YouMed

15 giải đáp về mang thai trong mùa dịch Covid-19

Bác sĩ NGUYỄN ĐOÀN TRỌNG NHÂN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Chuyên khoa: Đa khoa

Covid 19 có ảnh hưởng gì đến thai kỳ của bạn hay không? Sản phụ có phải thay đổi kế hoạch sinh đẻ trong mùa dịch này? Bạn có thai và nghi ngờ mình mắc phải Covid 19, bạn nên làm gì? Covid ảnh hưởng đến con tôi sau này như thế nào?… Các câu trả lời dựa trên các khuyến cáo từ các tổ chức lớn trên thế giới và thực tế ở nước ta cũng như pháp luật hiện hành. Hãy cùng nhau tìm hiểu về chủ đề này nhé.

1. Covid-19 có tác động gì lên người mẹ mang thai?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Như chúng ta đã biết, COVID-19 gây bệnh nặng ở đối tượng lớn tuổi, có nhiều bệnh mắc phải kèm theo. Trong khi đó, phụ nữ ở độ tuổi mang thai hầu hết ở 20 – 35 tuổi, là lứa tuổi trẻ, khoẻ nên thai phụ nhiễm COVID-19 thường biểu hiện bệnh nhẹ.

Tổng quát mà nói, hầu hết phụ nữ có thai sẽ không khác gì những người lớn khoẻ mạnh bình thường khác khi nhiễm COVID-19. Điều này có nghĩa là hầu hết phụ nữ có thai sẽ chỉ cảm cúm nhẹ đến trung bình. Triệu chứng thường chỉ giới hạn ở ho khan, sổ mũi, đau họng, sốt nhẹ. 

Tuy nhiên, ở đối tượng sản phụ có nhiều bệnh nền như suy tim, đái tháo đường type 2 sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng. Và tất nhiên sẽ được chăm sóc đặc biệt khi nghi ngờ hoặc đã nhiễm COVID-19.

2. Covid-19 có tác động gì lên thai nhi và bé sơ sinh?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Khó mà khẳng định ảnh hưởng của Covid-19 lên thai kỳ là như thế nào vì đây là một chủng loại vi khuẩn rất mới. Tuy nhiên, sau đây là một số thông tin cho đến thời điểm hiện tại

  • Không tìm thấy virus này trong nước ối và sữa của người mẹ nhiễm bệnh.
  • Có vài bằng chứng cho thấy người mẹ có thể lây COVID-19 cho con trong và sau sanh. Nhưng những số liệu còn rất ít, và cần được nghiên cứu thêm.
  • Một tin mừng rằng tất cả những đứa bé mới sinh bị mẹ lây COVID-19 đều đang rất khoẻ mạnh.
  • Không có bằng chứng nào chứng minh rằng COVID-19 sẽ làm chậm phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ nhỏ.

Một số trường hợp sinh non được thống kê ở Trung Quốc được báo cáo trên thế giới. Nhưng người ta vẫn nghi ngờ về việc này. Chưa thấy bằng chứng để chứng minh rằng liệu COVID 19 gây ra sinh non hay người ta cố ý cho sản phụ sinh sớm để bảo toàn sức khoẻ người mẹ.

3. Nên sinh thường hay sinh mổ khi nghi ngờ hoặc chắc chắn đã nhiễm COVID-19?

Nếu bạn chỉ nhiễm phải COVID-19 mà không mắc bất kì bệnh lý thai kỳ, hoặc một vấn đề gì cần phải sanh mổ, thì bạn vẫn sẽ sinh thường. 

Sinh thường giúp đảm bảo nguồn sữa của mẹ và sự phát triển tốt nhất của đứa trẻ.

4. Có nên sanh tại nhà để con tôi giảm tối đa khả năng lây nhiễm từ xung quanh ?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Chúng tôi rất thấu hiểu về sự căng thẳng và lo âu của bạn ngay bây giờ. Cũng như hoàn toàn tôn trọng quyết định của bạn. Nhưng với tư cách là một bác sĩ, tôi khuyên bạn nên sanh tại một cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cuộc sanh ở cả mẹ và con. Chưa có khuyến cáo hay chứng minh có lợi khi sanh tại nhà nào ở nước ta. Cũng như các tai biến sản khoa được can thiệp trễ sẽ mang lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc có thể xảy ra.

Và nếu sanh tại nhà là lựa chọn của bạn. Hãy gọi 115 hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất khi có dấu hiệu nguy hiểm ngay lập tức. Bác sĩ sẽ cố gắng hỗ trợ bạn hết mình.

