Mang thai tuần 12: Mẹ bầu sắp hoàn thành tam cá nguyệt đầu tiên
Nội dung bài viết
Mang thai tuần 12 chính là một trong những cột mốc rất đáng nhớ. Mẹ bầu đã sắp hoàn thành 3 tháng cưu mang với không ít khó khăn và vất vả. Còn 2 tuần nữa thôi, thai phụ sẽ bước sang một giai đoạn mới với những điều bất ngờ và thú vị. Vậy thì trong tuần mang thai này, mẹ bầu cần chú ý những gì? Em bé phát triển ra sao? Hãy cùng Thạc sĩ Bác sĩ Phan Lê Nam đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
1. Mang thai tuần 12 – Những thời điểm cuối của tam cá nguyệt đầu tiên
Mẹ bước vào thời khắc mang thai tuần 12 với đầy những cảm xúc đan xen khó tả. Giờ đây, chắc hẳn các mẹ bầu phần nào yên tâm hơn vì thai nhi đã dần đi vào giai đoạn ổn định hơn.
Có thể nói rằng tam cá nguyệt đầu tiên là một khoảng thời gian rất khó khăn đối với hầu hết thai phụ. Đặc biệt là những bạn mới lần đầu mang thai, sự khó khăn ấy sẽ tăng lên gấp bội. Tuần thứ 12 này sẽ là một cột mốc đáng nhớ trong quá trình mang thai của bạn.
Hãy ghi chép, chụp ảnh lại để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ này nhé. Bạn sẽ bước sang thời gian mang thai tuần 12, đồng thời sắp bước vào giai đoạn thai kỳ ổn định nhất. Hãy tận hưởng những tháng ngày bình yên với tâm trạng thoải mái nhất nhé!
2. Những thay đổi trên cơ thể người mẹ khi mang thai tuần 12
Cơ thể bạn sẽ thay đổi khá nhiều trong tuần này. Quần áo bạn mặc hằng ngày sẽ trở nên chật hơn. Đã đến lúc bạn thật sự cần mặc quần áo dành cho bà bầu. Hãy đến shop thời trang bầu để mua sắm cho mình những bộ đồ ưng ý nhất nhé!
Thông thường, đến thời điểm này, trọng lượng cơ thể của bạn sẽ tăng khoảng 0,9 kg. Tử cung của người mẹ đang phát triển một cách nhanh chóng. Các bác sĩ chuyên khoa có thể cảm nhận tử cung của bạn ở vùng bụng dưới rốn vào thời gian này.
Bạn có thể vẫn sẽ bị táo bón thường xuyên nếu cung cấp không đủ nước cho cơ thể. Bởi vì lúc này, cơ thể ưu tiên nước dành để tạo nước ối cho thai nhi. Việc uống ít nước không những làm cho bạn bị táo bón mà còn ảnh hưởng đến thai nhi nữa đấy!
Thỉnh thoảng, bạn sẽ cảm thấy đau bụng do thai nhi cử động hoặc bị chuột rút do cung cấp chưa đủ canxi, kali, magie. Hãy tự cung cấp cho mình một chế độ ăn đầy đủ chất. Đồng thời, bạn nên bổ sung thêm các chất khoáng từ viên uống hoặc thực phẩm chức năng nhé!
3. Mẹ bầu sẽ gặp những triệu chứng gì khi mang thai tuần 12?
Khi mang thai tuần 12, mẹ bầu có thể có những triệu chứng sau đây:
- Tăng cân nhanh hơn những tuần trước một ít.
- Tăng sắc tố da, còn được gọi là nám.
- Xuất hiện quầng thâm quanh hai núm vú.
- Ngực mềm hoặc đau.
- Bạn sẽ giảm bớt số lần đi tiểu trong ngày.
- Giảm triệu chứng nghén.
- Không còn mệt mỏi nhiều như những tuần trước nữa.
- Ăn ngon miệng hơn, thèm ăn một số món nhất định.
- Táo bón có phần giảm đi so với những tuần trước.
4. Những thay đổi của thai nhi
Khi mẹ bầu mang thai tuần 12, thai nhi có nhiều thay đổi đáng lưu ý. Lúc này, em bé dài khoảng 7,6 cm và có cân nặng khoảng 28 g. Ngón tay và ngón chân không còn màng nữa. Móng tay và móng chân bắt đầu phát triển.
