Mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không và cách hạn chế biến cố
Nội dung bài viết
Bướu tuyến giáp là bệnh lý thường gặp trên thế giới. Bướu có nhiều loại khác nhau và cũng có nhiều cách điều trị. Một trong những cách điều trị lý tưởng hiện nay là mổ bướu tuyến giáp. Vậy mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không, hãy cùng YouMed giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây.
Bướu tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết trong cơ thể, vai trò của nó rất quan trọng. Tuyến nặng khoảng 20-30 g nằm dưới thanh quản, bọc quanh phía trước khí quản. Tuyến giáp có chức năng điều hòa chuyển hóa của toàn bộ cơ thể. Vậy khi nào thì xuất hiện bướu tuyến giáp?
Sự phát triển to bất thường trong tuyến giáp sẽ tạo thành khối gọi là bướu tuyến giáp. Có khi sờ thấy một hay nhiều nhân trong tuyến. Nếu nghi ngờ mình mắc bướu tuyến giáp, bạn nên đến khám bác sĩ để chẩn đoán.
Xem thêm: Bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Chẩn đoán bướu tuyến giáp
Trước khi tìm hiểu mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không, chúng ta cũng cần biết những cách chẩn đoán bệnh này.
Khi bác sĩ sờ thấy nhân giáp hoặc tuyến giáp tăng kích thước, sẽ chẩn đoán bướu tuyến giáp. Các phương tiện hình ảnh như siêu âm, CT, MRI tuyến giáp giúp đánh giá rõ ràng hình thái tuyến.
Song bác sĩ cũng sẽ chỉ định một số xét nghiệm để tìm xem người bệnh đang mắc những triệu chứng nào; và đồng thời tìm nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu đang mắc bướu tuyến giáp, người bệnh cần làm gì?
Những cách điều trị bướu tuyến giáp
Điều trị bướu tuyến giáp như thế nào còn phụ thuộc vào kích thước bướu giáp, triệu chứng và nguyên nhân. Một số phương pháp điều trị được khuyến cáo như:
Dùng thuốc
Thuốc uống dành cho người bị suy giáp và một số trường hợp cường giáp nhẹ. Người mắc suy giáp được chỉ định hormone giáp ngoại sinh để bổ sung cho lượng hormone bị thiếu hụt. Ngược lại, người mắc cường giáp phải uống thuốc kháng giáp để giảm lượng hormone dư thừa trong máu.
Xạ trị
Xạ trị được chỉ định cho những trường hợp cường giáp nặng. Chất phóng xạ được đưa vào cơ thể dưới dạng viên thuốc, sau đó sẽ chảy theo dòng máu. Sau khi tới tuyến giáp, chất xạ sẽ ngấm vào mô tuyến và phá hủy bớt lượng mô dư thừa. Nhờ vào sự phá hủy này mà giảm kích thước tuyến giáp và giảm độ hoạt động của nó.
Phẫu thuật
Mổ bướu tuyến giáp là kỹ thuật xâm lấn, gây đau cho người bệnh. Do vậy, phương pháp này chỉ được chỉ định cho một số đối tượng đặc biệt. Vậy mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không, YouMed sẽ trả lời trong phần tiếp theo đây.
Khi nào cần phải mổ tuyến giáp?
Không phải ai mắc bướu tuyến giáp cũng đều phải mổ. Mổ bướu tuyến giáp có những chỉ định đặc biệt sau mà người bệnh cần chú ý:
- Bệnh nhân khó thở, khó nuốt do tuyến giáp to chèn ép vào khí quản, thực quản.
- Bệnh nhân bị cường giáp nặng mà thuốc hay xạ trị đơn thuần không thể kiểm soát được triệu chứng.
- Bệnh nhân muốn mổ tuyến giáp vì mất thẩm mỹ.
- Bệnh nhân mắc tác dụng phụ hay chống chỉ định với xạ trị và thuốc uống.
- Bệnh nhân đang có bướu tuyến giáp lành tính nhưng nguy cơ cao tiến triển thành ác tính.
- Bướu tuyến giáp ác tính.
Từ những chỉ định trên, bác sĩ sẽ có những phương pháp phù hợp với từng chẩn đoán. Lựa chọn phương pháp chính xác sẽ giúp xóa đi nỗi lo cho những ai đang tự hỏi liệu mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không.
