Bệnh giang mai và thai kỳ: Những điều cần biết
Nội dung bài viết
Giang mai là một trong những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến. Tuy nhiên, giang mai cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Để hiểu rõ hơn về bệnh giang mai và thai kỳ, những ảnh hưởng của bệnh đối với mẹ và thai nhi, cách điều trị giang mai khi mang thai. Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Minh Quang tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Mẹ bầu bị giang mai ảnh hưởng gì đến con?
1. Bệnh giang mai lây truyền cho thai nhi như thế nào?
Bệnh giang mai là một bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục (STI) do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu thai phụ mắc giang mai và không được điều trị đúng cách, có thể truyền vi khuẩn sang cho em bé.
Hầu hết giang mai lây từ mẹ sang con trong thai kì, người mẹ có thể truyền vi khuẩn cho thai nhi qua nhau thai. Sự lây truyền thường xảy ra trong khoảng từ 4-5 tháng. Khi mang thai, máu của người mẹ được trao đổi dễ dàng với máu của thai nhi do nhau thai mỏng đi. Do đó, xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào thai nhi qua nhau thai và gây bệnh.
Ngoài ra, giang mai cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh ngả âm đạo, nếu em bé tiếp xúc trực tiếp với săng hay dịch tiết có chứa vi khuẩn.
Dựa vào mức độ lây nhiễm xoắn khuẩn từ mẹ sang thai nhi mà có thể gây sảy thai hoặc thai chết lưu, sinh non, hay thậm chí tử vong.
Nếu nhiễm xoắn khuẩn nhẹ, trẻ sơ sinh trông bình thường sau vài ngày hoặc sau 6-8 tuần thì xuất hiện các tổn thương giang mai. Đây gọi là giang mai bẩm sinh sớm. Bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ trên 2 tuổi, thậm chí trên 5-6 tuổi, được gọi là giang mai bẩm sinh muộn.
Cần lưu ý, việc cho con bú không dẫn đến lây truyền giang mai, trừ khi có tổn thương truyền nhiễm trên vú.1 2
2. Những biến cố có thể xảy ra3
Bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai kỳ bao gồm cả mẹ và bé. Việc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào còn tùy thuộc vào thời điểm mắc bệnh giang mai trong thai kỳ, và thời điểm người mẹ được điều trị bệnh.
Bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai có thể gây các biến cố sau:
- Sẩy thai.
- Thai chết lưu.
- Sinh non.
- Trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi sinh. Khoảng 40% trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh giang mai không được điều trị có thể bị chết lưu hoặc chết vì nhiễm trùng khi mới sinh.
Trẻ sinh ra nhiễm giang mai từ mẹ được gọi là giang mai bẩm sinh. Bệnh có thể có các tổn thương sau:
- Tổn thương xương.
- Thiếu máu nặng.
- Gan và lá lách to, vàng da.
- Các vấn đề về thần kinh gây mù hoặc điếc.
- Viêm màng não.
- Phát ban da.
Giang mai bẩm sinh
1. Giang mai bẩm sinh sớm4
Thường biểu hiện triệu chứng trong khoảng 3 tháng đầu.
- Triệu chứng bao gồm phát ban bóng nước, mụn nước hay các đốm, mảng màu đồng ở lòng bàn tay bàn chân hay các chấm xuất huyết.
- Cũng có thể là các vết nứt ở mũi, miệng và vùng hăm tã, chảy nước mũi nhầy màu vàng đặc trưng lẫn máu khiến trẻ nghẹt mũi.
- Thường đi kèm với nổi hạch toàn thân, gan lách to và vàng da.
- Nặng nề hơn, trẻ bị viêm màng não, não úng thủy, co giật hay thiểu năng trí tuệ.
- Trong 8 tháng đầu đời, trẻ có thể bị viêm xương khớp, đặc biệt là xương dài và xương sườn, viêm xương giả liệt.
2. Giang mai bẩm sinh muộn4
Thường biểu hiện sau 2 năm đầu đời, thậm chí 5 – 6 năm sau đó.
- Bệnh biểu hiện gồm giang mai ở vùng mũi, vách ngăn, tổn thương vòm miệng và màng cứng dẫn đến dị dạng xương như xương chày hình kiếm.
- Teo nhãn cầu, đôi khi dẫn đến mù cũng có thể xảy ra.
- Viêm giác mạc kẽ, tổn thương mắt phổ biến nhất, thường xuyên tái phát dẫn đến sẹo giác mạc.
- Điếc giác quan và tổn thương răng cũng thường gặp.
Khi nào nên xét nghiệm tầm soát giang mai khi mang thai?
