Nấm thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Nấm thanh quản là một trong những bệnh lý khá hiếm gặp ở thanh quản. Đây còn gọi là bệnh viêm thanh quản do nấm. Nguyên nhân gây ra bệnh là gì? Và bệnh lý nấm xảy ra ở thanh quản có nguy hiểm hay không? Việc điều trị có khó khăn không? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang.
Khái niệm về nấm thanh quản
Nấm thanh quản còn được gọi là viêm thanh quản do nấm. Viêm thanh quản do nấm thường xuất hiện ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Có thể là suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải. Tuy nhiên, bệnh lý này ít phổ biến. Trừ khi chẩn đoán viêm thanh quản do nấm được chủ động xem xét. Nếu không, chúng ta có thể bỏ sót dẫn đến điều trị không thích hợp, làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng.1
Cần xem xét và chú ý nhiều hơn ở bất kỳ bệnh nhân nào có hệ miễn dịch bình thường bị viêm thanh quản dai dẳng hoặc khó chữa. Đồng thời có các yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giảm hàng rào niêm mạc tại chỗ. Ví dụ: Trào ngược dạ dày thực quản, hút thuốc hoặc sử dụng corticoide dạng hít.1 Sự hiện diện của nhiễm nấm ở thanh quản có thể tương tự bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh u hạt và ung thư biểu mô. Các tình trạng như trào ngược dạ dày, sử dụng kháng sinh, corticoide dạng hít đều có thể dẫn đến nấm thanh quản.2
Sinh lý bệnh của bệnh viêm thanh quản do vi nấm
Viêm thanh quản gây ra bởi vi nấm nguyên phát là tình trạng nhiễm nấm thanh quản mà không ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khác. Chẳng hạn như phổi, hầu, khoang miệng. Nó là một thực thể lâm sàng khá hiếm gặp, đặc biệt là ở những bệnh nhân có khả năng miễn dịch bình thường. Aspergillus fumigatus và Candida albicans là những loại nấm phổ biến có liên quan đến viêm thanh quản do nấm nguyên phát.2
Trong khi đó, viêm thanh quản do vi nấm thứ phát thường xảy ra ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch mức độ trung bình đến nặng. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, các tế bào nấm vốn bình thường không gây bệnh sẽ tấn công cơ thể. Hệ miễn dịch suy yếu của cơ thể không đủ sức đề kháng với vi nấm dẫn đến nhiễm nấm. Khi ấy, nấm thanh quản thứ phát là do sự lây lan nấm từ các vị trí khác như não, họng, mũi, hầu, thực quản,…
Những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh
Những đối tượng sau đây là những người có nguy cơ cao bị viêm nhiễm nấm thanh quản do vi nấm đó là:2
- Người nghiện rượu.
- Mắc bệnh đái tháo đường.
- Nhiễm HIV – AIDS.
- Sử dụng corticoide kéo dài để điều trị một số bệnh. Chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, hội chứng thận hư, suy thượng thận,…
- Mắc các bệnh lý ác tính như: Bạch cầu cấp, bạch cầu mạn.
- Sử dụng thường xuyên các thuốc ức chế miễn dịch như: Azathioprin, Cyclosporin, Chlorambucil,…
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
- Bệnh nhân ghép tạng phải dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Suy tuyến giáp.
Triệu chứng của bệnh
Trong phần lớn các trường hợp, bệnh nấm thanh quản không có triệu chứng gì đặc trưng. Các triệu chứng thường gặp của bệnh là không đặc hiệu, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh khác. Các triệu chứng điển hình của bệnh gồm có:
1. Triệu chứng cơ năng
Bao gồm các triệu chứng như ho, khàn giọng, ngứa cổ họng, đau họng, khó thở, thở có tiếng rít thanh quản.2 Các triệu chứng này thường kèm theo tình trạng viêm sung huyết, phù nề thanh quản gây cản trở hoạt động hô hấp của người bệnh. Tùy theo mức độ viêm mà thể chất và cuộc sống hàng ngày của người bệnh sẽ suy giảm từ ít đến nhiều.
2. Triệu chứng toàn thân
Các triệu chứng toàn thân của bệnh viêm thanh quản do nấm thường khá nghèo nàn, ít có những dấu hiệu đặc trưng nổi bật. Một số người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, uể oải, chán ăn, buồn nôn,…
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Những triệu chứng được phát hiện trên lâm sàng là những yếu tố rất quan trọng hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Từ những dấu hiệu lâm sàng ấy, các bác sĩ chuyên khoa sẽ định hướng đến các xét nghiệm cần thiết để xác định chẩn đoán. Chẳng hạn như xét nghiệm mô bệnh học, vi sinh, miễn dịch học hay sinh học phân tử để có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất.
1. Dịch tễ lâm sàng
Các yếu tố dịch tễ gợi ý nguy cơ cao mắc viêm nhiễm thanh quản do vi nấm bao gồm:
- Người bệnh trong độ tuổi lao động.
- Nghề làm ruộng là nhóm nghề có tỷ lệ mắc bệnh khá cao.2
- Cuối mùa hạ và đầu mùa thu là khoảng thời gian có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
- Các yếu tố có liên quan mật thiết đến bệnh là sử dụng kháng sinh phổ rộng, corticoide kéo dài, hoặc sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm.
2. Triệu chứng cơ năng
Các triệu chứng hỗ trợ chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Khàn giọng: Khởi phát từ nhẹ đến nặng dần. Sau cùng là mất giọng, khi nói chỉ nghe tiếng thều thào, không rõ câu chữ.
- Ho: Thường ho khan, ít khi ho có đàm.
- Ngứa họng: Làm cho bệnh nhân ho và cảm thấy rất khó chịu.
