Huyết áp tâm trương thấp có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Thông thường khi nhắc đến các vấn đề về huyết áp như tăng hay hạ huyết áp, chúng ta thường quan tâm nhiều đến chỉ số tâm thu. Tuy nhiên, huyết áp tâm trương cũng là một chỉ số vô cùng quan trọng. Đặc biệt chỉ số huyết áp tâm trương thấp thường hay bị bỏ quên. Đây lại là dấu hiệu cho nhiều tình trạng tim mạch nguy hiểm. Hãy cùng bác sĩ Trương Mỹ Linh tìm hiểu thông qua bào viết dưới đây nhé!
Huyết áp tâm trương thấp là gì?
Huyết áp là một chỉ số quan trọng báo hiệu các bệnh lý tim mạch. Theo phân loại mới nhất từ hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA): Chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn 120 mmHg (chỉ số phía trên) và huyết áp tâm trương thấp hơn 80 mmHg (chỉ số phía dưới) được xem là bình thường. Huyết áp thấp khi chỉ số này nhỏ hơn 90/60 mmHg. Những người có chỉ số huyết áp tâm thu bình thường (>100 mmHg) nhưng chỉ số huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg được xếp loại huyết áp tâm thu thấp đơn độc.
Câu hỏi đặt ra: Vậy huyết áp tâm trương thấp có nguy hiểm hay không?
Huyết áp tâm trương thấp có nguy hiểm không?
Thời đại thông tin đã giúp cao huyết áp được phổ biến tới công chúng như một bệnh lý đáng lo ngại. Nhưng một điều ít được biết là kể cả huyết áp thấp cũng là dấu hiệu bệnh lý. Động mạch vành giúp dẫn máu nuôi cơ tim được bơm máu trong pha tâm trương ( khi tim giãn). Áp lực động mạch vành thấp trong pha tâm trương đồng nghĩa với việc tim thiếu máu và oxy nuôi dưỡng. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu máu cơ tim cục bộ.Theo thời gian có thể dẫn tới suy tim và các bệnh tim mạch mãn tính khác.
Thật vậy, một nhóm nghiên cứu từ trường đại học John Hopkins đã khảo sát về: Mối quan hệ giữa huyết áp tâm trương thấp và các bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ huyết khối, cũng như đột quỵ và nguy cơ tử vong nói chung. Kết quả cho thấy những bệnh nhân có huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn 49%. Đồng thời nguy cơ tử vong cũng tăng cao hơn 32% so với những bệnh nhân có chỉ số huyết áp tâm trương bình thường. Tuy nhiên vẫn cần thêm các báo cáo nghiên cứu khác.
Kết quả nghiên cứu từ trường John Hopkins đã chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa huyết áp tâm trương thấp và đột quỵ cũng như các nguy cơ tử vong chết người khác.
Nguyên nhân khiến huyết áp tâm trương thấp
Tuổi tác là một yếu tố dẫn tới sự suy giảm huyết áp tâm trương. Các thành mạch xơ cứng và hẹp dần làm giảm chức năng trong pha tâm trương. Điều này dẫn tới tim phải cố gắng bơm máu nhiều hơn để tạo sự cân bằng trong pha tâm thu. Theo thời gian, sự khác biệt giữa chỉ số tâm thu và tâm trương càng ngày càng rõ rệt.
Ngoài ra, một số nguyên nhân sau cũng dẫn tới huyết áp tâm trương xuống thấp:
- Thường xuyên nằm lâu trên giường. Tư thế nghỉ khiến tim nghỉ ngơi lâu, làm giảm trương lực động mạch
- Tình trạng mất nước thường xuyên làm giảm cả tâm thu lẫn tâm trương.
- Một số loại thuốc nội khoa dẫn tới tình trạng mất nước cũng gián tiếp gây giảm huyết áp tâm trương. Ví dụ như: thuốc điều trị tuyến tiền liệt, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp…
- Nghiện rượu. Rượu khiến các mạch máu giãn dẫn tới hạ huyết áp, hạ nhịp tim…
- Rối loạn nội tiết tố, suy giáp, mất máu nhiều trong các chu kỳ kinh nguyệt: cũng có thể dẫn tới hạ huyết áp tâm trương
- Phản ứng dị ứng do thuốc hoặc các chất kích thích khác
- Thiếu dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu vitamin B dẫn tới thiếu máu
Biểu hiện huyết áp tâm trương thấp
Không phải ai có huyết áp tâm trương thấp cũng có biểu hiện rõ rệt, nhất là khi còn trẻ. Ở những người lớn tuổi, một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là: những cơn mệt mỏi, chóng mặt xảy ra thường xuyên. Điều này vô cùng đáng lo ngại khi xảy ra ở người lớn tuổi. Đặc biệt với mật độ loãng xương cao và khả năng lành thương giảm do tuổi tác. Ngoài ra, cũng có thể có một số biểu hiện phổ biến sau:
- Thị lực giảm sút
- lâng lâng
- thường xuyên ngất xỉu, chóng mặt nhất là khi đổi tư thế hoặc đi bộ
- khó chịu, dễ mệt mỏi, buồn nôn
- hay đổ mồ hôi
Điều trị và kiểm soát huyết áp tâm trương thấp
Thông thường, huyết áp thấp chỉ được phát hiện trên máy móc. Tình trạng này thường không biểu hiện rõ rệt thành triệu chứng. Tuy nhiên, với các bệnh nhân có triệu chứng, cần phải được kiểm tra thăm khám cẩn thận, đánh giá chức năng tim mạch. Thay đổi lối sống hành vi là một biện pháp cần thiết để kiểm soát hạ huyết áp tâm trương.
- Kiểm soát các thói quen có hại cho sức khỏe, như hút thuốc, rượu bia.
- Tập thể dục nhẹ tới vừa thường xuyên để nâng cao sức khỏe tim mạch. Thực hiện các bài tập chân nếu phải ở trên giường lâu ngày
- Tăng cường lượng muối và nước mỗi ngày, nhưng không quá 1500 mg muối mỗi ngày.
- Một số loại thuốc điều trị các bệnh khác ảnh hưởng tới huyết áp tâm trương. Cần tham khảo ý kiến chuyên gia về các loại thuốc để có hướng sử dụng thích hợp.
Việc quan tâm tới tình trạng huyết áp tâm trương sẽ giúp chúng ta phát hiện ra những bệnh lý tim mạch. Từ đó có hướng điều trị và điều chỉnh lối sống phù hợp, giúp sức khỏe tim mạch được cải thiện tốt hơn. Duy trì các thói quen chăm sóc sức khỏe và thường xuyên thăm khám tổng quát là chìa khóa giúp bạn có một sức khỏe bền bỉ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Doctors: Beware of Low Diastolic Blood Pressure When Treating Hypertension https://www.hopkinsmedicine.org/news/media/releases/doctors_beware_of_low_diastolic_blood_pressure_when_treating_hypertension
Ngày tham khảo: 25/08/2021