YouMed

Men răng: Cấu trúc cứng chắc nhất cơ thể!

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Mỗi cấu trúc răng gồm 3 thành phần chính: Men, ngà, tủy. Men là lớp ngoài cùng, đóng vai trò bảo vệ và cũng là thành phần cứng chắc nhất. Mặc dù cứng chắc nhưng vẫn có thể bị nứt, mẻ và bị hòa tan bởi axit. Đây chính là lý do dẫn đến nhiều tình trạng răng miệng thường gặp như: sâu răng, mòn răng, nhiễm fluor,… Để có một hàm răng chắc khỏe, chúng ta phải bảo vệ lớp men luôn bền vững.

Men răng là gì?

Men răng là lớp mô vô bào mỏng bao phủ bên ngoài của răng. Lớp vỏ này là mô cứng nhất trong cơ thể con người. Men che phủ toàn bộ bề mặt thân răng có thể thấy trong miệng. Vì men răng gần như trong suốt nên ánh sáng có thể xuyên qua. Ngà răng mới là phần chịu trách nhiệm cho màu răng của bạn cho dù là bất cứ màu sắc nào: trắng, xám hay vàng.

Đôi khi việc sử dụng các thực phẩm có màu như: cà phê, trà, rượu vang đỏ, nước ép trái cây và thuốc lá có thể làm ố men răng. Do đó bạn cần thăm khám nha sĩ thường xuyên để làm sạch và đánh bóng. Điều này giúp loại bỏ hầu hết các vết bẩn trên bề mặt và đảm bảo răng luôn khỏe mạnh.

men răng
Thành phần men răng

Thành phần của men răng

Khoáng chất

Men  có độ khoáng hóa cao nhất và cứng nhất trong cơ thể. Thành phần chủ yếu là canxi và phosphate chiếm 99% theo trọng lượng khô. Nếu tính theo thể tích, tinh thể khoáng canxi hydroxyapatite chiếm 80-90%. Còn lại 10-20% là chất lỏng và chất hữu cơ.

Protein

Có sự khác nhau giữa men răng chưa trưởng thành trong bào thai và men đang trưởng thành, trưởng thành. Ở men chưa trưởng thành trong bào thai, thành phần tương đối cao nhất là; glutamic acid, proline, histidine. Trong khi ở men trưởng thành và đang trưởng thành là asparic acid, serine và glycine.

Protein, thành phần chính của khuôn men, có độ tập trung cao ở các rãnh, dọc theo tiếp nối men ngà và ở  vùng cổ răng. Trên những vùng này, lượng chất vô cơ cũng giảm thấp tương ứng.

Nước

Tạo thành vỏ hydrat xung quanh tinh thể và trong thành phần protein

Các nguyên tố vi lượng

Các nguyên tố như: vanadium, mangan, selenium, molybdenum, strontium có thể có vai trò trong ức chế sâu răng.

Fluorine thường có mặt trong men răng với một lượng thay đổi. Hàm lượng cao nhất luôn ở 50um của lớp men bề mặt ngoài cùng. Vùng này chứa khoảng 300-1200 ppm hoặc cao hơn. Những lớp ở lớp sâu hơn có hàm lượng fluor thấp hơn đến 20 lần. Hàm lượng fluor thay đổi theo các yếu tố như: hàm lượng trong nước uống, lượng fluor thâm nhập từ thức ăn, kem đánh răng; yếu tố tuổi; bề mặt răng; sự hiện diện các diện mòn; vật liệu đã sử dụng…

Cấu trúc các tinh thể men

Thành phần vô cơ của men răng chủ yếu là các tinh thể khoáng canxi hydroxyapatite. Hydroxyapatite (HA) có công thức hóa học là Ca10(PO4)6(OH)2là sự tập hợp của canxi, phosphate và ion hydroxyl sắp xếp lặp đi lặp lại tạo thành cấu trúc mạng tinh thể.

Mỗi nguyên tử trong tinh thể HA có thể được thay thế bằng nguyên tử khác. Ví dụ như: vị trí nhóm hydroxyl có thể được thay thể bằng fluor, canxi được thay bằng Na, Mg,Zn…. Khi F thay thế cho hydroxyl, tinh thể trở thành fluorapatite đề kháng với axit gây sâu răng hơn.

