Hiểu về Alzheimer để “Nét thương không phai”
Tìm hiểu về Chính sách quảng cáo để hiểu rõ hơn cách chúng tôi duy trì sự phân biệt rõ ràng giữa nội dung được tài trợ, nội dung quảng cáo và nội dung do đội ngũ YouMed biên tập.
Nội dung bài viết
Alzheimer là gì?
Alzheimer là bệnh liên quan đến các phần não đảm nhiệm chức năng về suy nghĩ, trí nhớ và ngôn ngữ. Đây là một căn bệnh tiến triển, bắt đầu với tình trạng mất trí nhớ nhẹ và có thể dẫn đến mất khả năng trò chuyện và phản ứng với môi trường. Tuy bệnh thường gặp ở người lớn tuổi (> 65 tuổi) nhưng không phải là một phần của quá trình lão hóa.
Sa sút trí tuệ là thuật ngữ chung chỉ tình trạng suy giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ hoặc đưa ra quyết định, gây trở ngại cho các hoạt động hàng ngày. Theo WHO 2023, sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến 55 triệu người trên toàn thế giới và khoảng 10 triệu ca mắc mới mỗi năm. Trong đó, Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm đến 60 – 80% trường hợp. Bệnh Alzheimer là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 ở người lớn từ 65 tuổi trở lên.
Vì sao chúng ta cần Hiểu về Alzheimer?
1. Để chẩn đoán bệnh sớm
Đối với người bệnh, chẩn đoán bệnh Alzheimer sớm mang lại cơ hội điều trị tốt hơn. Chẩn đoán, tiếp cận sớm với điều trị, các dịch vụ hỗ trợ có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn, kéo dài thời gian sống độc lập và duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh, gia đình và người chăm sóc. Khi được chẩn đoán sớm, bệnh nhân có thể tiếp cận với các phương pháp điều trị sẵn có. Từ đó, giúp bệnh nhân cải thiện nhận thức và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chẩn đoán sớm còn giúp tiết kiệm chi phí y tế và chăm sóc về lâu dài, giúp người bệnh chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định và có nhiều thời gian để lên kế hoạch cho tương lai.
Đối với người chăm sóc, chẩn đoán bệnh sớm giúp người chăm sóc có thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi về thể chất, tâm trạng, tính cách của người thân bị Alzheimer. Từ đó, giúp cho người chăm sóc ít gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu và trầm cảm hơn.
Đối với xã hội, chẩn đoán bệnh sớm giúp giảm chi phí điều trị nói chung, từ đó làm giảm gánh nặng kinh tế của bệnh Alzheimer trải rộng trên 3 lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và chi phí y tế gián tiếp.
2. Để chăm sóc người bệnh hiệu quả hơn
Giai đoạn nhẹ
Trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, đa phần người bệnh có thể hoạt động độc lập. Người đó vẫn có thể lái xe, tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện và thậm chí làm việc. Người chăm sóc trong giai đoạn này đóng một vai trò quan trọng là hỗ trợ và đồng hành, đồng thời giúp người bệnh lập kế hoạch cho tương lai.
Giai đoạn trung bình
Giai đoạn trung bình của bệnh Alzheimer thường dài nhất và có thể kéo dài trong nhiều năm. Vì bệnh tiến triển, người mắc bệnh Alzheimer sẽ cần được chăm sóc nhiều hơn. Trong giai đoạn này của bệnh, đừng để người thân của bạn ở một mình, hãy cùng họ thực hiện các hoạt động hằng ngày như cùng nấu ăn, làm vườn, nghe nhạc hoặc đi dạo.
Thay đổi hành vi là một vấn đề cần lưu tâm (ví dụ trầm cảm, lo âu, hành động lặp đi lặp lại, khó ở, thay đổi giấc ngủ, đi lang thang). Hiểu những hành vi phổ biến trong giai đoạn này và cách hỗ trợ người bệnh phù hợp sẽ giúp ích cho người chăm sóc.
Người bệnh cũng có thể có những thay đổi về giao tiếp như khó tìm đúng từ, lặp lại câu hỏi, giảm khả năng suy nghĩ, giao tiếp phi ngôn ngữ. Bạn có thể giúp cải thiện khả năng giao tiếp của người bệnh bằng cách thực hiện những thay đổi đơn giản, chẳng hạn như nói chậm, rõ với giọng điệu nhẹ nhàng. Nếu bạn nhận thấy những thay đổi đột ngột trong giao tiếp, hãy liên hệ với bác sĩ, vì điều này có thể là do một bệnh khác hoặc tác dụng phụ của thuốc.
Ăn uống, mặc quần áo sẽ trở nên khó khăn hơn khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển. Việc mất đi sự độc lập và riêng tư là quá trình khó khăn đối với người bệnh; sự kiên nhẫn và nhạy cảm của bạn sẽ giúp họ vượt qua khó khăn. Khuyến khích người bệnh tự chăm sóc bản thân càng nhiều càng tốt, nhưng hãy sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết.
