Mụn nhọt ở mũi và những điều bạn không được chủ quan
Nội dung bài viết
Mọc mụn trên mặt là vấn đề hầu như ai cũng gặp phải trong đời. Tuy nhiên mụn nhọt mũi là một vị trí ít gặp hơn. Điều này cũng gây lo lắng nhiều hơn cho những người mắc phải. Vậy hôm nay, xin mời bạn cùng YouMed tìm hiểu về mụn nhọt ở mũi qua bài viết sau đây nhé.
Tôi có nên lo lắng về mụn nhọt mũi?
Mụn ở trong mũi có thể gây ra một ít khó chịu hoặc đôi khi dẫn đến nhiễm trùng. Hiểu được bản chất của mụn và học cách chăm sóc là điều cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm trùng lây lan và tiến triển nặng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 8 lý do khiến bạn bị mụn ở lưng và ngực
Nguyên nhân gây ra mụn nhọt ở mũi?
Các lỗ chân lông đôi khi bị bít tắc do dầu nhờn và tế bào da chết. Mụn xuất hiện khi dầu nhờn và da chết bắt đầu tích tụ trong lỗ chân lông. Mụn thường xuất hiện nhiều trên vùng mặt và vị trí bên trong mũi không phải là ngoại lệ.
Những người có miễn dịch kém hoặc bị tiểu đường là đối tượng dễ bị nhiễm trùng da. Điều này khiến cho họ dễ bị mọc mụn, bao gồm cả mụn ở trong mũi.
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào lỗ chân lông. Từ đó dẫn đến đỏ da, kích ứng và viêm khiến cho vùng mụn có cảm giác đau. Các vi khuẩn này có thể gây ra nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm tiền đình mũi và nhọt mũi.
Viêm tiền đình mũi
Tiền đình mũi là vùng cửa vào của lỗ mũi. Viêm tiền đình mũi còn gọi là viêm nang lông. Tình trạng này gây ra một khối sưng viêm, đỏ ở vùng lỗ mũi.
Vi khuẩn tụ cầu là nguyên nhân thường gặp gây viêm nang lông. Những thói quen, như móc mũi hay xì mũi thường xuyên, có thể góp phần làm viêm nang lông.
Nhọt mũi và viêm mô tế bào
Đây là một nhiễm trùng sâu của mũi.
Mụn nhọt ở mũi được xem là nghiêm trọng hơn bởi vì nó có thể dẫn đến viêm mô tế bào. Viêm mô tế bào là một nhiễm trùng da lan nhanh và có thể xâm nhập vào dòng máu. Tình trạng này có thể gây lõm da, sưng đỏ da do viêm. Trong một số trường hợp, viêm mô tế bào có thể gây tử vong.
Vi khuẩn tụ cầu, phế cầu thường là nguyên nhân của viêm mô tế bào. Một số chủng vi khuẩn có thể kháng nhiều loại khoáng sinh, gây ra khó khăn cho việc điều trị. Trong một vài trường hợp, các vi khuẩn này có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Vì sao mụn hay tái phát?
Lông mọc ngược
Mụn ở trong lỗ mũi cũng có thể là do hậu quả của tình trạng lông mọc ngược. Một số người có thể bị mụn ở trong mũi sau khi thử qua các phương pháp tẩy lông ở mũi.
Khi nào thì nên đi khám bác sĩ để điều trị?
Bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ nếu có những triệu chứng sau:
- Giảm thị lực hoặc nhìn 1 hình ra 2 hình
- Chóng mặt
- Phát ban sưng, đỏ và đau đi kèm với sốt
- Đột ngột mất tri giác
- Đồng tử 2 bên mắt không đều
Nếu mụt nhọt ở trong mũi diễn biến ngày càng xấu và đau hơn thì cũng nên đi khám bác sĩ. Bạn có thể tìm hiểu thêm: Điều trị mụn dưới góc nhìn của bác sĩ
Huyết khối xoang tĩnh mạch ở vùng sọ: một tình trạng nguy hiểm
Mụn ở lỗ mũi nếu bị nhiễm trùng có thể rất nguy hiểm. Lí do là vì một số mạch máu ở vùng này dẫn lên não.
