Hẹp động mạch thận: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Hẹp động mạch thận là tình trạng giảm đường kính một hoặc nhiều động mạch dẫn máu đến thận. Đây là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp thứ phát và có thể chiếm 1-10% trong số 50 triệu trường hợp tăng huyết áp ở Hoa Kỳ. Sau đây, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu về bệnh hẹp động mạch thận qua bài viết sau.
1. Các động mạch thận là gì?
Các động mạch thận có vai trò mang máu từ tim đến thận. Chúng phân nhánh trực tiếp từ động mạch chủ (động mạch chính đi ra từ tim) ở hai bên và kéo dài đến mỗi thận. Các động mạch này đưa một lượng máu rất lớn đến thận để lọc máu.
Tim bơm ra khoảng 5 lít máu mỗi phút và khoảng 1-1,5 lít (25%) tổng thể tích máu được tim bơm đi qua thận mỗi phút.
2. Hẹp động mạch thận là gì?
Đây là tình trạng giảm đường kính của động mạch thận. Hậu quả làm hạn chế lưu lượng máu đến thận có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận (suy thận) và làm tăng huyết áp được gọi là tăng áp do mạch thận.
Tăng áp do mạch thận có khả năng xảy ra do hẹp động mạch một bên hoặc cả hai bên thận. Lưu lượng máu đến thận giảm làm suy giảm chức năng thận. Tình trạng này có thể gây suy thận ở một số bệnh nhân.
Tuy nhiên, không có mối liên hệ có thể đoán trước được giữa suy thận và hẹp động mạch thận. Một số bệnh nhân bị hẹp động mạch hai bên thận rất nặng nhưng chức năng thận lại bình thường. Hầu hết các trường hợp suy thận thường có kèm theo đái tháo đường, tăng huyết áp mãn tính, xơ hóa cầu thận, bệnh thận do thuốc cản quang, nhiễm độc thuốc và các nguyên nhân khác.
3. Bệnh phổ biến như thế nào?
Tình trạng phổ biến hơn ở những người từ 50 tuổi trở lên. Người ta ước tính rằng mức độ hẹp lớn hơn 50% được tìm thấy ở khoảng 18% người lớn từ 65-75 tuổi và 42% những người trên 75 tuổi. Điều này có thể do xơ vữa động mạch phổ biến hơn ở nhóm tuổi này.
Ở những bệnh nhân trẻ tuổi, động mạch thận bị hẹp thường là do thành động mạch dày lên (loạn sản sợi xơ) và bệnh này thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
Người ta ước tính rằng hẹp động mạch thận chiếm khoảng 1% các trường hợp huyết áp nhẹ đến trung bình. Và có thể là nguyên nhân của khoảng 10% các trường hợp huyết áp cao kháng trị.
4. Triệu chứng của hẹp động mạch thận
Tình trạng này thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi nó tiến triển nặng. Một số trường hợp, nó có thể được phát hiện tình cờ khi vô tình khám vì một vấn đề sức khỏe khác. Có thể nghi ngờ động mạch thận bị hẹp khi có:
- Huyết áp tăng cao đột ngột hoặc trầm trọng không giải thích được
- Cao huyết áp bắt đầu trước 30 tuổi hoặc sau 50 tuổi
- Phát hiện tình cờ thông qua xét nghiệm hình ảnh cho thấy một quả thận nhỏ hơn so với thận còn lại.
Khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Huyết áp cao khó kiểm soát (cao huyết áp kháng trị)
- Âm thổi động mạch thận khi bác sỹ thăm khám
- Nồng độ protein tăng cao trong nước tiểu hoặc các dấu hiệu khác cho thấy chức năng thận bất thường
- Chức năng thận xấu đi trong quá trình điều trị cao huyết áp
- Phù mềm toàn thân do ứ dịch trong cơ thể
- Suy tim kháng trị
5. Hẹp động mạch thận do nguyên nhân gì?
Phần lớn căn nguyên là do xơ vữa động mạch thận. Tình trạng này tương tự như quá trình xơ vữa mạch máu ở tim và các cơ quan khác trong cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch bao gồm:
- Nồng độ cholesterol trong máu cao
- Cao huyết áp mạn tính
- Lớn tuổi
- Hút thuốc lá
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
Nguyên nhân ít phổ biến hơn của là các tình trạng loạn sản sợi cơ (hẹp mạch do sự dày lên bên trong của thành mạch máu), viêm động mạch, hoặc bóc tách động mạch th.
Có thể bạn muốn tham khảo thêm: Loạn sản sợi cơ: Dấu hiệu, Nguyên nhân, Chẩn đoán và Điều trị
6. Hẹp động mạch thận có thể gây ra biến chứng gì?
Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Huyết áp cao kháng trị
- Suy thận, cần điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận
- Giữ nước trong cơ thể gây phù toàn thân
- Khó thở do dịch tích tụ trong khoang màng phổi (tràn dịch màng phổi)
7. Những ai nên tầm soát hẹp động mạch thận?
Đánh giá hẹp động mạch thận có thể được thực hiện ở những bệnh nhân bị suy thận tiến triển không rõ nguyên nhân, hoặc ở những người bị cao huyết áp kháng trị (cao huyết áp không thể kiểm soát được bằng thuốc). Nghi ngờ động mạch thận bị hẹp có thể được xem xét khi có bất kỳ hoặc tất cả những điều sau:
- Cao huyết áp kháng trị
- Có âm thổi động mạch thận đi kèm với cao huyết áp
- Huyết áp tăng vừa phải đến rất cao, khởi phát trước 30 tuổi hoặc sau 50 tuổi.
