Hiểu đúng về lây nhiễm bệnh sán chó
Nội dung bài viết
Bệnh sán chó (hay còn gọi là bệnh giun đũa chó mèo) là một bệnh khá phổ biến. Tại Việt Nam tình trạng thả rông chó mèo rất nhiều dẫn đến việc gia tăng số người mắc bệnh sán chó. Vậy bệnh sán chó là gì? Bệnh sán chó có thể lây qua những đường nào? Người mắc bệnh sán chó có thể lây cho người khác không?
Bệnh sán chó là gì?
Bệnh sán chó là bệnh lý do tác nhân giun đũa Toxocara: bao gồm Toxocara canis ở chó và Toxocara cati ở mèo.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh qua các qua các hành động gây nhiễm trứng giun như:
- Ở trẻ em thường là do các thói quen nghịch đất, chơi tiếp xúc với đất, tiếp xúc nhiều với chó mèo.
- Người lớn cũng có thể mắc bệnh do các thói quen như ăn rau sống không rửa kỹ, ăn thịt chó mèo chưa được nấu chín,….
Nguyên nhân gây ra bệnh sán chó
Nguyên nhân gây ra bệnh sán chó là do giun đũa Toxocara lạc chỗ trong cơ thể người. Trứng Toxocara nở ra trong ruột non và ấu trùng có thể di chuyển trong máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm gan, tim, phổi, não, cơ hoặc mắt. Từ đó gây ra các triệu chứng của bệnh sán chó do ấu trùng di cư gây ra.
Do nguyên nhân như trên nên các triệu chứng của bệnh sán chó có thể rất đa dạng. Thậm chí là không có triệu chứng. Người nghi ngờ bị nhiễm bệnh sán chó nên chú ý các triệu chứng như:
- Thường xuyên mệt mỏi, đau bụng
- Sốt, ho
- Ngứa, nổi mề đay,
- Chàm,…
Chu trình nhiễm sán chó ở người
Chó và mèo là vật chủ chính của giun đũa Toxocara. Khi chó mèo nhiễm giun đũa thì sẽ thải ra phân có chứa trứng giun ra môi trường. Khi ở trong môi trường, sau từ 2 đến 4 tuần ấu trùng Toxocara sẽ trưởng thành và có khả năng lây nhiễm.
Trứng giun đũa chó mèo có một lớp vỏ bảo vệ chắc chắn, cho phép trứng tồn tại trong môi trường hàng tháng, thậm chí hàng năm trong điều kiện thích hợp. Con người có thể bị nhiễm bệnh do vô tình nuốt phải trứng giun hoặc do ăn thịt chó mèo chưa được nấu chín có chứa ấu trùng.
Do con người không phải vật chủ tự nhiên của giun đũa Toxocara. Việc con người nhiễm phải bệnh sán chó chỉ là hiện tượng ký sinh trùng lạc chỗ. Nên do đó giun không thể trưởng thành trong cơ thể người. Chúng chỉ có thể theo máu di chuyển đến nhiều nơi trong cơ thể người và sau đó tự chết.
Sán chó liệu có lây từ người sang người ?
Như đã phân tích ở trên thì bệnh sán chó là một bệnh chỉ có thể lây từ chó sang người. Bệnh sán chó hoàn toàn không thể lây từ người sang người.
Đối với trường hợp phụ nữ mang thai mắc bệnh sán chó thì cũng hoàn toàn không cần phải lo lắng. Do bệnh sán chó chắc chắn không lây từ người sang người, kể cả từ mẹ sang con.
Bệnh sán chó chỉ có thể lây nhiễm từ chó mèo sang người do vô tình nuốt phải trứng giun. Thông qua việc ăn uống thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc do thường xuyên tiếp xúc với chó mèo nhiễm bệnh.
Tuy nhiên nếu trong gia đình có người mắc bệnh. Thì các bạn cũng cần phải chú ý xung quanh liệu có chó mèo nhiễm giun lây sang người hay nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Để từ đó có thể cắt đứt nguồn lây nhiễm. Phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh sán chó mạn tính có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị bệnh sán chó
Nếu mắc bệnh sán chó thì các bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Do đây là một bệnh có thể tự khỏi nếu cắt đứt được nguồn lây bệnh sán chó. Đối với các trường hợp nhẹ có thể không cần phải điều trị.
Đối với các bệnh nhân mắc bệnh sán chó có triệu chứng từ trung bình đến nặng. Thì cần được điều trị với các thuốc điều trị đặc hiệu diệt ký sinh trùng như albendazole hay mebendazole. Và có thể kèm theo các thuốc khác giúp điều trị triệu chứng hỗ trợ như kháng Histamin H1, Corticosteroid,….
Các biện pháp dự phòng bệnh sán chó hiệu quả
Việc cắt đứt nguồn lây nhiễm bệnh sán chó từ chó mèo sang người có thể nói là quan trọng nhất trong việc điều trị bệnh sán chó. Cần phải xử lý ngay nguồn lây nhiễm để hạn chế nguy cơ nhiễm mạn đưa đến biến chứng nguy hiểm của bệnh. Các biện pháp giúp dự phòng mắc bệnh bao gồm:
- Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu
- Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội…
- Rau sống cần rửa sạch sẽ đúng quy trình trước khi ăn
- Đối với trẻ em: không cho trẻ nghịch đất, mút tay, hạn chế tiếp xúc với chó mèo, rửa tay bé sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
- Không thả rông chó mèo, xổ giun định kỳ cho chó mèo.
- Xử lý chất thải chó mèo đúng cách và rửa tay thật kỹ sau khi xử lý chất thải chó mèo
Tóm lại, bệnh sán chó là một bệnh chỉ lây truyền từ chó mèo sang người. Và hoàn toàn không lây từ người sang người. Nên nếu các bạn có người xung quanh mắc phải thì cũng không cần phải lo lắng. Việc hiểu rõ các đường lây nhiễm của bệnh sán chó có thể giúp chúng ta hoàn toàn phòng ngừa được việc mắc bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.cdc.gov/parasites/toxocariasis/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC153144/
- https://www.uptodate.com/contents/toxocariasis-visceral-and-ocular-larva-migrans#:~:text=Toxocariasis%20occurs%20as%20a%20result,the%20cat%20ascarid%2C%20Toxocara%20cati
- https://emedicine.medscape.com/article/229855-overview?pa=2XeGjozNtI6KHtf%2B5o55w6ezTKP3uUDewVDZH3bzh8NhxF6ifrPLaM%2FUq6BXT5eU5jTI4UdsXlBTRA9NhmbNclaycSibeA0Q%2FJsWK%2BpGHzs%253