Trẻ không muốn đi ngủ: Bạn cần phải làm gì?
Nội dung bài viết
Giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Những phàn nàn về giấc ngủ phổ biến nhất của cha mẹ là khó thuyết phục trẻ khi đi ngủ và thức dậy về đêm thường xuyên. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn cùng trẻ tập thói quen tốt cho giấc ngủ. Đối tượng là dành cho những bậc cha mẹ có con trên 2 tuổi và đã có phòng ngủ riêng.
1. Phản ứng kháng cự của trẻ trước khi đi ngủ
Thông thường, trẻ bắt đầu ngủ trong khi xem ti vi với cha mẹ. Hoặc khi nghe những câu chuyện cổ tích. Một số trường hợp, trẻ vẫn ở trong phòng ngủ của mình. Tuy nhiên, trẻ lại trì hoãn giờ đi ngủ với những câu hỏi liên tục hay yêu cầu vô lý. Đôi khi có thể là khóc lóc hay giận dữ. Những đứa trẻ như vậy thường phải gọi nhắc nhở dậy một cách khó khăn và dễ mệt mỏi vào buổi sáng.
2. Nguyên nhân khiến trẻ không muốn đi ngủ
Nếu con bạn thỉnh thoảng đến giường của cha mẹ vì sợ hãi, lo lắng hoặc cảm thấy không được khỏe, khi đó trẻ nên được giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu trẻ cố gắng trì hoãn giờ đi ngủ, bạn cần dạy trẻ với những nguyên tắc.
>> Xem thêm: Hội chứng giấc ngủ đến trễ: Những điều bạn chưa biết
3. Làm thế nào để bạn giúp trẻ tạo thói quen đi ngủ?
3.1 Nói về những điều con bạn nên làm khi đến giờ ngủ
Bạn có thể đưa ra những thông tin về cách bắt đầu một giấc ngủ ngon cho trẻ hiểu vấn đề. Vào giờ đi ngủ, một đứa trẻ ngoan sẽ nằm trên giường và không hét lên. Nếu là ban đêm, một đứa trẻ ngoan sẽ không rời khỏi phòng ngủ của mình đi lung tung. Hoặc trẻ cũng không nên đánh thức cha mẹ trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp. Có thể ví dụ những tình huống nghiêm trọng cho trẻ biết như trẻ thấy ốm hay gặp phải vấn đề khiến trẻ lo sợ…
Một đứa trẻ ngoan sau khi thức dậy sẽ nhận được phiếu bé ngoan và một bữa sáng rất ngon miệng. Nếu trẻ không ngủ ngoan, sẽ mất một quyền lợi vào ngày hôm sau. Bạn có thể chọn những việc liên quan đến sở thích của trẻ. Ví dụ không được xem ti vi hay chơi món đồ yêu thích.
3.2 Bắt đầu vào giấc ngủ với nhiều phương pháp khác nhau
Bạn nên tạo cho trẻ một thói quen đi ngủ là như một vấn đề thiết yếu. Bạn có thể đọc truyện, hỏi trẻ về những chuyện đã xảy ra trong ngày… Có nhiều cách giúp con bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn, để trẻ sẵn sàng đi ngủ. Những việc này nên bắt đầu khoảng 30 phút trước khi bạn muốn trẻ đi ngủ đúng giờ.
Hãy cố gắng để cả cha mẹ cùng nhau tạo ra thói quen này với trẻ. Bạn nên để trẻ tự bắt đầu vào giấc ngủ. Điều đó có nghĩa là bạn không nên ở cùng trẻ vào lúc ngủ. Bởi vì trẻ sẽ luôn đòi hỏi bạn phải có mặt sau khi trẻ thức dậy những lần trong đêm.
Nếu con bạn sợ hãi, hãy nói với trẻ rằng bạn sẽ thăm phòng trẻ mỗi 15 phút (thay vì để trẻ dậy đến tìm bạn). Khi bạn quay lại, hãy khen trẻ rằng trẻ đang làm rất tốt chuyện đi ngủ. Theo dõi trẻ trong khoảng vài phút ở những lần đầu. Trẻ sẽ cảm thấy được bảo vệ an toàn và tin tưởng vì có cha mẹ luôn theo dõi trẻ.
3.3 Đưa ra những quy tắc
Hãy đưa ra nguyên tắc rằng khi con bạn ở trong phòng ngủ, trẻ không nên rời khỏi phòng cho đến khi trời sáng. Ngoại trừ khi trẻ cần đi vào phòng vệ sinh. Con bạn cần học cách tự đưa bản thân vào những giấc ngủ ngắn như giờ nghỉ trưa và cả lúc ban đêm. Quy định về một giờ đi ngủ cố định. Thông thường, khi mới bắt đầu những quy tắc trên, trẻ sẽ không chịu thực hiện mà không kèm theo những tiếng khóc hay la hét trong vài đêm.
Nếu trẻ đang ngủ chung với cha mẹ, bạn hãy nói với trẻ: “Bắt đầu từ tối nay, chúng ta sẽ ngủ trên giường của riêng mỗi người. Con có phòng riêng của con và cha mẹ cũng vậy. Con đã quá lớn để ngủ chung với cha mẹ rồi.”
3.4 Bỏ qua các thắc mắc của trẻ
Bạn nên phớt lờ các câu hỏi hoặc yêu cầu liên tục từ trẻ. Ngoài ra, bạn cũng không nên tham gia vào bất kỳ cuộc trò chuyện nào với trẻ. Tất cả các yêu cầu của trẻ chỉ được xử lí trước khi đến giờ đi ngủ.
