Lao kháng thuốc: Vấn đề sức khỏe cần đáng được quan tâm
Nội dung bài viết
Ở nước ta hiện nay, lao kháng thuốc vẫn đang là một vấn đề sức khỏe cần đáng được quan tâm mặc dù công tác phòng chống lao nói chung và bệnh lao kháng thuốc nói riêng đã có một số thành tựu đáng kể. Tình trạng này không những ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của người bệnh mà còn làm cho việc điều trị đã khó lại càng thêm khó. Không những thế, nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm, mầm bệnh lao kháng thuốc thậm chí có thể lây lan rộng ra cộng đồng.
1. Lao là gì?
Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (hay còn gọi với tên khoa học Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Trong đó, lao phổi là thể phổ biến nhất (chiếm khoảng 80 – 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho những người xung quanh.
Những người bệnh lao thường có các biểu hiện gợi ý của nhiễm lao chung như
- Gầy sút, biếng ăn, mệt mỏi.
- Sốt nhẹ về chiều.
- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
- Đau ngực, đôi khi khó thở.
Ngoài ra, tùy từng cơ quan bị nhiễm bệnh mà các triệu chứng đi kèm có thể thay đổi, chẳng hạn như: ho kéo dài trên 2 tuần, ho khan, ho có đờm, ho ra máu (lao phổi); hạch sưng to, đau và rò mủ (lao hạch); đau lưng và hạn chế vận động (lao cột sống)…
>> Xem thêm: Bệnh lao phổi: 6 điều cơ bản cần biết
2. Lao kháng thuốc là gì?
Lao kháng thuốc là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn có khả năng chống lại chính các loại thuốc được sử dụng để điều trị lao. Điều này có nghĩa là chúng không còn khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao nữa.
Dựa trên tình trạng kháng thuốc này, Tổ chức Y tế thế giới đã chia người bệnh thành từng trường hợp cụ thể như sau:
- Kháng đơn thuốc; kháng nhiều thuốc.
- Lao kháng rifampicin; đa kháng thuốc.
- Tiền siêu kháng; siêu kháng thuốc.
Lưu ý: người bệnh có thể cùng lúc nằm trong nhiều nhóm đã được phân loại ở trên.
3. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân?
Tình trạng kháng thuốc có thể là hậu quả của các sai lầm từ cả hai phía (bệnh nhân và phác đồ điều trị). Cụ thể là:
- Về phía bệnh nhân: không thực hiện điều trị đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ như quên thuốc, tự ý bỏ thuốc, không tái khám,…
- Về phác đồ điều trị: phối hợp thuốc chưa phù hợp, chưa đủ liều, chưa đủ thời gian, chưa hướng dẫn người bệnh kỹ lưỡng,….
- Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể mắc bệnh lao kháng thuốc từ các nguồn lây khác sẵn có trong cộng đồng.
>> Xem thêm: Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc người bệnh lao phổi
4. Khi nào cần nghi ngờ lao kháng thuốc?
Một trong hai tình huống sau đây khi xảy ra gợi ý rất nhiều đến lao kháng thuốc:
- Người bệnh đang điều trị lao nhưng các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm.
- Các triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm một thời gian nhưng sau đó xuất hiện trở lại với mức độ tăng lên và người bệnh tiếp tục sút cân.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng có biểu hiện như vậy. Ngược lại, lao kháng thuốc hoàn toàn có thể xảy ra ở người bệnh lao mới phát hiện và các triệu chứng lâm sàng đôi khi không có gì khác biệt so với bệnh lao thông thường.
Do đó, hiện nay, bộ y tế đã đưa ra hướng dẫn về một số đối tượng nên được làm xét nghiệm Xpert MTB/RIF để chẩn đoán kháng thuốc. Họ bao gồm:
- Người bệnh lao thất bại phác đồ điều trị lao không kháng Rifampicin (bao gồm lao nhạy cảm, kháng đơn thuốc và kháng nhiều thuốc).
- Người bệnh lao không âm hóa đờm sau 2 hoặc 3 tháng điều trị với phác đồ lao không kháng Rifampicin.
- Người bệnh lao tái phát.
- Người bệnh lao điều trị lại sau bỏ trị.
- Người nghi lao mới (hoặc người bệnh lao mới) có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng.