Hãy chú ý đến vấn đề an toàn, bạn hãy đọc thêm các Típ an toàn tại nhà (Tạo một nơi ở an toàn cho người thân yêu) để ngăn ngừa các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cho người thân.
Giai đoạn nặng
Giai đoạn nặng của bệnh Alzheimer có thể kéo dài từ vài tuần đến vài năm. Khi bệnh tiến triển, thường cần phải chăm sóc tích cực, suốt ngày đêm. Nhu cầu của người bệnh sẽ khác nhau tùy từng trường hợp, một người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối thường: Gặp khó khăn khi ăn và nuốt, cần hỗ trợ đi lại hoặc thậm chí không thể đi lại, cần giúp đỡ hoàn toàn trong việc chăm sóc cá nhân, dễ bị nhiễm trùng đặc biệt là viêm phổi.
Việc chăm sóc tại nhà với người bệnh Alzheimer giai đoạn nặng có thể sẽ quá sức với những người bình thường, vì vậy gia đình có thể cân nhắc việc chăm sóc người bệnh kết hợp các dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp ở cơ sở chuyên môn hoặc cơ sở chuyên chăm sóc bệnh Alzheimer.
3. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, hoặc làm chậm diễn tiến bệnh
Hiện tại, chưa có phương pháp nào được chứng minh có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer, tuy nhiên, có một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Lối sống lành mạnh có thể giúp giảm các yếu tố nguy cơ, hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh Alzheimer, và các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác khác, bao gồm:
- Kiểm soát huyết áp tăng cao.
- Chế độ ăn uống lành mạnh.
- Duy trì cân nặng ổn định.
- Duy trì các hoạt động tinh thần và thể chất.
- Ngăn ngừa chấn thương đầu.
- Ngủ đủ 7 đến 9 giờ mỗi đêm.
- Các bài tập rèn luyện trí não.
Nên tìm thông tin về bệnh Alzheimer ở đâu?
Với mong muốn cung cấp giải pháp hữu ích cho việc kiểm soát bệnh Alzheimer, dự án “Hiểu về Alzheimer” được sự đồng hành của human health care Việt Nam (hhc VN), Hội Lão Khoa TP Hồ Chí Minh và EISAI Việt Nam, nhằm tạo ra một hành trình ý nghĩa cho người bệnh, người chăm sóc và gia đình của bệnh nhân Alzheimer. Dự án sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về căn bệnh này 1 cách khoa học, cách chăm sóc người bệnh, bệnh nhân Alzheimer có thể làm gì để làm chậm tiến triển của bệnh hay quy tắc nào cả hai phải cùng nắm rõ khi giao tiếp hằng ngày,…
Bạn có thể tìm tất cả các thông tin của dự án “Hiểu về Alzheimer” thông qua website chính thức: https://hhc.com.vn/chuyen-muc/alzheimer – là một trang tin tức phi lợi nhuận – chuyên cung cấp kiến thức y khoa và tư vấn sức khỏe, được biên soạn và tham vấn bởi các dược sĩ, bác sĩ, chuyên gia y tế có chuyên môn và kinh nghiệm điều trị.
Fanpage dự án – Hiểu về Alzheimer: https://www.facebook.com/hieuvealzheimer – là một trang kết nối cộng đồng – nơi bệnh nhân, người thân trong gia đình có thể trao đổi, chia sẻ và gửi câu hỏi thắc mắc về bệnh Alzheimer và các được đội ngũ bác sĩ hhc (human health care) giải đáp.
Sống cùng Alzheimer chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với người bệnh và cả người chăm sóc. Hiểu đúng về Alzheimer là bước đầu giúp bạn cảm thông trước những thay đổi của người thân, sau đó tìm được phương pháp chăm sóc và điều trị đúng đắn, khoa học để giảm tiến triển của bệnh.
Hãy cùng nhau tạo ra một hành trình ý nghĩa và vượt thử thách để giữ “Nét thương không phai” mãi trong tâm trí mỗi chúng ta.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Alzheimer’s Disease and Related Dementiashttps://www.cdc.gov/aging/aginginfo/alzheimers.htm
Ngày tham khảo: 11/04/2023
-
What is Alzheimer’s Disease?https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-alzheimers
Ngày tham khảo: 11/04/2023
-
Dementiahttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dementia
Ngày tham khảo: 11/04/2023
-
Early-Stage Caregivinghttps://www.alz.org/help-support/caregiving/stages-behaviors/early-stage
Ngày tham khảo: 11/04/2023
-
Middle-Stage Caregivinghttps://www.alz.org/help-support/caregiving/stages-behaviors/middle-stage
Ngày tham khảo: 11/04/2023
-
Late-Stage Caregivinghttps://www.alz.org/help-support/caregiving/stages-behaviors/late-stage
Ngày tham khảo: 11/04/2023