Những điều bạn cần biết về tình trạng loét tì đè
Nội dung bài viết
Loét tì đè hay còn gọi là loét do áp lực. Đây là một trong những biến chứng thường gặp khi chăm sóc những bệnh nhân nằm lâu. Biến chứng này rất dễ xuất hiện nếu không biết cách chăm sóc bệnh nhân đúng cách. Việc điều trị loét do áp lực không phải là một việc dễ dàng và còn gặp nhiều khó khăn. Việc lưu ý các bước chăm sóc người bị loét tì đè được ưu tiên để phòng ngừa tình trạng này,
Vì vậy, việc trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị loét tì đè vô cùng quan trọng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!
1. Loét tì đè là gì?
Loét tì đè là tổn thương khu trú ở da và mô dưới da. Bệnh thường xảy ra trên nền xương cứng, do giữ nguyên tư thế ở một vị trí cố định trong một khoảng thời gian dài. Thường gặp trong những trường hợp nằm viện dài ngày vì một bệnh lí nặng hay mạn tính.
Loét do áp lực thường gặp ở những đối tượng sau đây:
- Người già
- Người nằm lâu trên giường hoặc ngồi lâu trên xe lăn
- Không thể di chuyển một phần cơ thể nếu không có sự giúp đỡ từ ai đó
- Da dễ bị kích thích
- Người có sự giảm chuyển động
2. Nguyên nhân của loét tì đè
Nguyên nhân gây ra các vết loét là do thiếu máu đến nuôi dưỡng do áp lực tì đè. Các yếu tố có khả năng quyết định mức độ tổn thương loét do tì đè bao gồm:
- Lực ma sát tại chỗ
- Độ ẩm da
- Cảm giác đau của người bệnh
- Sự tưới máu có đầy đủ không
- Khả năng chăm sóc người bệnh
- Dinh dưỡng dành cho bệnh nhân
Độ ẩm quá mức cũng như các chất kích thích da như nước tiểu, phân do vệ sinh kém cũng góp phần gây loét do áp lực. Lực ma sát cũng có thể gây nên loét tì đè. Ví dụ như việc kéo ga trải giường hay kéo cơ thể người bệnh để di chuyển.
3. Những vị trí dễ bị loét do áp lực
Bất cứ vùng nào trên cơ thể cũng có thể bị loét tì đè. Tuy nhiên, tình trạng này thường xảy ra trên những vùng da phủ lên nền xương cứng. Những vùng xung quanh khớp háng, gót chân và xương cùng cụt đặc biệt dễ bị loét tì đè hơn. Những vị trí hay bị loét do áp lực thường gặp đó là:
Tư thế nằm ngửa
- Vùng xương chẩm
- Hai xương bả vai
- Vùng xương cùng cụt
- Gót chân
Tư thế nằm nghiêng
- Vùng xương thái dương
- Khuỷu tay
- Hông
- Mắt cá ngoài
Tư thế nằm sấp
- Trán
- Khuỷu tay
- Đầu gối
- Ngón chân
Tư thế ngồi
- Vùng lưng
- Xương cùng cụt
- Ụ ngồi
- Gót chân
4. Yếu tố gây loét tì đè
Sau đây là một số yếu tố nguy cơ của loét do áp lực:
- Không thể tự di chuyển hay thay đổi vị trí của bạn. Thường gặp ở bệnh nhân liệt nửa nười, liệt tay, chân do đột quỵ hay chấn thương tủy sống. Các bệnh lí liên quan đến hệ thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên cũng tương tự.
- Bệnh nhân hôn mê, thở máy trong các đơn vị chăm sóc tích cực.
- Da dễ bị kích thích, mỏng manh và đặc biệt ở người lớn tuổi.
- Thói quen ăn uống không đủ chất ảnh hưởng đến dinh dưỡng, tình trạng da. Mặt khác, nếu bị loét tì đè thì thiếu dinh dưỡng sẽ làm bệnh lâu lành hơn.
- Các tình trạng như bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu của bạn. Điều này gây ảnh hưởng đến nuôi dưỡng da khỏe mạnh.
Loét tì đè có thể điều trị được. Tuy nhiên những vết loét sâu, mạn tính có thể khó điều trị. Triển vọng điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể kể đến như giai đoạn nào của loét cũng như điều kiện y tế sẵn có.
5. Triệu chứng của loét do áp lực
Mỗi giai đoạn của loét do áp lực đều có những triệu chứng khác nhau. Tùy thuộc vào giai đoạn nào của bệnh, bạn có thể có một trong các triệu chứng sau đây:
- Sự đổi màu của da
- Đau vùng da bị tổn thương
- Nhiễm trùng
- Vết thương hở ở da
- Da mềm hơn hoặc cứng hơn vùng da xung quanh
6. Các giai đoạn của loét tì đè
Loét do áp lực được phân thành các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1
Vùng da bị tổn thương vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên nó bị đổi màu da. Vùng da này có thể xuất hiện màu đỏ nếu bạn có màu da sáng. Nếu bạn có nước da sẫm màu, da có thể đổi từ màu xanh sang màu tím. Có thể đau, cứng hoặc mềm, ấm hơn hoặc lạnh hơn vùng da xung quanh.
Giai đoạn 2
Tổn thương mất một phần bề dày của da. Biểu hiện là vết loét hở da, nông, đáy vết loét đỏ hồng, không đóng vảy. Ngoài ra, giai đoạn 2 cũng có thể biểu hiện dưới dạng bóng nước. Những bóng nước này có thể nguyên vẹn hoặc bị vỡ, chứa đầy dịch huyết thanh bên trong.
