YouMed

Viêm phổi cấp tính: Chớ nên coi thường

Dược sĩ PHẠM THỊ THÚY DIỄM
Tác giả: Dược sĩ Phạm Thị Thúy Diễm
Chuyên khoa: Dược

Bệnh viêm phổi cấp tính là bệnh lý đường hô hấp có diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên phế nang phổi. Bệnh có thể tiến triển thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu cách phòng và điều trị bệnh viêm phổi cấp tính thông qua bài viết sau nhé.

1. Viêm phổi cấp tính là bệnh gì?

Viêm phổi cấp tính là bệnh về đường hô hấp do phế nang phổi bị nhiễm khuẩn gây nên sự viêm nhiễm. Bệnh diễn biến phức tạp và phát triển cực nhanh nên còn gọi là viêm phổi cấp tính. Tình trạng bệnh kéo dài và không được điều trị kịp thời sẽ  làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ hô hấp.

Viêm phổi cấp tính

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp tính

Nguyên nhân của bệnh là do sự xâm nhập của các tác nhân gây hại của môi trường, thường gặp nhất là vi khuẩn, virus. Chúng vượt qua hàng rào miễn dịch của cơ thể, tấn công và gây viêm nhiễm phế nang phổi. Các nguồn lây nhiễm có thể đến từ:

  • Viêm phổi cộng đồng: các loại nấm, vi khuẩn, virus từ môi trường bên ngoài tấn công và gây bệnh thông qua các hoạt động thường nhật.
  • Viêm phổi bệnh viện: khi bệnh nhân ở trong bệnh viện đang điều trị một bệnh khác. Do sức đề kháng yếu, cộng thêm môi trường bệnh viện nhiều vi khuẩn dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Đây là trường hợp rất dễ xảy ra đối với trẻ nhỏ, người già hoặc người bệnh có chứng phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc HIV/AIDS.
  • Trào ngược dạ dày, thực quản: khi trào ngược, một lượng dịch dạ dày nhỏ có thể xâm nhập vào khí quản và gây ra viêm phổi.
  • Các nguyên nhân khác có thể bao gồm: cúm gia cầm, H5N1, hội chứng hô hấp SARS, bệnh than, bệnh dịch hạch, bệnh thỏ

3. Biểu hiện của bệnh viêm phổi cấp tính

Viêm phổi có nhiều biểu hiện phức tạp, tùy thuộc nguyên nhân nhiễm bệnh. Ở giai đoạn đầu người bệnh thường không nhận biết được triệu chứng của bệnh. Do bệnh viêm phổi cấp tính thường có biểu hiện giống như cảm lạnh và cúm. Điều này dễ khiến người bệnh lầm tưởng và làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Viêm phổi cấp nguyên nhân do vi khuẩn thường tiến triển nhanh.

Các triệu chứng điển hình: ho ra đờm kèm theo máu, hơi thở nông và thở nhanh, sốt cao, đau tức ngực, khi ho và hít vào thì cảm giác đau càng trầm trọng. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi và kèm theo buồn nôn, tiêu chảy.

Với người bệnh lớn tuổi (người già), khi bị viêm phổi cấp tính có thể ho nhưng không có đờm. Bệnh nhân thường có triệu chứng mê sảng.

Trường hợp viêm phổi có nguyên nhân từ virus thì các triệu chứng tương tự như vi khuẩn nhưng có diễn tiến thường chậm hơn, thường không nghiêm trọng.

4. Điều trị bệnh viêm phổi cấp

Khi nghi ngờ có các biểu hiện của bệnh, bạn cần đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu không bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và dẫn đến mạn tính. Điều này gây khó khăn trong điều trị và ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe.

Điều trị viêm phổi nguyên nhân do vi khuẩn: kháng sinh sẽ là sự lựa chọn tối ưu dành cho bạn. Sau khi bắt đầu dùng thuốc, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và các triệu chứng thuyên giảm. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tiếp tục dùng thuốc đúng theo lộ trình. Không nên ngưng uống thuốc sớm, vì có thể tăng tỷ lệ tái phát bệnh. Đồng thời tăng nguy cơ xuất hiện các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc.

Đối với nguyên nhân do virus: điều trị bằng kháng sinh trong trường hợp này không còn phù hợp nữa. Thuốc kháng virus sẽ được cân nhắc sử dụng trong điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần phải nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

Viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma: trường hợp này, bệnh nhân cũng được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ không thấy khá hơn ngay sau khi dùng thuốc. Tình trạng mệt mỏi, khó chịu có thể kéo dài sau khi bệnh đã thuyên giảm. Các dấu hiệu và triệu chứng do Mycoplasma giống như bệnh cảm lạnh, và thường tự biến mất. Do vậy bệnh nhân thường nhầm lẫn và lờ đi, làm bệnh tiến triển nhanh.

Viêm phổi do nấm: bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

5. Viêm phổi cấp tính có nguy hiểm không?

Giai đoạn đầu, bệnh viêm phổi cấp tính có biểu hiện rất âm thầm. Triệu chứng thường là khó chịu, gai người, sốt nhẹ, ho nhẹ.

Chính vì vậy, người bệnh dễ chủ quan làm bệnh nặng thêm. Bệnh phát triển rất nhanh, vùng viêm nhiễm bị lan rộng nên rất nguy hiểm. Nếu không chữa trị và cấp cứu kịp thời bệnh nhân dễ tăng nhịp thở, mặt mày tím tái do thiếu oxy, thậm chí là tử vong. Ngoài ra khi bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, những biến chứng nguy hiểm sau đây có thể xảy ra:

  • Biến chứng tại phổi: Bệnh có thể lan rộng ra nhiều thùy phổi, bệnh nhân khó thở , tím môi, mạch nhanh. Xẹp một thuỳ phổi, áp xe phổi: đờm đặc quánh gây tắc phế quản, sốt dai dẳng, khạc nhiều đờm có mủ.
  • Biến chứng trong lồng ngực: Tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim: bệnh nhân sốt dai dẳng, chọc dò màng phổi có mủ, triệu chứng đau vùng trước tim…

6. Phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp đúng cách

Viêm phổi cấp tính tiến triển nhanh và khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:

  • Giữ không gian sống sạch sẽ, thông thoáng, giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Lưu ý giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là phần cổ ngực và hai bàn chân. Tránh bị nhiễm lạnh, nhất là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, sức đề kháng kém.
  • Nên tắm nước ấm mỗi ngày, nhà tắm cần phải kín không có gió lùa.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng, cân đối giữa chất đạm, chất xơ, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Tránh các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá,…
  • Điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng để tránh biến chứng viêm phổi.
  • Tập thể dục đều đặn, vừa sức.

Viêm phổi cấp tính là bệnh lý đường hô hấp nguy hiểm, tiến triển nhanh và có biến chứng nghiêm trọng. Giai đoạn đầu, bệnh thường khó phát hiện do triệu chứng dễ lầm lẫn với cảm cúm. Do vậy, phòng ngừa bệnh là hết sức quan trọng. Khi nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đến ngay các trung tâm y tế để khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người