YouMed

Nghệ: Giải pháp an toàn cho sức khỏe của bạn

Bác sĩ TRẦN KIM ANH
Tác giả: Bác sĩ Trần Kim Anh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ lâu, Nghệ đã được sử dụng như một loại gia vị trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, loại gia vị này đã nhận được sự quan tâm của y học về tác dụng chữa bệnh. Nó là một loại thảo dược để điều trị viêm, bảo vệ tim mạch, chống ung thư, chống trầm cảm… Các nghiên cứu đã cho thấy Nghệ và các thành phần của nó có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.

1. Sơ lược về Nghệ

Nghệ còn có tên là Khương hoàng, Uất kim. Tên khoa học là Curcuma longa L.. Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.

Đây là cây thảo, thân rễ to, có ngấn, phân nhánh thành nhiều củ. Củ màu vàng sẫm đến vàng đỏ, rất thơm. Được trồng khắp nước ta để làm thuốc và gia vị.

Thu hoạch vào mùa thu. Cắt bỏ hết rễ để riêng, thân rễ để riêng. Muốn để được lâu phải đồ hoặc hấp trong 6 – 12 giờ. Sau đó, đợi ráo nước, đem phơi nắng hoặc sấy khô.

Ta dùng thân rễ cây Nghệ gọi là Khương hoàng (Rhizoma Curcumae longae) và rễ củ gọi là Uất kim (Radix Curcumae longae).

Nghệ
Nghệ – Khương hoàng

2. Thành phần hóa học trong Nghệ

Đã có rất nhiều nghiên cứu tìm ra thành phần có tác dụng sinh học trong Nghệ.

Thành phần hóa học chính quan trọng nhất của thân Nghệ là curcuminoid (6%), là thành phần tạo màu vàng cho Nghệ. Trong đó lượng curcumin chiếm khoảng 70-80% khối lượng. Trong thân rễ Nghệ còn chứa tinh dầu (2-7%) với các thành phần chính là artumeron, zingberen, borneol.

Hợp chất Curcuminoid là hợp chất mang lại nhiều công dụng nhất trong giới Y học thế giới. Đây là nhóm chất màu chiết xuất từ thân rễ cây nghệ vàng (Curcuma longa L.). Curcuminoid là những dẫn xuất diarylheptan bao gồm: curcumin, demetoxycurcumin, bisdemetoxycurcumin. Gần đây còn tìm thấy có một ít cyclocurcumin. Lượng curcumin trong bột nghệ khoảng 3-6%. Hỗn hợp curcuminoid khoảng 77% curcumin (cur), 17% demetoxycurcumin (DMC), 3% bisdemetoxycurcumin (BDMC).

Ngoài ra, còn có những thành phần với hàm lượng thấp hơn như demetoxycurcumin, bisdemetoxycurcumin, dihydrocurcumin, phytosterol, các acid béo và polysaccharide.

>> Xem thêm:

Ung thư dạ dày: Nguyên nhân triệu chứng, điều trị

9 điều cần biết về bệnh viêm loét dạ dày: Căn bệnh ngày càng phổ biến

3. Công dụng của Nghệ

Nghệ là chất bổ sung dinh dưỡng hiệu quả nhất cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nó có lợi ích lớn cho cơ thể và não của bạn.

Dưới đây là 10 lợi ích sức khỏe dựa trên bằng chứng nghiên cứu từ Nghệ:

3.1. Chống oxy hóa

Các tổn thương do quá trình oxy hóa được cho là một trong những cơ chế đằng sau sự lão hóa và nhiều bệnh tật. Nó liên quan đến các gốc tự do. Các gốc tự do này có xu hướng phản ứng với các chất hữu cơ quan trọng, chẳng hạn như axit béo, protein hoặc DNA.

Đây là lý do chính, cho thấy chất chống oxy hóa rất có lợi. Chúng bảo vệ cơ thể bạn khỏi các gốc tự do.

Curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh có trong Nghệ, có thể vô hiệu hóa các gốc tự do do cấu trúc hóa học của nó. Ngoài ra, chất curcumin giúp tăng cường hoạt động của các enzyme chống oxy hóa của chính cơ thể bạn.

Bằng cách đó, curcumin có khả năng chống lại các gốc tự do. Nó trung hòa các gốc tự do, sau đó kích thích sự bảo vệ chống oxy hóa của chính cơ thể bạn.

3.2. Chống viêm

Phản ứng viêm là vô cùng quan trọng. Nó giúp cơ thể bạn chống lại những tác nhân gây bệnh bên ngoài và cũng có vai trò sửa chữa tổn thương bên trong cơ thể. Nếu không có phản ứng viêm thì cơ thể của chúng ta sẽ rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây bệnh.

Mặc dù, viêm cấp tính, ngắn hạn có lợi. Nhưng nó có thể trở thành một vấn đề lớn khi nó trở thành mãn tính và tấn công ngược lại cơ thể chúng ta.

Các nhà khoa học tin rằng, viêm mãn tính mức độ nhẹ đóng vai trò chính trong hầu hết các bệnh mãn tính. Điều này bao gồm bệnh tim mạch, ung thư, hội chứng chuyển hóa, Alzheimer và các tình trạng thoái hóa khác.

Do đó, bất cứ điều gì có thể giúp chống viêm mãn tính đều có tiềm năng quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh này.

Curcumin có trong Nghệ là chất chống viêm mạnh mẽ. Nó chặn NF-kB, một phân tử được cho là đóng vai trò chính trong nhiều bệnh mãn tính.

Trên thực tế, tính kháng viêm của Nghệ tương đương với hiệu quả của một số loại thuốc kháng viêm mà không có tác dụng phụ.

3.3. Bảo vệ thần kinh

Một trong những nguyên nhân gây suy nhược thần kinh được biết đến là sự sụt giảm brain-derived neurotrophic factor (BDNF), tạm dịch là yếu tố dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não. Nhiều rối loạn phổ biến có liên quan đến việc giảm mức độ hormone này, bao gồm trầm cảm và bệnh Alzheimer.

Thật thú vị, chất curcumin có thể làm tăng mức BDNF trong não. Bằng cách này, nó có thể có hiệu quả trong việc trì hoãn hoặc thậm chí đảo ngược nhiều bệnh não và giảm chức năng não liên quan đến tuổi tác.

Nó cũng có thể cải thiện trí nhớ. Điều này có vẻ hợp lý do tác động của nó đối với các mức BDNF. Tuy nhiên, các nghiên cứu có kiểm soát ở người là cần thiết để xác nhận điều này.

3.4. Bảo vệ tim mạch

Có lẽ lợi ích chính của curcumin khi nói đến bệnh tim mạch là cải thiện chức năng của lớp nội mạc, đó là lớp lót của các mạch máu. Các rối loạn chức năng nội mô là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch. Nó còn liên quan đến việc không có khả năng điều hòa huyết áp, đông máu và nhiều yếu tố khác.

Trong một nghiên cứu cho thấy Curcumin có tác dụng bảo vệ tim mạch tương đương với thuốc Atorvastatin.

Ngoài ra, curcumin làm giảm viêm và oxy hóa, cũng đóng vai trò trong bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên ở 121 bệnh nhân, đã phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, so sánh việc sử dụng giả dược và 4 g curcumin mỗi ngày, trước và sau phẫu thuật vài ngày. Kết quả nghiên cứu này cho thấy nhóm bệnh nhân sử dụng Curcumin đã giảm 65% nguy cơ bị các cơn đau tim trong bệnh viện.

Tóm lại, Curcumin, có trong Nghệ, có lợi trên một số yếu tố liên quan đến bệnh tim mạch. Nó cải thiện chức năng của nội mạc và chống viêm và chống oxy hóa mạnh.