Đặc biệt, vết loét giai đoạn 2 sẽ không nhìn thấy mô mỡ và các mô sâu hơn.
Giai đoạn 3
Vết loét sâu hơn, mất toàn bộ lớp da. Vì vậy, vết loét để lộ ra lớp mỡ, nhưng chưa tới lớp cơ, gân, xương bên dưới. Tổn thương sâu tương tự như hình ảnh của một cái hố. Có thể quan sát thấy ít mô hoại tử màu vàng ở đáy ổ loét.
Giai đoạn 4
Mất toàn bộ mô da và dưới da, để lộ ra cơ, gân, xương. Tổn thương giai đoạn này thường xuất hiện đường hầm hay lỗ dò.
Tổn thương không phân giai đoạn
Mất mô toàn bộ trong đó nền vết loét bị che phủ kín bởi lớp vảy (vàng, đỏ nâu, xám, xanh hoặc nâu). Lớp vảy này khiến cho việc đánh giá và xếp loại trở nên khó khăn.
7. Cách chẩn đoán loét tì đè
Bạn có thể được gửi đến những chuyên gia có kinh nghiệm về chăm sóc loét tì đè. Đội ngũ chuyên gia này có thể đánh giá vết loét của bạn dựa trên một số vấn đề bao gồm:
- Kích thước và độ sâu của vết loét
- Loại mô trực tiếp bị ảnh hưởng bởi vết loét. Ví dụ: da, cơ, xương.
- Màu sắc vùng da bị ảnh hưởng
- Số lượng mô chết ở vết loét
- Tình trạng vết loét của bạn. Ví dụ như sự xuất hiện nhiễm trùng hay không, chảy máu, mùi…
Bác sĩ cũng có thể lấy vài mẫu dịch hoặc mô ở vết loét. Ngoài ra, họ cũng có thể tìm kiếm những dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc ung thư.
8. Cách điều trị loét do áp lực
Việc điều trị loét do áp lực còn phụ thuộc vào giai đoạn và tình trạng của vết loét. Những phương pháp điều trị có thể là:
- Thuốc
- Phẫu thuật
- Chăm sóc vết thương tại chỗ (bao gồm loại băng gạc chuyên dụng)
- Thay đổi lối sống (thường xuyên thay đổi tư thế, sử dụng những loại nệm giảm áp lực chuyên dụng, chế độ ăn uống lành mạnh)
- Điều trị bất cứ tình trạng nhiễm trùng nào hiện diện
Thuốc kháng sinh có thể điều trị tình trạng nhiễm trùng. Bạn cũng có thể được kê thuốc để làm giảm cảm giác khó chịu. Bác sĩ có thể chỉ định cắt lọc mô hoại tử ở vết loét. Điều này hỗ trợ cho quá trình lành thương mau hơn.
Việc giảm áp lực hay thường xuyên hay đổi tư thế là vấn đề cốt lõi khi điều trị loét tì đè. Việc giảm lực ma sát cũng rất quan trọng.
Vết thương của bạn có thể được thay băng thường xuyên. Mục đích để tránh nhiễm trùng, giúp vết thương sạch sẽ. Các vết loét giai đoạn 3, 4 có thể cần đến những biện pháp điều trị can thiệp hơn. Ví dụ như phẫu thuật cắt lọc, điều trị với máy hút áp lực âm. Việc khâu kín trực tiếp vết loét không được khuyến cáo do để loại khoảng chết bên dưới.
Tóm lại, chiến lược điều trị của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn những gì tốt nhất để cải thiện vết loét của bạn.
9. Lưu ý khi chăm sóc người bị loét tì đè
Lét do tì đè không dễ để điều trị lành hoàn toàn. Vì thế việc phòng tránh loét do tì đè chiếm một vai trò rất quan trọng. Dự phòng có hiệu quả loét áp lực giúp người bệnh tránh được nhiều đau đớn và hỗ trợ đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh chính. Điều này còn phụ thuộc vào kỹ năng và thái độ của người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Một số vấn đề cần lưu ý bao gồm:
Dinh dưỡng
Đây là nhân tố thiết yếu trong phòng ngừa và quản lí loét tì đè. Cần thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lí. Ngoài ra, cần bổ sung các vitamin và uống đủ nước.
Chăm sóc da
Giữ cho da sạch sẽ, khô ráo. Không mát xa hay chà mạnh lên những vùng da có nguy cơ. Dưỡng ẩm cho da. Không để da quá ẩm hay quá khô.
Xoay trở, di chuyển tư thế
Khuyến cáo với tư thế nằm xoay trở mỗi 2 giờ. Nên xoay trở đều 2 bên. Với tư thế ngồi, xoay trở mỗi 15 phút. Lúc xoay trở, nên nâng cơ thể lên thay vì kéo.
Nệm
Một vài phương tiện hỗ trợ như nệm nước, nệm khí. Người bệnh sẽ được thay đổi tư thế một cách bị động theo sự chuyển động của chúng.
Loét tì đè là một trong những vấn đề hay gặp với những tình trạng nằm lâu một chỗ. Việc điều trị loét tì đè lành hoàn toàn không hề đơn giản. Vì vậy phòng ngừa là chiến lược quan trọng hơn cả. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa, điều trị loét tì đè. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Healthline (2020), What You Should Know About Decubitus Ulcers, https://www.healthline.com/health/pressure-ulcer truy cập vào 08/04/2020