Bướu tuyến giáp và những kiến thức bạn cần biết
Nội dung bài viết
Bướu tuyến giáp là một bệnh lý tại tuyến giáp, có thể ảnh hưởng đến một phần hay toàn bộ tuyến. Đa phần bướu tuyến giáp là bệnh lý không nguy hiểm và có nhiều cách điều trị. Hãy cùng tìm hiểu về bướu tuyến giáp qua bài viết dưới đây của ThS.BS Vũ Thành Đô.
Tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm phía trước cổ, bên dưới yết hầu, gồm hai thùy trái phải nối tiếp nhau. Tuyến giáp chế tiết ra hai hormone T4 và T3 rất cần thiết cho mọi hoạt động bình thường của tế bào trong cơ thể. Nó được kiểm soát bởi hormone kích thích hoạt động tuyến giáp (TSH).
Tuyến giáp điều hòa mọi chức năng của cơ thể bằng cách điều hòa sự chuyển hóa, tăng trưởng và phát triển của toàn bộ cơ thể.
Bướu tuyến giáp là gì?
Bướu tuyến giáp (hay bướu cổ tuyến giáp) là bệnh lý làm tăng sinh kích thước của tuyến giáp. Tình trạng này xảy ra khi tuyến giáp tăng sinh để cố gắng bù trừ cho phần hormone bị thiếu.
Ai là người dễ mắc bệnh bướu cổ tuyến giáp?
Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh bướu tuyến giáp, nhưng nữ giới thường gặp nhiều hơn. Bên cạnh đó những người dễ mắc u bướu tuyến giáp có thể là:
- Người có tiền căn gia đình bị ung thư tuyến giáp, có bệnh tuyến giáp nhân hay mắc các bệnh lý khác liên quan tới tuyến giáp.
- Người thiếu iod trong khẩu phần ăn uống hàng ngày.
- Người mắc các bệnh làm giảm lượng iod trong cơ thể.
- Người trên 40 tuổi.
- Phụ nữ có thai hay đang trong giai đoạn mãn kinh.
- Người có tiền căn điều trị phóng xạ vùng cổ hay ngực.
Nguyên nhân gây bướu cổ tuyến giáp
Thiếu iod chính là lý do chính gây ra bệnh. Vì iod là nguyên liệu quan trọng trong việc tạo ra hormone giáp. Do đó, nếu chúng ta không hấp thu đủ số lượng iod cần thiết, tuyến giáp sẽ phải làm việc nhiều hơn để tạo ra hormone giáp đồng thời làm cho tuyến phát triển lớn hơn.
Những nguyên nhân khác gây ra bướu tuyến giáp bao gồm:
- Bệnh Graves (hay bệnh Basedow) là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh cường giáp.
- Bệnh giáp Hashimoto thường gây ra các triệu chứng nhược giáp.
- Viêm giáp thường do virus.
- Nhân giáp hay nang giáp làm cho tuyến giáp to không đồng đều. Bệnh thường lành tính.
- Ung thư giáp tương đối hiếm gặp.
- Phụ nữ đang trong thai kỳ.
Xem thêm: Bệnh cường giáp nên ăn uống như thế nào?
Triệu chứng bướu tuyến giáp
Bệnh có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến rất nghiêm trọng. Nhìn chung, triệu chứng có thể phân loại thành hai nhóm là triệu chứng do tuyến giáp to và triệu chứng do rối loạn chức năng tuyến giáp.
Triệu chứng do tuyến giáp to
Đây là nhóm triệu chứng do tuyến giáp quá to dẫn đến chèn ép các cấu trúc xung quanh. Nếu có nhân giáp thì kích thước nhân có thể rất nhỏ khó sờ thấy hay rất lớn dễ nhìn thấy.
Người bệnh có thể gặp tình trạng khó nuốt, khó thở, ho, khàn tiếng, chóng mặt khi nâng tay cao,… Bởi vì khi đó, tuyến giáp to chèn vào khí quản, thực quản.