Tính chất vật lý của men răng

Phương cách tạo men và thành phần men răng trưởng thành quyết định tính chất vật lý của men.

Độ dày

Lớp men bao phủ thân răng có độ dày thay đổi. Ở răng vĩnh viễn, có độ dày từ vài micron vùng cổ đến 2,5mm vùng rìa cắn và đỉnh múi. Độ dày cũng thay đổi theo bề mặt răng và các răng với nhau.

Độ cứng

Men răng là bộ phận cứng nhất và giòn nhất trong cơ thể. ( Độ cứng Mohs: 5-8 , Độ cứng Knoop: 260-360 , Độ cứng Vickers: 300-430). Ứng với mức độ khoáng hóa, men bề mặt cứng hơn men ở lớp trong

Màu sắc

Men răng trong, hơi có ánh xanh xám- vàng nhạt. Màu răng được quyết định bởi chiều dày lớp men, màu vàng nhạt của ngà và mức độ trong, tính đồng nhất của men.

Tính thấm

Men có tính thấm giới hạn. Chất màu có thể ngấm vào cả từ môi trường bên ngoài lẫn từ phía tủy răng qua tiếp nối men ngà. Sau khi răng mọc, men trở nên ít thấm hơn, ít xốp hơn và tăng lên về độ chắc.

Vai trò của men răng

Men giúp bảo vệ răng của bạn trong các hoạt đông hàng ngày như nhai, cắn… Mặc dù men là một chất bảo vệ cứng của răng, nhưng nó vẫn có thể sứt mẻ và nứt. Men cũng giúp cách ly răng khỏi nhiệt độ và hóa chất, là những tác nhân có thể gây ra cảm giác đau đớn cho răng.

Không giống như xương gãy có thể được cơ thể sửa chữa. Một khi răng bị gãy hay men bị nứt vỡ, những tổn thương này là vĩnh viễn. Nguyên nhân là do men răng không có tế bào sống, cơ thể không thể sửa chữa men khi bị sứt mẻ hoặc nứt.

Các vấn đề về men răng

Sâu răng

Sâu răng là tình trạng xảy ra khi các vi khuẩn trong môi trường miệng hoạt động phân hủy đường tạo axit. Nồng độ axit cao sẽ gây ra sự mất khoáng bề mặt của men răng. Nếu sự mất khoáng này không được cân bằng lại sẽ tạo các lỗ trên bề mặt men răng. Sâu răng tiến triển có thể phá hủy qua lớp men, ngà, gây kích thích và nhiễm khuẩn vùng tủy. Do đó, cần phải điều trị sớm sâu răng khi vừa phát hiện và thực hiện các biện pháp dự phòng sâu răng.

men răng
Sâu răng

Mòn răng

Xoi mòn răng xảy ra khi axit làm mòn men răng. Nguyên nhân mòn răng còn có thể do:

  • Tiêu thụ nước ngọt quá mức (hàm lượng axit photphoric và citric cao)
  • Đồ uống trái cây (một số axit trong đồ uống trái cây có tính ăn mòn cao)
  • Khô miệng hoặc lưu lượng nước bọt thấp (xerostomia)
  • Chế độ ăn uống (nhiều đường và tinh bột)
  • Bệnh trào ngược axit dạ dày (GERD)
  • Các vấn đề về dạ dày-ruột
  • Thuốc (thuốc kháng histamine, aspirin)
  • Di truyền học (điều kiện di truyền)
  • Các yếu tố môi trường (ma sát, xoi mòn, cọ mòn)

Các dạng mòn răng 

  • Cọ mòn: Đây là ma sát răng tự nhiên xảy ra khi bạn nghiến răng, thường xảy ra không chủ ý trong khi ngủ.
  • Mài mòn. Đây là sự hao mòn vật lý của bề mặt răng xảy ra khi đánh răng quá mạnh, dùng chỉ nha khoa không đúng cách, cắn vào vật cứng (như móng tay, nắp chai hoặc bút) hoặc nhai thuốc lá.
  • Tổn thương mòn vùng cổ răng:  xảy ra ở vùng cổ răng do lực uốn cong 
  • Ăn mòn: xảy ra do các axit tác động lên bề mặt răng :một số loại thuốc như aspirin hoặc viên vitamin C, thực phẩm có tính axit cao, GERD và nôn mửa thường xuyên do chứng cuồng ăn hoặc nghiện rượu.

