YouMed

Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc người bệnh lao phổi

Bác sĩ PHAN THỊ HOÀNG YẾN
Tác giả: Bác sĩ Phan Thị Hoàng Yến
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Bệnh lao là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, thường ảnh hưởng đến phổi. Lao đôi khi ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não, thận hoặc cột sống. Bệnh lao có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Theo WHO, lao là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Và là căn nguyên bệnh truyền nhiễm đơn lẻ gây chết người nhiều nhât. Bệnh hoàn toàn có thể phòng và chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị đúng cách. Sau đây là hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân lao đúng cách. 

1. Tôi bị nhiễm vi khuẩn lao bằng cách nào? 

nhiễm vi khuẩn lao

Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách thức lây nhiễm và kiến chức chung về bệnh lao. Vi khuẩn lao thường lây lan bằng cách hít phải những giọt bắn bi nhiễm. Những giọt này được tạo ra trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Một số giọt nhiễm có thể lơ lửng trong không khí trong vài giờ. Những người tiếp xúc gần và lâu dài với bệnh nhân: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp có khả năng nhiễm cao hơn. Bệnh lao không lây qua đồ vật hoặc những dụng cụ ăn uống.

>> Xem thêm: Có cần sợ hãi khi bị bệnh lao không?

2. Nhiễm lao tiềm ẩn là gì?

Không phải ai nhiễm vi trùng lao cũng bị bệnh lao. Những người bị nhiễm lao, nhưng không bị bệnh, được gọi là nhiễm lao tiềm ẩn. Dù có sự hiện diện vi trùng lao trong cơ thể, nhưng họ không bị bệnh vì vi trùng nằm im (ngủ) trong cơ thể họ.

  • N.hững người bị nhiễm lao không có triệu chứng và không thể truyền bệnh cho người khác.
  • Tuy nhiên, vị trùng có thể bộc phát thành bệnh lao trong tương lai.
  • Để ngăn ngừa bệnh lao phát triển, những người bị nhiễm lao tiềm ẩn có thể dùng thuốc.

Khi bạn đã nhiễm lao thì có rủi ro bị bệnh lao cao hơn nếu: 

  • Nhiễm HIV.

  • Nhiễm TB trong thời gian gần đây (trong hai năm gần đây).

  • Có vấn đề sức khỏe khác, như bệnh tiểu đường, sẽ làm cơ thể khó chống lại vi trùng.

  • Lạm dụng rượu hoặc chích thuốc phi pháp.

  • Không được chữa trị đúng cách khi nhiễm lao trước kia.

Vì vậy ở tất cả các bệnh nhân bị bệnh lao, xét nghiệm HIV là một chỉ định bắt buộc. 

>> Xem thêm: Lao kháng thuốc: Vấn đề sức khỏe cần đáng được quan tâm

3. Bệnh nhân mắc bệnh lao

Bệnh nhân mắc bệnh lao bị bệnh do số lượng lớn vi trùng lao đang hoạt động trong cơ thể. Họ thường có các triệu chứng: cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, giảm cân, sốt và đổ mồ hôi đêm. Nếu bị lao phổi, họ cũng có thể bị ho, đau ngực, ho ra máu. Các triệu chứng khác phụ thuộc vào phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng bởi vi trùng lao.

Những người mắc bệnh lao có thể truyền mầm bệnh cho người khác nếu không được dùng thuốc ngay. Bệnh lao cần được điều trị bằng thuốc theo đúng phác đồ. Nếu KHÔNG được điều trị, một người mắc bệnh lao có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và tử vong.

4. Bệnh lao được điều trị bằng thuốc như thế nào?

4.1. Làm theo chỉ dẫn dùng thuốc

  • Dùng thuốc đúng theo cách bác sĩ dặn.
  • Dùng thuốc ngay cả khi cảm thấy khỏe.
  • Cho bác sĩ biết về bất cứ tác dụng ngoại ý nào khi dùng thuốc.

Khi bị bệnh lao, bạn phải phối hợp nhiều loại thuốc (4-5 loại) và phải uống trong thời gian dài để diệt vi khuẩn. Dùng thuốc lao đúng cách, đủ và đều đặn là phương pháp hiệu quả nhất giúp giảm triệu chứng, điều trị khỏi bệnh và tránh lây lan cho người khác.

Thuốc điều trị lao phổ biến là:

  • isoniazid (INH)
  • rifampin (RIF)
  • ethambutol
  • pyrazinamide

Thông thường, sau khi dùng thuốc được vài tuần thì triệu chứng sẽ giảm. Bác sĩ sẽ cho biết khi nào bạn không còn lây vi trùng lao cho người khác. Ngay cả khi cảm thấy khá hơn thì vẫn cần dùng thuốc để trị dứt bệnh. Bạn sẽ cần dùng thuốc trị lao đúng cách ít nhất 6 tháng để trị dứt bệnh lao.