Việc sàng lọc giang mai càng sớm càng tốt. Việc này có thể giúp điều trị sớm và đem lại nhiều lợi ích cũng như bảo vệ cho thai nhi khỏi những biến chứng. Thời điểm xét nghiệm tầm soát giang mai cần lưu ý:5
Lần khám thai đầu tiên
Tất cả phụ nữ nên được sàng lọc giang mai bằng huyết thanh học trong lần khám thai đầu tiên. Sàng lọc trước sinh có thể được thực hiện bằng xét nghiệm tìm kháng thể giang mai.
3 tháng cuối thai kì
Xét nghiệm huyết thanh học cũng nên được thực hiện hai lần trong 3 tháng cuối thai kì: khi thai được 28 tuần và khi sinh đối với phụ nữ mang thai sống trong cộng đồng có tỷ lệ mắc bệnh giang mai cao, và đối với những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh giang mai khi mang thai.
Các yếu tố nguy cơ của người mẹ đối với bệnh giang mai khi mang thai bao gồm:
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
- Quan hệ tình dục kết hợp với sử dụng ma túy hoặc mại dâm.
- Chăm sóc trước khi sinh muộn. Nghĩa là lần khám thai đầu tiên trong tam cá nguyệt thứ hai trở lên). Hoặc không chăm sóc trước khi sinh.
- Sử dụng methamphetamine hoặc heroin,…
Điều trị giang mai ở phụ nữ có thai như thế nào?
1. Penicliin G
Penicillin G là thuốc kháng sinh hiệu quả duy nhất được biết để điều trị nhiễm trùng bào thai và ngăn ngừa bệnh giang mai bẩm sinh.6
Bệnh giang mai có thể được điều trị hiệu quả bằng phác đồ Penicillin phù hợp với giai đoạn của bệnh giang mai và bắt đầu từ 30 ngày trở lên trước khi sinh.
Phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh giang mai nên được điều trị ngay lập tức.
2. Điều trị bạn tình
Bạn tình của người mang thai cũng nên được điều trị để ngăn ngừa người mang thai có thể bị tái nhiễm và cải thiện sức khỏe của bạn tình.
3. Đối với bà bầu dị ứng với Penicillin
Không có lựa chọn thay thế cho Penicilin được chứng minh trong điều trị bệnh giang mai thai kỳ.
Phụ nữ mang thai có tiền sử dị ứng Penicillin sẽ được thực hiện giải mẫn cảm và điều trị bằng Penicillin G.
Các thử nghiệm trên da hoặc thử liều Penicillin theo đường uống sẽ được bác sĩ thực hiện để xác định bà bầu có nguy cơ bị phản ứng dị ứng cấp tính.
Các loại kháng sinh nên tránh sử dụng như:4
- Tránh dùng Tetracycline và Doxycycline trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.
- Erythromycin và Azithromycin không nên được sử dụng.
- Ceftriaxone hoặc các cephalosporin khác chưa có đủ bằng chứng an toàn để điều trị nhiễm trùng ở mẹ và phòng ngừa bệnh giang mai bẩm sinh.
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai khi mang thai?
Giang mai thai kỳ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu lẫn thai nhi. Chính vì thế, chúng ta cần có các biện pháp phòng tránh để giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số lời khuyên:
- Đẩy mạnh giáo dục y tế: Giáo dục lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng.
- Giáo dục tình dục an toàn, quan hệ tình dục có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su).
- Người mẹ bị giang mai trong thời kỳ mang thai cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Xét nghiệm huyết thanh học có hệ thống nên được thực hiện cho tất cả phụ nữ mang thai.
- Sàng lọc trước khi sinh định kỳ.
- Xét nghiệm tiền hôn nhân cho các cặp vợ chồng.
- Quản lý bạn tình là rất quan trọng để ngăn ngừa không chỉ sự lây lan của nhiễm trùng trong xã hội, mà còn ngăn ngừa sự tái nhiễm của phụ nữ mang thai.
Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh giang mai và thai kỳ. Hi vọng các bạn đã có thêm nhiều thông tin cần thiết để bảo sức khỏe của thai nhi và chính bản thân mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Syphilis in pregnancyhttps://sti.bmj.com/content/76/2/73
Ngày tham khảo: 22/03/2023
-
Bộ Y tế - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Da liễuhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/huong-dan-chan-doan-dieu-tri-cac-benh-da-lieu.pdf
Ngày tham khảo: 22/03/2023
-
Syphilishttps://www.cdc.gov/nchhstp/pregnancy/effects/syphilis.html
Ngày tham khảo: 22/03/2023
-
Congenital Syphilishttps://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/infections-in-neonates/congenital-syphilis
Ngày tham khảo: 22/03/2023
-
Syphilis During Pregnancyhttps://www.cdc.gov/std/treatment-guidelines/syphilis-pregnancy.htm
Ngày tham khảo: 22/03/2023
-
Efficacy of treatment for syphilis in pregnancyhttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S002978449800338X?via%3Dihub
Ngày tham khảo: 22/03/2023