Nước bọt đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho răng khỏe mạnh. Nó không chỉ làm tăng sức khỏe của các mô cơ thể, còn bảo vệ men bằng canxi và các khoáng chất khác. Nước bọt cũng làm loãng các chất ăn mòn như axit, loại bỏ chất thải từ miệng và tăng cường các chất bảo vệ giúp chống lại vi khuẩn. Tuy nhiên, khi bạn ăn nhiều thực phẩm có tính axit, quá trình tăng cường này trên răng không còn xảy ra nữa.

mòn răng do cọ mòn
Mòn răng do cọ mòn

 Những dấu hiệu của sự mòn men răng là gì?

Các dấu hiệu mòn men răng có thể khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn. Một số dấu hiệu có thể bao gồm: 

  • Nhạy cảm. Một số loại thực phẩm (đồ ngọt) và nhiệt độ của thực phẩm (nóng hoặc lạnh) có thể gây ra một cơn đau trong giai đoạn đầu của sự mòn men răng.
  • Sự đổi màu. Khi men răng bị mòn và nhiều ngà răng bị lộ ra, răng có thể xuất hiện màu vàng.
  • Các vết nứt và mẻ. Các cạnh của răng trở nên thô hơn, không đều và lởm chởm khi men răng bị mòn.
  • Đau. Trong giai đoạn sau của sự ăn mòn men răng, răng trở nên cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ và đồ ngọt. Bạn có thể cảm thấy cơn đau nhiều hơn.
  • Các vết lõm xuất hiện trên bề mặt răng.

Khi men răng bị mòn, răng dễ bị sâu. Sâu răng nhỏ có thể gây ra không có vấn đề lúc đầu. Nhưng khi sâu răng phát triển và xâm nhập vào răng, chúng có thể ảnh hưởng đến tủy, dẫn đến áp xe hoặc nhiễm trùng cực kỳ đau đớn.

Nhiễm Fluoride

 nhiễm fluor
Răng nhiễm fluor

Mặc dù fluoride rất hữu ích trong việc ngăn ngừa sâu răng. Nhưng quá nhiều fluoride có thể gây ra các vấn đề như nhiễm fluor men răng. Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ em và gây ra các khiếm khuyết trong men răng.

Trẻ em bị nhiễm fluor có thể do: đã bổ sung quá nhiều fluor thông qua các chất bổ sung, hoặc nước uống. Ngoài ra, nuốt kem đánh răng có fluoride làm tăng khả năng nhiễm fluoride men răng.

Hầu hết trẻ em bị nhiễm fluor men răng có tình trạng nhẹ không phải là lý do cần quan tâm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, răng bị đổi màu, rỗ và khó giữ sạch.

Thiểu sản men

Thiểu sản men là sự hình thành không hoàn toàn hoặc cấu trúc men răng bị lỗi trong giai đoạn hình thành, dẫn đến thiếu hụt số lượng men răng. 

thiểu sản
Thiếu sản men

Có hai dạng thiểu sản men răng cơ bản là:

Thiểu sản men di truyền hay còn gọi là “sinh men bất toàn”

Xuất hiện sự gián đoạn trung bì trong giai đoạn phôi của men răng, chỉ tác động đến phần men, các thành phần nội bì vẫn phát triển bình thường. Bệnh có thể tác động đến cả răng sữa và răng vĩnh viễn. 

