Làm gì sau khi tiêm vaccine COVID-19?
Nội dung bài viết
Vaccine COVID-19 đang được triển khai tiêm chủng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả và độ an toàn của vaccine đã được kiểm chứng qua nhiều thử nghiệm tại các quốc gia. Nhưng, bạn đã biết mình cần làm gì tiếp theo sau khi tiêm vaccine? Qua bài viết dưới đây, YouMed sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.
Những lưu ý ngay sau khi tiêm vaccine
Tiêm vaccine được thực hiện nhanh và ít gây đau cho người được tiêm. Trong thời gian tiêm, bạn không nên quá lo lắng, chích ngừa bảo đảm sự an toàn cho cuộc sống của bạn về sau. Sau khi được tiêm, bạn cần chú ý thực hiện các điều sau:
Nghỉ ngơi và theo dõi tại chỗ
Chắc chắn rằng địa điểm tiêm ngừa sẽ bố trí cho bạn chỗ ngồi nghỉ sau khi chích. Bạn nên nghỉ ít nhất 15-30 phút trước khi ra về. Việc này giúp theo dõi phản ứng của vaccine và đảm bảo bạn không gặp bất kỳ tác dụng phụ nguy hiểm nào. Dù hiếm xảy ra, nhưng nếu có, cơ sở y tế hiện tại đủ điều kiện để xử trí cho bạn. Có thể nghỉ ngơi nhiều hơn nếu bạn muốn. Ngay khi có những triệu chứng bất thường, bạn nên báo ngay với bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
Chú ý lịch tiêm
Sau khi chích ngừa lần 1, bạn nên hỏi kỹ bác sĩ về thời gian tiêm ngừa lần sau của mình. Hầu hết, các loại vaccine cần được tiêm ít nhất hai liều để đạt hiệu quả cao nhất. Cho dù là mũi 1 hay mũi 2, bạn vẫn sẽ cần theo dõi các triệu chứng tác dụng phụ của mình.
Tự chăm sóc bản thân
Nếu xảy ra các triệu chứng nhẹ, bạn có thể xử trí đơn giản với các điều trị thông thường. Nhưng nếu triệu chứng kéo dài hoặc chuyển nặng, bạn sẽ cần phải đến bệnh viện để được hỗ trợ tốt nhất. Hãy đọc kỹ thông tin trên giấy mà bạn được nhân viên y tế phát sau tiêm.
Chăm sóc vết tiêm
Giữ chỗ tiêm sạch sẽ, không đắp, chườm thuốc, lá lên chỗ tiêm. Bạn vẫn có thể tắm rửa bình thường sau khi tiêm, nhưng hãy luôn giữ khô ráo vết tiêm.
Các tác dụng phụ không mong muốn sau tiêm và cách xử trí
Một số tác dụng phụ bạn có thể mắc phải ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt thường ngày của bạn. Các triệu chứng có thể xảy ra trong vòng 7 ngày kể từ khi được tiêm. Một số vấn đề bạn có thể gặp phải và cách xử trí là:
Sưng, đau, đỏ da vùng tiêm. Hãy đến quầy thuốc gần nhất, nói với dược sĩ các triệu chứng của bạn xảy ra sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19. Bạn sẽ được kê một số thuốc giảm đau để giảm triệu chứng ngay. Bên cạnh đó, hãy dùng một khăn ướt, sạch đắp lên chỗ sưng cũng giúp làm dịu cơn đau. Bạn có thể vận động nhẹ nhàng cánh tay giúp máu dễ lưu thông.
Sốt, mệt mỏi, đau đầu, cơ, khớp, nôn ói. Uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát giúp làm giảm các triệu chứng trên hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt giảm đau như panadol, paracetamol,.. để dùng khi có biểu hiện.
Đừng lo lắng, đa phần triệu chứng chỉ xảy ra vài ngày rồi tự hết. Song, nếu lâu hơn hoặc triệu chứng nặng dần lên nhanh chóng, bạn nên đến ngay bệnh viện để được can thiệp y tế phù hợp.
