YouMed

Nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm): nguyên nhân và cách điều trị

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Nấm âm đạo là tình trạng viêm âm đạo gây ra bởi nấm thường gặp ở nữ giới. Khi thấy dịch tiết âm đạo bất thường, chị em sẽ lo lắng rằng liệu mình có bị nhiễm nấm hay không? Vậy triệu chứng của bệnh là gì? Bác sĩ sẽ điều trị ra sao? Những thói quen nào cần tránh để phòng ngừa bệnh? Cùng tìm hiểu về nấm âm đạo trong bài viết này của Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh nhé.

Tổng quan

Nhiễm nấm âm đạo hay viêm âm đạo do nấm là tình trạng nấm phát triển quá mức ở vùng âm đạo. Hậu quả của tình trạng viêm là gây đau rát, tiết dịch âm đạo và ngứa ngáy ở vùng âm đạoâm hộ – cơ quan sinh dục ngoài ở nữ giới.

Đây là bệnh lý thường gặp. Khoảng 75% phụ nữ nhiễm nấm âm đạo ít nhất 1 lần trong đời. Có nhiều phụ nữ tái phát từ 1 đến 2 lần và những cơ địa đặc biệt còn tái phát nhiều hơn. Dù không được xem là bệnh lây qua đường tình dục, nhưng nhiễm nấm thường hay xảy ra sau lần quan hệ tình dục đầu tiên. Viêm nhiễm âm đạo do nấm cũng có thể liên quan đến quan hệ tình dục đường miệng – sinh dục.

Dùng thuốc đúng và đủ có thể hiệu quả để điều trị nhiễm nấm thông thường và không biến chứng. Tuy nhiên, nếu nấm tái phát nhiều lần (4 lần trở lên trong vòng 1 năm), bác sĩ sẽ đề nghị tìm nguyên nhân và điều trị dài hơn.

Nguyên nhân gây nấm âm đạo

Hầu hết viêm âm đạo gây ra bởi nấm Candida albicans. Thông thường, vùng âm đạo có hệ khuẩn cân bằng giữa nấm và các vi khuẩn thường trú. Vi khuẩn thường trú Lactobacillus có nhiệm vụ ngăn chặn sự phát triển quá mức của nấm. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, sự phát triển quá mức của nấm hoặc sự xâm nhập của chúng vào các lớp tế bào niêm mạc âm đạo có thể gây ra viêm âm đạo.

Có những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng mất cân bằng này. Chẳng hạn như:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh. Vài loại thuốc kháng sinh có thể gây mất cân bằng hệ khuẩn âm đạo.
  • Mang thai.
  • Đái tháo đường không kiểm soát.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Sử dụng các loại thuốc có chứa hormone làm tăng estrogen quá mức (nội tiết tố nữ).
Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến viêm âm đạo do nấm
Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến viêm âm đạo do nấm

Candida albicans là loại nấm thường gặp nhất, nên được gọi là nấm điển hình. Những loại nấm khác gây viêm âm đạo được xếp loại viêm âm đạo có biến chứng. Những loại nấm này thường khó điều trị và cần sử dụng những loại thuốc mạnh hơn.

Triệu chứng viêm âm đạo do nấm

1. Triệu chứng của nhiễm nấm có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Ngứa ngáy, khó chịu vùng âm đạo và âm hộ.
  • Cảm giác nóng rát “cô bé”, đặc biệt lúc quan hệ hay đi tiểu.
  • Sưng và đỏ vùng âm đạo.
  • Đau, khô rát vùng âm đạo, nhất là khi quan hệ tình dục.
  • Dịch tiết âm đạo là những mảng trắng dày, bở; nhìn giống như những mảng phô mai.

