Mua bảo hiểm y tế 2019: Những điều cơ bản cần biết
Nội dung bài viết
Bảo hiểm y tế là hình thức chăm sóc sức khỏe rất cần thiết, giúp chia sẻ với nhau những rủi ro khi ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều người có thể cảm thấy bối rối khi mua bảo hiểm y tế. Bài viết dưới đây, YouMed sẽ tổng hợp những thông tin cần biết khi mua bảo hiểm y tế năm 2019 nhé.
Người lao động tham gia bảo hiểm y tế như thế nào?
Tham gia bảo hiểm là quyền và nghĩa vụ của nhiều người. Những người bắt buộc phải tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Hoặc làm việc theo hợp đồng ngắn hạn từ đủ 03 tháng trở lên.
- Cá nhân quản lý doanh nghiệp; điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người sử dụng lao động: cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác… Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Người lao động cùng lúc có từ 02 hợp đồng lao động trở lên với nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khác nhau thì đóng BHYT theo hợp đồng có mức tiền lương cao nhất.
Đối tượng cần mua bảo hiểm y tế đối với các hộ gia đình
Trừ những người được tính là đã tham gia BHYT (ví dụ: đã được cấp thẻ BHYT tại trường học, cơ quan). Số người còn lại chưa có thẻ BHYT là đối tượng phải mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, cần toàn bộ số người có tên trong sổ hộ khẩu phải cùng tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm cả những người nhập khẩu nhờ. Những người sau đây không được tính vào tổng số thành viên trong hộ gia đình:
- Người mặc dù có tên trong hộ khẩu nhưng đã có giấy tạm vắng do UBND xã, phường cung cấp.
- Người đã tách hộ khẩu.
Vì vậy, khi đi mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, bạn nên mang theo thẻ của các thành viên trong gia đình đã được cấp thẻ BHYT tại trường học, cơ quan.
Mua bảo hiểm y tế ở đâu?
Với học sinh, sinh viên
Học sinh, sinh viên có thể đăng ký mua bảo hiểm y tế ngay tại trường đang theo học.
Khi mua, học sinh, sinh viên chỉ cần thẻ học sinh/sinh viên, chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác có ảnh.
Với người làm nghề tự do, nội trợ, hoặc đối tượng khác có nhu cầu tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình
Hộ gia đình tham gia BHYT có thể mua tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc Đại lý thu trên địa bàn. Để mua BHYT theo hình thức này, đại diện hộ gia đình chuẩn bị và điền các giấy tờ như sau:
- Tờ khai tham gia BHYT;
- Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT;
- Bản chụp và bản chính sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (để đối chiếu); CMND;
- Bản chính hoặc bản chụp thẻ BHYT của những thành viên đã có thẻ để xác định việc giảm trừ mức đóng.
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan
Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người được Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng được mua BHYT tại chính đơn vị nơi đang làm việc hoặc tại cơ quan BHXH trên địa bàn.
Cần mang theo giấy tờ gì khi mua bảo hiểm y tế tự nguyện?
Thủ tục mua BHYT tự nguyện rất đơn giản. Theo công văn 3170/BHXH-BT, người dân chỉ cần điền đầy đủ các thông tin theo mẫu và bổ sung thêm các giấy tờ dưới đây:
- Đến điền tờ khai tham gia BHYT (01 bản/người);
- Mang theo bản sao và bản chính Sổ hộ khẩu; CMND;
- Bản chính hoặc bản chụp thẻ BHYT của các thành viên khác trong hộ khẩu đã có thẻ để xác định giảm trừ mức đóng.
Thủ tục mua BHYT tự nguyện như thế nào?
Sau khi có đủ các giấy tờ nêu trên, người mua BHYT tự nguyện đến cơ quan BHXH xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm và thực hiện theo trình tự sau:
- Xuất trình giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Hộ khẩu hoặc giấy tạm trú.
- Nộp hồ sơ, giấy tờ và đóng tiền tham gia BHYT tự nguyện theo quy định.
- Nhận giấy hẹn trả kết quả, căn cứ thời hạn trên giấy hẹn để đến nhận thẻ.
Ghi chú: Sau 10 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH sẽ giải quyết và cấp thẻ BHYT.
Ví dụ cụ thể về mua thẻ bảo hiểm y tế của một hộ gia đình
Hộ gia đình nhà ông A có 7 người, bao gồm: ông A, vợ ông A, mẹ ông A, con lớn, con nhỏ, 2 người ở trọ nhập khẩu nhờ.
