Làm thế nào để nhanh hồi phục sau khi sinh mổ?
Nội dung bài viết
Việc mang thai và sinh con là một đặc quyền và là một sứ mệnh thiêng liêng của phụ nữ. Tuy nhiên, việc mang thai cũng có thể ảnh hưởng đôi chút đến cơ thể bạn. Đặc biệt là khi bạn phải trải qua cuộc sinh mổ, bạn sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục hơn sau khi sinh thường. Dưới đây là những biện pháp giúp cơ thể bạn mau hồi phục, giảm đau và có nhiều thời gian hơn để gắn kết với em bé sau sinh.
1. Nghỉ ngơi nhiều sau khi sinh mổ
Phẫu thuật mổ lấy thai được xem là một phẫu thuật lớn. Nếu bạn mang nhiều hơn một thai hoặc có nhiều nước ối, phẫu thuật này càng khó khăn hơn nhiều. Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, cơ thể bạn cần thời gian để hồi phục sau đó. Thời gian nằm lại bệnh viện dự kiến thường sẽ cần khoảng ba đến bốn ngày sau sinh. Nếu gặp phải các biến chứng sau sinh như chảy máu, nhiễm trùng,… bạn có thể phải nằm lại bệnh viện lâu hơn. Thông thường, để cơ thể hồi phục về lại nhịp sống như bình thường có thể phải mất đến 6 tuần sau sinh.
>> Xem thêm: Nước ối: Chức năng và các rối loạn thể tích ối
Lời khuyên nghỉ ngơi nhiều nghe có vẻ dễ nhưng lại khó thực hiện. Khi con chào đời, bé cần rất nhiều sự quan tâm và chăm sóc cũng như được cho bú. Vì vậy, việc mẹ có thời gian để nằm nghỉ thường khá ít ỏi. Đặc biệt là với một số bé, có vẻ như lúc nào cũng quấy khóc, đòi gần mẹ. Vì vậy, xin có lời khuyên chân thành dành cho bạn là hãy nghỉ ngơi mỗi khi em bé nghỉ ngơi. Cố gắng ngủ bất cứ khi nào bé ngủ trưa. Bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của người thân để thay tã và làm việc nhà để bạn có thể nằm nghỉ khi có thể. Việc nghỉ ngơi dù chỉ vài phút cũng góp phần hỗ trợ cho quá trình hồi phục.
2. Vận động vừa sức
Lời khuyên nghỉ ngơi ở đoạn trên thêm không đồng nghĩa với việc hạn chế vận động. Các bằng chứng y học hiện tại đều cho thấy rõ lợi ích của việc vận động sớm sau mổ giúp cơ thể mau hồi phục hơn. Việc vận động sau mổ sẽ giúp máu lưu thông tốt, mang oxy và dinh dưỡng tới nuôi vết thương. Đồng thời, vận động cũng giúp giảm hình thành cục máu đông gây tắc lòng mạch máu. Quanh giai đoạn mang thai và sau sinh, cơ thể bạn rơi vào trạng thái “tăng đông máu”- nghĩa là máu bạn dễ bị cô đặc và hình thành cục máu đông hơn. Nếu máu đông đi vào các cơ quan quan trọng như mạch vành ở tim, mạch máu phổi, mạch máu não có thể gây tắc mạch và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trong quá trình lành vết mổ, hãy chú ý cẩn thận khi đi lại quanh nhà. Tránh đi lên xuống cầu thang hay vào nhà vệ sinh sàn ướt nhiều, vì bạn dễ có nguy cơ bị té ngã khi cơ thể đang hồi phục.
Sau khi sinh mổ, đừng cố sức vận động quá mạnh hay nâng những vật quá nặng. Nếu như bạn cảm thấy chưa đủ sức để nhanh chóng trở lại gánh vác việc nhà, đừng ngần ngại đề nghị chồng và người thân để được giúp đỡ.
3. Nâng niu cơ thể bạn
- Tắm gội sau mổ lấy thai: Việc tắm gội và vệ sinh thân thể hàng ngày là một việc nên làm. Quan niệm ngày xưa không nên tắm gội nhiều tuần sau sinh là không khoa học.
- Ho và hắt hơi: Việc hắt hơi hoặc ho có thể làm tăng nhẹ áp lực trong ổ bụng của bạn. Tuy nhiên, các vấn đề này thường ít khi làm rách, đứt chỉ khâu hay toác vết mổ. Bạn không cần phải quá lo lắng đến nỗi không dám ho hay thở mạnh sau khi mổ.
- Tập thể dục: Có thể phải mất từ sáu đến tám tuần để bạn trở lại cuộc sống bình thường. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về thời điểm tốt nhất để có thể tập thể dục, làm việc trở lại. Tránh việc luyện tập thể dục quá mạnh. Việc đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập yoga thường xuyên là những môn thể thao phù hợp. Các động tác khi đi bộ giúp cơ thể bạn hồi phục, ngăn ngừa táo bón và chống hình thành cục máu đông.
4. Cho con bú, ngừa thai và lắng nghe cảm xúc bản thân
- Cho con bú và ngừa thai: Khi cho con bú sữa mẹ hoàn toàn sau mổ lấy thai, bạn có thể không có kinh trong vài tháng đầu. Điều này không đồng nghĩa với khả năng không thể mang thai trở lại. Hiệu quả tránh thai của việc cho con bú không cao, hơn nữa, vị trí vết mổ trên tử cung cũng chưa có đủ thời gian để hồi phục. Vì vậy, nếu bạn vỡ kế hoạch và có thai lại sớm sau mổ, sẽ có nhiều rủi ro trong thai kỳ tiếp theo. Điển hình như tình trạng thai bám sẹo mổ cũ lấy thai, nhau cài răng lược, vỡ tử cung. Tốt nhất, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn về thời điểm có thể gần gũi chồng trở lại, cũng như phương pháp ngừa thai sau sinh phù hợp.
