YouMed

Triệu chứng viêm loét dạ dày giúp bạn phát hiện bệnh sớm

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Viêm loét dạ dày là bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Bệnh gây ra những triệu chứng khó chịu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy triệu chứng viêm loét dạ dày là gì và cách chữa trị ra sao? Mời bạn tìm lời giải đáp qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên nhé. 

Tổng quan bệnh viêm loét dạ dày

Trước khi tìm hiểu triệu chứng viêm loét dạ dày, chúng ta cùng tìm hiểu tổng quan về căn bệnh này.

Dịch tễ

Tỷ lệ viêm loét dạ dày trên thế giời là khoảng 15/1000 dân (khoảng 1,5%). Tỷ lệ này có xu hướng tăng hàng năm ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, bệnh chiếm khoảng 26% và đứng đầu tiên trong các bệnh về đường tiêu hóa.

Bệnh viêm loét dạ dày có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Nhưng những người già chiếm 60% tổng số các trường hợp mắc bệnh.

Cơ chế sinh bệnh

Bệnh viêm loét dạ dày là một tổn thương gây viêm loét trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Các tổn thương này xảy ra khi hàng rào bảo vệ cuối cùng của niêm mạc dạ dày bị bào mòn làm cho lớp mô bên dưới bị lộ ra.

Tình trạng này có thể gây xuất huyết tiêu hóa nếu ổ viêm loét lớn. Nếu bệnh nhân không được phát hiện biến chứng này kịp thời có thể tử vong do mất máu nhiều.

Cơ chế sinh bệnh viêm loét dạ dày là do sự mất cân bằng giữa yếu tố hủy hoại và yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Các yếu tố hủy hoại niêm mạc dạ dày

  • Pepsin và Axit Clohidric trong dịch vị.
  • Vi khuẩn Helicobactor pylori.
  • Các thuốc trong điều trị: aspirin, salixylat, corticoid.
  • Nhóm máu O.
  • Di truyền – yếu tố HLA-B25.

Các yếu tố bảo vệ

  • Lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày: mucin, photpholipids, chất điện giải, nước.
  • HCO3- : được sản xuất ở tế bào biểu mô thân vị và hang vị của dạ dày.
Nguyên nhân viêm loét dạ dày là do mất cân bằng giữa yếu tố hủy hoại và yếu tố bảo vệ
Nguyên nhân viêm loét dạ dày là do mất cân bằng giữa yếu tố hủy hoại và yếu tố bảo vệ

Các triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày

Một số triệu chứng viêm loét dạ dày có thể thấy bao gồm:

Đau thượng vị

Đau thượng vị là triệu chứng viêm loét dạ dày hay gặp nhất.

Bệnh nhân thường có cơn đau ở vùng trên rốn và dưới mũi xương ức. Tính chất cơn đau là đau cồn cào, âm ỉ, mà không quằn quại. Cơn đau có thể xuất hiện ngay sau khi ăn. Nó cũng có thể thuyên giảm khi ăn nhưng thường tăng lên sau bữa ăn 2 – 3 giờ. Ăn càng no cơn đau càng tăng.

Thời gian cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và có tính chu kỳ.

Một số triệu chứng viêm loét dạ dày
Một số triệu chứng viêm loét dạ dày

Ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị

Ợ chua, ợ hơi là 2 triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm loét dạ dày.

Thường khi ợ chua, ợ hơi bạn sẽ cảm nhận được mùi tanh sắt rỉ ở miệng.

Nôn và bồn nôn

Nôn và buồn nôn là triệu chứng viêm loét dạ dày cũng có thể xảy ra.

Bệnh nhân có thể nôn ra máu trong trường hợp xuất huyết trong dạ dày.

Rối loạn tiêu hóa

Bệnh nhân viêm loét dạ dày thường cảm thấy ăn không ngon miệng, đầy bụng hoặc cảm giác no. Nhưng đôi khi lại thấy đói với một cảm giác trống rỗng ở trong dạ dày. Điều này dẫn đến tình trạng sụt cân ở người bệnh.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thì cần làm một số xét nghiệm để củng cố chẩn đoán.

Nội soi đường tiêu hóa trên là xét nghiệm chẩn đoán được xem là chính xác nhất đối với bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng.

Một số xét nghiệm khác cũng cần làm như chụp X quang, công thức máu toàn phần, amylase và lipase, xét nghiệm chức năng gan, điện tâm đồ, men tim (để loại trừ chứng thiếu máu cục bộ tim) và xét nghiệm nước tiểu.

Nếu nghi ngờ có biến chứng thủng tạng rỗng, chụp X-quang ngực thẳng đứng có thể cho thấy không khí tự do dưới cơ hoành hoặc chụp CT để thấy rõ hơn.

Nội soi dạ dày

Nội soi cho phép thấy được hình ảnh bên trong dạ dày trên màn hình máy soi. Phương pháp này sử dụng một ống dài linh hoạt, mềm (gọi là fibroscope) có gắn camera và đèn sáng ở đầu đưa vào dạ dày.

Nếu nghi ngờ nhiễm xoắn khuẩn H.pylori hoặc muốn xét nghiệm tế bào bất thường thì bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ niêm mạc dạ dày. Sau đó sẽ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán có nhiễm H.pylori hay không, ví dụ:

  • Xét nghiệm CLO-test.
  • Nuôi cấy mẫu bệnh học tìm vi khuẩn.
  • Xác định Hp bằng kính hiển vi.

Nuôi cấy vi khuẩn tìm độ nhạy với kháng sinh

Cho mẫu mô niêm mạc dạ dày vào môi trường bán đặc CLO test (gồm: agar gel có urea, chất chỉ thị phenol đỏ, chất kiềm hãm vi khuẩn).

Men urease của vi khuẩn H. pylori có trong mẫu sẽ làm biến đổi urease thành ammoniac (NH3). NH3 sẽ làm môi trường thuốc thử có pH kiềm, do đó làm thay đổi màu của chỉ thị từ vàng sang đỏ tía.

Nội soi dạ dày để chẩn đoán bệnh
Nội soi dạ dày để chẩn đoán bệnh

Test thở

Nếu bị nhiễm H. pylori, đồng vị phóng xạ của carbon sẽ hiện diện trong hơi thở của bệnh nhân và được phát hiện bằng máy quang phổ hay máy đếm phóng xạ.

Bệnh nhân sẽ được cho tiếp xúc với urea có hàm lượng đồng vị phóng xạ C13 và C14 ở liều thấp.

Các bác sĩ sẽ phân tích luồng khí thở của người bệnh trước và sau khi uống thuốc thử để phát hiện một loại men do vi khuẩn H.pylori tiết ra. Từ đó cho biết kết quả dương hay âm tính.

Trên đây là bài viết về triệu chứng viêm loét dạ dày. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu hơn về một số triệu chứng và có thể phát hiện sớm bệnh để thăm khám bác sĩ và được điều trị kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người