Quất hồng bì và những công dụng trị bệnh không phải ai cũng biết
Nội dung bài viết
Quất hồng bì hay Hồng bì không chỉ là loài cây quen thuộc để làm mứt mà đây còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể giảm ho, long đờm, lợi tiêu hóa… hiệu quả. Bài viết sau của Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của quất hồng bì.
Quất hồng bì là gì?
- Tên gọi khác: Hoàng bì, Quất bì, Quất hồng bì, Tơ nua…
- Tên khoa học: Clausena lansium (Lour.) Skeels.
- Tên dược liệu: Radix, Folium, Fructus et Semen Clausenae Lansii.
- Họ: Cam chanh (Rutaceae).
Đặc điểm sinh trưởng của cây quất hồng bì
Chi Clausena Burn phân bố ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, gồm hầu hết là các bụi hay gỗ nhỏ. Cây mọc hoang dại ở vùng Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á Campuchia, Lào, Malaysia… Ở Việt Nam, Hồng bì có thể tìm thấy nhiều ở phía Bắc, điển hình nhất là ở các tỉnh như Ninh Bình, Hòa Bình hay Quảng Ninh.
Quất hồng bì có một số đặc tính sinh thái như sau:
- Thuộc loại cây có biên độ sinh thái rộng.
- Sống được ở vùng có nhiệt độ trung bình năm từ 15 – 25 độ C. Về mùa đông có thể bị rụng lá và chịu được nhiệt độ thấp dưới 0 độ C trong thời gian ngắn.
- Thích nghi với loại đất feralit đỏ vàng hoặc vàng đỏ trên núi độ cao dưới 1000, nhất là dưới chân núi đá vôi. Thường được trồng ở đất sâu, thoát nước
- Cây ra hoa quả hằng năm, hoa thụ phấn nhờ côn trùng hoặc gió.
- Nhân giống đa số bằng hạt, một số địa phương thì nhân giống bằng cách chiết hoặc ghép cành.
Mô tả toàn cây quất hồng bì
Cây có thể cao tới gần 10m, trung bình khoảng từ 3 – 6 m.
Cành cây sần sùi và có nhiều hạch, màu xám đen.
Lá cây là dạng lá kép, mọc so le nhau, dài khoảng 35 cm, phía cuống lá hơi tròn nhẵn. Có khoảng 7 – 9 lá chét, thường là 9, hình trái xoan, dài 5 – 14 cm, rộng 3-7 cm, gốc lệch, đầu nhọn, mép uốn lượn. Mặt dưới có gân lá nổi rõ, phiến lá 2 mặt nhẵn.
Phần hoa thường mọc thành từng chùy thưa ở phía ngọn cành. Hoa có màu trắng, chùy chứa hoa thường dài khoảng 25 – 50 cm. Đài 5 răng nhọn, có lông, tràng 5 cánh, có lông ở mặt ngoài. Nhị 8 không đều, chỉ nhị dẹt. Bầu dài bằng cánh hoa, hình cầu, có lông.
Quả quất hồng bì sắc vàng lấm tấm xanh, vỏ mỏng có lông tơ. Hình cầu, dường kính 15 mm, có lông 1 – 2 ngăn, một hạt; thịt chua nhẹ, ngọt thơm.
Hoa thường bắt đầu mọc vào khoảng tháng 3.
Bộ phận làm thuốc, sơ chế, bảo quản của cây quất hồng bì
Theo nhiều nghiên cứu, nhiều bộ phân của cây có giá trị dược liệu cao như phần rễ, lá và quả, đều có thể dùng làm thuốc.
Thu hoạch
Vào bất cứ thời gian nào trong năm, ta đều có thể thu hái các phần rễ hay lá. Thế nhưng, thời điểm được coi là thích hợp nhất chính là vào mùa thu. Nên hái quả khi đã chín, như vậy mới có giá trị cao, thường vào khoảng từ tháng 6 – 8.
Sơ chế
- Quả hái về, cắt bổ dọc phơi nắng cho khô gọi là Quất bì, Hồng bì. Ngoài ăn trực tiếp, người ta còn hái để làm mứt ngon, hoặc ngâm chung với nước đường.
- Hạt thu ở quả đã chín, phơi khô.
- Lá dùng tươi hoặc sấy phơi khô, có thể thu hoạch bất kỳ thời điểm nào.
- Rễ hái về, nạo lấy vỏ, phơi khô, với tên gọi là Hoàng bì căn hay quả quất hồng bì căn.
Bảo quản trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Thỉnh thoảng nên đem ra để phơi lại, phòng nấm mốc hay mối mọt.