Mặc dù hiếm, tuy nhiên một tình trạng rất nghiêm trọng có thể xảy ra đó là huyết khối ở mạch máu vùng sọ. Có một mạch máu rất lớn ở vùng sọ mà khi mụn nhọt ở mũi bị nhiễm trùng thì nó có thể tạo ra cục máu đông ở mạch máu này, gây tắc mạch.
Dấu hiệu báo hiệu cho tình trạng này gồm có:
- Đau đầu.
- Giảm thị lực.
- Lơ mơ.
- Lồi mắt.
- Nhìn 1 hình thành 2 hình và đau mắt.
- Đồng tử 2 mắt không đều.
- Sốt cao bất thường.
Mụn nhọt ở mũi được bác sĩ chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về các triệu chứng, chẳng hạn như:
- Mới đầu khi bạn phát hiện ra mụn thì nó trông như thế nào? Nó biến đổi ra sao?
- Có những khó chịu nào khác mà bạn cho là có liên quan đến mụn ở lỗ mũi?
- Bạn phát hiện ra mụn này từ khi nào?
- Có máu hay mủ chảy ra từ mụn không?
Tùy tình trạng mà bác sĩ có thể cho thêm một số xét nghiệm hay chụp chiếu khác nhau. Hãy theo dõi đoạn video sau:
Cách trị mụn nhọt ở mũi như thế nào?
Loại mụn kiểu như mụn trứng cá thì theo thời gian thường tự hết bằng cách chăm sóc da mặt.
Các trường hợp có nhiễm trùng thì sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Kháng sinh thường được sử dụng tại chỗ bằng cách bôi trực tiếp bằng thuốc bôi như bacitracin hay mupirocin. Một số trường hợp nghiêm trọng đôi khi cần phải nhập viện để điều trị bằng truyền thuốc.
Hiếm gặp hơn, một số bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng cần phải phẫu thuật để giải phóng bớt mủ.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Trị mụn đơn giản với 8 cách thực hiện tại nhà
Có an toàn không nếu tự nặn mụn nhọt ở mũi tại nhà?
Những hành vi như móc, gãi, hay nặn mụn có thể khiến cho nhiễm trùng dễ xảy ra hơn. Để cho mụn tự lành mà không đụng đến nó sẽ ngăn ngừa được các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Nếu bạn thấy quá khó chịu, hãy cân nhắc đi gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể chích mủ trong mụn ra một cách an toàn cho bạn.
Làm sao để phòng ngừa mụn mọc ở lỗ mũi?
Tránh móc mũi và xì mũi quá mạnh hoặc quá thường xuyên. Bạn cũng nên tránh dùng tay chưa được rửa sạch chạm vào mũi. Điều này giúp ngăn ngừa các kích thích bên trong mũi có thể hình thành nên mụn.
Tăng cường hấp thu vitamin D cũng có thể giúp phòng ngừa mụn trứng cá nói chung. Stress, căng thẳng cũng khiến cho mụn bị nặng hơn và chậm lành.
Như vậy, có thể thấy mụn nhọt ở mũi cũng khá giống với tình trạng mụn trứng cá ở trên mặt. Tuy nhiên, cần lưu ý đôi khi nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý đúng cách. Hi vọng qua bài viết trên của YouMed, bạn đã không còn quá lo lắng về vấn đề này và có thể đối phó với mụn một cách tự tin rồi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to Get Rid of Pimple Inside Nosehttps://www.healthline.com/health/pimple-inside-nose#prevention
Ngày tham khảo: 09/03/2020
-
What causes a pimple in the nose?https://www.medicalnewstoday.com/articles/323322#prevention
Ngày tham khảo: 09/03/2020