Mòn răng: Vấn đề nan giải của cuộc sống hiện đại
Nội dung bài viết
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao răng mình bị ê buốt, ngày càng ngắn dần và biến dạng? Nếu có thì bạn đang mắc phải tình trạng mòn răng bất thường. Vậy đó là gì? Có đáng lo ngại hay không? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về tình trạng mòn răng – một trong những vấn đề nan giải của cuộc sống hiện đại.
1. Mòn răng là gì?
Mòn răng là một tiến trình đa yếu tố dẫn đến mất mô răng và có thể là cả chiếc răng.
Về mặt sinh lí, răng sẽ bị mòn dần với tốc độ chậm trong suốt cuộc đời người do quá trình sử dụng. Tuy nhiên khi tốc độ mòn răng tăng lên thấy rõ, nhất là ở người trẻ, nó được coi là mòn răng “bất thường” hay ‘bệnh lí”.
Sự mòn răng bất thường đầu tiên ảnh hưởng đến men răng (lớp đầu tiên của răng, có mức độ khoáng hóa cao và là mô cứng nhất trong cơ thể). Sau đó là ngà răng (lớp thứ hai và mềm hơn nhiều dưới men răng), cuối cùng đến các dây thần kinh và mạch máu của tuỷ răng.
Tất cả mọi người ở mọi độ tuổi đều có thể mắc phải tình trạng này.
2. Hậu quả của mòn răng?
Răng bị mòn bất thường có thể gây ra các vấn đề như:
- Nhạy cảm, ê buốt răng
- Đau răng, viêm tuỷ răng
- Khó khăn trong ăn nhai
- Vấn đề thẩm mỹ
3. Nguyên nhân và phân loại
Các loại mòn răng chính gồm: Mài mòn, cọ mòn, xoi mòn và tổn thương mòn cổ răng. Thường rất khó để xác định một tổn thương là do loại mòn răng nào gây ra vì thường có sự kết hợp giữa chúng.
3.1 Mài mòn
Mài mòn là gì?
Mô răng bị mòn bởi các lực cơ học bất thường từ các vật dụng bên ngoài được đưa vào miệng. Nguyên nhân gồm:
- Thói quen vệ sinh răng miệng thô bạo
- Chải răng quá mạnh/quá nhiều. Dùng chỉ nha khoa quá mức
- Tác dụng của chất mài mòn trong một số loại kem đánh răng
- Những thói quen cá nhân xấu như: Cắn bút/ống hút, cắn móng tay…
- Phơi nhiễm với các tác nhân mài mòn do nghề nghiệp
Răng bị mài mòn trông như thế nào?
- Tổn thương thường ở vùng cổ răng
- Các vết mòn lan rộng và nông
- Hay gặp ở răng cối nhỏ và răng nanh
3.2 Cọ mòn
Cọ mòn là gì?
Là tình trạng mất mô răng do lực tiếp xúc răng – răng giữa 2 hàm. Nghiến răng và siết chặt răng là hai nguyên nhân chính gây ra cọ mòn răng.
Răng bị cọ mòn trông như thế nào?
- Mặt nhai của răng trở nên phẳng
- Các bề mặt bị cọ mòn thường sáng bóng, mức độ mòn giống nhau ở 2 răng đối diện nhau
- Có thể bị mẻ mô răng hoặc bể miếng trám, mão răng
3.3 Xoi mòn
Xoi mòn là gì?
Đây là tình trạng mất chất răng gây ra do sự ăn mòn của axit lên mô khoáng hoá của răng. Các nguồn gây tăng nồng độ axit trong miệng gồm có:
- Từ bên ngoài (ngoại sinh): Chủ yếu do ăn uống (thực phẩm có tính axit, đồ uống, thuốc…), một số trường hợp do môi trường làm việc có tiếp xúc với nồng độ axit cao (như sản xuất chất tẩy rửa vệ sinh, nước ngọt, luyện kim, thuỷ tinh…)
- Từ bên trong cơ thể (nội sinh): Đa số do các vấn đề về tiêu hoá gây trào ngược axit từ dạ dày lên miệng tạo điều kiện cho axit tiếp xúc với mô răng. Một số bệnh thường gặp gây tình trạng này là: Trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng chán ăn, cuồng ăn, ốm nghén thai kỳ, nghiện rượu…
- Khô miệng cũng gây xoi mòn răng do không đủ nước bọt để trung hoà lượng axit trong miệng.
Đặc điểm của răng bị xoi mòn?
- Răng ngả vàng, bề mặt sáng bóng, láng mịn
- Thân răng trở nên ngắn dần
- Nếu răng có miếng trám, miếng trám này có thể nhô lên cao hơn bề mặt răng do tốc độ mòn thấp hơn mô răng xung quanh.
- Mặt nhai ở răng xuất hiện các hố dạng “lõm chén”
- Răng ê buốt, nhạy cảm.
3.4 Tổn thương mòn cổ răng
Đây là tình trạng thường gặp gây ê buốt răng ở người trung niên và lớn tuổi. Nguyên nhân gây ra do lực uốn tác động lên vùng cổ răng trong một thời gian dài. Tổn thương có dạng chữ V nằm ngay vùng cổ răng tiếp xúc với viền nướu.
