Mướp sát: Dược liệu độc với tiềm năng trong điều trị ung thư
Nội dung bài viết
Mướp sát là một cây thuốc có độc tính. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy cây thuốc này có nhiều tiềm năng trong điều trị ung thư. Hãy cùng tìm hiểu về cây Mướp sát, tác dụng gây độc như thế nào và tiềm năng trong điều trị ung thư qua bài viết sau đây.
1. Mô tả cây thuốc Mướp sát
Cây Mướp sát có tên khoa học là Cerbera manghas L., thuộc họ Trúc đào. Cây nhỡ hay to, cao chừng 4 – 6m. Cành cây thô to, vỏ xù xì, có gỗ mềm. Toàn thân có nhựa mủ trắng.
Lá mọc so le, thường tập trung ở đầu cành, hình thuôn dài. Chiều dài lá chừng 20 – 30cm, chiều rộng 2 – 4cm, mặt trên bóng.
Hoa màu trắng, rất thơm. Quả ra thành từng cặp, hình bầu dục nhọn, màu đỏ, to như quả trứng gà. Cây ra hoa tháng 3 – 5, có quả tháng 6 – 8.
Mướp sát thường mọc hoang ở vùng ẩm thấp, bờ biển như miền Trung, miền Nam nước ta. Ngoài ra, cây còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Úc… Cây còn được trồng ven đường, vườn hoa lấy bóng mát, làm cảnh và trồng ở bờ biển để chắn sóng.
2. Bộ phận dùng và thành phần hóa học
2.1. Bộ phận dùng
Bộ phận dùng của Mướp sát gồm nhựa cây, vỏ, lá, nhân hạt. Có thể thu hái vỏ, lá và nhựa quanh năm. Hạt lấy ở quả chín phơi khô, dùng nhân hạt ép dầu.
2.2. Thành phần hóa học
Các chất chính mang lại các công dụng của Mướp sát là cerberin, neriifolin, tanghinin và deacetyltanghinin, cardenolide.
Hạt khô chứa 43,1% dầu, trong hạt có 2 glycosid là cerberin và cerberoside. Cerberin là chất độc thần kinh, cerbeside không độc bằng cerberin. Nhựa chứa thevetin nhưng dịch lá và vỏ lại không có chất độc. Các glycosid chính của nhân hạt có độc tính là cerberin, neriifolin và thevetin (xem giải thích về glycosid ở phần sau của bài viết).
>> Nhiều dược liệu tuy có độc tính nhưng lại sở hữu khả năng điều trị bệnh hiệu quả. Đọc thêm: Phụ tử: Không chỉ là vị thuốc có độc tính.
3. Tính vị, tác dụng và cách dùng
Quả, cành, lá, hạt đều có độc, mủ không độc. Vỏ cây, lá và mủ gây xổ.
Hạt và cây dùng để duốc cá. Duốc cá là dùng loại thuốc nào đó hòa vào nước để cá tê liệt tạm thời, dễ đánh bắt. Nếu sau đó nồng độ thuốc trong được pha loãng, cá có thể hoạt động lại bình thường.
Theo kinh nghiệm dân gian, dầu hạt bôi lên chỗ ngứa hoặc bôi lên tóc trừ chấy. Nhựa mủ gây nôn và tẩy. Nhựa dùng chữa táo bón, chữa bệnh ngoài da, vết cắn, vết đứt và các vết thương khác. Vỏ thân và lá cũng dùng gây nôn, tẩy xổ.
Ngày nay, người ta dùng các glycosid chiết từ hạt bào chế thuốc chữa suy tim.
4. Glycosid tim là gì?
Trong tự nhiên có rất nhiều dược liệu có thể chiết xuất các chất dùng để điều trị bệnh lý tim mạch. Các hoạt chất này thường được tập hợp vào nhóm gọi là glycosid tim. Một ví dụ điển hình, 2 loại thuốc dùng trong điều trị suy tim là digitoxin và digoxin được chiết xuất từ các loài Dương địa hoàng.
Tương tự như vậy, các hoạt chất trong Mướp sát như cerberin, neriifolin, tanghinin… cũng là các glycosid tim. Tuy nhiên, vì tính chất quan trọng của hệ tim mạch, các thuốc cần có liều lượng thích hợp với tình trạng bệnh. Do đó, để sử dụng, các glycosid tim cần được chiết xuất, định lượng, đóng góp phù hợp để đảm bảo tác dụng.
Không nên sử dụng toàn cây thuốc hay hạt để trị bệnh vì sẽ gây các nguy hiểm khó lường.
5. Nghiên cứu khoa học về hoạt tính chống ung thư của các chất chiết xuất từ Mướp sát
Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều nghiên cứu về các hoạt chất chiết xuất từ Mướp sát trong chống ung thư. Có thể điểm qua như:
- Các chất phân lập từ hạt Mướp sát là Neriifolin, 2′-epi-2′-O-Acetylthevetin B, β-d-Glucosyl-(1–4)-α-l-thevetosides cho thấy tác dụng chống ung thư mạnh mẽ trong ung thư biểu mô tế bào gan ở người.
- Tanghinigenin chiết xuất từ hạt tác động lên các tế bào bệnh bạch cầu nguyên bào nuôi ở người, chống ung thư máu.
