Bệnh viêm phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị
Với sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, hệ hô hấp của bạn rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân xung quanh như vi khuẩn, virus, hóa chất độc hại,… gây nên nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có viêm phổi. Để nắm được đặc trưng của bệnh và cách ngăn ngừa bệnh viêm phổi, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh.
Nội dung bài viết
Những điều cần biết về bệnh viêm phổi
Bệnh viêm phổi là gì?
Viêm phổi (hay bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới) là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính ở thùy phổi trái, phải hoặc toàn bộ phổi, khiến các tổ chức ở phổi bị viêm. Bệnh gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của phổi. Viêm phổi gồm nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng, hoặc đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây nên bệnh
Có 3 nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phổi, gồm:
- Viêm khuẩn do vi khuẩn gây nên. Vi khuẩn là tác nhân chính dẫn đến hầu hết các trường hợp viêm phổi ở người trưởng thành. Bệnh thông qua đường truyền giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi bay vào đường thở của người khỏe mạnh. Do đó, những người có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ mắc viêm phổi do vi khuẩn.
- Viêm khuẩn do virus gây nên. Virus gây nên bệnh viêm phổi với tỷ lệ cao thứ hai sau vi khuẩn. Có nhiều loại virus gây ra căn bệnh này, ví dụ như: virus gây cảm cúm, virus gây cảm lạnh.
- Viêm khuẩn do nấm gây nên. Nấm là tác nhân gây bệnh viêm phổi với tỷ lệ thấp. Trường hợp này xảy ra do người bệnh hít phải các bào tử của nấm. Khả năng những nghề nghiệp như người làm nông, làm vườn, công nhân xây dựng… sẽ hít phải nấm cao hơnbởi môi trường làm việc tiếp xúc nhiều bụi đất.
Triệu chứng thường gặp của bệnh
Triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn gây nên gồm: ho có đờm, thở nhanh, sốt cao trên 38 độ C, đau ngực, mệt mỏi.
Triệu chứng viêm phổi do virus gây nên: khá giống với các triệu chứng của bệnh cúm. Bao gồm: Sốt, rét run, ớn lạnh, chảy nước mũi, ho khan, đau đầu, người uể oải, mệt mỏi.
Triệu chứng viêm phổi do nấm gây nên: sốt, ho, tức ngực, nhức mỏi khắp người…
Nguy cơ mắc phải bệnh viêm phổi
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Có nhiều yếu tố là đòn bẩy làm nguy cơ mắc viêm phổi tăng cao. Chia thành 2 nhóm chính:
- Yếu tố chủ quan: hút thuốc lá, bị nhiễm HIV. Các yếu tố này phát sinh từ chính bản thân người bệnh. Do đó có thể chủ động tìm cách phòng tránh để ngăn ngừa tình trạng viêm phổi nặng hơn.
- Yếu tố khách quan: hệ miễn dịch yếu, bị ung thư, xơ gan hoặc tiểu đường, bị nhiễm trùng đường hô hấp… Khi bị các bệnh lý nền này, người bệnh sẽ có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn. Đây là những yếu tố khách quan không mong muốn, do vậy trong trường hợp này cần điều trị song song cả hai bệnh.
Đối tượng nào có tỷ lệ mắc bệnh này cao nhất?
Bệnh viêm phổi không loại trừ bất kì đối tượng nào. Dù là người lớn, trẻ em hay người già đều có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch yếu như: trẻ em, người già và người bị hen suyễn, nguy cơ bị viêm phổi sẽ cao hơn.
Để hạn chế tình trạng viêm phổi xảy ra ở trẻ em, điều đơn giản và cần thiết nhất là tránh cho bé tiếp xúc với những người có nguy cơ lây lan bệnh như: người đã và đang mắc bệnh viêm phổi, người sử dụng thuốc lá,…
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh
Sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn, thăm khám bác sĩ
Nên sử dụng thuốc thường xuyên, đủ liều, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Không được bỏ uống thuốc vì nó có thể khiến vi khuẩn dễ dàng “kháng” thuốc kháng sinh và xâm nhập sâu hơn vào phổi, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Thăm khám bác sĩ định kì để biết rõ tình trạng và diễn biến của bệnh để có phác đồ điều trị hợp lý.