- Người bệnh lao phổi mới.
- Người bệnh lao mới có HIV(+).
- Khác: người nghi lao hoặc người bệnh lao đã có dùng thuốc lao trên 1 tháng (bao gồm cả người nghi lao tái phát, người nghi lao sau bỏ trị, người nghi lao hoặc người bệnh lao không rõ kết quả điều trị).
>> Xem thêm: Có cần sợ hãi khi bị bệnh lao không?
5. Một số xét nghiệm dùng trong chẩn đoán lao kháng thuốc
Về mặt xét nghiệm, tình trạng kháng thuốc có thể biểu hiện với các đặc điểm sau:
- AFB, nuôi cấy – có thể dương tính liên tục; hoặc âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại; hoặc âm tính và dương tính xen kẽ ở người đang điều trị lao.
- Kháng sinh đồ – cho kết quả vi khuẩn nhạy cảm hay kháng với các thuốc chống lao hàng 1, hàng 2.
- Các kỹ thuật sinh học phân tử (như Hain test, Xpert MTB/RIF) – có thể chẩn đoán nhanh; phân biệt với trực khuẩn lao không điển hình.
- X-quang phổi – hình ảnh không thay đổi so với ban đầu hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới dù cho đã có kế hoạch điều trị phù hợp. Tuy nhiên, ở người chưa bao giờ mắc lao, hình ảnh trên phim X-quang có thể không khác biệt so với lao thông thường.
6. Chẩn đoán lao kháng thuốc như thế nào?
Chẩn đoán lao kháng thuốc căn cứ vào kết quả kháng sinh đồ hoặc các xét nghiệm chẩn đoán nhanh được WHO chứng thực (Hain test, Xpert MTB/RIF…).
Tiêu chuẩn chẩn đoán cho các thể bệnh lao kháng thuốc được xác định như sau:
- Kháng đơn thuốc: Chỉ kháng với duy nhất một thuốc chống lao hàng một khác Rifampicin
- Kháng nhiều thuốc: Kháng với từ hai thuốc chống lao hàng một trở lên mà không kháng với Rifampicin
- Lao kháng Rifampicin: Kháng với Rifampicin, có hoặc không kèm theo kháng các thuốc khác. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, các chủng đã kháng với Rifampicin thì có tới trên 90% có kèm theo kháng Isoniazid, vì vậy khi phát hiện kháng Rifampicin người bệnh được coi như đa kháng thuốc.
- Đa kháng thuốc: Kháng đồng thời với ít nhất hai thuốc chống lao là Isoniazid và Rifampicin.
- Tiền siêu kháng: Lao đa kháng kèm theo
- Kháng với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone HOẶC
- Kháng với ít nhất một trong ba thuốc tiêm hàng hai (Capreomycin, Kanamycin, Amikacin).
- Siêu kháng thuốc: Lao đa kháng kèm theo
- Kháng với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone VÀ
- Kháng với bất cứ thuốc nào trong ba thuốc tiêm hàng hai (Capreomycin, Kanamycin, Amikacin).
7. Điều trị lao kháng thuốc như thế nào?
Điều trị lao kháng thuốc rất phức tạp và rất cần tham khảo ý kiến với các bác sĩ chuyên khoa để đưa ra kế hoạch phù hợp.
Mặc dù vậy, tương tự như điều trị lao thông thường, người bệnh cũng cần tuân thủ 4 nguyên tắc sau:
- Phối hợp thuốc – cần phải phối hợp ít nhất 5 loại để đạt được hiệu quả mong muốn.
- Đúng liều – điều này vô cùng quan trọng. Vì nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, còn nếu dùng liều cao sẽ dễ gây tai biến.
- Đều đặn – các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hiệu quả tối đa (thường là vào buổi sáng trước khi ăn).
- Đủ thời gian và theo từng giai đoạn – trong đó, giai đoạn tấn công nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn, ngăn chặn các đột biến kháng thuốc; còn giai đoạn duy trì để tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao tránh tái phát.
Tuy nhiên, do tình trạng kháng thuốc mà các cách phối hợp thông thường trở nên không còn hiệu quả. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sử dụng các loại thuốc thay thế khác cũng như kéo dài thời gian điều trị hơn (có thể đến 20 tháng) mới đạt được mục tiêu diệt trừ vi khuẩn.
