Ho gà: Cùng bác sĩ giải đáp những thắc mắc thường gặp
Nội dung bài viết
Hiện nay, với lịch tiêm chủng mở rộng, ho gà là một trong những bệnh đã được kiểm soát ở trẻ em. Tuy nhiên, ho gà vẫn có thể gặp ở những trẻ chưa được tiêm ngừa đầy đủ như trẻ sơ sinh hay có nhiễm trùng nặng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách điều trị cũng như các lưu ý khi trẻ bị ho gà.
1. Ho gà là gì?
Ho gà là một bệnh lí gây nhiễm trùng ở phổi. Người lớn thường có thể hồi phục nếu bị ho gà. Tuy nhiên, nó lại rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Các biến chứng của ho gà có thể bao gồm viêm phổi, co giật, thậm chí tử vong.
2. Nguyên nhân là gì?
Đây là bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis. Trẻ em có thể bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với giọt bắn có vi khuẩn trong không khí từ người đang hắt hơi hoặc ho. Đối với người lớn, triệu chứng thường không nghiêm trọng, giống như cảm lạnh nhẹ. Vì vậy, họ không biết tình trạng nhiễm bệnh và có thể lây bệnh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
3. Các triệu chứng của ho gà bao gồm những gì?
Các triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, sổ mũi, ho từng cơn và mắt đỏ. Ho nổi bật với những tính chất sau: đỏ mặt từng cơn dài, có thể tím môi trong lúc ho, sau cơn ho có tiếng thở rít. Cơn ho có thể nặng hơn vào ban đêm. Ho thường kéo dài trong vài tuần. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không có tiếng rít sau khi ho.
Trẻ có độ tuổi càng nhỏ, khả năng nhiễm trùng càng cao. Diễn tiến bệnh có thể kéo dài hơn. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị buồn nôn, biếng ăn.
Trẻ sẽ được hỏi thông tin về diễn tiến bệnh và thăm khám toàn bộ cơ thể. Sau đó, Bác sĩ sẽ lấy chất nhầy mũi trong đường thở của trẻ để làm xét nghiệm tìm vi khuẩn.
4. Điều trị bệnh ho gà như thế nào?
Nếu trẻ được chẩn đoán ho gà, Bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh. Thuốc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng sẽ không hết các triệu chứng ngay lập tức. Riêng với trẻ sơ sinh, ho gà là một bệnh rất nghiêm trọng.
Vậy nên, trẻ cần phải ở lại bệnh viện để theo dõi sát và điều trị. Bất cứ ai khi tiếp xúc với con bạn nên uống thuốc kháng sinh và đeo khẩu trang để không bị lây bệnh.
5. Chăm sóc trẻ bị bệnh như thế nào?
Ngoài điều trị kháng sinh, việc chăm sóc cho trẻ rất quan trọng, bao gồm:
- Giữ không khí trong phòng ngủ của trẻ được làm ẩm mỗi ngày sẽ giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể xả nước nóng bằng vòi hoa sen để xông hơi trong phòng tắm. Nếu trẻ ho quá nhiều hoặc khó thở, hãy cho trẻ ngồi trong phòng tắm được xông hơi từ 10 đến 15 phút.
- Dùng dụng cụ hút mũi để loại bỏ chất tiết trong mũi. Rửa mũi với nước muối sinh lí.
- Có thể dùng thuốc ho thảo dược an toàn cho trẻ. Mật ong đã được chứng minh là giúp giảm ho. Tuy nhiên, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi vì nguy cơ ngộ độc.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giúp làm loãng chất nhầy. Hơn nữa, đây cũng là cách giúp trẻ dễ thở hơn vì có thể đưa chất nhầy ra ngoài bằng cách ho.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với những chất kích thích cơn ho như khói bụi hay khói thuốc lá, nước hoa hoặc các chất ô nhiễm khác.
- Kết hợp chế độ dinh dưỡng cho trẻ: do ho nhiều, trẻ có thể bị nôn nên sau khi trẻ nôn có thể cho trẻ ăn lại. Nên cho trẻ thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt nhưng vẫn đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.
6. Làm thế nào để giúp ngăn ngừa ho gà cho trẻ?
Người bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh lây lan sang cộng đồng, đặc biệt lây bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng là một phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc-xin ho gà được bao gồm trong các mũi tiêm DtaP (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ em, bắt đầu từ 2 tháng tuổi. Trẻ sẽ được tiêm 3 mũi DTaP trong năm đầu đời, sau đó có thể tiêm nhắc lại khi già đi.
Ho gà là một căn bệnh rất nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ. Vắc-xin DTaP rất an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa căn bệnh này.
Những người thường xuyên tiếp xúc với người bị ho gà thì cũng có thể được khuyên dùng kháng sinh dự phòng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh, tùy theo từng mức độ nghiêm trọng.
Đối tượng thường bị ho gà tấn công chính là trẻ em. Ho gà có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm ngừa vắc-xin ho gà. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu ba mẹ không phát hiện và chữa trị kịp thời. Vì vậy quý vị phụ huynh hãy lưu ý đến tình trạng sức khỏe con em mình để có những xử trí tốt nhất.
Cùng với việc phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh để đi khám bệnh kiểm tra thì bạn cũng cần chuẩn bị một số thông tin cần thiết để phục vụ cho việc thăm khám. Đọc ngay bài viết “Bật mí một số điều cần chuẩn bị khi đi khám bệnh ho gà” để biết thêm thông tin chi tiết nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Whooping Cough (Pertussis)
https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_whooping_pep.htm
Ngày tham khảo: 20/10/2019