YouMed

Hồi hộp đánh trống ngực: có phải là triệu chứng đáng lo ngại?

Bác sĩ TRẦN HOÀNG NHẬT LINH
Tác giả: Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh
Chuyên khoa: Tim mạch

Mỗi khi gắng sức hay gặp kích thích, bạn sẽ thấy tim mình đập dữ dội một lúc rồi trở về bình thường. Có bao giờ bạn thắc mắc, tình trạng hồi hộp đánh trống ngực đó có ẩn chứa nguy hiểm tiềm ẩn nào? Hy vọng câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Hồi hộp đánh trống ngực là gì?

Đa số mọi người đều có thể tự cảm nhận nhịp tim của mình. Đánh trống ngực hay hồi hộp xảy ra khi bạn cảm thấy tim có những cơn đập nhanh hơn bình thường. Bạn có thể thấy tim mình như đang chạy đua, nảy thình thịch. Thậm chí, cảm giác “đua ngựa” này không chỉ xuất hiện ở lồng ngực mà còn có thể cảm giác được ở cả cổ, cuống họng.

2. Nguyên nhân gây hồi hộp đánh trống ngực

2.1 Rối loạn nhịp

  • Ngoại tâm thu nhĩ
  • Ngoại tâm thu thất
  • Rung nhĩ cơn, rung nhĩ dai dẳng
  • Nhịp nhanh kịch phát trên thất
  • Nhịp nhanh thất
  • Bệnh lý nút xoang
 Rối loạn hệ thống dẫn truyền tim là nguyên nhân thường gặp gây hồi hộp
Rối loạn hệ thống dẫn truyền tim là nguyên nhân thường gặp gây hồi hộp

2.2 Sinh lý

  • Có thai
  • Cường giáp
  • Thiếu máu
  • Sốt
  • Gắng sức
  • Chất kích thích, hưng phấn

2.3 Không liên quan bệnh tim mạch

  • Các rối loạn tâm thần

Hồi hộp là đặc tính của một số rối loạn tâm thần, gồm các cơn hốt hoảng, các rối loạn lo âu nói chung, căng thẳng thể xác, và ức chế tinh thần.

Các hồi hộp là triệu chứng và có thể xuất hiện không có các rối loạn nhịp tim. Khi hồi hộp kết hợp với lo âu hoặc sợ hãi, thường khó với các bệnh nhân phân biệt có cảm giác lo âu hoặc sợ hãi đi trước hoặc gây ra hồi hộp hay không.

Chẩn đoán này không nên được chấp nhận cho đến khi căn nguyên rối loạn nhịp được loại trừ.

  • Rối loạn thần kinh thực vật
 Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây hồi hộp đánh trống ngực
Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây hồi hộp đánh trống ngực

3. Đánh giá ban đầu

Triệu chứng đi kèm hồi hộp đánh trống ngực

Một số biểu hiện thường gặp của bệnh tim mạch được mô tả sau đây. Nếu có những triệu chứng này, bạn không được chủ quan. Đột tử do tim hoàn toàn xảy ra trong những trường hợp này.

  • Khó thở: là cảm giác khó khăn khi tiến hành động tác thở. Nếu bạn thấy xuất hiện khó thở không tương xức với mức độ hoạt động thể lực, khó thở xuất hiện đột ngột, bạn cần phải đi khám bác sĩ.
  • Đau thắt ngực: bất kì cơn đau nào như bóp nghẹt ở giữa ngực kéo dài hơn hai phút đều có thể là biểu hiện của bệnh lý tim mạch. Ban cần đi khám bệnh ngay lập tức.
  • Ngất: một số rối loạn nhịp tim hoặc bệnh lý động mạch cảnh… có thể gây ra ngất. Cần cấp cứu người bệnh bị ngất tại chỗ trước khi chuyển người bệnh tới bệnh viện.
  • Phù: thường gặp phù mắt cá chân.
  • Tím tái: là hiện tượng đổi màu phớt xanh của da và niêm mạc do máu không được cung cấp oxy đầy đủ. Tím tái thường thấy ở đầu các ngón tay và quanh môi. Tương tự như phù, tím tái là một dấu hiệu hơn là một triệu chứng của bệnh tim mạch.

Các vấn đề khác

Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về những vấn đề sau, cũng như khám để tìm nguyên nhân gợi ý cho vấn đề hồi hộp của bạn

  • Chất kích thích: cafein như coffee, chè, cacao, chocolate, soda…
  • Thuốc: thuốc nhỏ mũi
  • Biểu hiện thiếu máu, bướu giáp
  • Tuổi khi khởi phát. Tuổi có thể giúp cho thu hẹp chẩn đoán phân biệt các rối loạn nhịp tim. Ví dụ, bệnh nhân đã có hồi hộp từ khi còn trẻ nhiều khả năng có nhịp nhanh trên thất. Các loại khác của cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, như nhanh nhĩ hoặc rung nhĩ (AF), nhiều khả năng hơn xuất hiện ở những người có tuổi. Ngược lại, loạn nhịp thất nặng điển hình xuất hiện nhiều hơn ở bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh tim thực thể.

4. Thăm dò cận lâm sàng

Điện tâm đồ 12 chuyển đạo

  • Tìm ra các cơn nhịp tim nhanh.
  • Bằng chứng của nhồi máu cơ tim cũ.
  • Xác định ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, nhanh thất, nhanh trên thất.

