Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa tại nhà
Nội dung bài viết
Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với các triệu chứng thường gặp như ngứa, khô, và đỏ da. Mục tiêu điều trị viêm da cơ địa là giảm ngứa và giảm sưng viêm da, tăng độ ẩm, phòng ngừa nhiễm trùng và tránh tác nhân gây bệnh. Để chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa tại nhà, mẹ cần lưu ý điều gì? Mời bạn cùng bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Phòng ngừa viêm da cơ địa ở trẻ tại nhà
Tình trạng khô da là một trong những nguyên nhân và triệu chứng mà viêm da cơ địa gây ra. Vì thế, các mẹ cần lưu ý dưỡng ẩm đều đặn cho làn da của trẻ. Bạn có thể sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm có dạng xịt, thành phần lành tính từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho trẻ.
Cải thiện tính trạng viêm da cơ địa bằng cách giữ cho da bé không bị khô hay ngứa và tránh bùng phát bệnh. Mẹ có thể thử 6 cách sau:1
- Sử dụng xà phòng không có hương liệu, hoặc dầu tắm không có xà phòng. Và lau khô da trước khi bôi sản phẩm dưỡng ẩm.
- Mặc đồ mềm mại, nhẹ, giúp cho da “dễ thở”, như vải cotton. Len hoặc polyester có thể thô ráp và gây kích ứng cho da bé.
- Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ để tránh những tổn thương da do gãi. Trẻ thường gãi phần da bị viêm. Điều này làm các triệu chứng tệ hơn và có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Tránh để bé trong môi trường quá nóng, vì có thể làm tình trạng trầm trọng hơn. Ngoài ra, hạn chế cho trẻ ở phòng máy lạnh 24/24 vì dễ gây khô da và tái phát tình trạng viêm da cơ địa.
- Cho trẻ uống nhiều nước, để giúp làm ẩm da bé.
- Loại bỏ các tác nhân dị ứng trong nhà bạn như phấn hoa, nấm mốc, khói thuốc lá, hóa chất, xà phòng.
Một số tác nhân khác làm trầm trọng hơn, hoặc ảnh hưởng đến nguy cơ bị viêm da cơ địa ở bé mà các mẹ cần lưu ý như yếu tố môi trường bao gồm khí hậu, môi trường thành thị, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với các vi sinh vật, nước cứng (nước có hàm lượng CaCO3 cao).2
Lưu ý về chế độ ăn cho trẻ bị viêm da cơ địa
Chế độ ăn có thể làm nặng hơn tình trạng viêm da cơ địa đối với những trẻ bị dị ứng thực phẩm. Điều này thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng viêm da cơ địa như: sữa, trứng, đậu phộng, đậu, bột mì, cá, sứa, đậu nành.3 4
Bạn nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho trẻ gồm những thực phẩm bao gồm:5
- Trái cây, rau củ: Đây là những thực phẩm nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ tăng cường sức đề kháng, đào thải độc tố, giúp cải thiện tình trạng viêm da.
- Thực phẩm chứa omega-3: Omega-3 có đặc tính kháng viêm mạnh. Có thể giúp giảm các triệu chứng mẩn ngứa, khó chịu của viêm da cơ địa. Một số loại thực phẩm giàu omega-3 bao gồm: cá thu, cá hồi, hạt lanh, hạt óc chó…
- Men vi sinh: Bạn có thể cho trẻ ăn sữa chua để bổ sung men vi sinh có lợi cho sức khỏe. Các lợi khuẩn men vi sinh giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, cải thiện hệ miễn dịch nhằm cải thiện tình trạng viêm da cơ địa và ngăn ngừa tái phát.
Trường hợp bạn cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ
Việc điều trị viêm da cơ địa phụ thuộc vào triệu chứng, tuổi và tình trạng sức khỏe của bé. Đây là bệnh lý không có cách chữa trị triệt để. Mục tiêu điều trị là giảm ngứa và viêm, tăng độ ẩm cho da, và dự phòng nhiễm trùng.
Trẻ em bị viêm da cơ địa sẽ có nguy cơ dễ bị nhiễm trùng da hơn. Bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi bạn thấy dấu hiệu sớm của nhiễm trùng da như:
- Sốt, đỏ hoặc ấm xung quanh vùng da bị ảnh hưởng.
- Mụn có mủ trên hoặc xung quanh vùng da bị ảnh hưởng. Vùng da giống như bị bỏng lạnh hoặc phồng rộp.
- Hoặc trong trường hợp bệnh viêm da cơ địa của bé nặng hơn, không đáp ứng với điều trị hoặc khuyến cáo của bác sĩ.
Với nhiều trẻ, viêm da cơ địa có thể cải thiện trước 5 hoặc 6 tuổi. Một số trường hợp sẽ tự khỏi. Một số trường hợp khác sẽ tái phát khi trẻ đến tuổi dậy thì. Một số người vẫn bị viêm da cơ địa cho đến khi trưởng thành.1
Xem thêm: Xịt viêm da cơ địa Shema Topi: Thành phần dịu nhẹ, công dụng và cách dùng cho bé
Với những thông tin trên, hy vọng có thể giúp mẹ có những kiến thức phù hợp và an toàn để chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa tại nhà.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Eczema (Atopic Dermatitis)https://kidshealth.org/en/parents/eczema-atopic-dermatitis.html
Ngày tham khảo: 22/02/2022
-
Atopic Dermatitis in Childrenhttps://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=90&ContentID=P01675
Ngày tham khảo: 22/02/2022
-
Food and Eczema Flares in Childrenhttps://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/eczema/food-flares
Ngày tham khảo: 22/02/2022
-
CAN FOOD FIX ECZEMA?https://www.aad.org/public/diseases/eczema/childhood/treating/food-fix
Ngày tham khảo: 22/02/2022
-
How to Create an Eczema-Friendly Diethttps://www.healthline.com/health/skin-disorders/eczema-diet#foods-to-eat
Ngày tham khảo: 22/02/2022