Hội chứng Alpha-gal: Những điều mà bạn cần biết
Nội dung bài viết
Hội chứng Alpha-gal là tình trạng hiếm gặp trên toàn thế giới. Người bệnh xuất hiện phản ứng dị ứng sau khi ăn thịt động vật, đặc biệt là với thịt đỏ. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc bệnh nhân bị loài bọ Lone Star đốt. Trong nước bọt của loài bọ này có chứa Alpha-gal.
1. Hội chứng Alpha-gal là gì?
Đây là một tình trạng mà người mắc sẽ xuất hiện các triệu chứng tương tự dị ứng thực phẩm sau khi ăn thịt đỏ. Ở Mỹ, người ta ghi nhận hội chứng này xuất hiện sau khi bị một loài bọ tên Lone Star đốt. Từ đó kích hoạt hệ miễn dịch của người bệnh sản sinh ra các phản ứng dị ứng. Mức độ dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng khi ăn thịt đỏ.
Ngoài Mỹ, ở một số quốc gia châu Âu, châu Úc và châu Á cũng có những bệnh nhân mắc hội chứng Alpha-gal. Thường người mắc bệnh từng bị một số loài bọ có mang thành phần alpha-gal đốt.
Cách phòng bệnh chính là tránh bị bọ đốt bằng cách mang quần dài, áo tay dài. Ngoài ra dùng thêm thuốc chống côn trùng khi đi đến những khu nhiều cây cỏ, rậm rạp.
2. Các triệu chứng đi kèm
Các dấu hiệu phản ứng dị ứng Alpha-gal thường xuất hiện trễ hơn so với các kiểu dị ứng khác. Một số loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến gồm đậu phộng hay hải sản. Hầu hết các trường hợp dị ứng thực phẩm này đều xảy ra trong vòng vài phút sau ăn. Trái lại, đối với hội chứng Alpha-gal, các dấu hiệu thường chỉ xuất hiện sau 3 – 6 giờ sau khi ăn thịt đỏ. Các triệu chứng bao gồm:
- Phát ban, ngứa, bong vảy da (chàm). Tham khảo bài viết: Top 12 nguyên liệu thiên nhiên điều trị chàm hiệu quả
- Sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể
- Thở khò khè hoặc khó thở
- Sổ mũi
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn
- Hắt xì
- Nhức đầu
- Sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Nó có khả năng gây suy hô hấp, thậm chí tử vong.Người mắc hội chứng Alpha-gal có triệu chứng dị ứng
Các bác sĩ cho rằng, khoảng cách xa giữa thời điểm ăn thịt đỏ và thời điểm xuất hiện phản ứng dị ứng là một lý do khiến hội chứng alpha-gal dễ bị bỏ sót trong quá trình chẩn đoán dị ứng. Do đó, cần lưu ý trường hợp xuất hiện phát ban lúc giữa đêm sau bữa tối nhiều thịt đỏ.
3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ gia đình để có thể chẩn đoán và điều trị dị ứng kịp thời. Ngay cả khi các triệu chứng kể trên xuất hiện trễ sau bữa ăn, bạn vẫn không nên loại trừ nguyên nhân dị ứng. Nhất là khi dấu hiệu này gặp phải sau một bữa ăn đầy thịt đỏ. Và bạn từng đi đến nơi bụi rậm hay vùng có người từng mắc hội chứng Alpha-gal.
>> Xem thêm bài viết: Bệnh sốt thỏ có nguy hiểm không?
Bạn cần đến cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu của phản vệ, bao gồm:
- Khó thở.
- Mạch nhanh, nhẹ khó bắt.
- Hoa mắt hay chóng mặt.
- Khó nuốt và chảy nước dãi nhiều.
- Mẩn đỏ toàn thân và sưng nề.
4. Các nguyên nhân dẫn đến hội chứng Alpha-gal
Hầu hết người mắc hội chứng này ở Mỹ đều từng bị loài bọ Lone Star cắn. Ở những nước khác như Âu, Á, Úc, có một số loại bọ cũng gây hội chứng trên.
