Miệng có vị mặn: Nguyên nhân và cách giải quyết
Nội dung bài viết
Bỗng nhiên một ngày bạn cảm thấy vị giác của mình khác lạ. Miệng của bạn lúc nào cũng cảm thấy có vị mặn. Điều này có thể sẽ khiến bạn trở nên hoang mang, lo lắng. Tình trạng này không phải do bạn ăn quá nhiều đồ có vị mặn. Nó có thể do các vấn đề sức khỏe khác nhau, nhưng hầu hết đều không nghiêm trọng. Sau đây, hãy cũng tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến việc miệng có vị mặn cũng như cách giải quyết tình trạng này nhé!
1. Nguyên nhân khiến miệng có vị mặn
1.1. Vệ sinh răng miệng kém
Một sáng bạn thức dậy với miệng nồng và có vị mặn. Điều này là do quá trình tiết nước bọt trở nên kém hơn vào ban đêm. Nó tạo cơ hội cho vi khuẩn tích tụ và đóng vai trò khiến miệng bạn có vị mặn kèm theo hôi miệng. Do đó, tốt nhất bạn nên đi đánh răng khi thức dậy. Tạo thói quen đánh răng hằng ngày sẽ không chỉ cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn mà còn giải quyết vấn đề về vị mặn.
>> Xem thêm: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
1.2. Mất nước
Môi trường sống ở nơi có nhiệt độ cao cũng khiến bạn tiêu hao nhiều lượng nước của cơ thể. Điều đó dễ khiến bạn bị mất nước và dẫn đến tình trạng miệng có vị mặn. Những người tập thể dục cường độ cao dễ bị mất nước. Điều này khiến họ phải uống nhiều nước để bù đắp lượng nước mất đi. Mất nước dẫn đến nồng độ muối cao trong nước bọt và đó là nguyên nhân tạo ra vị mặn.
Làm cách nào để kiểm tra tình trạng mất nước của bản thân?
Có hai cách để xem mình có bị mất nước hay không.
- Thứ nhất: Kéo lưỡi của bạn ra và quan sát trong gương. Nếu bạn thấy lưỡi khô, đó là dấu hiệu của sự mất nước. Bình thường, lưỡi của bạn phải ẩm ướt.
- Thứ hai: Bạn véo da trên bề mặt ngoài của bàn tay trong 5 giây. Nếu nó không quay trở lại vị trí ban đầu, có thể bạn đang bị mất nước. Trong trường hợp này, bạn sẽ thấy vùng da bị chèn ép đó tạo thành lớp gấp nếp trên tay.
Lời khuyên đơn giản là hãy uống nước. Theo Viện Y học, lượng nước cần thiết là 3 lít nước cho nam và 2,2 lít cho nữ. Tuy nhiên, bạn có thể cần tăng cường bổ sung trong những ngày hè nóng nực.
Nếu có các triệu chứng như tăng nhịp tim, chóng mặt kèm theo khô miệng và vị mặn, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ để khám ngay.
1.3. Sau khi nhỏ mũi
Trong trường hợp dịch tiết từ mũi đi vào miệng, bạn sẽ cảm thấy vị mặn. Thông thường, chúng sẽ đi vào đường thực quản. Nhưng có một số thời điểm đặc biệt chúng có thể vào miệng và bạn sẽ nếm được.
1.4. Nhiễm trùng xoang
Đây là một vấn đề phổ biến trong mùa đông. Chảy nước mũi sau khi bị viêm xoang là thủ phạm gây ra vị mặn. Tuy vị giác không phải là điều đáng lo ngại, nhưng quan trọng là bạn phải điều trị viêm xoang.
1.5. Áp xe răng
Răng bị áp xe là tình trạng nhiễm trùng gây đau đớn. Mủ từ áp xe có thể thoát ra gây ra vị mặn trong miệng của bạn.
Ngoài vị mặn này, còn nhiều vấn đề khác kèm theo khi bị áp xe răng. Nó không chỉ có mùi vị khó chịu mà còn có nguy cơ dò mủ ra da, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hãy chắc chắn rằng nếu bạn bị đau răng hoặc sưng quanh răng, nướu hoặc má, hãy thăm khám nha sĩ trước khi quá muộn. Vết sưng, chảy mủ thường là một dấu hiệu rõ ràng của nhiễm trùng.
1.6. Thiếu vitamin B12
Sự thiếu hụt vitamin này gây ra tình trạng đau lưỡi. Nó cũng khiến lưỡi của bạn sưng đỏ và đây có thể là lý do tại sao mọi thứ đều có vị mặn. Vì vậy, sự kết hợp giữa đau và lưỡi đỏ mọng có thể cho bạn một gợi ý về tình trạng thiếu vitamin B12. Cách tốt nhất là bổ sung vitamin B12 kịp thời.