- Khó thở thanh quản: Chính tình trạng sung huyết và phù nề do viêm đã gây ra khó thở thanh quản. Tuy nhiên, triệu chứng này ít gặp.
- Toàn thân: Sốt nhẹ, kéo dài, mệt mỏi, ít khi sụt cân.
3. Triệu chứng thực thể2
- Soi thanh quản gián tiếp: Phát hiện thấy giả mạc ở thanh quản. Đây là dấu hiệu rất quan trọng giúp định hướng đến bệnh.
- Nội soi thanh quản hay soi thanh quản trực tiếp để xác định chính xác giả mạc và độ lây lan của nó.
4. Cận lâm sàng
Xét nghiệm vi nấm
Soi trực tiếp: Là phương pháp cho kết quả nhanh chóng nhưng độ chính xác không cao. Khi thấy các tế bào nấm men nảy chồi cùng với các sợi nấm và nhiều sợi nấm giả thì bác sĩ có thể xác định đó là vi nấm gây bệnh. Trong trường hợp chỉ thấy bào tử nấm thì không thể kết luận đó là nấm gây bệnh.
Nuôi cấy nấm: Được xem là xét nghiệm giúp xác định nấm gây bệnh nếu thấy có khóm nấm thuần nhất xuất hiện trên môi trường nuôi cấy. Nuôi cấy còn cho phép định danh loại vi nấm gây bệnh, làm cơ sở cho việc lựa chọn thuốc ưu tiên điều trị. Có hai giống nấm thường gây bệnh ở châu Á là Aspergillus và Candida.
Xét nghiệm mô bệnh học
Xét nghiệm mô bệnh học vừa hỗ trợ chẩn đoán xác định, vừa giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác tại thanh quản. Vì vậy, xét nghiệm này không nên tiến hành riêng lẻ mà phải kết hợp với các xét nghiệm tìm vi nấm. Khi thấy có tổn thương loạn sản tế bào, một kế hoạch theo dõi lâu dài cần được đề nghị để phát hiện sớm bệnh ung thư thanh quản.
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh viêm thanh quản do vi nấm có thể chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau:
- Viêm thanh quản do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.
- Lao thanh quản.
- Ung thư thanh quản.
- Dị vật thanh quản.
Điều trị bệnh như thế nào?
Nguyên tắc trị bệnh là kết hợp giữa việc điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.
1. Điều trị tại chỗ
Bóc tách và gỡ bỏ giả mạc để loại trừ tác nhân gây bệnh. Mục đích của việc này là giảm liều thuốc uống, rút ngắn thời gian điều trị và phục hồi nhanh chóng khả năng phát âm cho người bệnh. Có thể chấm thuốc kháng nấm tại chỗ bị viêm. Tuy nhiên, với các bệnh nhân phản xạ thanh quản quá mạnh thì cách này khó thực hiện.
2. Điều trị toàn thân
Sử dụng thuốc kháng nấm đường uống có hiệu quả đối với những trường hợp viêm thanh quản do nấm đơn thuần. Đồng thời, người bệnh không bị suy giảm miễn dịch đáng kể.
- Viêm thanh quản do nấm Aspergillus: dùng với liều 200 mg/ngày, trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 tuần.
- Viêm thanh quản do nấm Candida: Có thể dùng Itraconazol đường uống tương tự điều trị nấm Aspergillus. Ngoài ra, còn có thể uống Fluconazol 150 mg 01 viên trong 2 ngày đầu. Kế đến là 01 viên Fluconazole 150 mg/tuần cho các tuần tiếp theo. Với thời gian điều trị trung bình từ 2 – 4 tuần.1
Lưu ý: Những thuốc kháng nấm hầu hết đều ảnh hưởng đến gan. Vì vậy, nếu men gan tăng quá cao phải tạm ngừng thuốc kháng nấm cho đến khi men gan trở lại bình thường. Hoặc đổi thuốc kháng nấm.
3. Những trường hợp bị nấm thanh quản kèm suy giảm miễn dịch
Trong trường hợp suy giảm miễn dịch, người bệnh cần nhập viện để các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe. Lúc này, bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng thuốc kháng nấm đường tĩnh mạch. Chẳng hạn như Amphotericin B. Thời gian điều trị tùy thuộc vào đáp ứng của người bệnh và mức độ kháng thể bị suy giảm.2
Cách phòng ngừa
Để hạn chế và phòng ngừa nấm ở thanh quản, bạn đọc và gia đình có thể:
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh mũi, họng đúng cách.
- Nên hạn chế dùng thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc corticoide.
- Khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi hoặc khi đi ra ngoài, cần đeo khẩu trang để hạn chế bụi bẩn.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức.
Nói tóm lại, nấm thanh quản là một bệnh lý viêm ở thanh quản khá hiếm gặp. Đối tượng có nguy cơ cao là những người suy giảm miễn dịch. Việc điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng nấm đường uống, và đôi khi là đường tĩnh mạch trong những trường hợp nặng. Mọi người nên ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng và hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm thanh quản do nấm.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Fungal Laryngitis in Immunocompetent Patients; Risk Factors, Presentation and Treatmenthttps://lupinepublishers.com/otolaryngology-journal/fulltext/fungal-laryngitis-in-immunocompetent-patients-risk-factors-presentation-and-treatment.ID.000114.php
Ngày tham khảo: 14/02/2023
-
Primary fungal laryngitis: An overlooked clinical entityhttps://www.apollomedicine.org/article.asp?issn=0976-0016;year=2019;volume=16;issue=1;spage=11;epage=15;aulast=Swain
Ngày tham khảo: 14/02/2023
-
Fungal laryngitis causing airway compromise in post irradiated patienthttps://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/23772484.2016.1257915
Ngày tham khảo: 14/02/2023