>> Tìm hiểu thêm về những điều cần lưu ý khi mang thai sau khi sinh mổ để đảm bảo sức khoẻ và chuẩn bị cho thai kì tiếp theo.
- Đề phòng trầm cảm sau sinh: Ngoài quan tâm chăm sóc về thể chất cơ thể mình, đừng quên chú trọng về sức khỏe tinh thần. Nếu bạn cảm thấy kiệt sức, buồn, hay thất vọng, xin đừng bỏ qua nó. Hãy bày tỏ những cảm xúc của bạn với chồng và người thân, bạn bè, hoặc đến gặp bác sĩ.
5. Giảm đau sau khi sinh mổ
Hãy hỏi bác sĩ những loại thuốc giảm đau bạn có thể dùng, đặc biệt là nếu bạn đang cho con bú. Tùy thuộc vào mức độ khó chịu của bạn, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau phù hợp. Nếu mức độ đau sau khi sinh mổ là vừa phải, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau mua không cần kê đơn như paracetamol. Đây là một loại thuốc thông dụng và có thể dễ dàng tìm thấy tại nhà thuốc. Loại thuốc này an toàn khi cho con bú, tuy nhiên không được sử dụng quá 4 gram/ngày.
Nếu đã dùng thuốc giảm đau như paracetamol nhưng cơn đau không suy giảm, hãy đến gặp bác sĩ. Đôi khi, đây có thể không đơn thuần chỉ là cơn đau vết mổ mà có thể do những nguyên nhân nguy hiểm hơn.
Tuy rằng vận động sớm có thể làm bạn thấy đau vết mổ, nhưng việc đi lại, vận động sớm sau mổ lấy thai giúp vết thương mau hồi phục. Việc này sẽ giúp cơn đau mau thuyên giảm hơn khi vết thương lành dần.
6. Tập trung vào dinh dưỡng tốt
Dinh dưỡng tốt là một yếu tố quan trọng trong lúc mang thai cũng như những tháng sau sinh mổ. Ngay sau khi chào đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho bé (không kể sữa công thức). Vì vậy, nếu bạn cho con bú sữa mẹ, bạn cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thậm chí “nhỉnh” hơn so với lúc trước mang thai một ít, để cơ thể có năng lượng tạo sữa cho con. Ăn nhiều loại thực phẩm sẽ giúp bé bạn khỏe hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều rau củ khi cho con bú làm tăng hương vị sữa mẹ. Điều này giúp làm tăng sự thích thú của con và bé sẽ thường thích ăn những loại rau củ này khi lớn lên.
Ngoài ra, hãy tăng cường uống thêm nhiều nước, có thể là sữa, nước lọc hay nước ép trái cây, rau củ. Bạn cần thêm chất lỏng để tăng nguồn sữa mẹ và tránh táo bón.
7. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ
Sau khi sinh mổ, mọi thứ là bình thường nếu bạn chỉ hơi đau ở vết mổ và còn ra dịch đỏ sậm ở vùng kín (ra sản dịch) trong vòng sáu tuần sau khi mổ lấy thai.
Nhưng nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau đây, hãy đến bác sĩ ngay để được thăm khám:
- Nóng đỏ, sưng tấy hoặc thấy mủ chảy ra từ vị trí vết mổ: Gợi ý tình trạng dị ứng chỉ khâu, tụ dịch vết mổ thành bụng hay nhiễm trùng vết mổ.
- Đau quanh vết mổ nhiều
- Sốt: trên 38°C, kèm theo lạnh run.
- Dịch tiết ra từ âm đạo có mùi hôi: Gợi ý khả năng bạn bị viêm nội mạc tử cung hậu sản hay có các ổ nhiễm trùng quanh khu vực phần phụ sau mổ lấy thai.
- Ra huyết âm đạo nhiều: Sau mổ lấy thai, vì nhiều lý do, tử cung có thể co hồi không tốt dẫn đến không thể cầm máu sau mổ, gọi là tình trạng băng huyết sau sinh. Nếu không tìm ra nguyên nhân và xử trí, bạn có thể mất máu nhiều và ảnh hưởng đến tính mạng.
- Sưng đau, đỏ vùng ở chân: Đây có thể là một dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
- Đau ngực, khó thở: Nếu huyết khối hình thành ở các mạch máu vùng phổi có thể làm phổi bị thiếu máu nuôi, bị nhồi máu phổi.
- Đau vùng vú: Việc đau vú có thể là biểu hiện của việc tắc tia sữa, áp-xe vú, …
- Buồn bực và tâm trạng tệ: Nếu những cảm xúc này không cải thiện, đặc biệt nếu bạn có suy nghĩ làm tổn thương em bé, có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.
Mỗi người phụ nữ sẽ có những trải nghiệm khác nhau khi mổ lấy thai. Thời gian hồi phục sau mổ thay đổi tuỳ người, có thể kéo dài đến vài tuần, vài tháng sau sinh. Bạn nên tập trung vào việc hồi phục bản thân cũng như dành thời gian cho bé. Trong quá trình hồi phục, nếu có những bất thường như đau bụng, đau ngực nhiều, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Nếu có những thắc mắc còn chưa hiểu rõ, bạn có thể để lại bình luận ở bên dưới bài viết này cho YouMed bạn nhé.
Bác sĩ Hoàng Lê Trung Hiếu
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Guidelines for postoperative care in cesarean delivery: Enhanced Recovery After Surgery (ERAS) Society recommendations