1.7. Thiếu kẽm
Nếu bạn thường xuyên có vị mặn trong miệng, nguyên nhân có thể là do thiếu hụt dinh dưỡng. Thay đổi vị giác là một biểu hiện phổ biến của tình trạng thiếu kẽm. Thay đổi vị giác có thể có hai loại:
- Vị mặn.
- Vị kim loại.
May mắn thay, bổ sung kẽm có sẵn để đáp ứng sự thiếu hụt. Tuy nhiên, đừng tự ý bổ sung mà hãy tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
>> Kẽm có những tác dụng nào với cơ thể? Tìm hiểu ngay trong bài viết 7 lợi ích của kẽm, bạn đã biết chưa?
1.8. Sử dụng thuốc
Thuốc có khả năng gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Một trong số đó là sự thay đổi vị giác. Tuy nhiên, sau khi ngừng thuốc, sự thay đổi vị mặn trong miệng cũng biến mất. Sau đây là một số loại thuốc phổ biến gây ra vị mặn trong miệng.
- Hóa trị liệu.
- Chống cường giáp.
- Điều trị cao huyết áp.
- Kháng histamine.
- Thuốc thông mũi.
- Chống trầm cảm.
Khi sử dụng những loại thuốc này, bạn cũng có thể cảm thấy vị kim loại.
1.9. Trào ngược axit dạ dày
Nếu như chúng ta đã từng trải qua tình trạng nôn ói sẽ biết rằng: Vị giác sẽ thay đổi sau đó! Bạn sẽ cảm thấy mọi thứ đều có vị mặn.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một dạng rối loạn tiêu hóa. Tại đây, thành phần trong dạ dày di chuyển theo hướng ngược lại đến miệng hoặc ở họng trên. Vì vậy, trào ngược axit có khả năng gây ảnh hưởng tương tự như nôn mửa, khiến miệng của bạn có vị mặn.
Lưu ý rằng, GERD không chỉ gây ra mùi vị khó chịu mà còn làm mòn răng.
1.10. Mang thai
Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ có nhiều thay đổi, ngay cả vị giác. Những thực phẩm ngọt có thể có vị đắng hoặc mọi thứ khác có thể có vị mặn. Vì vậy, không có gì phải lo lắng. Đây chỉ là một trong những thay đổi khi mang thai. Điều này sẽ được cải thiện hơn theo thời gian.
1.11. Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thường kèm theo chảy rất nhiều nước mũi. Đó là lý do tại sao bạn cảm giác có vị mặn. Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp thông mũi và làm sạch miệng.
1.12. Hội chứng Sjogren
Hội chứng này có thể đi kèm khô mắt và khô miệng. Đây là một tình trạng tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tuyến nước bọt. Khi miệng khô, vi khuẩn không bị đẩy xuống cổ họng và tạo môi trường miệng có vị mặn.
Hội chứng Sjogren là một tình trạng hiếm gặp và thường xuất hiện ở tuổi 40. Ngoài khô miệng, nó còn có các biểu hiện ở khớp và mắt.
1.13. Thời kỳ mãn kinh
Một số trường hợp hiếm hoi xảy ra ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh có thể khiến họ cảm thấy vị mặn trong miệng. Cả thai kỳ và mãn kinh đều có thể khiến phụ nữ phải trải qua những trải nghiệm riêng. Tuy nhiên, theo thời gian, khi các hormone cân bằng, mọi thứ sẽ tốt hơn.
1.14. Hút thuốc
Một người hút thuốc thường xuyên có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Một trong số đó là nhiễm trùng ở tuyến nước bọt. Đây là một bệnh nhiễm trùng tồn tại trong thời gian ngắn nhưng gây ra vị mặn trong miệng. Một kết quả khác của việc hút thuốc là khô miệng, dẫn đến vị mặn.
1.15. Giảm vị giác
Đây là một thuật ngữ y tế để chỉ sự thiếu cảm giác vị giác. Một người bị giảm vị giác sẽ bị giảm khả năng nếm các hương vị khác nhau. Nó có thể là do một số loại thuốc hoặc một bệnh cấp tính do virus.
1.16. Chứng khó tiêu
Mặc dù tình trạng này chủ yếu gây ra mùi vị khó chịu hoặc kim loại, nhưng mọi người cũng có thể gặp vị mặn. Nó phổ biến hơn ở phụ nữ hoặc các nhóm tuổi lớn hơn. Nguyên nhân cơ bản của chứng khó tiêu có thể là do sử dụng loại thuốc mới, hóa trị liệu hoặc thiếu kẽm. Điều trị bằng cách tạo nước bọt nhân tạo, sử dụng thuốc thay thế và bổ sung kẽm.
1.17. Các biến chứng của phẫu thuật
Cũng giống như nước mắt và nước mũi, dịch não tủy (CSF) cũng có vị mặn. Một trong những biến chứng của phẫu thuật ở đầu có thể là rò rỉ dịch não tủy. Điều này dẫn đến miệng có vị mặn. Đây là một vấn đề tạm thời. Nếu bạn hiện đang không gặp bất cứ chấn thương nào, có thể loại trừ lý do này.