5. Chồng tôi có được phép ở cùng tôi trong lúc sanh ở thời điểm dịch bệnh này ?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu được sự động viên của chồng bạn rất quan trọng để bạn có thể sinh nở an toàn. Do đó hầu hết trường hợp, chồng bạn có thể được vào phòng sanh chung với bạn. Tuy nhiên anh ấy bắt buộc phải tuân thủ những điều bác sĩ quy định.

tuyệt nhiên, nếu anh ấy thuộc nhóm đối tượng phải cách ly thì điều này là không thể.

6. Nếu tôi nhiễm COVID 19, tôi có cho con bú được không ?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Hoàn toàn có thể, tuy nhiên bạn bắt buộc phải :

  • Đeo khẩu trang y tế khi cho con bú.
  • Rửa tay thật sạch trước và sau khi tiếp xúc con.
  • Rửa tay thường xuyên, cũng như lau chùi bằng cồn đối với các vật, bề mặt tiếp xúc thường xuyên.

7. Nếu tôi nhiễm COVID 19, tôi có thể tiếp xúc con mình được không ?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Có thể. Nếu bạn đeo khẩu trang và vệ sinh tay thật kỹ.

Việc tiếp xúc mẹ và con sau sanh giúp con bạn phát triển tốt hơn rất nhiều.

8. Tôi rất lo sợ khi phải cho con bú sữa vì tôi nhiễm COVID 19, tôi phải làm gì ?

Điều này hoàn toàn có thể thông cảm được, do chúng ta còn quá ít hiểu biết về COVID 19. Lúc này bạn có thể :

  • Vắt sữa, để vào tủ lạnh và hâm nóng nước khi cho trẻ bú.
  • Xin sữa của các bà mẹ khác.
  • Vệ sinh thường xuyên các bình sữa, dụng cụ vắt sữa.

9. Sản phụ cần làm gì để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID 19?

Như chính phủ nước ta đã liệt kê, phụ nữ có thai và mọi người dân nên tuân thủ các điều sau:

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Ngoài ra, nếu bạn đang mang thai từ 28 tuần trở lên bạn còn cần đặc biệt chú ý các điều trên, tự cách ly một cách tối đa.

10. Sản phụ có nên đi thăm khám định kỳ trước và sau sanh không?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Câu trả lời là có!!! Việc chăm sóc trước sanh và sau sanh rất quan trọng vì sức khoẻ của mẹ và con, dù trong thời kỳ dịch bệnh như thế này.

Tuy nhiên, sản phụ phải tuân thủ những điều sau :

  • Liên lạc đặt khám trước với bác sĩ sản phụ khoa định kỳ của mình để hỏi cụ thể địa điểm và thời gian khám, điều này giúp hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc người lạ.
  • Sản phụ cũng có thể xin tư vấn qua video, điện thoại nếu điều kiện cho phép.
  • Cử động thai «thai máy» là theo dõi bắt buộc ở người mẹ. Điều này đặc biệt quan trọng khi thai phụ mang thai từ 26 tuần trở đi. Và càng quan trọng hơn trong thời gian dịch bệnh này. Nếu số lượng thai máy giảm, lập tức gọi 115 báo về tình trạng của bản thân và phân loại cách ly của bản thân.

11. Liệu khi mang thai tôi có nên đi làm trong thời điểm này hay không ?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Theo quy định pháp luật hiện hành :

Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ là trách nhiệm của người sử dụng lao động (chủ ở nơi bạn làm việc).

Theo đó, người sử dụng lao động không được:

  • Sử dụng lao động nữ làm việc vào ban đêm.
  • Yêu cầu sản phụ làm thêm giờ.
  • Cử sản phụ đi công tác xa khi mang thai từ tháng thứ 07. Hoặc là từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tương tự ở người mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
  • Đối với những lao động nữ làm công việc nặng nhọc thì từ tháng thứ 07 trở đi, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

Theo luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định : Khi khám thai, bạn được nghỉ 2 ngày mỗi lần khám.

Theo điều 157, Bộ luật lao động 2012 : Bạn có quyền nghỉ trước ngày bác sĩ dự sinh là 2 tháng.

Điều 156 Bộ luật lao động và Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP : Bạn có thể tạm hoãn hợp đồng lao động của mình. Thời gian này bắt đầu và kết thúc đến lúc nào tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa bạn và người sử dụng lao động (chủ của bạn). Nhưng thời gian này tối thiểu sẽ bằng thời gian chỉ định của bác sĩ cho bạn.