- Ông A là viên chức nhà nước, đã được cấp thẻ BHYT tại cơ quan nơi ông A công tác.
- Vợ ông A 45 tuổi hiện làm nội trợ, không đi làm ở đâu.
- Mẹ ông A 82 tuổi, đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Con lớn nghề nghiệp tự do, đã lấy vợ và ở rể tại nhà vợ nhưng chưa cắt khẩu, cũng chưa đăng ký tạm vắng.
- Con nhỏ đang học đại học đã được cấp thẻ BHYT đối tượng sinh viên.
- Người nhập khẩu nhờ thứ 1 đang làm kế toán tại công ty nhưng chưa tham gia BHYT.
- Người nhập khẩu nhờ thứ 2 đang là học sinh (đã có thẻ BHYT của Học sinh).
Các thành viên tham gia BHYT nhà ông A được xác định như sau:
Bốn người đã có thẻ BHYT gồm:
- Ông A (đã có thẻ BHYT với đối tượng Viên chức)
- Con nhỏ (đã có thẻ BHYT đối tượng sinh viên)
- Mẹ ông A
- Người nhập khẩu nhờ thứ 2 (đã có thẻ BHYT đối tượng học sinh)
Ba người chưa có thẻ BHYT:
- Vợ ông A (nội trợ)
- Con lớn (nghề nghiệp tự do)
- Người nhập khẩu nhờ thứ 1 (kế toán nhưng chưa có BHYT)
Như vậy, hộ nhà ông A phải mua BHYT cho 3 người trên. Khi đến mua thẻ BHYT, cần photo thẻ BHYT của những người đã có thẻ BHYT.
Hồ sơ tham gia BHYT hộ gia đình của ông A bao gồm:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm mẫu TK01-TS (mỗi người một bản);
- Thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình đã có thẻ BHYT (nếu có);
- Sổ hộ khẩu photo 1 quyển;
- Tiền hoặc phiếu nộp tiền vào tài khoản của bảo hiểm xã hội.
Có thể được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian đợi cấp thẻ BHYT hay không?
Trường hợp có nhu cầu sử dụng thẻ nhưng chưa nhận được thẻ từ cơ quan BHXH, có thể sử dụng giấy tờ xác nhận đã nộp tiền được cung cấp để được hưởng bảo hiểm y tế
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã áp dụng giao dịch điện tử cho thủ tục đăng ký. Thủ tục được hỗ trợ qua nhà cung cấp EFY Việt Nam. Bạn có thể lên trang bảo hiểm xã hội điện tử EFY để tham khảo quy trình đóng bảo hiểm online.
Mức đóng đối với hộ gia đình là bao nhiêu?
Số tiền đóng bảo hiểm y tế được quy định là 4,5% mức lương cơ sở/tháng. Mức lương cơ sở được tính chung theo từng khu vực và thời điểm theo quy định của nhà nước. Mức đóng của từng thành viên như sau:
- Người thứ nhất: Đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ 2: Đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;
- Với người thứ 3: Đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 4: Đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 5 trở đi: Đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Cụ thể như bảng sau:
Mức đóng | Từ 01/07/2019 |
Người thứ 1 | 67.050 đồng/tháng |
Người thứ 2 | 46.935 đồng/tháng |
Người thứ 3 | 40.230 đồng/tháng |
Người thứ 4 | 33.525 đồng/tháng |
Từ người 5 trở đi | 26.820 đồng/tháng |
Lưu ý: Mức đóng trên có thể thay đổi tùy theo mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Trên đây là những thông tin cơ bản cần biết về bảo hiểm y tế năm 2019. Hi vọng YouMed đã cung cấp những điều hữu ích để bạn không còn bỡ ngỡ khi mua bảo hiểm.
> Tham gia bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nhất. Hãy tìm hiểu thêm về cách tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện tại đây.
Dược sĩ Tạ Hoàn Thiện Quân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Nguồn tham khảo:
http://bhxhtphcm.gov.vn
https://baohiemxahoidientu.vn/bhxh/bhyt-ho-gia-dinh-dai-ly-thu-bhyt-tu-nguyen-va-nhung-dieu-can-biet.html
https://luatvietnam.vn/bao-hiem/huong-dan-mua-bao-hiem-y-te-tu-nguyen-563-21519-article.html