1.18. Sử dụng thuốc nhỏ mắt
Chúng có thể gây ra vị đắng trong miệng hoặc có vị mặn. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm gặp. Lý do vì mắt của bạn có kết nối với mũi qua ống dẫn lệ mũi và dịch mũi có thể chảy xuống cổ họng, đôi khi là miệng.
1.19. Máu
Khi nướu bị chảy máu sẽ gây ra vị mặn trong miệng. Giải pháp khá đơn giản là súc miệng bằng nước ấm, đánh răng ngày 2 lần và dùng nước súc miệng có tác dụng giảm viêm nướu. Nếu bị sưng lợi, bạn cần phải đến phòng khám nha khoa.
1.20. Đồ uống có caffeine
Đôi khi, đặc biệt là trong mùa thi, việc tiêu thụ một lượng lớn cà phê trở thành một điều cần thiết. Nó giúp bạn tập trung và tỉnh táo đến tận khuya. Nhưng mùa thi không kéo dài mãi mãi. Mặc dù bạn yêu thích cà phê, nhưng không thể phủ nhận thực tế là nó có thể gây khô miệng. Chúng ta thường uống một lượng lớn chất lỏng có chứa caffeine. Kết quả sau đó là mất ngủ, khô miệng và có thể có cảm giác buồn nôn.
Sử dụng quá nhiều cà phê, rượu và trà cũng có thể gây ra vị mặn trong miệng do thiếu nước bọt. Hãy cẩn thận, việc sử dụng quá mức bất kể thứ gì cũng đều không tốt.
2.21. Hội chứng Paraneoplastic
Hội chứng này thường ảnh hưởng đến những người trước đây đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nó dẫn đến mất điều hòa, giảm trương lực, viêm não, mất trí nhớ ngắn hạn và cáu kỉnh. Hội chứng Paraneoplastic có thể gây ra sự thay đổi cảm giác vị giác với vị đắng và mặn là phổ biến.
2.22. Khối u não
Khi mọi thứ đều có vị mặn, một khối u não có lẽ là điều cuối cùng phải nghĩ đến. Có những lý do hợp lý khác cho sự thay đổi vị giác này nên bạn không cần phải quá lo lắng.
Nếu vị mặn vẫn tiếp diễn trong nhiều ngày, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
2.23. Đột quỵ
Trong một số trường hợp rất hiếm, đột quỵ có thể gây ra trường hợp tương tự như thay đổi vị giác. Nếu đột quỵ ảnh hưởng đến phần não kiểm soát cảm giác, bạn sẽ bị thay đổi nhận thức về vị giác và khứu giác.
2. Cách giải quyết khi miệng có vị mặn
Cách tốt nhất là bạn phải tìm ra nguyên nhân. Khô miệng và vệ sinh răng miệng kém là hai thủ phạm hàng đầu. Nếu đây không phải là lý do khiến bạn có vị mặn, hãy xem xét các loại thuốc đang sử dụng. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc như: thuốc chống tăng huyết áp, thuốc kháng giáp hoặc thuốc kháng histamine, vị mặn của bạn có thể là do những loại thuốc này.
Tốt nhất, bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Khi đã có chẩn đoán, việc điều trị trở nên dễ dàng.
- Trong khi đó, bạn có thể sử dụng kẹo cao su không đường xylitol. Nhai kẹo cao su có đường có thể đẩy nhanh quá trình sâu răng. Điều này giúp bạn giảm vị mặn trong miệng mà không ảnh hưởng đến răng.
- Uống nhiều nước.
- Bạn cũng có thể sử dụng thuốc xịt miệng.
- Không ăn nhiều thức ăn mặn, thực phẩm giàu natri.
- Tránh hút thuốc lá.
- Nên tránh dùng quế và các loại gia vị tương tự.
- Súc miệng bằng thuốc có thể làm giảm vấn đề ở một mức độ nhất định.
- Nếu bạn cảm thấy có vị mặn trong miệng do một số loại thuốc điều trị thì việc thay đổi cách sử dụng thuốc có thể giúp ích.
- Loại trừ thực phẩm có tính axit như cà phê, nước ngọt, nước cam, cà chua…
Miệng có vị mặn có thể khiến bạn khó chịu, gây phiền toái trong cuộc sống. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên nhân gây ra nó không đáng lo ngại, trừ một số trường hợp liên quan đến u não, đột quỵ… Khi cảm thấy bất cứ thay đổi khác thường ở vị giác, hãy liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và giải quyết phù hợp.
Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1/”23 reasons why everything tastes salty and what to do about it”, đăng nhập trên website https://justhealthlifestyle.com
2/ “Salty Taste in mouth: Causes & best remedies”, đăng nhập ngày 16-07-2017 tại website https://www.dental-science.com