YouMed

Mất răng ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta?

Bác sĩ NGUYỄN THỊ THANH NGỌC
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Ở trẻ em, rụng răng sữa là một quá trình sinh lí tự nhiên. Răng sữa sẽ được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn to khoẻ hơn. Tuy nhiên ở người lớn, mất răng vĩnh viễn là một sự cố không mong muốn. Răng vĩnh viễn khi mất đi không có răng khác mọc lên để thay thế nó. Nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến cả bộ răng và thậm chí là chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vậy những ảnh hưởng đó là gì? Cần làm gì để phòng ngừa nó? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé.

1. Nguyên nhân gây mất răng

Mất răng là một trong những vấn đề phổ biến trong đời sống, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến một người đến gặp nha sĩ. Nhờ sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật trong nha khoa mà càng ngày chúng ta càng có nhiều phương pháp để “níu giữ” răng lại và tránh phải nhổ bỏ răng. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp, việc mất răng là không thể tránh khỏi. Và sau đây là một số nguyên nhân phổ biến.

  • Sâu răng

Sâu răng gây phá huỷ mô răng. Nếu tiến triển nặng có thể gây mất chất quá nhiều mô răng đến mức không thể phục hồi. Lúc này, việc nhổ bỏ răng là không thể tránh khỏi. Sâu răng nặng còn có thể gây viêm tuỷ răng và nhiễm trùng mô xung quanh răng.

  • Bệnh về nướu

Các bệnh về nướu như viêm nướu và đặc biệt là viêm nha chu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất răng. Viêm nha chu gây tiến triển nặng gây tiêu các cấu trúc nâng đỡ và lưu giữ răng. Đó là tiêu dây chằng nha chu, xương ổ răng… gây lung lay răng và sau cùng là rụng răng.

Điều nguy hiểm là bệnh nha chu có thể tiến triển âm thầm mà không gây ra triệu chứng cho đến tận giai đoạn trễ. Do đó nếu không chăm sóc răng miệng thích hợp và khám răng định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, bạn có thể bị mất răng mà thậm chí không biết nguyên nhân.

  • Chấn thương

Chấn thương do tai nạn trong lao động, giao thông… là những trường hợp thường gặp gây gãy/mất răng.

Bên cạnh đó, chấn thương răng do chơi thể thao cũng là một nguyên nhân quan trọng. Dù nó có thể phòng tránh được nhưng nhiều người vẫn chưa để ý đến. Theo thống kê, bóng rổ là môn thể thao có tỉ lệ chấn thương hàm mặt cao nhất. Một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao để phòng tránh những chấn thương này là mang máng bảo vệ răng khi chơi thể thao.

máng bảo vệ răng khi chơi thể thao
Ảnh minh hoạ: Máng bảo vệ răng khỏi chấn thương khi chơi thể thao
  • Khác

Một số bệnh/hội chứng do di truyền gây nên mất răng sớm hay răng không mọc lên như: Loạn sản ngoại bì, nhược giáp

U nang, nhiễm trùng… gây hoại tử tuỷ, tiêu xương ổ răng gây lung lay và rụng răng. Hoặc trong nhiều trường hợp, phải nhổ răng để loại bỏ nhiễm trùng. Nhổ răng để phòng tránh các biến chứng hoại tử xương hàm do xạ trị trong điều trị ung thư vùng hàm mặt…

2. Mất răng ảnh hưởng như thế nào?

Nhiều người tin rằng mất răng là hậu quả cuối cùng phải đối mặt. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, mất răng còn kéo theo nhiều hệ luỵ lâu dài khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

  • Răng di chuyển, răng nghiêng, răng trồi

Mặc dù răng được neo giữ chắc trong xương hàm, chúng vẫn có khả năng thay đổi vị trí. Khi một răng mất đi, nó để lại một khoảng trống trên cung hàm. Các răng bên cạnh khoảng trống bị mất “chỗ dựa” nên có khuynh hướng nghiêng vào khoảng trống này.

Tương tự, 2 răng ở 2 hàm đối diện ăn khớp với nhau khi cắn lại. Khi một răng mất, răng còn lạị sẽ bị trồi vào khoảng trống mất răng đó theo chiều đứng.

hậu quả của mất răng
Ảnh minh hoạ: Những răng kế cận có xu hướng di chuyển vào vùng mất răng để lấp đầy khoảng trống
  • Thay đổi khớp cắn

Những di chuyển của răng (nghiêng, trồi…) làm xáo trộn trật tự sắp xếp và khớp cắn bình thường của bộ răng. Khớp cắn bất thường có thể dẫn tới rối loạn thái dương hàm. Điều này gây đau cơ khớp vùng hàm mặt, khó khăn trong ăn nhai.