Mắt của bé sẽ di chuyển lại gần nhau hơn trong tuần này. Bên cạnh đó, thận của bé có thể bắt đầu sản xuất nước tiểu. Phản xạ của bé bắt đầu xuất hiện dần dần. Đầu tiên là phản xạ mút tay.
Thời điểm này vẫn còn quá sớm để phát hiện ra những cử động của bé trên siêu âm. Tuy nhiên, người mẹ có thể cảm nhận những cử động của thai nhi trong bụng mình.
Dây thanh âm mà em bé sẽ sử dụng để nói chuyện và khóc đã sẵn sàng để hình thành và phát triển trong tuần này. Tủy xương của bé bắt đầu sản xuất tế bào bạch cầu. Đây là một “vũ khí” rất cần thiết tạo nên sức đề kháng của bé sau này.
5. Các xét nghiệm cần thực hiện
Xét nghiệm nhóm máu của thai phụ. Xét nghiệm này giúp phát hiện bệnh tán huyết nếu trẻ sơ sinh bị bệnh Rhesus (tán huyết).
Xét nghiệm công thức máu giúp:
- Xác định số lượng hồng cầu để sớm phát hiện mẹ có bị thiếu máu hay không.
- Xác định số lượng bạch cầu (bạch cầu đơn, lymphocytes, bạch cầu trung tính, basophils và eosinophils) để chẩn đoán tình trạng mắc các bệnh nhiễm trùng ở người mẹ.
- Số lượng tiểu cầu giúp phát hiện khả năng đông máu của thai phụ. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dạ sinh con.
Siêu âm thai: xác định tuổi thai tương ứng 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, khảo sát cấu trúc thai, đo khoảng sáng sau gáy, xương mũi và các dấu hiệu khác.
Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện định kỳ nhằm phát hiện dấu hiệu bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm để phát hiện các bệnh có thể lây qua đường tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con. Ví dụ như xét nghiệm HIV, bệnh lậu, giang mai,…
Xét nghiệm Double Test là xét nghiệm giúp tầm soát nguy cơ dị tật ở thai nhi. Nó giúp phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down.
6. Lời khuyên dành cho thai phụ
Để chuẩn bị tốt nhất cho tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ hai, thai phụ nên chú ý những lời khuyên của bác sĩ. Một cuộc thăm khám toàn diện khi mang thai tuần 12 sẽ không quá muộn để theo dõi thai nhi. Đồng thời, mẹ sẽ nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.
Ở tuần thai tiếp theo, mẹ có những gì cần lưu ý? Đừng bỏ qua bài viết Mang thai tuần 13: Và những điều mẹ cần biết.
Điều mẹ nên làm
- Mặc quần áo thoáng rộng, không quá khít để có cảm giác thoải mái hơn.
- Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, thịt nạc và chất đường bột có độ ngọt không quá cao.
- Bổ sung sữa chua và sữa dành cho bà bầu, có chứa protein, canxi và những khoáng chất.
- Sử dụng kem chống nắng mỗi khi đi ra đường để hạn chế tác động tiêu cực của tia tử ngoại.
- Tuần 12 có thể nói là thời điểm thích hợp để bắt đầu thực hiện các bài tập Kegel. Bài tập này nhằm tăng cường sức khỏe cho cơ quan sinh dục nữ.
Điều mẹ nên tránh
- Ăn nhiều thức ăn ngọt, bánh ngọt có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ.
- Tự ý uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
- Uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Làm việc nặng.
- Ngủ không đủ giấc.
Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi nào?
- Chảy máu âm đạo nhiều.
- Xuất hiện những đốm đỏ trên da kéo dài trong 3 ngày trở lên.
- Xuất hiện cơn đau dữ dội
- Có hiện tượng chuột rút xảy ra cả ngày.
Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mang thai tuần 12. Hãy tự tin, lạc quan để hoàn thành tuần mang thai này, đồng thời bước vào tam cá nguyệt thứ hai với tâm lý thật vui tươi và thoải mái nhé các mẹ bầu!
Thạc sĩ Bác sĩ Phan Lê Nam.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
12 Weeks Pregnanthttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-12.aspx
Ngày tham khảo: 20/10/2020
-
12 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and Morehttps://www.healthline.com/health/pregnancy/12-weeks-pregnant
Ngày tham khảo: 20/10/2020
-
You and your baby at 12 weeks pregnanthttps://www.nhs.uk/pregnancy/week-by-week/1-to-12/12-weeks/
Ngày tham khảo: 20/10/2020