Xem thêm: Hiểu đúng về sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19
Khi nào tiêm mũi 2?
Quyết định thời điểm tiêm mũi thứ hai phụ thuộc vào phản ứng của người tiêm sau liều một, đặc điểm từng đối tượng cụ thể. Nhìn chung, theo các khuyến cáo của nhà sản xuất và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật quốc tế, khoảng cách của hai liều vaccine được chỉ định như sau:
- Vaccine COVID-19 Vaccine AstraZeneca: 8-12 tuần.
- Vaccine Gam-COVID-Vac (hay còn gọi là SPUTNIK V): 3 tuần.
- Vaccine Vero Cell của Sinopharm: 4 tuần.
- Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech: 3 tuần.
- Vaccine Spikevax (hay còn gọi là COVID-19 Vaccine Moderna): 1 tháng.
- COVID-19 Vacccine Janssen: 1 mũi.
Tuy nhiên, thời gian quy ước này có thể linh hoạt hơn do tùy theo tình trạng vaccine hiện có của nước ta. Thực tế có thể tiêm sớm hơn cho mọi người ngay khi có nguồn cung vaccine tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, dù sao cũng phải kiểm soát độ an toàn tuyệt đối trước khi thực hiện, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao xảy ra tác dụng phụ.
Có cần phòng bệnh sau khi tiêm?
Sau khi chích, bạn đã có miễn dịch với virus, nhưng vẫn không đảm bảo 100% việc ngăn ngừa việc lây nhiễm sang người khác. Hơn nữa vaccine giúp bạn hạn chế nguy cơ trở nặng nếu mắc bệnh. Phòng dịch sau khi tiêm ngừa rất quan trọng để bảo vệ bạn và mọi người xung quanh được an toàn. Lưu ý rằng, bạn sẽ không có miễn dịch đầy đủ cho tới khi được chích đủ hai mũi.
- Khẩu trang mang liên tục khi ra đường.
- Khử khuẩn tay với xà bông hay dung dịch rửa tay nhanh và nước thường xuyên.
- Khoảng cách giữa mình và mọi người ít nhất 2m.
- Không tụ tập nơi đông người.
- Khai báo y tế đều đặn định kỳ.
Chăm sóc sức khỏe sau tiêm ngừa
- Sau khi chích ngừa, bạn có thể tiếp tục các hoạt động sinh hoạt của mình bình thường, nhưng luôn tuân thủ quy định của nhà nước.
- Nếu đi du lịch, bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân và người khác.
- Tiếp tục tự theo dõi các triệu chứng của COVID-19, nhất là khi ở gần người bệnh.
- Khám bệnh tổng quát hàng năm hoặc tái khám theo dõi bệnh mãn tính định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là những gợi ý dành cho bạn sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19. Lưu ý rằng, vaccine giúp bạn hạn chế nguy cơ bệnh nặng, không giúp ngừa bệnh hoàn toàn. Hãy luôn chấp hành nghiêm các quy định của chính phủ để đảm bảo loại trừ dịch bệnh thành công.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Possible Side Effects After Getting a COVID-19 Vaccinehttps://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/expect/after.html
Ngày tham khảo: 12/08/2021
-
What to do before, during and after getting vaccinated for COVID-19https://www.unicef.org/rosa/stories/what-do-during-and-after-getting-vaccinated-covid-19
Ngày tham khảo: 12/08/2021
-
COVID-19: Vaccines to prevent SARS-CoV-2 infectionhttps://www.uptodate.com/contents/covid-19-vaccines-to-prevent-sars-cov-2-infection?search=secoond%20dose%20pf%20vaccine%20covid&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1#H4048778065
Ngày tham khảo: 12/08/2021
-
When You’ve Been Fully Vaccinatedhttps://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/stay-up-to-date.html
Ngày tham khảo: 12/08/2021