Xét nghiệm máu

  • Công thức máu
  • Sinh hóa
  • Chức năng tuyến giáp
  • Điện giải đồ: Ca2+, Mg2+, đặc biệt nếu bệnh nhân đang dùng lợi tiểu
  • Các dấu ấn sinh học gợi ý tổn thương tim

Siêu âm tim

  • Đặc biệt có ích dù đôi khi chỉ để trấn an bệnh nhân.
  • Tìm các dấu hiệu tổn thương cơ tim, nhồi máu cơ tim cũ
  • Phát hiện bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại…
  • Nếu kết quả siêu âm bình thường thì tiên lượng tốt hơn kể cả khi có rối loạn nhịp.

Holter điện tâm đồ

  • Ghi theo dõi liên tục nhịp tim của bệnh nhân trong 24 – 48 giờ hoặc 7 ngày. Mục đích là xác định triệu chứng bất thường trong ngày để tìm rối loạn nhịp tim tương ứng.
  • Cần đảm bảo là thời gian ghi phải phù hợp. Ví dụ: đeo Holter điện tâm đồ 24 giờ sẽ không có ý nghĩa nếu bệnh nhân chỉ bị hồi hộp vài tuần một lần.

Máy ghi sự kiện hồi hộp đánh trống ngực

  • Máy theo dõi nhịp tim ghi liên tục mỗi 5 – 10 phút nhưng lưu trong bộ nhớ khi máy được kích hoạt do bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hoặc khi phát hiện rối loạn nhịp có tần số tim được cài đặt sẵn. Ví dụ: nhịp tim trên 160 lần/phút hoặc dưới 40 lần/phút thì máy sẽ tự động ghi nhận. Có thể được đeo trong khoảng 2 – 4 tuần.

Cấy máy theo dõi nhịp tim

  • Nếu hồi hộp đánh trống ngực đi kèm với ngất.

Nghiệm pháp gắng sức

  • Nếu hồi hộp đánh trống ngực khởi phát do gắng sức hoặc đi kèm với đau ngực.

Thăm dò điện sinh lý

  • Tiến hành khi không thể chẩn đoán xác định bằng các phương pháp khác nhưng vẫn còn nghi ngờ có các cơn rối loạn nhịp tim nhanh.

5. Điều trị hồi hộp đánh trống ngực

Cần chẩn đoán xác định loại rối loạn nhịp để có phương pháp điều trị đặc hiệu. Ở hầu hết các bệnh nhân, đánh trống ngực thường lành tính và không yêu cầu điều trị gì đặc biệt.

Điều chỉnh loạn nhịp trên thất hoặc thất dai dẳng gây ra hồi hồi hộp cần gửi đến các bác sỹ chuyên khoa có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh bằng thuốc và điện sinh lý can thiệp. Phần lớn các loại nhịp nhanh trên thất đều và một số nhịp nhanh thất ngày nay có thể điều trị khỏi bằng năng lượng tần số radio qua catheter.

 Thăm dò điện sinh lý
Thăm dò điện sinh lý

Đừng ngại thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị thay thế nếu bạn nghĩ rằng thuốc hay các chất kích thích là nguyên nhân gây nên các cơn hồi hộp đánh trống ngực.

6. Phòng ngừa hồi hộp đánh trống ngực

Nếu bác sĩ kết luận rằng việc điều trị đặc hiệu là không cần thiết, bạn có thể thực hiện các bước sau để tình trạng đánh trống ngực:

  • Cố gắng xác định các kích xúc gây nên hồi hộp. Bạn có thể làm điều này bằng cách ghi nhật kí hoạt động trong ngày, cũng như nhật kí ăn uống. Lưu ý xem, hoạt động hay loại thực phẩm nào khiến bạn bị đánh trống ngực.
  • Nếu bạn lo lắng hoặc căng thẳng, hãy thử các bài tập thư giãn, hít thở sâu, yoga hay thiền.
  • Hạn chế hoặc ngừng uống cà phê, rượu bia.
  • Không hút thuốc lá
  • Bám sát chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau củ, ít dầu mỡ
  • Cố gắng kiếm soát huyết áp và mỡ máu.
 Nên duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa hồi hộp đánh trống ngực
Nên duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa hồi hộp đánh trống ngực

Xem thêm:

Cuồng nhĩ: rối loạn nhịp tim thường gặp và những điều cần biết

Nhịp nhanh thất: Rối loạn nhịp tim bạn không thể chủ quan!

Hồi hộp được xác định như là một cảm nhận khó chịu về tim đập không đều, mạnh và nhanh. Chẩn đoán phân biệt đánh trống ngực rất rộng, nhưng phổ biến nhất là do bệnh tim và tâm thần. Nếu bạn chỉ gặp nhịp tim nhanh đơn thuần, bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu như hồi hộp đánh trống ngực đi kèm với các biểu hiện khác, đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ của mình. Luôn nhớ rằng, một mối nguy cơ tim mạch tiềm ẩn có thể được phát hiện ra nếu bạn không chủ quan khi bị tim đập nhanh.

Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. PGS TS BS Phạm Mạnh Hùng (2019), "Lâm sàng tim mạch học", Nhà xuất bản Y Học TpHCM, pp. 213-215

  2. D. L. Mann, Douglas Zipes, P. Libby, Robert Bonow (2015), "Braunwald's Heart Disease: A Textbook of Cardiovascular Medicine". BMH Medical Journal,  5

  3. Hội tim mạch thành phố HCM (2013), "Vấn đề tiếp cận chẩn đoán và điều trị hồi hộp ở người lớn"

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người