  • Lực nhai bất thường

Sự thay đổi khớp cắn bình thường của răng khiến lực nhai phân bố không đều lên các răng. Bên cạnh đó, răng nghiêng làm lực nhai không tác động theo đúng trục răng. Nó gây tác hại lên răng như mòn răng bất thường, răng ê buốt nhạy cảm, đau khớp răng hay thậm chí là mẻ, gãy răng.

  • Các bệnh về nướu (bệnh nha chu)

Như đã đề cập, bệnh nha chu thường là nguyên nhân gây mất răng. Tuy nhiên, nó cũng là có thể là hậu quả từ răng đã mất. Khoảng trống lớn để lại từ chiếc răng bị mất của bạn cùng với sự di chuyển của răng bên cạnh tạo thành những “địa hình” lý tưởng để vi khuẩn ẩn náu và sinh sôi. Việc vệ sinh sạch sẽ ở những vị trí này rất khó thực hiện. Vi khuẩn không chỉ gây viêm nướu và viêm nha chu tại chỗ mà còn lan sang những răng kế cận.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển hoặc nghiêng răng còn làm tăng nguy cơ tụt nướu. Mô nướu không còn lành lặn gây ê buốt, nhạy cảm răng.

  • Tiêu xương hàm

Nhiều người không nhận ra điều này, nhưng mất răng thực sự có thể dẫn đến mất xương trong hàm của bạn. Răng giúp kích thích xương tăng trưởng và xương hỗ trợ neo giữ răng. Do đó khi không còn mục đích, xương không được tiếp tục duy trì mà tiêu dần theo thời gian.

Mất xương không những làm suy yếu xương hàm mà còn có thể khiến bạn có nguy cơ mất nhiều răng hơn trong tương lai.

Một điều quan trọng cần nhớ đó là cần thay thế răng đã mất càng sớm càng tốt để hạn chế tối thiểu sự tiêu xương. Vì xương càng tiêu nhiều thì việc làm răng giả thay thế sẽ càng khó khăn hơn.

  • Khó khăn trong ăn nhai

Tùy thuộc vào vị trí răng bị mất, bạn có thể gặp khó khăn khi ăn một số thực phẩm hàng ngày.

Thiếu răng phía trước gồm răng cửa và năng nanh, sẽ gây khó khăn trong việc cắn và xé thức ăn thành miếng nhỏ. Nếu mất răng phía sau, tức là răng cối hay răng hàm, có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhai mọi thứ. Những răng cối này đóng vai trò chính trong quá trình nhai nghiền thức ăn ở miệng.

Ngoài ra, mất răng lâu dài còn ảnh hưởng đến cách bạn nhai. Những răng khác phải hoạt động nhiều hơn cho để bù đắp cho răng đã mất. Điều này làm tăng nguy cơ mòn và tổn thương những răng còn lại.

Việc nhai không đủ có thể dẫn đến tiêu hóa kém và thiếu hụt dinh dưỡng. Ngoài ra, sự khó chịu khi ăn với răng bị mất ảnh hưởng đến chế độ ăn uống. Nó có thể gây mất hứng thú khi ăn, ảnh hưởng đến tâm lí và sức khỏe của bạn.

  • Ảnh hưởng phát âm

Răng đóng một vai trò tương đối quan trọng trong hình thành lời nói, đặc biệt là các răng trước. Thiếu răng (hoặc thậm chí răng thưa) có thể gây khó khăn cho việc phát âm một cách tự nhiên. Những người mất răng có thể gặp các tình huống như phát âm không đúng, không thể huýt sáo… Và đôi khi, không thể phát ra thành tiếng khi nói một số từ nhất định.

  • Vấn đề thẩm mỹ

Bộ răng hỗ trợ định dạng hình thái và cấu trúc của khuôn mặt chúng ta. Do đó không ngạc nhiên khi thấy răng bị mất có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt.

Có thể dễ dàng quan sát được tác động của bộ răng đối với vẻ ngoài ở những người lớn tuổi mang hàm giả nhiều răng. Khi đeo hàm giả vào, nét mặt của họ được trẻ ra rất nhiều, cùng với nụ cười rạng rỡ hơn.