Vậy nên, trước khi bạn ôm hôn trẻ và rời khỏi phòng ngủ, bạn nên hỏi: “Con có cần gì nữa không?”. Sau đó không quay lại phòng của trẻ trừ khi bạn nghĩ rằng con bạn cần giúp đỡ. Nếu con bạn nói rằng trẻ cần đi vệ sinh, bạn hãy hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân.
3.5 Đóng cửa phòng ngủ nếu con bạn la hét
Cố gắng phớt lờ tiếng la hét, nhưng nếu trẻ cố tình gây rối, bạn hãy đóng cửa lại. Khi đó, bạn có thể nói với trẻ: “Mẹ xin lỗi, nhưng mẹ phải đóng cửa phòng của con. Mẹ sẽ mở của lại ngay khi con yên lặng.” Nếu tiếng la hét hoặc đập cửa liên tục, bạn có thể mở cửa sau mỗi 15 phút và nhắc nhở nếu trẻ giữ im lặng, cửa có thể mở. Hãy trấn an trẻ rằng bạn sẽ mở cửa ngay khi trẻ đi ngủ.
3.6 Đưa trẻ trở lại phòng ngủ của trẻ nếu trẻ đến phòng của cha mẹ vào ban đêm
Nghiêm túc yêu cầu cho con bạn trở lại giường của mình. Nếu cô ấy vẫn không di chuyển, bạn hãy đưa trẻ trở lại giường của trẻ ngay lập tức mà không có bất kỳ biểu lộ tình cảm hay cuộc trò chuyện an ủi. Nếu con bạn cố gắng rời khỏi phòng của trẻ một lần nữa, hãy tạm thời đóng cửa lại. Một số tình huống, nhiều cha mẹ chọn cách khóa cửa phòng ngủ của họ.
Nhắc nhở con bạn rằng việc làm gián đoạn giấc ngủ của người khác là không lịch sự. Nói với trẻ rằng nếu trẻ thức dậy vào ban đêm và không thể quay lại giấc ngủ, trẻ có thể đọc sách hoặc chơi lặng lẽ trong phòng cho đến khi buồn ngủ. Vấn đề là trẻ không nên làm phiền bạn.
3.7 Nếu trẻ đánh thức bạn vào ban đêm với tiếng la hét hoặc những yêu cầu, hãy đến thăm trẻ
Nếu tình huống này xảy ra, bạn nên đến phòng trẻ ít nhất 1 lần để kiểm tra và trấn an trẻ rằng trẻ vẫn an toàn. Vào hôm sau, bạn có thể dạy trẻ cách tự giải quyết mọi rắc rối trong đêm.
Nếu tiếng la hét đánh thức anh chị ngủ cùng phòng với trẻ, bạn có thể để trẻ ngủ riêng một mình cho đến khi hành vi này được cải thiện. Nói với trẻ rằng anh chị em cùng phòng của trẻ sẽ không ngủ chung vói trẻ cho đến khi trẻ ngủ ngoan trong ba đêm liên tiếp.
3.8 Đánh thức con bạn vào giờ thường lệ vào mỗi sáng
Ngay cả khi trẻ đi ngủ muộn vào tối hôm trước, bạn hãy đánh thức trẻ vào giờ thường lệ để trẻ cảm thấy mệt mỏi vào tối hôm sau.
3.9 Cho trẻ ngủ muộn nếu bạn muốn trẻ không khóc khi đi ngủ
Càng đi ngủ muộn, con bạn sẽ càng mệt mỏi và càng ít phản kháng. Bạn có thể điều chỉnh giờ ngủ cho phù hợp với từng trẻ. Đối với những trẻ rất bướng bỉnh và khóc nhiều, bạn có thể bắt đầu giờ đi ngủ lúc 10 giờ tối. Hoặc bất cứ khi nào con bạn ngủ theo cách tự nhiên.
Nếu giờ đi ngủ là 10 giờ tối, bạn có thể bắt đầu cho trẻ ngủ sớm hơn 15 phút mỗi tuần. Ở những đứa trẻ không biết về thời gian, bạn có thể từ từ (khoảng hơn 8 tuần) thay đổi để giúp trẻ đi ngủ lúc 8 giờ tối theo cách này mà không hề giận dữ.
4. Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Nếu con bạn có những vấn đề sau, có thể trẻ cần được điều trị hay những lời khuyên:
- Con bạn vẫn không muốn đi ngủ sau khi bạn đã thử những lời khuyên ở trên trong 2 tuần.
- Con bạn cảm rất sợ hãi.
- Con bạn có nhiều cơn ác mộng.
- Bạn có câu hỏi hoặc bất kì mối quan tâm về tình trạng của trẻ.
Trận chiến trước khi đi ngủ là một nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng cho cha mẹ và trẻ. Các vấn đề về giấc ngủ của trẻ có thể ổn định khi trẻ lớn. Tuy nhiên, nó có thể trở lại sau những thay đổi. Ví dụ sau một kỳ nghỉ , chuyển đến nhà mới, bắt đầu đi học lại… Quan trọng là bạn đừng nản lòng. Một khi bạn đã giúp trẻ đi ngủ đúng giờ, bạn có thể bắt đầu lại ở những lần sau.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sleep: Bedtime Resistance
https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_bbedtime_hhg.htm
Ngày tham khảo: 19/12/2019