4.1. Nguyên nhân hàng đầu: Bị bọ cắn
Phân tử alpha-gal được tin rằng vốn từ ban đầu ở trong máu của loại động mật như cừu hay bò. Sau khi bò hay cừu bị bọ cắn, phân tử alpha-gal xâm nhập cơ thể loài bọ. Người vô tình nhiễm phải phân tử alpha-gal sau khi bị loại bọ đó cắn.
Sau đó, một số người bị bọ cắn có đáp ứng phản vệ với các phân tử này. Về sau, khi ăn thịt đỏ, những người đó có triệu chứng dị ứng với nhiều mức độ.
4.2. Thuốc điều trị ung thư, như cetuximab
Một số người có kháng thể liên quan đến hội chứng alpha-gal cũng có phản vệ với thuốc cetuximab. Một số trường hợp phải giảm hay ngưng dùng Cetuximab thường đã từng bị bọ Lone Star cắn. Do đó, câu hỏi là liệu rằng có thể một mối tương quan giữa bị bọ Lone Star cắn và hội chứng Alpha-gal. Tuy vậy, đến nay câu hỏi đó vẫn còn bị bỏ ngỏ.
5. Các nguy cơ mắc hội chứng Alpha-gal
Đôi khi bác sĩ cũng không rõ tại sao một số người bệnh mắc chứng Alpha-gal trong khi một số khác thì không mắc dù họ đều từng tiếp xúc loại bọ trên. Đặc biệt những người mắc hội chứng Alpha-gal chủ yếu ở miền đông nam Hoa Kỳ và một phần của New York, New Jersey và New England. Cư dân sống tại các vùng khác trên thế giới cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng Alpha-gal nếu:
- Bản chất công việc phải dành nhiều thời gian ở ngoài trời.
- Bị nhiều vết cắn của các loài bọ, đặc biệt là bọ Lone Star.
- Có những bất thường trong tế bào mast như bệnh tế bào mast hệ thống không hoạt động.
Hội chứng Alpha-gal đã được ghi nhận ở nhiều nơi khác trên thế giới như Châu Âu, Châu Á… Một số loại ve có mang phân tử alpha-gal xuất hiện cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
6. Những biến chứng do Alpha-gal gây ra
Hội chứng Alpha-gal có thể gây biến chứng sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm. Đây là một tình trạng phải cấp cứu. Bác sĩ sẽ cần dùng thuốc tiêm epinephrine (adrenaline) và chuyển ngay đến phòng cấp cứu của cơ sở y tế.
Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm bao gồm:
- Co thắt đường thở.
- Sưng nề họng gây khó thở cho người bệnh
- Huyết áp giảm nghiêm trọng (sốc)
- Mạch nhanh
- Chóng mặt, hoa mắt, thậm chí mất ý thức.
Khi một bệnh nhân sốc phản vệ không tìm được nguyên nhân, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc đến hội chứng Alpha-gal.
>> Xem thêm: Người bị huyết áp thấp nên ăn gì? Không nên ăn gì?
7. Chẩn đoán được hội chứng Alpha-gal
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh nhờ vào tiền căn bệnh lí và kết quả một số xét nghiệm. Có thể bác sĩ sẽ hỏi về việc bạn đã từng bị bọ cắn. Nhất là các triệu chứng và tính chất chúng xảy ra sau khi bạn ăn thịt đỏ. Bác sĩ có thể sẽ khám lâm sàng thêm.
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm gồm:
- Xét nghiệm máu: nhằm mục tiêu đo lượng kháng thể alpha-gal trong máu người bệnh. Đây chính là điểm cốt lõi trong chẩn đoán hội chứng alpha-gal.
- Test lẫy da: có thể bác sĩ sẽ lẫy da và để bạn tiếp xúc lượng nhỏ chất từ thịt đỏ. Nếu bạn có triệu chứng dị ứng, vùng da chỗ test sẽ sưng đỏ. Bác sĩ cũng sẽ test phản ứng dị ứng của bạn với nhiều nhóm thịt đỏ khác nhau.
