Nang Baker: Những điều bác sĩ muốn bạn biết
Nội dung bài viết
Nang Baker là một trong những bệnh lý không hề hiếm gặp. Bệnh này xuất hiện ở vùng khoeo chân và ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, co duỗi chân. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể về căn bệnh này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Chính vì vậy, qua bài viết sau đây, YouMed sẽ giúp bạn đọc rõ hơn về bệnh này. Đồng thời, các bạn sẽ biết cách nhận ra bệnh để điều trị kịp thời.
1. Khái niệm về bệnh nang Baker
Nang Baker còn có tên gọi khác là nang hoạt dịch vùng khoeo chân. Đây là bệnh xảy ra do sự tích tụ của dịch khớp hay hoạt dịch. Từ đó khối u lành tính phía sau đầu gối sẽ được hình thành. Khối u này làm cho đầu gối người bệnh bị phình lên và gây ra cảm giác đau thắt.
Nang hoạt dịch vùng khoeo chân là một bệnh khá thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo thống kê thì bệnh thường xảy ra ở nữ giới hơn so với nam giới. Đồng thời, bệnh thường gặp ở những người đã có tiền sử chấn thương khớp gối, đứt dây chằng khớp gối.
Bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn trong những trường hợp:
- Trong quá khứ đã từng bị bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp Gout.
- Có tiền sử bị gãy xương, viêm xương, viêm cơ.
- Đã từng bị chấn thương vùng gối, rách sụn, đứt dây chằng,…
2. Cơ chế hình thành nên nang Baker
Khớp gối có cấu tạo tương tự các khớp khác. Nó được bọc bởi bao khớp tạo thành một túi khép kín. Túi này được che phủ bên trong bởi màng hoạt dịch. Tổ chức hoạt dịch tiết ra dịch còn gọi là hoạt dịch. Hoạt dịch có vai trò nuôi dưỡng và bôi trơn khớp.
Trong trường hợp bệnh lý hoặc trong một số trường hợp chấn thương, bao hoạt dịch sẽ xuất hiện phản ứng tăng tiết dịch một cách bất thường. Đó chính là nguyên nhân gây nên tràn dịch khớp gối.
Khi áp lực bên trong của gối tăng, nó có thể tạo nên các bất thường như thoát vị ra phía sau của gối. Đó gọi là u nang bao hoạt dịch, thường nằm ở vị trí giữa khoeo và to ra phía sau gối. U nang này còn có tên gọi khác là “kyste de Baker”.
3. Đặc điểm tiến triển của bệnh
Nang Baker không có gì gọi là trầm trọng, đe dọa tính mạng, đặc biệt là nó không bao giờ tiến triển thành ung thư. Bên trong nang chỉ tồn tại một thành phần duy nhất là hoạt dịch. Điều đó giải thích vì sao thể tích của nang có thể thay đổi theo thời gian.
Thông thường, nang có thể tích nhỏ và không gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng của khớp gối. Một số trường hợp nang trở nên to, mật độ căng, dẫn đến cảm giác đau do tình trạng tăng áp lực.
Nang có thể tích thay đổi khi đi lại, nhỏ hơn khi gấp gối, nhất là lúc ngồi xổm. Rất hiếm khi nang chèn ép vào những tổ chức xung quanh như mạch máu, thần kinh gây nên cảm giác tê, dị cảm.
Trong một số ít các trường hợp, nang có thể bị vỡ biểu hiện bằng các triệu chứng như: đột ngột đau nhói, bắp chân sưng to, hoạt dịch tràn ra ngoài. Khi nang vỡ sẽ có nguy cơ gây tắc các tĩnh mạch khoeo hoặc gây tổn thương các cơ lân cận.
4. Triệu chứng và chẩn đoán
Trong phần lớn các trường hợp, nang hoạt dịch vùng khoeo chân không gây ra triệu chứng cụ thể, nên người bệnh thường không để ý đến nó. Tuy nhiên, nếu nang hoạt dịch có kích thước lớn có thể gây ra một số triệu chứng sau:
- Vết sưng ở vùng khoeo chân (có thể đau hoặc không đau).
- Đau đầu gối.
- Cơ vùng gối bị căng cứng và không thể co chân lại hoàn toàn.
Người bệnh có thể cảm nhận được khối u nang tương tự một quả bóng chứa đầy nước. Một vài trường hợp, các khối u nang vỡ ra gây đau, sưng, đồng thời hình thành vết lõm ở mặt sau đầu gối và bắp chân.
Chẩn đoán bệnh khi người bệnh có cảm giác đau ở phía vùng khoeo, quan trọng hơn là sờ thấy một khối u như viên bi. Thể tích khối u có thể thay đổi, giảm và mất khi gấp gối, thấy rõ hơn khi duỗi gối. Trong những trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ dùng siêu âm để chẩn đoán xác định bệnh và ước lượng kích thước của nang.
5. Điều trị
Phương pháp điều trị nang Baker phụ thuộc vào độ nặng của bệnh. Nếu bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày và nang sẽ tự khỏi. Nếu các cơn đau và sưng nặng hơn, bạn nên đi khám bệnh.
Các bác sĩ sẽ cố định đầu gối của người bệnh bằng thanh nẹp để hạn chế việc duỗi quá mức khớp gối. Một số thuốc kháng viêm sẽ được kê toa nhằm làm giảm tình trạng sưng và đau.
Trong những trường hợp không đáp ứng với thuốc uống, phương pháp chọc hút dịch ở khớp gối hoặc tiêm thuốc kháng viêm vào nang sẽ được thực hiện. Nếu u nang có kích thước lớn, u nang chảy nước, bác sĩ sẽ cần đến biện pháp phẫu thuật để loại bỏ u nang. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
6. Phòng bệnh
Một số biện pháp phòng bệnh nang Baker bao gồm:
- Hạn chế vận động quá mức vùng gối.
- Không nên để tình trạng chấn thương vùng gối diễn ra thường xuyên.
- Luyện tập thể dục thể thao, giữ cân nặng ở mức lý tưởng.
- Hạn chế thức uống có cồn, từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Chế độ ăn không nên quá nhiều muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh nang Baker mà YouMed muốn giới thiệu đến bạn đọc. Hy vọng sau khi đọc qua bài viết này, bạn đọc sẽ không còn lo lắng về căn bệnh lành tính này nữa. Đồng thời sẽ có hướng điều trị cũng như phòng bệnh hợp lý nhất, không để bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hàng ngày.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. Philippe Bourdila, “U nang bao hoạt dịch”, đăng nhập ngày 14-03-2014, tại website http://www.genou.com
2. Resolute Bay, “U nang baker (Baker’s Cyst) – Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị”, đăng nhập ngày 02-08-2019, tại website https://www.resolutebay.com
3. Danielle Jacks, “Cách để Điều trị nang Baker”, đăng nhập ngày 10-05-2016, tại website https://www.wikihow.vn
4. Giang Lê, “Nang hoạt dịch vùng khoeo chân (U nang baker)”, đăng nhập ngày 28-06-2019, tại webiste https://hellobacsi.com