Các phương pháp mổ
Phương pháp mổ truyền thống hiện nay ít được ưu tiên chỉ định cho đa số trường hợp. Các phương pháp thay thế đang dần được bổ sung do lợi ích mà nó mang lại nhiều hơn. Những kỹ thuật mổ hiện nay là:
Mổ hở
Mổ hở là tạo ra một đường mổ từ giữa cổ, sau đó bác sĩ sẽ trực tiếp cắt và lấy mô tuyến giáp ra khỏi cơ thể. Độ dài đường mổ sẽ tùy thuộc vào độ lớn của bướu giáp cần cắt. Bác sĩ cũng có thể nạo hạch xung quanh bằng mổ hở trong trường hợp người bệnh ung thư có di căn hạch.
Mổ nội soi
Mổ nội soi gây tổn thương tối thiểu vì vết mổ tương đối ngắn. Hơn nữa, cách mổ này giúp chảy ít máu hơn trong phẫu thuật, vết mổ mau lành hơn. Tuy nhiên, phương pháp này mổ lâu hơn và đắt tiền hơn mổ hở.
Mổ bằng robot
Sử dụng công nghệ robot hiện đại, bác sĩ không cần phải trực tiếp thực hiện cuộc mổ. Robot phẫu thuật được lập trình để sử dụng linh hoạt y cụ và thành thục các kỹ thuật mổ. Mổ bằng robot giúp giảm tối đa các biến chứng cho bệnh nhân và tạo ra tổn thương ít nhất. Mặc dù vậy, kỹ thuật này thời gian mổ lâu, rất đắt tiền, và gặp một số lỗi liên quan máy tính. Nhìn chung, kỹ thuật mổ bằng robot cải thiện các nhược điểm của mổ hở và rất an toàn.
Những lưu ý khi mổ bướu tuyến giáp
Hiểu và lựa chọn đúng phương pháp thì mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không sẽ không còn vấn đề băn khoăn nữa.
Chuẩn bị tốt nhất cho cuộc mổ
Cũng như những cuộc mổ khác, trước khi vào phòng mổ, bệnh nhân sẽ được tư vấn rõ ràng:
- Nghỉ ngơi tuyệt đối một ngày trước mổ.
- Không ăn hay uống từ đêm hôm trước ngày mổ, có thể uống ít nước lọc.
- Ngưng tất cả các thuốc bệnh nhân đang uống ít nhất một ngày trước mổ. Một số thuốc chống đông máu cần ngưng vài ngày trước đó.
- Đến bệnh viện trước khi mổ hai giờ để chuẩn bị theo dõi và chuẩn bị.
Các biến cố có thể có trong cuộc mổ và di chứng sau mổ
Các tai biến y khoa có thể xảy ra trong và sau cuộc mổ tùy mức độ. Nhìn chung, mổ bướu tuyến giáp ít xảy ra các tai biến hơn các cuộc phẫu thuật vùng khác. Những biến chứng có thể xảy ra là:
- Chảy máu nhiều.
- Cắt tuyến cận giáp.
- Khối tụ máu sau mổ.
- Hạ canxi huyết.
- Khàn giọng hoặc mất giọng.
- Chấn thương thực quản, khí quản.
Hạn chế xảy ra biến chứng và tái phát
Chuẩn bị tốt trước mổ và chăm sóc chu đáo sau mổ là một phần công việc giúp hạn chế các biến chứng và tái phát bệnh. Sau khi mổ, bác sĩ sẽ cho một số chỉ định như:
- Thuốc giảm đau.
- Thuốc bổ sung canxi.
- Thuốc bổ sung hormone giáp.
- Rửa vết mổ sạch sẽ mỗi ngày.
- Tái khám sau 1-2 tuần khi sau xuất viện.
YouMed đã giúp bạn giải đáp kỹ lưỡng về mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không. Hi vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích qua bài viết. Nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to know about common thyroid disordershttps://www.medicalnewstoday.com/articles/323196#hypothyroidism
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Goiterhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/goiter/diagnosis-treatment/drc-20351834
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Goiterhttps://www.amboss.com/us/knowledge/Goiter#:~:text=Classification%20of%20goiter%20by%20palpation,-According%20to%20the&text=Grade%200%3A%20no%20goiter%20is,with%20a%20goiter%20on%20palpation
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Thyroidectomyhttps://endocrinesurgery.ucsf.edu/conditions-procedures/thyroidectomy.aspx#:~:text=A%20thyroidectomy%20is%20a%20surgical,as%20swallowing%20or%20breathing%20difficulties.
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Before and After Thyroid Surgeryhttps://www.mcw.edu/departments/surgery/divisions/surgical-oncology/patient-care/endocrine-surgery/patient-information-before-and-after-surgery/before-and-after-thyroid-surgery
Ngày tham khảo: 24/05/2021