Ở người lớn tuổi, tình trạng này được xem như mòn răng “sinh lí” do quá trình sử dụng. Tuy nhiên, nếu những tổn thương này xuất hiện ở người trẻ, nó là tình trạng đáng báo động vì có thể đi kèm những nguyên nhân ẩn khác.
4. Các yếu tố nguy cơ gây mòn răng?
Sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm cùng với thói quen ăn uống trong cuộc sống hiện đại ngày nay là một yếu tố nguy cơ rất lớn dẫn tới mòn răng.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tần suất ăn uống/tiêu thụ thực phẩm có tính axit có vai trò quan trọng hơn tổng lượng tiêu thụ trong việc gây mòn răng.
Một số loại đồ ăn, thức uống có tính axit có thể gây xoi mòn mô răng như:
- Nước uống có ga
- Nước uống thể thao, nước tăng lực
- Rượu, bia
- Nước ép trái cây, các loại trái cây có vị chua.
- Các loại rau dưa muối chua
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố liên quan đến cách sống có nguy cơ cao như:
- Chế độ ăn kiêng, giảm cân bằng thức uống có tính axit
- Không bù nước đủ hoặc uống các loại nước có tính axit sau khi chơi thể thao
- Stress gây nghiến răng, siết chặt răng ban ngày và đêm
- Thói quen xấu như: cắn bút, cắn móng tay, ngậm tẩu, cắn hạt, cắn các vật lạ, cứng…
5. Phải làm gì để phòng ngừa?
Một số lời khuyên sau có thể giúp bạn tránh được tình trạng mòn răng không mong muốn.
5.1 Những điều nên làm:
- Luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể, cũng như giảm thiểu sử dụng các thức uống có thể gây khô miệng như rượu bia, thức uống chứa caffein…
- Giảm thiểu sử dụng thức ăn có tính axit và nhận diện các loại thực phẩm có tính axit trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt là các loại axit citric, ascorbic, sodium citrate, tartaric, phosphoric, acetic, latic, malic và fumaric.
- Thức uống có tính axit phải được dùng nhanh. Nên sử dụng uống hút, tránh nhâm nhi hay súc miệng bằng loại nước uống này.
- Sử dụng các loại trái cây có tính axit tự nhiên, với lượng vừa phải.
- Nhai kẹo cao su không đường có thể giúp kích thích tiết nước bọt giúp trung hoà axit sau khi ăn. Tuy nhiên không nên nhai kẹo cao su quá thường xuyên do có thể dẫn tới bệnh lí về khớp hàm.
- Nên chải răng với bàn chải lông mềm, đầu nhỏ, dùng động tác xoay tròn nhẹ nhàng với các lông bàn chải nghiêng 45 độ hướng về nướu.
- Đến gặp nha sĩ ngay nếu bạn bị nhạy cảm / ê buốt răng hoặc có bất cứ biểu hiện nào của mòn răng.
5.2 Những điều nên tránh:
- Tránh dùng thức ăn có tính axit và thức ăn nhiều đường giữa các bữa ăn chính, giảm ăn vặt.
- Không nhai các loại thuốc hay thực phẩm bổ sung vitamin có tính axit cao mà nên nuốt trọn viên
- Tránh các thói quen xấu như: ngậm miếng chanh, cắn bút, tuốt dây điện hay cắn dây câu…
- Một vài loại thuốc có thể có tác dụng phụ gây khô miệng và giảm sự bảo vệ của nước bọt. Nếu có, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để thay thế thuốc khác có cùng tác dụng.
- Không chải răng quá mạnh, không dùng chỉ nha khoa thô bạo.
- Tuyệt đối không chải răng ngay sau khi sử dụng đồ ăn hay thức uống có tính axit, phải đợi ít nhất 1 giờ sau đó.
- Một số loại kem làm trắng răng có tác động gây mòn răng.
6. Mòn răng có điều trị được không?
Câu trả lời là không. Đây là tổn thương gây mất chất của răng và không thể hoàn nguyên được. Tuy nhiên, có thể phục hồi được bằng các vật liệu thay thế mô răng.
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ mòn mà bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp:
- Phòng ngừa và kiểm soát để tránh tình trạng nặng thêm.
- Tư vấn thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt
- Máng nhai để tránh tiếp xúc răng, bảo vệ răng khi nghiến
- Các biện pháp hoá học giúp giảm triệu chứng và tái khoáng mô răng (như Fluor, CCP – ACP, gel giảm ê buốt…)
- Phục hồi mô răng đã mất: Trám răng, bọc mão răng…
Điều quan trọng nhất đó là ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên khiến bạn nghĩ mình đang mắc phải tình trạng mòn răng bất thường, đừng nên chủ quan phớt lờ nó mà hãy đến nha sĩ ngay để được khám và điều trị thích hợp. Cũng đừng quên khám răng định kì để phát hiện kịp thời và tránh được những hậu quả không đáng có của tình trạng mòn răng này nhé.
Xem thêm các bệnh lý nha khoa khác tại đây ⇓⇓⇓
>>> Áp xe răng: Bệnh lý nha khoa bạn cần cẩn thận!
>>> Răng giả phục hồi vùng mất răng: Các loại, ưu và khuyết điểm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.