tại không có chế độ điều trị nào đảm bảo chữa khỏi ở 100% bệnh nhân. Thậm chí, có rất ít phác đồ đạt được tỷ lệ tiệt trừ vượt quá 90%. Do đó, đây là thông tin cực kỳ quan trọng trước khi quyết định tiếp tục hay kết thúc điều trị.

2. Phương pháp đánh giá

Nhiễm trùng có thể được xác nhận bằng các xét nghiệm như:

  • Test phát hiện urê trong hơi thở.
  • Xét nghiệm kháng nguyên trong phân.
  • Nội soi đường tiêu hóa trên để khảo sát mô học, nuôi cấy hoặc PCR vi khuẩn (đặc biệt là ở những bệnh nhân nhiễm H. pylori dai dẳng sau hai đợt điều trị bằng kháng sinh).

3. Thời điểm đánh giá

Để hạn chế các sai sót trong kết quả, người bệnh cần ngừng kháng sinh ít nhất 4 tuần và ngừng PPI ít nhất hai tuần trước khi thực hiện thử nghiệm. Đó là thời điểm tốt nhất.

Làm gì khi quá trình điều trị tiệt trừ Helicobacter Pylori không thành công?

Có tới 20 phần trăm bệnh nhân nhiễm H. pylori không được chữa khỏi sau khi hoàn thành đợt điều trị đầu tiên. Các yếu tố liên quan đến kết quả này bao gồm:

  • Bệnh nhân tuân thủ điều trị kém.
  • Chủng vi khuẩn H. pylori đề kháng với kháng sinh được kê đơn.

Một phác đồ điều trị thứ hai sẽ được sử dụng trên nguyên tắc phối hợp giữa PPI và một số loại kháng sinh (ít nhất một trong số đó khác với đợt điều trị đầu tiên).

Cụ thể thì bác sĩ thường sẽ có những lựa chọn ưu tiên sau đây:

  • Nếu điều trị đầu tay có chứa clarithromycin, phác đồ 4 thuốc có bismuth hoặc phác đồ cứu cánh levofloxacin là lựa chọn điều trị ưu tiên.
  • Nếu điều trị bằng phác đồ 4 thuốc có bismuth lần đầu tiên, phác đồ cứu cánh có chứa clarithromycin hoặc levofloxacin là lựa chọn được ưa thích.
Điều trị thất bại có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp khác (nguồn: bộ môn Nội - ĐHYD TPHCM)
Điều trị thất bại có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp khác (nguồn: bộ môn Nội – ĐHYD TPHCM)

Trong trường hợp điều trị đợt hai thất bại, nuôi cấy và xét nghiệm kháng sinh đồ được đề nghị được thực hiện để hướng dẫn cho quá trình điều trị tiếp theo.

Xem thêm: Bệnh nhân nhiễm HP (H.pylori) cần nói chuyện gì với bác sĩ?

Nhìn chung, điều trị H.Pylori được bắt đầu ở bất kỳ ai nhiễm phải nó. Hầu hết các phác đồ được xây dựng dựa trên nguyên tắc phối hợp thuốc, phổ biến là thuốc ức chế bơm proton và một số loại kháng sinh. Tuy nhiên chúng thực sự không hề đơn giản ở thời điểm hiện tại khi mà các đột biến kháng thuốc ngày càng gia tăng. Do đó, người bệnh cần phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị cũng như kiểm tra hiệu quả đúng theo lịch hẹn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Treatment regimens for Helicobacter pylorihttps://www.uptodate.com/contents/treatment-regimens-for-helicobacter-pylori

    Ngày tham khảo: 26/08/2020

  2. Patient education: Helicobacter pylori infection and treatment (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/helicobacter-pylori-infection-and-treatment-beyond-the-basics#H11

    Ngày tham khảo: 26/08/2020

  3. ACG Clinical Guideline: Treatment of Helicobacter pylori Infectionhttps://journals.lww.com/ajg/fulltext/2017/02000/acg_clinical_guideline__treatment_of_helicobacter.12.aspx

    Ngày tham khảo: 26/08/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người