2. Viêm nhiễm âm đạo do nấm có biến chứng

Bệnh được chia thành hai dạng: biến chứng và không có biến chứng. Nếu có một trong các tình trạng sau, viêm âm đạo được xếp loại có biến chứng:

  • Các triệu chứng ở mức độ nặng. Viêm đỏ nặng nề âm đạo dẫn đến âm đạo có những vết loét hay vết nứt gây đau.
  • Nhiễm nấm tái phát 4 lần hoặc hơn trong một năm.
  • Viêm âm đạo do nấm không điển hình, tức không phải do Candida albicans.
  • Xảy ra trên phụ nữ mang thai.
  • Viêm âm đạo do nấm trên bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát tốt.
  • Có tình trạng suy giảm miễn dịch do dùng thuốc hoặc do bệnh lý như HIV.
Các triệu chứng thường gặp của viêm âm đạo do nấm
Các triệu chứng thường gặp của viêm âm đạo do nấm

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu:

  • Đây là lần đầu bạn có bất kỳ triệu chứng nào.
  • Triệu chứng không giảm sau khi điều trị bởi các thuốc không kê đơn.
  • Có một trong các tình trạng thuộc xếp loại viêm âm đạo do nấm có biến chứng.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy sử dụng quần lót vừa vặn và thấm hút tốt.

Những yếu tố sau cũng có thể làm nặng hơn tình trạng viêm âm đạo, bạn cần tránh:

  • Mặc quần quá bó, quá chật.
  • Thụt rửa âm đạo. Thói quen này không giúp làm sạch âm đạo mà còn làm mất đi những vi khuẩn thường trú bảo vệ vùng kín.
  • Sử dụng các sản phẩm có chất tạo mùi, như các chất tẩy rửa, nước hoa vùng kín, băng vệ sinh hay tampon có hương thơm.
  • Tắm nước quá nóng hoặc vệ sinh vùng kín bằng nước quá nóng.
  • Sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định.
  • Mặc quần áo ẩm ướt. Mặc quần bơi hoặc quần áo tập trong thời gian dài.
Chọn quần lót phù hợp: vừa vặn và thấm hút tốt
Chọn quần lót phù hợp: vừa vặn và thấm hút tốt

Chẩn đoán nấm âm đạo

Để chẩn đoán viêm âm đạo do nấm, bác sĩ sẽ:

1. Hỏi về tiền sử bệnh lý

Bao gồm các thông tin chung về tình trạng sức khỏe, các bệnh lý nội khoa. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tình trạng quan hệ tình dục, tiền sử bệnh và các bệnh lây qua đường tình dục khác.

2. Khám vùng chậu

Bác sĩ sẽ khám vùng cơ quan sinh dục ngoài để kiểm tra tình trạng viêm. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt dụng cụ gọi là mỏ vịt vào trong âm đạo để quan sát được rõ hơn phía bên trong.

3. Xét nghiệm dịch tiết âm đạo

Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch tiết để làm xét nghiệm xem loại nấm nào gây viêm âm đạo. Xác định chủng nấm sẽ giúp bác sĩ có phác đồ điều trị hiệu quả hơn, đặc biệt khi tái phát hay có biến chứng.

Điều trị viêm âm đạo do nấm

Việc chữa nấm âm đạo do nấm tùy thuộc vào độ nặng của triệu chứng và mức độ tái phát có thường xuyên hay không.

1. Với triệu chứng nhẹ đến vừa và ít tái phát

Đối với những trường hợp này, bác sĩ thường sẽ yêu cầu:

  • Điều trị ngắn ngày thuốc đặt âm đạo. Các thuốc kháng nấm sử dụng trong vòng 3 đến 7 ngày thông thường sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm. Thuốc kháng nấm có thể ở dạng kem, dạng thuốc mỡ hoặc dạng viên đặt.
  • Điều trị liều thuốc uống duy nhất. Bác sĩ có thể kê đơn một liều thuốc kháng nấm đường uống. Với triệu chứng nặng, có thể cần điều trị nhiều ngày hơn với số liều và số ngày nhiều hơn.
  • Phụ nữ có thai không nên sử dụng thuốc kháng nấm đường uống liều cao. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có điều trị phù hợp.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng không giảm sau điều trị hoặc bạn tái phát trong vòng 2 tháng.