Đặc biệt, bạn cần thật kiên nhẫn trong cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi bởi trẻ nhỏ thường không thích uống thuốc và bạn sẽ mất nhiều thời gian trong việc giúp chúng uống thuốc đúng liều.
Đi bệnh viện ngay trong tình huống khẩn cấp
Ngay khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng, bạn cần ngay lập tức hỗ trợ đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Các dấu hiệu đó bao gồm:
- Bắt đầu ho nặng, ho không dứt, ho ra máu.
- Sốt cao liên tục trong nhiều giờ mà không có dấu hiệu hạ nhiệt.
- Khó thở.
- Gặp phải hiện tượng dị ứng khi sử dụng thuốc chữa viêm phổi.
- Khó chịu hoặc vẫn còn sốt sau 3 ngày sử dụng kháng sinh.
- Ngực đau dữ dội, đầu ngón tay bị tím tái, môi nhạt màu và chuyển dần sang tím tái.
Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
Việc xây dựng lối sống khoa học sẽ giúp bạn điều trị bệnh viêm phổi tốt hơn. Do đó, cần bổ sung các điều sau vào chế độ sinh hoạt này:
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Không nên hoạt động quá sức, không làm việc khi cơ thể đang cảm thấy mệt mỏi. Đồng thời bạn nên phân chia thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Thời gian thích hợp là cứ sau mỗi 4 – 5 giờ làm việc nên ngừng tay để thư giãn, nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước: Việc uống nhiều nước giúp cơ thể được bổ sung đủ nước, tránh mất nước khiến cơ thể bị suy nhược.
- Hãy để mình ho một cách tự do: Ho là một “phương tiện” giúp bạn tống khứ vi khuẩn ra ngoài cơ thể. Do đó, hãy để bạn ho một cách tự do, đừng cố gắng kìm nén quá nhiều. Tuy nhiên, khi bạn khó ngủ, gây nôn, hoặc việc ho làm phiền đến người khác, bạn nên sử dụng thuốc giảm ho cho bản thân.
- Dùng Acetaminophen hoặc Aspirin giúp giảm sốt, khiến cơ thể bạn thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Cách phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa chung
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi, bạn cần chú ý thực hiện một số điều sau:
- Hạn chế ở lâu ở những nơi có nhiều khói thuốc lá. Từ bỏ thói quen hút thuốc nếu có.
- Thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với khói bụi, bùn đất. Cách tốt nhất là luôn mang bên mình nước rửa tay khô để sử dụng khi cần thiết.
- Tránh tiếp xúc người bệnh, tránh tụ tập ở nơi đông người.
- Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để sức khỏe được phục hồi.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng.
Cách phòng ngừa cho trẻ em
Trong trường hợp nhà bạn có trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ bị cảm lạnh, để ngăn chặn bệnh tiến triển thành viêm phổi, hãy chủ động phòng ngừa bằng một số phương pháp như:
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh cho bé. Chú ý, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ để nước muối phát huy tối đa công dụng và đảm bảo an toàn cho bé.
- Cho bé uống nhiều nước hơn (đối với các bé từ 3-5 tuổi), đối với trẻ em dưới 2 tuổi cho bé bú sữa nhiều hơn.
- Bổ sung vitamin C, kẽm để tăng sức đề kháng, giúp bé “chống chọi” tốt hơn với vi khuẩn.
- Sử dụng máy hút ẩm ở nơi bé thường xuyên vui chơi, nghỉ ngơi.
Qua những thông tin trên đây, chúng tôi hi vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về bệnh viêm phổi và cách làm thế nào để chủ động phòng tránh bệnh cho cả trẻ em và người lớn. Bên cạnh đó, bạn nên thường xuyên khám sức khỏe định kì để phòng trường hợp mang mầm bệnh. Hãy bảo vệ bản thân và gia đình bạn trước căn bệnh này nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Everything you need to know about pneumonia https://www.healthline.com/health/pneumonia#symptoms
Ngày tham khảo: 07/05/2021
-
Phòng viêm phổi https://suckhoedoisong.vn/phong-viem-phoi-n136366.html
Ngày tham khảo: 07/05/2021