Thành phần hóa học và tác dụng của quất hồng bì
Thành phần hóa học
Theo các nghiên cứu khoa học, thành phần trong quất hồng bì rất đa dạng gồm:
- Hạt Hồng bì chứa: lansumamid A, B,C… Ngoài ra còn chứa nhiều loại tinh dầu pynen, sabinene, myreen, limonen,…
- Lá chứa neoclausenamid, cycloclausenamid, clausenamid,…
- Rễ chứa heptaphylin, dehydroindicolacton…
Tác dụng của quả quất hồng bì theo Y học hiện đại
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tác dụng dược lý phong phú từ dược liệu:
- Chống co thắt hồi tràng: Cao chiết khô cành lá hồng bì có tác dụng chống co thắt trên hồi tràng chuột lang
- Tác dụng giảm độc lực của ký sinh trùng
- Kháng khuẩn
Như vậy, có thể sử dụng dược liệu này trong các trường hợp như:
- Ho, ho có đờm đặc biệt là chứng ho ở trẻ em
- Cảm mạo, sốt.
- Bệnh đường ruột, đau dạ dày, đau vùng thượng vị, đau bụng co thắt.
- Chữa cảm mạo, thấp khớp, có thể dùng cho phụ nữ sau sinh.
- Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian còn có thể dùng lá, nấu nước gội đầu làm mềm tóc, sạch gàu… hoặc dùng xông hơi trị cảm lạnh.
Tác dụng của quả quất hồng bì theo Y học cổ truyền
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tùy vào những bộ phân khác nhau của Hồng bì mà có tính vị không giống nhau:
- Phần lá có vị cay hơi đắng và tình bình, hơi ấm. Trị ho, sốt do cảm cúm, cảm nắng, tiêu đờm…
- Phần quả có vị chua và ngọt dễ chịu, tính hơi ấm. Tác dụng chống ho, tiêu đờm, kích thích tiêu hóa, cầm nôn.
- Phần hạt và vỏ rễ có vị đắng, cay nhẹ và tính hơi ấm. Tác dụng giảm đau nhức xương khớp, lợi tiêu hóa, ăn uống không ngon,…
Cách sử dụng quả hồng bì
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Hồng bì có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, hoặc phần quả của dược liệu này có thể ăn sống hoặc sao với đường để làm mứt dùng dần, lên men rượu…
Liều dùng:
- Lá 20 – 40 g.
- Rễ 10 – 20 g.
- Quả khô 4 – 6 g hoặc 5 – 7 g quả tươi.
- Hạt 6 – 10 g.
Một số bài thuốc từ quất hồng bì
Giải cảm, hạ sốt
Dùng lá Hồng bì tươi 30 g. Sau khi hái thì rửa sạch, đem phơi khô. Sắc uống cho đến khi ra mồ hôi là được.
Giảm đau do viêm họng
Ngậm quả Hồng bì cùng vài hạt muối (khoảng 2 quả), 3 – 4 lần mỗi ngày sẽ giúp làm giảm đau cổ họng cảm thấy dễ chịu hơn do viêm sưng.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn
Rễ Hồng bì 30 g, rễ Sử quân 20 g, quả Khế 20 g. Dùng 3 dược liệu sao đến khi vàng, sau đó sắc uống. Nên uống nhiều lần mỗi ngày, trong nhiều ngày liên tiếp.
Điều trị đau dạ dày
Hạt của quả Hồng bì đem phơi hoặc sấy khô. Sau đó, đem sao cho thơm trên lửa nhỏ rồi tán mịn cho dễ dùng. Mỗi lần sử dụng khoảng 10 g bột này pha với nước uống trực tiếp. Mỗi ngày nên dùng 2-3 lần là tốt nhất.
Phòng ngừa cảm cúm
Lá Hồng bì khô 6 – 10 g (hoặc 20-30 g tươi). Dùng liên tục trong 3 – 5 ngày, dưới dạng thuốc sắc uống.
Hoặc có thể dùng Lá Hồng bì 30 g, lá Nhãn 30 g, dã Cúc hoa 15 g. Đem dược liệu sắc thành nước để uống, 3 lần/ tuần. Theo “Hoàng bì long nhãn diệp thang”.
Kiêng kỵ, lưu ý khi dùng quả hồng bì
- Dị ứng với bất kỳ thành phần của dược liệu
- Phụ nữ có thai, cho con bú cần thận trọng
- Người suy yếu, mắc bệnh nặng lâu ngày
Hồng bì hay Quất hồng bì là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật.
- Giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Trẻ.