Có 3 dạng thiểu sản men răng di truyền, đó là:

  • Thiểu sản men: bất thường xảy ra trong sự hình thành khung hữu cơ
  • Kém khoáng hóa: bất thường xảy ra trong quá trình khoáng hóa khung hữu cơ
  • Kém trưởng thành: bất thường xảy ra trong quá trình trưởng thành của khung hữu cơ

Thiểu sản men do tác động của môi trường: các yếu tố từ môi trường tác động tới các tế bào tạo men, có thể ảnh hưởng đến cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Cả ngà răng và men răng đều bị tác động theo các mức độ khác nhau.

Biểu hiện:

Ở những người bị thiểu sản men , men thường hình thành không đủ độ dày. Men răng mềm, mỏng, dễ vỡ làm lộ lớp ngà răng bên dưới. Thiểu sản men  sẽ làm giảm chức năng nhai của răng, gây tê buốt khi ăn. Ngoài ra, bề mặt răng xuất hiện các đốm trắng đục chuyển màu vàng hoặc răng bị lốm đốm đen, gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.

Làm thế nào để ngăn ngừa mất men răng?

Để ngăn ngừa mòn men  và giữ cho răng khỏe mạnh, hãy nhớ đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước súc miệng có chất fluoride và sát trùng hàng ngày. Gặp nha sĩ sáu tháng một lần để kiểm tra và làm sạch thường xuyên. Bạn cũng nên thử các cách sau:

  • Loại bỏ các thực phẩm và đồ uống có tính axit cao khỏi chế độ ăn uống của bạn như soda có ga, chanh và các loại trái cây và nước ép khác. Súc miệng ngay lập tức bằng nước sạch sau khi ăn thực phẩm có tính axit hoặc uống đồ uống có tính axit.
  • Sử dụng ống hút khi bạn uống đồ uống có tính axit. Ống hút đẩy chất lỏng ra phía sau miệng, tránh tiếp xúc với răng.
  • Giảm ăn vặt. Ăn vặt suốt cả ngày làm tăng nguy cơ sâu răng. Miệng có tính axit trong vài giờ sau khi ăn thực phẩm có nhiều đường và tinh bột. Tránh ăn vặt trừ khi bạn có thể súc miệng và đánh răng sau đó.
  • Nhai kẹo cao su không đường giữa các bữa ăn. Nhai kẹo cao su giúp tăng sản xuất nước bọt lên gấp 10 lần lưu lượng bình thường. Nước bọt giúp răng chắc khỏe với các khoáng chất quan trọng. 
  • Uống nhiều nước hơn trong ngày nếu bạn có lượng nước bọt thấp hoặc khô miệng.
  • Sử dụng kem đánh răng có fluoride. 
  • Hỏi nha sĩ của bạn các biện pháp phục hồi và phòng ngừa sự ăn mòn men  và sâu răng.

Mất men răng được điều trị như thế nào?

Điều trị mất men  phụ thuộc vào từng trường hợp. Các phục hồi (trám, bọc mão) giúp bảo vệ răng, ngăn tình trạng mất men tiến triển và gia tăng thẩm mỹ. Nếu mất men  là đáng kể, nha sĩ có thể khuyên bạn nên bọc răng bằng mão hoặc veneer. Mão cũng có thể bảo vệ răng khỏi sâu răng.

Men răng là thành phần quan trọng của cấu trúc răng. Việc bảo vệ men  là hết sức cần thiết. Để men  luôn khỏe mạnh, chúng ta cần duy trì chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng thật tốt bằng cách: Chải răng 2 lần mỗi ngày, thường xuyên thăm khám nha sĩ mỗi 6 tháng, hạn chế đồ ăn nhiều đường,..

Nướu là phần niêm mạc miệng, liên quan trực tiếp đến răng. Nó che phủ xương ổ và bao quanh cổ răng. Nướu đảm nhận nhiều chức năng quan trọng: bám dính, ổn định, liên kết các răng, tạo lớp bảo vệ vi khuẩn. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Tooth Enamel Erosion and Restorationhttps://www.webmd.com/oral-health/guide/tooth-enamel-erosion-restoration

    Ngày tham khảo: 29/07/2020

  2. GS. TS. Hoàng Tử Hùng. Mô Phôi răng miện. Nhà xuất bản Y học. Trang 96 - 110.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người