4.2. Giám sát việc sử dụng thuốc

Phương pháp quan sát trực tiếp (Directly Observed Therapy – DOT)

Một số trạm xá, tổ chức phòng chống lao có chương trình này để giám sát việc sử dụng thuốc của bạn. Tuỳ từng địa phương, từng giai đoạn, bạn sẽ được phát thuốc tận tay và uống tại chỗ dưới sự quan sát của nhân viên y tế. Bạn có thể sẽ được lên lịch hẹn trong vài ngày hay vài tuần để theo dõi việc dùng thuốc. Người thân, gia đình cũng có thể giúp đỡ nhắc nhở bạn tuân thủ dùng thuốc hằng ngày

Các chỉ dẫn giúp tuân thủ dùng thuốc

1

Uống thuốc cùng giờ mỗi ngày

2

Đeo đồng hồ để biết giờ. Đặt đồng hồ báo giờ bạn cần uống thuốc.

3

Dùng một hộp đựng thuốc và bỏ tất cả thuốc dùng trong một tuần vào hộp.

4

Để thuốc ở một nơi bạn không thể quên.

5

Tự viết ghi chú cho mình. Gắn ghi chú lên gương trong phòng tắm hoặc trên tủ lạnh của quý vị.

6

Hỏi người nhà hay bạn bè giúp bạn nhớ.

7

Dùng lịch để đánh dấu vào ngày bạn uống thuốc.

Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc hoặc quên uống thuốc

  • Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc hoặc quên uống thuốc MỘT LẦN thì không nên lo lắng. Hãy uống liều tiếp theo như bình thường.
  • Nếu bạn quên uống thuốc hơn một lần thì gọi cho bác sĩ hoặc người chăm sóc sức khỏe TRƯỚC KHI uống liều tiếp theo. Họ sẽ cho bạn biết cần làm gì sau đó.

4.3. Nếu bạn ngưng dùng thuốc trị lao sớm hoặc không dùng đúng cách

Bạn có thể bị bệnh lại và bệnh trong thời gian lâu hơn.

Lao kháng thuốc: Thuốc bạn dùng trước đây có thể không có hiệu quả. Và phải dùng loại thuốc khác có nhiều tác dụng ngoại ý hơn.

Ngay cả thuốc mới có thể không có hiệu quả trị dứt bệnh lao.

Bạn có thể lây lại vi trùng lao cho người khác.

4.4. Tác dụng phụ ngoại ý khi dùng thuốc 

Như tất cả các loại thuốc khác, thuốc chữa lao có thể có tác dụng ngoại ý. Tuy nhiên, hầu hết mọi người dùng thuốc chữa lao mà không có vấn đề gì gì. Cho bác sĩ của bạn biết nếu có tác dụng ngoại ý. Một trong những tác dụng ngoại ý phổ biến : Rifampin làm nước tiểu, nước miếng và ngay cả nước mắt có màu cam nhạt. Ngoài ra còn có thể dễ bị sạm da khi tiếp xúc với ánh nắng. Ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, Rifampin có thể làm giảm hiệu quả một số biện pháp tránh thai. 

Nếu bạn đang điều trị bệnh lao thì cho bác sĩ biết ngay khi có các triệu chứng:

  • Sốt.
  • Nổi mề đay.
  • Đau khớp.
  • Đau hoặc nhói đau ở ngón tay hay ngón chân.
  • Khó chịu ở dạ dày, buồn ói, hoặc đau thắt ở dạ dày.
  • Bầm tím.
  • Thay đổi tầm nhìn, như nhìn mờ.
  • Thay đổi thính lực như có tiếng ù trong tai.
  • Chóng mặt.
  • Dễ chảy máu khi va chạm
  • Ăn kém ngon hoặc ăn không ngon.
  • Đau như kim chích hoặc bị tê quanh miệng.
  • Ói mửa.
  • Vàng da hoặc vàng mắt.

Hầu hết mọi người có thể dùng thuốc chữa lao mà không có vấn đề gì.

>> Xem thêm: Bệnh lao phổi: 6 điều cơ bản cần biết

5. Bệnh nhân lao cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Bệnh nhân lao sẽ tái khám ít nhất 1 lần trong 1 tháng. Bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả điều trị, kiểm tra sức khoẻ qua xét nghiệm máu, X-quang phổi. Đồng thời, sẽ giải đáp thắc mắc và vấn đề trong quá trình sử dụng thuốc. Vào những thời gian quy định từng phác đồ, sẽ lấy xét nghiệm đàm để xác định sự biến mất của vi khuẩn lao (AFB – )

6. Làm sao để tôi có thể bảo vệ người thân khỏi bị lây bệnh từ tôi? 

Biện pháp hiệu quả nhất để không lây lan vi trùng lao là uống thuốc đúng theo chỉ dẫn bác sĩ. Bạn nên nói với người nhà về tình trạng bệnh để nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc. Khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà cần lưu ý:

  • Cách ly tại nhà cho đến khi bác sĩ cho biết bạn có thể trở lại trường học hoặc nơi làm việc.
  • Yêu cầu bạn bè không đến thăm cho đến khi bác sĩ cho biết người khác có thể đến thăm
  • Cách ly trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình 
  • Vì đang mang mầm bệnh nên tốt nhất là không tiếp xúc với những người có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người già, bệnh nhân HIV/AIDS, bị các bệnh đái tháo đường, suy thận.
  • Luôn mang khẩu trang che mũi, miệng khi phải giao tiếp với người khác.
  • Khi ho hoặc hắt hơi cần phải che miệng, khạc đàm đúng nơi quy định.
  • Hủy bệnh phẩm theo đúng phương pháp: Vứt tất cả khăn giấy dùng rồi trong thùng rác. Đóng túi lại cho đến khi bạn vứt túi đi.

bảo vệ người thân khỏi bị lây bệnh lao

Không thể lây bệnh lao trong các trường hợp:

  • Dùng chung đĩa, uống chung ly hoặc ăn chung chén đĩa.
  • Hút thuốc hoặc dùng chung điếu thuốc với người khác.
  • Dùng chung đồ ăn với người khác.
  • Bắt tay.
  • Chạm vào khăn trải giường.
  • Dùng chung bàn chải đánh răng, Bồn cầu

Cách duy nhất để bị nhiễm vi trùng TB trong người là hít phải chúng.

Nếu bệnh nhân ho ra máu phải làm sao?

  • Người bệnh nghỉ ngơi tại giường yên tĩnh, tránh di chuyển, tránh lo lắng, kích động
  • Nằm ở tư thế đầu cao, thoải mái, khi ho khạc đỡ đầu nghiêng qua một bên
  • Chuẩn bị sẵn bên cạnh một chiếc cốc cạnh bên; có vạch đo để biết số lượng máu thoát ra của bệnh nhân. Tránh nuốt vào trong vì sẽ kích thích người bệnh gây nôn.
  • Nếu BN ho ra máu nhiều cần đưa đến khoa cấp cứu để kịp thời điều trị.

7. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của bệnh nhân lao

7.1. Chế độ dinh dưỡng

Cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân để thúc đẩy quá trình hồi phục, nâng cao tổng trạng cho người bệnh. Bệnh nhân lao thường ăn ít, ăn không ngon nên cần nấu ăn hợp khẩu vị; động viên người bệnh ăn nhiều, đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

  • Năng lượng: Nhu cầu năng lượng của bệnh nhân lao tăng lên do mắc bệnh. Thường năng lượng từ khẩu phần ăn tăng từ 20-30% để duy trì trọng lượng cơ thể. 
  • Bổ sung các loại đạm, vitamin và khoáng chất, vượt 50 – 150% lượng thức ăn khuyến nghị hàng ngày của người bình thường.
  • Kẽm: Người bệnh lao cần bổ sung kẽm từ thịt bò, gan và hạt bí ngô, ngũ cốc, hạt hướng dương…
  • Vitamin A, E, C: Các chất này có nhiều trong rau, củ, quả, cá biển, thịt, gan.
  • Sắt: Bệnh nhân cần ăn nhiều mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng…  
  • Vitamin K, B6: có nhiều trong rau xanh, gan, thịt lợn, đậu, đỗ, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt.

Trong khi điều trị bằng thuốc, người bệnh lao phổi hay bị phản ứng phụ là chán ăn. Vì vậy cần phải đa dạng các món ăn, lựa chọn những món ăn mà họ thích và chia nhỏ bữa ăn hàng ngày.

Trong giai đoạn đầu, tốt nhất là nên cho bệnh nhân lao ăn nhẹ, thức ăn lỏng thì dễ tiêu hóa hơn, ví dụ như cháo hay súp, canh. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống rượu, bia thuốc lá chất kích thích và ăn những thức ăn cay, nóng vì có thể khiến bệnh nhân ho nhiều hơn.

7.2. Chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt

Nghỉ ngơi: Ngủ đủ mang lại hiệu quả hồi phục sức khoẻ. Thời gian ngủ lý tưởng của bệnh nhân lao phổi là trưa ngủ 1-2 tiếng, tối ngủ 7-8 tiếng.

Khi đã vào giai đoạn ổn định, hết triệu chứng, có thể thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, đọc sách, đi dạo nhưng tránh nơi đông người. Lúc này, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân có thể trở lại gần giống như bình thường. 

Việc bị cách ly với mọi người, tuân thủ uống thuốc hằng ngày là một việc khó khăn, một ngày nào đó bạn có thể muốn từ bỏ. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành thói quen dễ dàng và giúp bạn chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, nên giữ thái độ bình tĩnh và tích cực, nghỉ ngơi và tập thể dục. Sự chăm sóc động viên về mặt tinh thần lẫn thể chất của gia đình, bạn bè sẽ giúp bạn chiến thắng vi khuẩn lao. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.cdc.gov/tb/publications/faqs/qa_tbdisease.htm
  2. https://www.cdc.gov/tb/publications/culturalmaterials.htm
  3. https://www.uptodate.com/contents/tuberculosis-beyond-the-basics

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người