- Huyết áp tăng vừa phải đến rất cao ở một người bị xơ vữa động mạch đã biết do có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ.
- Huyết áp cao đang kiểm soát trở nên khó kiểm soát.
- Chức năng thận xấu đi sau khi bắt đầu dùng một số loại thuốc điều trị cao huyết áp như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB)
8. Các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán hẹp động mạch thận?
8.1 Chụp dộng mạch thận:
Chụp động mạch thận là xét nghiệm tốt nhất để phát hiện mức độ hẹp của động mạch thận. Tuy nhiên, chụp mạch không phải là xét nghiệm chính và chỉ được thực hiện cho những bệnh nhân có bằng chứng hẹp động mạch bằng xét nghiệm không xâm lấn khác như siêu âm, CTscan hoặc MRI.
Chụp động mạch là một phần của thủ thuật can thiệp động mạch thận, nói chung đích cuối cùng của thủ thuật can thiệp này là dùng để nong mạch và có thể đặt stent để điều trị hẹp động mạch được xác định bằng các xét nghiệm ít xâm lấn kể trên.
Hình ảnh chụp động mạch thận là việc đưa một ống thông vào động mạch quay hoặc động mạch đùi (thông thường là động mạch đùi). Sau đó thuốc nhuộm được tiêm vào, và chụp ảnh X quang để xem kích thước của mạch máu và mức độ thu hẹp.
Nếu thấy chỗ hẹp có thể điều trị được, có thể tiếp tục nong mạch hoăc đặt stent để điều trị hẹp động mạch.
8.2 Các xét nghiệm hình ảnh ít xâm lấn khác được sử dụng phổ biến nhất là:
Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA)
Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) tương tự như chụp cộng hưởng từ (MRI). Thuốc cản quang được tiêm vào máu qua tĩnh mạch ở cánh tay. Sau đó động mạch thận sẽ được chụp lại và phân tích. Độ chính xác của xét nghiệm này là tương đối cao.
Chụp CT mạch máu
Chụp CT mạch máu cũng được thực hiện bằng cách tiêm thuốc cản quang vào máu và chụp ảnh động mạch thận. Phương pháp cần thận trọng dùng ở những bệnh nhân bị suy thận.
Siêu âm Doppler
Đây là xét nghiệm hình ảnh ít xâm lấn nhất để đánh giá tình trạng hẹp của động mạch thận. Nó được thực hiện tương tự như siêu âm thông thường bằng cách đặt một đầu dò trên bụng để hình dung dòng chảy qua các động mạch thận và cũng để đo kích thước ở chỗ hẹp. Độ chính xác của nó tương tự như các thử nghiệm khác ở trên.
Tuy nhiên ưu điểm của nó là có thể đo kích thước của sự thu hẹp cũng như dòng chảy qua chỗ hẹp. Nhược điểm của xét nghiệm là tốn nhiều thời gian và có thể mất đến vài giờ để hoàn thành. Kết quả và độ chính xác của xét nghiệm cũng phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn và kinh nghiệm của kỹ thuật viên siêu âm.
9. Hẹp động mạch thận được điều trị như thế nào?
Việc điều trị có thể bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và một thủ thuật để khôi phục lưu lượng máu đến thận.
9.1 Thay đổi lối sống
- Duy trì cân nặng hợp lý: Khi cân nặng tăng lên, huyết áp cũng sẽ tăng lên. Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể giúp giảm huyết áp.
- Hạn chế muối trong chế độ ăn uống: Muối và thức ăn mặn khiến cơ thể giữ nước. Điều này có thể làm tăng cung lượng máu và làm tăng huyết áp.
- Hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm cholesterol và giảm huyết áp.
- Giảm căng thẳng có thể làm giảm huyết áp.
- Uống rượu ở mức độ vừa phải, nếu có.
- Ngừng hoặc không hút thuốc: Thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.
9.2 Thuốc
Huyết áp cao ngay cả khi do động mạch thận bị hẹp thường có thể được điều trị thành công bằng thuốc.
Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao liên quan đến hẹp động mạch thận bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), giúp giãn mạch máu và ngăn chặn sự hình thành angiotensin II (một chất trong cơ thể làm thu hẹp mạch máu).
- Thuốc lợi tiểu, giúp cơ thể bạn loại bỏ natri và nước dư thừa trong cơ thể.
- Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn alpha-beta, tác dụng làm tim đập chậm, giãn mạch máu.
- Thuốc chẹn kênh canxi giúp giãn mạch máu.
- Nếu xơ vữa động mạch là nguyên nhân cơ bản của hẹp động mạch thận, bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng aspirin và thuốc giảm cholesterol.
9.3 Thủ thuật
Nong và đặt stent mạch thận là thủ thuật để thông chỗ hẹp giúp cải thiện lưu lượng máu đến thận. Trong thủ thuật này, các bác sĩ sẽ mở rộng động mạch thận bị hẹp và đặt một thiết bị (stent) bên trong mạch máu để giữ cho các thành mạch mở ra và cho phép máu lưu thông tốt hơn.
Chỉ định của thủ thuật:
- Hẹp động mạch thận gây tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp không kiểm soát được bằng thuốc
- Suy thận tiến triển
- Hẹp động mạch thận ở người có một thận
- Có triệu chứng suy tim hoặc phù phổi thoáng qua tái phát nhiều lần
- Cải thiện triệu chứng của bệnh động mạch thận đồng thời có đau thắt ngực không ổn định hoặc suy tim
Hẹp động mạch thận là căn bệnh khá phổ biến đặc biệt là ở người cao tuổi. Bạn có thể hạn chế bệnh bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh ngay từ hôm nay. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của YouMed để cập nhật cho mình nhiều thông tin hữu ích nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.