YouMed

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là gì? Phòng ngừa như thế nào?

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm thường gặp. Bệnh đã ít gây nguy hiểm hơn nhờ công tác tiêm ngừa vắc-xin được phổ biến. Tuy nhiên, hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh vẫn có tỷ lệ tử vong cao. Vậy, hội chứng này là gì? Nguyên nhân do đâu? Cách phòng ngừa như thế nào? Cùng hiểu rõ hơn về hội chứng này qua bài viết sau của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh nhé!

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là gì?

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là một rối loạn rất hiếm gặp. Trong đó, trẻ sơ sinh mắc hội chứng này sẽ có những bất thường đặc biệt khi ra đời do người mẹ bị nhiễm thủy đậu trong thời kỳ mang thai.

Trong một nghiên cứu trên hơn 1373 phụ nữ mang thai mắc thủy đậu và 366 mẹ bầu mắc zona cho thấy, nhóm phụ nữ mắc thủy đậu trong 20 tuần đầu tiên thì có 9 trường hợp trẻ sơ sinh mắc thủy đậu bẩm sinh. Trong đó, nguy cơ mắc thủy đậu bẩm sinh cao nhất là từ tuần 13 đến tuần 20. Trong số 472 trường hợp mẹ bầu mắc thủy đậu trước tuần thứ 13 chỉ ghi nhận 2 trường hợp trẻ sơ sinh mắc thủy đậu bẩm sinh.1

Nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh là nhỏ nhưng hậu quả đối với trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.1

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh xảy ra khi trẻ bị lây nhiễm virus thủy đậu từ người mẹ trong thai kỳ
Hội chứng thủy đậu bẩm sinh xảy ra khi trẻ bị lây nhiễm virus thủy đậu từ người mẹ trong thai kỳ

Dấu hiệu của hội chứng thủy đậu bẩm sinh

Thủy đậu bẩm sinh ở trẻ biểu hiện qua các dấu hiệu sau:2

  • Cân nặng thấp khi sinh và có những bất thường về da.
  • Bất thường về da, như: sẹo dày, phù đại, da cứng bất thường, đỏ và viêm,…
  • Một số bộ phận khác trên cơ thể (tay, chân, não, mắt,…) phát triển không hoàn chỉnh.

Phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể rất khác nhau tùy từng trường hợp và thời điểm mà người mẹ bị nhiễm thủy đậu trong quá trình mang thai.

Trẻ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh có thể gặp những bất thường về da và các bộ phận trên cơ thể
Trẻ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh có thể gặp những bất thường về da và các bộ phận trên cơ thể

Nguyên nhân gây thủy đậu bẩm sinh

Virus varicella zoster (VZV) là nguyên nhân gây nên bệnh thủy đậu. Khi mẹ bầu không may mắc phải virus này thì thai nhi cũng có thể bị lây nhiễm. Ở bất kỳ giai đoạn nào khi mang thai, mẹ bị thủy đậu dẫn đến nhiễm virus có thể truyền virus cho thai nhi bằng cách xuyên qua nhau thai lây lan hoặc do nhiễm trùng trong hoặc sau khi sinh con.3

Khi mẹ bầu nhiễm VZV trong giai đoạn sau của thai kỳ (tức là vào giữa tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba), hệ thống miễn dịch đang phát triển của thai nhi sẽ chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi mẹ nhiễm VZV trong giai đoạn đầu của thai kỳ, lúc này, hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành của thai nhi có thể không có khả năng chống lại virus xâm nhập và dẫn đến hội chứng thủy đậu bẩm sinh.2

Thủy đậu bẩm sinh có thể gây ra biến chứng gì?

Trẻ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh thường có tiên lượng kém, tỷ lệ tử vong cao. Thường gây tử vong ở khoảng 30% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong tháng đầu đời.4 Tử vong ở trẻ mắc hội chứng này thường do trào ngược dạ dày khó chữa, viêm phổisuy hô hấp.3

Những trẻ sống sót có thể phát triển bệnh giời leo (bệnh zona) trong năm đầu hoặc năm thứ hai của cuộc đời.3

Trẻ mắc thủy đậu bẩm sinh có thể mắc bệnh giời leo trong một hoặc hai năm đầu đời
Trẻ mắc thủy đậu bẩm sinh có thể mắc bệnh giời leo trong một hoặc hai năm đầu đời

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh có điều trị được không?