Ở thời gian đầu, người bệnh lao đa kháng có thể sẽ được điều trị nội trú (khoảng 2 tuần) tại các trung tâm y tế có đủ khả năng để theo dõi đáp ứng thuốc và các phản ứng bất lợi có thể xảy ra.
8. Theo dõi điều trị
Trong quá trình điều trị người bệnh lao kháng thuốc cần:
- Tuân thủ chặt chẽ việc dùng thuốc hàng ngày trong suốt cả liệu trình điều trị (bao gồm đủ thuốc, đúng liều, đúng giờ, và đủ thời gian)
- Tái khám hàng tháng: người bệnh sẽ được khám lâm sàng, theo dõi đáp ứng điều trị, theo dõi biến chứng bệnh và tác dụng phụ của thuốc, cân nặng,..
- Thực hiện các xét nghiệm theo dõi: người bệnh sẽ được nhuộm soi đờm trực tiếp hàng tháng; nuôi cấy, làm kháng sinh đồ khi cần thiết; chụp X-quang phổi định kỳ để đánh giá tổn thương về hình ảnh học.
- Khác: Công thức máu, chức năng gan, chức năng thận, điện giải đồ và xét nghiệm chuyên biệt như đo thính lực, soi đáy mắt, đo điện tim, hooc-mon tuyến giáp,.. cũng được thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể để đánh giá các tác dụng phụ không mong muốn.
9. Các tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị là gì?
Trong quá trình điều trị lao, đặc biệt là lao kháng thuốc (do thời gian điều trị kéo dài, sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc), đôi khi không thể tránh khỏi xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn. Chúng thường bao gồm:
- Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt.
- Ngứa, phát ban ngoài da, có thể kèm sốt
- Đau khớp, sưng khớp.
- Viêm dây thần kinh: chóng mặt, ù tai, giảm thị lực.
- Nước tiểu màu đỏ hoặc da cam, tiểu ít, suy thận,..
Khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, người bệnh cần chủ động ngưng thuốc và đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, một số tác dụng phụ có thể trở nên trầm trọng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
10. Làm thế nào để hạn chế tình trạng kháng thuốc?
Một số phương pháp sau đây có thể giúp hạn chế tình trạng lao kháng thuốc:
- Cách quan trọng nhất để ngăn ngừa tình trạng lao kháng thuốc là tuân thủ chặt chẽ và tái khám định kỳ theo các hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý ngưng thuốc kể cả khi các triệu chứng giảm rõ rệt. Nếu tác dụng phụ của thuốc gây khó chịu nhiều cũng không nên ngưng thuốc mà nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.
- Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm hoặc tái phát,cần khám lại càng sớm càng tốt để phát hiện tình trạng lao đa kháng thuốc, tránh là nguồn lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.
- Tránh tiếp xúc với những người đã biết bị lao đa kháng thuốc. Nếu đã tiếp xúc với người mắc lao đa kháng thuốc thì cần sớm làm xét nghiệm xem có bị lây nhiễm hay không để có biện pháp quản lý phù hợp.
Lao kháng thuốc là thể bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do người bệnh không tuân thủ điều trị như tự ý bỏ thuốc, quên thuốc,… Hậu quả là quá trình điều trị lao kháng thuốc không những trở nên phức tạp hơn, tốn kém hơn và kéo dài hơn gấp nhiều lần mà người bệnh còn có nguy cơ cao hơn phải đối mặt với các tác dụng phụ không mong muốn. Hãy tuyệt đối chấp hành các chỉ dẫn của bác sĩ, vì mình và vì cộng đồng các bạn nhé!
Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1.Uptodate – Epidemiology of extensively drug-resistant tuberculosis https://www.uptodate.com/contents/epidemiology-of-extensively-drug-resistant-tuberculosis?search=tuberculosis&source=search_result&selectedTitle=13~150&usage_type=default&display_rank=13,accessed on 12/04/2020. Uptodate – Treatment of drug-resistant pulmonary tuberculosis in adults https://www.uptodate.com/contents/treatment-of-drug-resistant-pulmonary-tuberculosis-in-adults?search=tuberculosis&source=search_result&selectedTitle=15~150&usage_type=default&display_rank=15#H7, accessed on 12/04/2020.