- Axit cerberic A và B phân lập từ vỏ, quả Mướp sát tác động chống các tế bào ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
- Dehydrocerberin, deacetyltanghinin và tanghinin chiết xuất từ hạt thể hiện các hoạt động gây độc tế bào chống lại ung thư biểu mô miệng, ung thư vú và ung thư phổi tế bào nhỏ.
- Các chất phân lập từ rễ cây Mướp sát cho thấy tác dụng chống tăng sinh ở tế bào ung thư đại tràng ở người.
- Chiết xuất của Mướp sát ức chế hiệu quả khả năng tồn tại của các dòng tế bào u nguyên bào thần kinh đệm.
Ngoài ra, chiết xuất Mướp sát bằng methanol có tác dụng chống viêm, tác động tích cực lên viêm gan, viêm phúc mạc và viêm dạ dày.
Tóm lại, Mướp sát là một cây thuốc với thành phần hóa học chủ yếu là glycosid tim, có độc tính cao. Do đó, không được tự ý sử dụng cây thuốc này để trị bệnh. Những nghiên cứu gần đây hứa hẹn tiềm năng điều trị ung thư của nhiều loại hoạt chất chiết xuất từ Mướp sát.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội
- Võ Văn Chi (2012). Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 2. NXB Y học, Hà Nội
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs. (2004), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội
- Zhao Q, Guo Y, Feng B, Li L, et al, (2011), "Neriifolin from seeds of Cerbera manghas L. induces cell cycle arrest and apoptosis in human hepatocellular carcinoma HepG2 cells", Fitoterapia, 82 (5), pp. 735-741
- Wang G-F, Guo Y-W, Feng B, Li L, et al, (2010), "Tanghinigenin from seeds of Cerbera manghas L. induces apoptosis in human promyelocytic leukemia HL-60 cells", Environmental Toxicology and Pharmacology, 30 (1), pp. 31-36
- Carlier J, Guitton J, Bévalot F, Fanton L, et al, (2014), "The principal toxic glycosidic steroids in Cerbera manghas L. seeds: Identification of cerberin, neriifolin, tanghinin and deacetyltanghinin by UHPLC–HRMS/MS, quantification by UHPLC–PDA-MS", Journal of Chromatography B, 962 pp. 1-8
- Cheenpracha S, Karalai C, Rat-a-pa Y, Ponglimanont C, et al, (2004), "New Cytotoxic Cardenolide Glycoside from the Seeds of Cerbera manghas", Chemical and Pharmaceutical Bulletin, 52 (8), pp. 1023-1025
- Fumiko Abe , Tatsuro Yamauchi (1977), "Studies on Cerbera. I. Cardiac Glycosides in the Seeds, Bark, and Leaves of Cerbera manghas L", Chemical & Pharmaceutical Bulletin, 25 (10), pp. 2744-2748
- Feng B, Guo Y-W, Huang C-G, Li L, et al, (2010), "2′-epi-2′-O-Acetylthevetin B extracted from seeds of Cerbera manghas L. induces cell cycle arrest and apoptosis in human hepatocellular carcinoma HepG2 cells", Chemico-Biological Interactions, volume 183 (1), pp. 142-153
- Chang L C, Gills J J, Bhat K P L, Luyengi L, et al, (2000), "Activity-guided isolation of constituents of Cerbera manghas with antiproliferative and antiestrogenic activities", Bioorganic & Medicinal Chemistry Letters, volume 10 (21), pp. 2431-2434
- Feng B, Guo Y-W, Huang C-G, Li L, et al, (2012), "β-d-Glucosyl-(1–4)-α-l-thevetosides of 17β-digitoxigenin from seeds of Cerbera manghas L. induces apoptosis in human hepatocellular carcinoma HepG2 cells", Experimental and Toxicologic Pathology, volume 64 (5), pp. 403-410
- Zhang X P, Liu M S, Pei Y H, Zhang J Q, et al, (2010), "Phenylpropionic acid derivates from the bark of Cerbera manghas", Fitoterapia, volume 81 (7), pp. 852-854
- Tsai J-C, Liu W-S, Tseng Y-T, Lam H-I, et al, (2018), "Extracts of Cerbera manghas L. effectively inhibit the viability of glioblastoma cell lines and their cancer stemloids in vitro and in mouse xenograft model", Journal of Functional Foods, volume 48 pp. 283-296
- Yi Y-S, Cho J Y, Kim D, (2016), "Cerbera manghas methanol extract exerts anti-inflammatory activity by targeting c-Jun N-terminal kinase in the AP-1 pathway", Journal of Ethnopharmacology, volume 193 pp. 387-396
- Frishman, William H., Stephen T. Sinatra, and Mohammed Moizuddin. "The use of herbs for treating cardiovascular disease." Seminars in Integrative Medicine. Vol. 2. No. 1. WB Saunders, 2004. Pp.23-35
- Jeong H Y, Sung G H, Kim J H, Yoon J Y, et al, (2014), "Syk and Src are major pharmacological targets of a Cerbera manghas methanol extract with kaempferol-based anti-inflammatory activity", J Ethnopharmacol, volume 151 (2), pp. 960-969