8. Phương pháp điều trị hội chứng Alpha-gal
Điều trị hội chứng Alpha-gal chủ yếu là tránh thực phẩm gây phản ứng dị ứng, cụ thể là thịt đỏ. Bạn nên kiểm tra thành phần trên nhãn mác các loại thực phẩm mua ngoài cửa hàng. Hãy đảm bảo chúng không chứa thịt đỏ hoặc các thành phần có nguồn gốc từ thịt đỏ. Kiểm tra cả những gói súp, gói nước sốt và thành phần gia vị trong các sản phẩm đóng gói sẵn. Tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về danh sách các thực phẩm cần tránh, nhất là các gói gia vị. Bạn nên hỏi bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn.
8.1. Lưu ý ở bệnh nhân mắc hội chứng Alpha-gal khi đi ăn ngoài
Thận trọng khi đi ăn tại nhà hàng và các cuộc họp mặt tiệc tùng. Nhiều người chưa hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của dị ứng thực phẩm. Nếu bạn lo lắng không biết một loại thực phẩm nào đó có nguy cơ gây dị ứng cho bạn hay không, tuyệt đối đừng thử ăn chúng. Nếu phải dùng bữa chung với nhiều người, tốt nhất hãy chuẩn bị khẩu phần ăn của riêng bạn.
8.2. Điều bạn nên làm khi có triệu chứng phản vệ
Khi gặp một phản ứng dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, bệnh nhân cần được tiêm epinephrine khẩn cấp và chuyển ngay đến phòng cấp cứu. Nhiều người bị hội chứng Alpha-gal nên mang theo một thiết bị tiêm epinephrine tự động. Đây chính là giải pháp để người bệnh tự cấp cứu trong trường hợp nguy kịch. Khi được chẩn đoán mắc hội chứng Alpha-gal, bác sĩ có thể kê toa cho bệnh nhân dạng thuốc này.
Nếu bệnh nhân không bị thêm vết cắn nào từ bọ ve mang Alpha-gal, những triệu chứng của hội chứng này có thể giảm bớt hoặc thậm chí biến mất theo thời gian. Một số người mắc bệnh này đã có thể ăn thịt đỏ trở lại sau 1 – 2 năm chung sống với căn bệnh này.
>> Xem thêm: Top 12 nguồn đạm thực vật thay thế đạm động vật
9. Phòng ngừa hội chứng Alpha-gal
Cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng Alpha-gal là tránh đi vào những vùng có bọ ve sống. Đặc biệt là những khu vực nhiều cây cối, rậm rạp, nhiều cỏ mọc dài. Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng Alpha-gal với một số biện pháp phòng ngừa đơn giản:
- Mặc đồ kín: Khi phải đi vào những khu vực nhiều cây cối hoặc cỏ dại, hãy mang giày kín, quần dài nhét vào tất, áo sơ mi dài tay, đội mũ và đeo găng tay. Cố gắng đi men theo những đường mòn, tránh đi bộ qua những bụi cây rậm rạp và cỏ dại.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng: Dùng các sản phẩm chống côn trùng phù hợp với làn da của bạn. Cha mẹ nên bôi thuốc cho trẻ, tránh tay, mắt và miệng. Thuốc chứa hóa chất có thể độc hại cho sức khỏe của trẻ.
- Dọn dẹp sân vườn: phát quang bụi rậm. Dọn sạch những nơi có nhiều lá cây, thường là nơi trú ngụ của bọ ve. Những khúc gỗ nên bảo quản kỹ, tránh thu hút côn trùng đến
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ khi vào trong nhà. Loài bọ ve có thể trú ẩn trên da bạn hàng giờ. Tắm và sử dụng khăn lau có thể loại bỏ bọ ve trên da
- Khi phát hiện trên người có bọ ve, cần loại bỏ càng sớm càng tốt. Nhẹ nhàng gắp lấy phần gần đầu hoặc miệng của nó, không nên bóp hoặc nghiền nát chúng khi chưa loại bỏ ra khỏi cơ thể. Bôi thuốc sát trùng nếu đã bị bọ cắn.
Tóm lại, hội chứng Alpha-gal là tình trạng dị ứng với thực phẩm nhất là thịt đỏ. Đây là tình trạng bệnh hiếm gặp trên toàn thế giới nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Khi đó bạn nên đến cấp cứu ngay lặp tức. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc phải hội chứng trên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Hi vọng bài viết trên của YouMed giúp ích cho bạn. Hãy theo dõi website để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích bạn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.