Triệu chứng rối loạn chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp có thể sản xuất nhiều quá mức hormone giáp gây bệnh cường giáp và các triệu chứng dễ mệt, tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều… Ít gặp hơn là bệnh nhược giáp do tuyến giáp sản xuất quá ít hormone và làm cho người bệnh thờ ơ, kém vận động linh hoạt, da khô,…
Nặng nề hơn, người mắc bướu tuyến giáp có thể bị mắc cơn bão giáp hay suy giáp cấp làm rối loạn chức năng nhiều cơ quan khác hay thậm chí tử vong.
Chẩn đoán bướu tuyến giáp như thế nào?
Khi phát hiện người bệnh có cổ to, bác sĩ sẽ nghi ngờ bướu tuyến giáp và chỉ định một số xét nghiệm sau đây giúp chẩn đoán và tìm nguyên nhân.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu bao gồm kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp fT4, T3 và hormone kích thích tuyến giáp TSH để tìm ra loại bệnh cảnh mà người bệnh mắc phải. Trong bệnh cường giáp, fT4 và T3 thường tăng trong khi TSH giảm.
Và ngược lại, trong bệnh nhược giáp, fT4 và T3 thường giảm trong khi TSH tăng. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp kiểm tra nồng độ các tự kháng thể để đánh giá mức độ và nguyên nhân bướu tuyến giáp.
Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm cho thấy hình ảnh chân thật nhất các cấu trúc vùng cổ, kích thước bướu và nhân giáp. Ngoài ra, siêu âm còn giúp theo dõi tiến triển và đánh giá sau điều trị bệnh.
Xạ hình tuyến giáp
Xạ hình sẽ quét toàn bộ tuyến và cho kết quả về kích thước, tình trạng bướu và phần nào của tuyến tăng hoạt động hay giảm hoạt động.
Sinh thiết bướu giáp
Phương pháp này chẩn đoán chính xác nhất nhưng chi phí cao và gây đau cho người bệnh. Do đó nó không được sử dụng thường quy. Sinh thiết sử dụng một cây kim chọc vào bướu tuyến giáp lấy ra một mẩu mô nhỏ và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra tính chất bướu.
Phương pháp điều trị bướu tuyến giáp
Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị dựa vào kích thước, tình trạng của bướu và các triệu chứng đi kèm. Điều trị cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mà bệnh nhân có thể chịu được loại điều trị nào. Các cách điều trị bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp tùy vào nguyên nhân của bướu tuyến giáp. Bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật nếu bướu quá to gây chèn ép các cấu trúc xung quanh làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh hoặc không thể kiểm soát bệnh bằng thuốc.
Xạ trị
Xạ trị phù hợp cho người mắc bướu giáp đa nhân độc. Thuốc xạ được đưa vào cơ thể bằng đường uống rồi theo máu đi đến tuyến giáp, phá hủy các mô giáp hoạt động quá mức.
Thuốc
Bác sĩ sẽ tùy theo triệu chứng cường giáp hay nhược giáp mà chỉ định thuốc kháng giáp hay hormone giáp ngoại sinh tương ứng cho bệnh nhân. Ngoài ra có thể bổ sung thêm thuốc chống viêm nếu có viêm giáp và các thuốc hỗ trợ triệu chứng người bệnh như thuốc làm giảm nhịp tim, thuốc an thần,…
Chăm sóc tại nhà
Nếu bướu nhỏ, lành tính và không gây triệu chứng thì bệnh nhân có thể tự theo dõi tại nhà. Tùy loại bướu giáp, bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân tăng hay giảm lượng iod hấp thu mỗi ngày.
Bướu tuyến giáp là bệnh lý phổ biến nhưng đa phần lành tính. Trên đây là những thông tin bạn cần biết về bướu tuyến giáp. Khi thấy những dấu hiệu bất thường trên cơ thể, bạn cần gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hợp lý.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to know about common thyroid disordershttps://www.medicalnewstoday.com/articles/323196#hypothyroidism
Ngày tham khảo: 21/05/2021
-
Goiter (Diagnosis & treatment)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/goiter/diagnosis-treatment/drc-20351834
Ngày tham khảo: 21/05/2021
-
Goiterhttps://www.amboss.com/us/knowledge/Goiter
Ngày tham khảo: 21/05/2021