2. Nếu triệu chứng ở mức độ nặng, hoặc tái phát thường xuyên

Đối với những trường hợp này, bác sĩ sẽ cần phác đồ điều trị mạnh tay hơn.

  • Thuốc đặt âm đạo dài ngày. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm mỗi ngày trong vòng 2 tuần, sau đó mỗi liều một tuần trong vòng 6 tháng. Cần tuân thủ điều trị để đạt hiệu quả cũng như giảm tái phát.
  • Thuốc kháng nấm đường uống đa liều.
  • Tìm nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ gây viêm âm đạo do nấm có biến chứng.

Chuẩn bị khi đến khám bác sĩ

Nếu bạn đã từng điều trị nấm âm đạo trong quá khứ, hãy thông báo cho bác sĩ về thời gian mắc bệnh và điều trị như thế nào, trong bao lâu. Ngoài ra, hãy nói cho bác sĩ về tiền căn các bệnh lý phụ khoa hay các bệnh mà bạn dùng thuốc điều trị.

Tìm hiểu thêm bài viết: Nhiễm khuẩn âm đạo: Những tác hại khôn lường.

Hãy đi thăm khám ngay để phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng
Hãy đi thăm khám ngay để phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng

1. Những thông tin nên chuẩn bị

  • Liệt kê những triệu chứng mà bạn có. Thời gian và độ nặng của triệu chứng. Các triệu chứng này ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn như thế nào?
  • Mang theo các đơn thuốc phụ khoa cũ. Hãy liệt kê ngắn gọn những bệnh phụ khoa bạn đã mắc (nếu có) và đã điều trị như thế nào.
  • Các bệnh lý đang mắc (nếu có) và những thuốc đang dùng.
  • Tránh sử dụng tampons hoặc thụt rửa âm đạo trước khi khám phụ khoa.
  • Ghi nhớ những điều cần hỏi bác sĩ.

2. Những vấn đề cần thảo luận với bác sĩ

  • Tôi có cần điều trị không?
  • Thuốc được dùng như thế nào? Bao nhiêu liều một ngày và trong bao lâu?
  • Cần theo dõi những triệu chứng nào?
  • Khi nào cần tái khám?
  • Có cách nào phòng ngừa bệnh không?

Đừng ngại ngần, hãy hỏi bác sĩ những vấn đề khiến bạn lo lắng. Cần đảm bảo rằng bạn hiểu rõ cách dùng thuốc và tuân thủ việc điều trị đúng cách.

Nhiễm nấm âm đạo là tình trạng viêm âm đạo do nấm gây các triệu chứng như ngứa ngáy, khô rát âm đạo hay dịch tiết âm đạo trắng, dày như phô mai. Khi có bất kỳ triệu chứng nào, hãy đi khám tại bác sĩ phụ khoa để được điều trị thích hợp. Để ngừa nấm, bạn cần chú ý chọn quần lót vừa vặn, thấm hút tốt để giữ “cô bé” luôn thông thoáng. Không mặc quần lót ẩm ướt, quá chật và hạn chế thói quen thụt rửa âm đạo để bảo vệ vùng kín. Chúc các chị em luôn khỏe mạnh!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Yeast infection (vaginal)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/yeast-infection/symptoms-causes/syc-20378999

    Ngày tham khảo: 01/03/2023

  2. Bệnh viện Từ Dũ (2015). Viêm âm đạo do nấm, Phác đồ điều trị Sản - Phụ khoa, xuất bản lần thứ 3.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/03/so-y-te-tphcm-benh-vien-tu-du-phac-do-dieu-tri-san-phu-khoa-2015.pdf

    Ngày tham khảo: 01/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người