Răng giả

Mất răng còn tác động gián tiếp thông qua tiêu xương hàm. Khi xương hàm bị teo lại đáng kể, khuôn mặt bắt đầu xuất hiện nhiều nếp nhăn. Nét mặt trông “trũng xuống” hay nói cách khác là trông già đi rất nhiều.

  • Vấn đề tâm lí

Nếu bạn bị mất một chiếc răng, nhất là răng trước, bạn có thoải mái nói chuyện và cười đùa? Có tự tin cười lớn đi chụp ảnh không?

Răng bị mất có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tự tin của bạn. Chúng có thể khiến bạn ngại ngùng hay thậm chí xấu hổ về nó. Và trở thành rào cản lớn trong quá trình giao tiếp với mọi người.

3. Phải làm gì để phòng tránh những hậu quả từ răng đã mất?

Như vậy, thực tế cho thấy nếu không thay thế răng bị mất có thể gây bất lợi cho sức khỏe thể chất và cả tinh thần của bạn. Hơn nữa, thời gian trống răng càng lâu càng khiến bạn có nguy cơ phát sinh thêm nhiều các vấn đề liên quan. Cuối cùng làm điều trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn.

Do đó, phải thay thế răng bị mất càng sớm càng tốt. Hay còn gọi là trồng răng giả.

Có những lựa chọn nào để thay thế răng đã mất?

Tuỳ thuộc số lượng răng, vùng mất răng và các cấu trúc lân cận, bác sĩ sẽ chọn lựa cho bạn hình thức làm răng giả thay thế thích hợp.

Tham khảo thêm bài viết sau: Răng giả phục hồi vùng mất răng: Các loại, ưu và khuyết điểm

  • Cấy ghép răng (Implants nha khoa)

Đây là phương pháp “trồng răng giả” hiện đại nhất hiện nay. Nó thay thế được cả thân và chân răng. Implant có dạng như một chiếc vít, được khoan và neo vào xương để đóng vai trò như một chiếc chân răng. Điều này giúp kích thích và lưu giữ xương. Nó mô phỏng được gần như một chiếc răng thật tự nhiên.

Ảnh minh hoạ: Implant nha khoa
  • Răng giả cố định (Phục hình cố định)

Cầu răng: Không giống như cấy ghép, cầu răng được đặt bằng cách sử dụng các răng liền kề làm trụ. Cầu răng được gắn cố định. Và nó chỉ thay thế được phần thân răng mà không có chân răng neo vào xương.

  • Răng giả tháo lắp (Phục hình tháo lắp)

Hàm giả: Nếu bạn mất nhiều hoặc tất cả các răng, hàm giả có thể là một lựa chọn hợp lý hơn. Đây là loại phục hình mà người mang có thể chủ động tự lắp vào và tháo ra. Ngoài việc thay thế răng, hàm giả còn thay thế phần nướu răng đã teo lại. Điều này giúp tái tạo lại thẩm mỹ khuôn mặt của bạn.

Không ai mong muốn mình bị mất răng. Nhưng nếu không may điều đó xảy đến với bạn, đừng nên phó mặc mà phải tìm cách giải quyết nó. Thay thế răng mất càng sớm càng tốt là phương pháp hiệu quả nhất để tránh những tác hại không mong muốn từ việc mất răng. Hãy đặt ngay cho mình một buổi hẹn với nha sĩ tin tưởng nhất để được khám, tư vấn tận tình về biện pháp thích hợp và thực hiện phục hình răng. Cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn với nụ cười của bạn, nên đừng để một chiếc răng mất ngăn bạn chia sẻ nụ cười của mình nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Shugars, D. A., BADER, J. D., PHILLIPS JR, S. W., WHITE, B. A., & BRANTLEY, C. F. (2000). The consequences of not replacing a missing posterior tooth. The Journal of the American Dental Association, 131(9), 1317-1323.

  2. Zarb, G. A., Hobkirk, J., Eckert, S., & Jacob, R. (2013). Prosthodontic treatment for edentulous patients-e-book: complete dentures and implant-supported prostheses. Elsevier Health Sciences.

  3. 6 Dental Effects of Missing a Toothhttps://www.yourdentistryguide.com/ss-missing-tooth/

    Ngày tham khảo: 07/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người