Nếu trẻ sơ sinh có các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng, acyclovir đường tiêm tĩnh mạch có thể được sử dụng. Thời gian điều trị được xác định dựa trên việc kiểm soát sự nhân lên của virus thủy với việc ngừng hình thành tổn thương da mới hoặc xét nghiệm PCR âm tính.3

Nếu người mẹ bị nhiễm thủy đậu trong khoảng thời gian có nguy cơ cao lây nhiễm cho trẻ (5 ngày trước đến 2 ngày sau khi sinh), thì trẻ sau nên được tiêm globulin miễn dịch Varicella-zoster (VZIG) hoặc globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) ngay sau khi sinh hoặc ngay sau khi các triệu chứng của mẹ xuất hiện. Trẻ sơ sinh nên được điều trị ngay cả khi người mẹ đã được tiêm VZIG. Những trẻ này nên được theo dõi cẩn thận và nên điều trị sớm bằng acyclovir tiêm tĩnh mạch đối với trường hợp nhiễm thủy đậu đột phát.3

Cách phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng tránh hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và bệnh thủy đậu ở mẹ bầu là tiêm ngừa vắc-xin cho phụ nữ trước khi chuẩn bị có kế hoạch mang thai. Tiêm đủ hai liều vắc-xin thủy đậu có thể phòng bệnh đến 90%.5

Vắc-xin thủy đậu là vắc-xin sống, giảm độc lực. Do ảnh hưởng của virus thủy đậu đối với thai nhi chưa được biết rõ nên phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin. Phụ nữ không mang thai đã tiêm phòng nên tránh mang thai trong 1 tháng sau khi tiêm ngừa thủy đậu.6

Vắc-xin là biện pháp phòng thủy đậu và thủy đậu bẩm sinh tốt nhất
Vắc-xin là biện pháp phòng thủy đậu và thủy đậu bẩm sinh tốt nhất

Ngoài vắc-xin thủy đậu, huyết thanh kháng thủy đậu VZIG cũng được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa.7

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có thể lưu ý một số điều dưới đây để giảm nguy cơ mắc thủy đậu và lây nhiễm cho thai nhi:

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu hoặc zona.
  • Mang khẩu trang trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi đông người, nơi công cộng. Tuy nhiên, cần hạn chế đến những địa điểm này khi đang có dịch thủy đậu.
  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Đây là hội chứng hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong cao cho trẻ sơ sinh khi mắc phải. Để phòng ngừa thủy đậu cũng như hội chứng này cho thai nhi, tốt nhất phụ nữ nên tiêm đầy đủ vắc-xin thủy đậu khi có kế hoạch mang thai.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Consequences of varicella and herpes zoster in pregnancy: prospective study of 1739 caseshttps://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(94)92943-2/fulltext

    Ngày tham khảo: 25/04/2023

  2. Congenital Varicella Syndromehttps://rarediseases.org/rare-diseases/congenital-varicella-syndrome/

    Ngày tham khảo: 25/04/2023

  3. Congenital Varicella Syndromehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK568794/

    Ngày tham khảo: 25/04/2023

  4. Management of varicella in neonates and infantshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6570487/

    Ngày tham khảo: 25/04/2023

  5. Vaccinationhttps://www.cdc.gov/chickenpox/vaccination.html

    Ngày tham khảo: 25/04/2023

  6. Guidelines for Vaccinating Pregnant Womenhttps://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/hcp-toolkit/guidelines.html

    Ngày tham khảo: 25/04/2023

  7. Varicella-zoster immune globulin for the prevention of chickenpox. Recommendations of the Immunization Practices Advisory Committee, Centers for Disease Controlhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/6326634/

    Ngày tham khảo: 25/04/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người