Theo RCOG (Anh), phụ nữ có thai từ 28 tuần trở lên nên cố gắng được cách ly tối đa tại nhà trong thời điểm dịch bệnh.

12. Sản phụ cần làm gì khi nghi ngờ bị nhiễm COVID-19?

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Bạn cần lập tức gọi cho các trung tâm gần vị trí mình đang ở nhất :

  • Bạn sẽ được họ hướng dẫn cụ thể từng bước. Nếu bạn thực sự có nguy cơ nhiễm sẽ được cách ly và có bác sĩ sản phụ khoa theo dõi.
  • Tự phân loại cách ly của bản thân và báo cho nhân viên y tế. (bảng)

mang thai trong mùa dịch Covid-19

Ví dụ: Nếu bạn thuộc thế hệ F3 thì sẽ được tư vấn tự cách ly tại chỗ.

Khi được thông báo cần cách ly tại chỗ, bạn vẫn có thể gọi điện thoại để được tư vấn tiền sản bởi bác sĩ của mình.

13. Cần làm gì khi sản phụ gặp vấn đề bất thường với sức khoẻ khi đang cách ly?

Mọi trường hợp thai giảm động, ra máu, chảy dịch âm đạo, đau bụng bất thường đều được coi là cấp cứu. Lúc này bạn phải gọi đến số điện thoại 115 và thông báo:

  • Triệu chứng bất thường bạn gặp phải.
  • Phân loại cách ly của bản thân.

14. Liệu con tôi sinh ra có được xét nghiệm COVID-19 ?

Nếu bạn nghi ngờ hoặc khẳng định nhiễm COVID 19 thì các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bé, và xét nghiệm nếu ghi nhận bất thường.

15. Liệu sau khi sinh con ra, tôi sẽ bị cách ly với con mình?

Bạn vẫn sẽ ở bên con bạn, và cả 2 sẽ được cách ly chung chỗ. Việc này sẽ kéo dài cho đến khi đảm bảo rằng cả 2 mẹ con đều không nhiễm hoặc khỏi bệnh.

COVID 19 gây hại như thế nào cho thai kỳ đến nay còn rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên hầu hết tổ chức y tế trên thế giới đồng thuận rằng COVID 19 gây ảnh hưởng không nhiều đến thai.

Bạn vẫn có thể mang thai an toàn dù nghi ngờ hoặc đã nhiễm COVID 19. Quá trình chuyển dạ, sinh con của bạn vẫn sẽ diễn ra một cách bình thường. Mẹ và con vẫn được tiếp xúc gần kề nhau để trẻ có được sự phát triển tốt nhất. Mẹ vẫn có thể cho con bú để cho con có đầy đủ dưỡng chất để tăng trưởng bình thường.

Tuy nhiên, bạn vẫn phải tuân thủ các quy định của nhà nước và dặn dò của bác sĩ.

Mọi vấn đề cần thắc mắc về thai kỳ này và nhiễm COVID 19 bạn có thể:

  • Liên hệ trực tiếp bác sĩ chăm sóc sản khoa định kỳ của bạn.
  • Hoặc bác sĩ của chúng tôi để được tư vấn.

Khi có triệu chứng bất thường như:

  • Ra máu âm đạo.
  • Chảy dịch âm đạo.
  • Thai giảm cử động.
  • Đau trằn bụng từng cơn.
  • Hoặc bất kỳ triệu chứng không khoẻ nào khác.

Lúc này bạn nên lập tức gọi cho đội ngũ 115 và thông báo về : 

  • Triệu chứng của bạn
  • Phân loại cách ly của mình

Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Royal College of Obstetricians & Gynaecoloists “Coronavirus infection and pregnancy” version 5, 28-3-2020. https://www.rcog.org.uk/en/guidelines-research-services/guidelines/coronavirus-pregnancy/covid-19-virus-infection-and-pregnancy/
  • American College of Obstetricians and Gynecologists “Coronavirus (COVID-19), Pregnancy, and Breastfeeding: A Message for Patients”. Updated 15:55 25-3-2020. https://www.acog.org/patient-resources/faqs/pregnancy/coronavirus-pregnancy-and-breastfeeding
  • WHO “Q&A on COVID-19, pregnancy, childbirth and breastfeeding” 18-3-2020. https://www.who.int/news-room/q-a-detail/q-a-on-covid-19-pregnancy-childbirth-and-breastfeeding
  • Một số quy định pháp luật: phụ lục Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH; Điều 156 Bộ luật lao động và Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP;  điều 157 Bộ luật lao động 2012
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người