Bạn biết gì về “siêu thực phẩm” – Hạt lanh?
Nội dung bài viết
Hạt lanh được gọi là “siêu thực phẩm” vì đây thực sự là một loại hạt giàu dinh dưỡng, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những công dụng nổi bật mà chúng mang lại cho sức khỏe.
1. Nguồn gốc của Hạt lanh
Hạt lanh (Linum usitatissimum), hay còn biết đến với cái tên flaxseed là một loại hạt nhỏ có dầu và có nguồn gốc từ Trung Đông từ hàng ngàn năm trước. Hạt lanh hơi lớn hơn hạt mè, có vỏ cứng trơn và sáng, màu sắc từ vàng sẫm đến nâu đỏ tùy thuộc cây lanh đó giống vàng hay nâu.
Gần đây chúng trở nên phổ biến như một loại siêu thực phẩm tốt cho sức khỏe do có chứa hàm lượng lớn chất béo omega-3, chất xơ và các hợp chất thực vật là ít loài có được:
Chất xơ dồi dào nhưng hàm lượng carb thấp
Loại hạt này chứa 29% carb nhưng hàm lượng chất xơ cao đến bất ngờ là 95%. Cụ thể, cứ mỗi hai thìa canh hạt lanh cung cấp khoảng 6 gram chất xơ và 1,5 gram carb. Số lượng này đáp ứng lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày: 15% cho nữ và 25 % cho nam.
Nguồn chất béo tốt cho cơ thể
Hạt lanh là nguồn cung dồi dào axit béo omega-3, omega-6, những chất béo rất tốt cho tim. Chúng giúp giảm cholesterol xấu, là 1 trong những thực phẩm tốt nhất cho phái nữ, cho phụ nữ mang thai, giúp ổn định huyết áp, dễ ngủ, tốt cho đường ruột…
Các vitamin và khoáng chất
Ngoài chất xơ và chất béo tốt, hạt lanh còn chứa một hàm lượng lớn các vitamin B6, sắt, kali, đồng, kẽm… Chính vì thế chúng rất tốt cho cả sức khỏe lẫn làn da con người.
2. Công dụng
2.1. Giảm cân
Hạt lanh chứa các chất xơ hòa tan và trở nên có độ dính cao được tiếp xúc với nước. Chất xơ này đã được chứng minh là mang lại những hiệu quả trong việc ngăn chặn những cơn đói và thèm ăn, do đó nó có khả năng thúc đẩy quá trình giảm cân.
Ngoài ra, Omega-3 có trong hạt lanh là một chất béo lành mạnh có thể ngăn chặn việc thèm ăn và cải thiện cảm giác no – điều này khá có ích trong quá trình giảm cân. Lignan giúp cải thiện chức năng tế bào, giúp đốt cháy chất béo và tăng cường trao đổi chất.
2.2. Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Các axit béo trong hạt lanh có thể giúp bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa và duy trì sức khỏe tiêu hóa.
Ngoài ra, nhờ hàm lượng chất xơ cao, chúng còn rất hữu ích trong việc giúp ruột hoạt động khỏe mạnh. Chất dầu trong hạt lanh có tính chất bôi trơn nên các chất thải được vận chuyển dễ dàng.
2.3. Cải thiện làn da và mái tóc
Hạt lanh chứa một lượng lớn các chất béo ALA và vitamin B, không chỉ có tác dụng tốt cho làn da, mái tóc, mà còn điều trị hiệu quả các nốt mụn trứng cá, mụn đầu đen, giúp giảm khô da và bong tróc.
2.4. Chống ung thư
Lợi ích hạt lanh đã được chứng minh có tác dụng chống lại ung thư vú, tuyến tiền liệt, buồng trứng và ung thư đại tràng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư lâm sàng phát hiện ra rằng tiêu thụ loại hạt này có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.
2.5. Chống oxy hóa
Hạt lanh cũng có hàm lượng cao các chất chống oxy hóa là lignans và polyphenol. Lignans với lợi ích chống lão hóa, cân bằng nội tiết tố và sức khỏe tế bào. Polyphenol hỗ trợ sự phát triển của chế phẩm sinh học trong ruột và cũng có thể giúp loại bỏ nấm men và nấm Candida trong cơ thể.
Lignan cũng được biết đến với đặc tính chống virus và kháng khuẩn, do đó dùng hạt lanh thường xuyên có thể giúp giảm số lượng hoặc mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh và cúm.
2.6. Kiểm soát tốt đường huyết
Chất xơ có trong hạt lanh giúp ổn định đường huyết. Một nghiên cứu gần đây chứng minh rằng hạ thấp lượng đường trong máu xuống 28% một giờ sau khi ăn hạt lanh.
2.7. Tốt cho phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh
Đối với phụ nữ đang trong giai đoạn mãn kinh, thành phần lignan có trong hạt lanh chính là liệu pháp tuyệt vời giúp thay thế hormone. Ngoài ra còn có thể kích thích kinh nguyệt ra đều, và giảm nguy cơ loãng xương.
3. Cách dùng Hạt lanh
Thông thường, bạn có thể sử dụng hạt lanh dưới hai dạng nguyên hạt và bột. Cả hai dạng này đều rất tốt cho sức khỏe. Nếu ăn dạng nguyên hạt, bạn sẽ tận dụng được dầu và chất xơ có trong vỏ hạt. Trước khi ăn, bạn có thể ngâm hạt trong nước ấm khoảng 10 phút hoặc ngâm trong nước lạnh khoảng 2 tiếng. Tuy nhiên, việc nghiền nhỏ hạt lanh giúp chúng ta dễ tiêu hóa khi sử dụng hơn.
Thời gian ăn hạt lanh cũng khá quan trọng, theo các chuyên gia bạn nên dùng tối đa 5 thìa cà phê hạt lanh vào lúc sáng sớm. Tuy nhiên, bạn nên kết hợp song song với thói quen uống nhiều nước hơn so với bình thường.
Đối với bột hạt lanh, bạn có thể sử dụng như sau:
- Pha với nước để uống hàng ngày, có thể kết hợp với nước thường, nước ép trái cây hoặc sữa đều được.
- Thêm vào sữa chua hoặc sinh tố.
- Trộn cùng bột làm bánh.
- Kết hợp với yến mạch để nấu cháo.
4. Lưu ý khi sử dụng Hạt lanh
Mặc dù hạt lanh rất tốt cho sức khỏe, việc lạm dụng chúng sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn như đau bụng, buồn nôn, khó tiêu hoặc táo bón.. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng hạt lanh như:
- Bà mẹ mang thai và cho con bú cần hỏi ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ trước khi dùng hạt lanh.
- Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) hay bị bệnh viêm ruột (IBD) không nên ăn hạt lanh. Hạt lanh có công dụng như một loại thuốc nhuận tràng và có thể kích thích khung đại tràng, dẫn đến viêm, thậm chí xuất huyết đại tràng.
- Những người bị rối loạn co giật nên tránh bổ sung hạt lanh vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.
- Những người uống thuốc làm loãng máu, đường máu, steroid tại chỗ, chống viêm và giảm cholesterol thuốc nên tránh ăn hạt lanh.
Qua bài viết trên, YouMed đã cung cấp cho bạn một số thông tin về lợi ích, công dụng và một số điều lưu ý khi sử dụng hạt lanh. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết nhé!