3.5. Chống ung thư

Một số nghiên cứu cho thấy Nghệ là một loại thảo dược có thể có lợi trong điều trị ung thư. Nó góp phần vào chết chu trình của các tế bào và giảm sự hình thành mạch máu mới và di căn của ung thư.

Có bằng chứng cho thấy, Nghệ có thể ngăn ngừa ung thư xảy ra ngay từ đầu. Đặc biệt là ung thư hệ thống tiêu hóa như ung thư đại trực tràng.

Trong một nghiên cứu kéo dài 30 ngày ở 44 người đàn ông bị tổn thương ở đại tràng có khả năng thành ung thư. 4g Curcumin mỗi ngày đã giảm 40% số lượng tổn thương.

Có thể nói, curcumin là giải pháp điều trị đầy hứa hẹn đối với một số bệnh ung thư.

3.6. Giảm sa sút trí tuệ

Bệnh Alzheimer là thể bệnh phổ biến của sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu của chứng mất trí nhớ.

Nghệ được chứng minh có thể vượt qua hàng rào máu não. Nó giúp giảm tổn thương do viêm và tổn thương do oxy hóa trong bệnh Alzheimer. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy chất curcumin có thể giúp xóa các mảng amyloid, do tích tụ protein trong bệnh Alzheimer.

3.7. Giảm viêm khớp

Một số nghiên cứu cho thấy, curcumin có trong Nghệ có tác dụng kháng viêm mạnh. Nó giúp làm giảm tình trạng viêm khớp và cải thiện các triệu chứng ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

3.8. Chống trầm cảm

Curcumin đã cho thấy vai trò đầy hứa hẹn trong điều trị trầm cảm.

Trong một nghiên cứu ở 60 người bị trầm cảm được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm: nhóm điều trị với Prozac, nhóm điều trị với Nghệ và nhóm điều trị với Nghệ và Prozac. Kết quả sau 6 tuần, Nghệ giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm tương đương Prozac, thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, nhóm sử dụng kết hợp cả Nghệ và Prozac cho kết quả tốt nhất.

Có thể do Nghệ có tác dụng tăng yếu tố BDNF và các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine.

3.9. Nghệ làm chậm quá trình lão hóa

Do quá trình oxy hóa và viêm được cho là có vai trò trong sự lão hóa. Curcumin có trong Nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa. 

3.10. Nghệ làm đẹp da

Nghệ chứa những chất có tác dụng tăng cường bảo vệ làn da của bạn. Nó làm cho làn da thêm sức sống và phòng chống các vết đỏ cũng như mụn trên mặt. Các chuyên gia khẳng định rằng Nghệ có tác dụng thanh lọc máu và làm thông thoáng cơ thể. Từ đó, nó giúp bạn có được một làn da khỏe mạnh và mềm mại hơn.

4. Lưu ý khi sử dụng Nghệ

Nghệ được cho là an toàn khi được dùng trong thời gian ngắn.

Nghệ thường không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ có thể gặp như khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, chóng mặt hoặc tiêu chảy. Những tác dụng phụ này phổ biến hơn khi sử dụng liều cao.

Cần thận trọng khi sử dụng Nghệ ở phụ nữ mang thai.

Nghệ có thể làm chậm quá trình đông máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu ở những người bị rối loạn đông máu. Nếu bạn có rối loạn đông máu hoặc sử dụng thuốc kháng đông thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn sử dụng.

Nghệ có thể gây chảy máu trong và sau khi phẫu thuật. Ngừng sử dụng bột Nghệ ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.

Tóm lại, Nghệ là giải pháp an toàn cho sức khỏe của bạn. Bên cạnh những tác dụng có lợi cho sức khỏe, Nghệ có một số tác dụng phụ. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng thảo dược này. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

  2. Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập II, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

  3. Karlowicz-Bodalska K et al. (2017), “Curcuma longa as medicinal herb in the treatment of diabetic complications”, Acta Pol Pharm, 74(2), pg. 605-610

  4. SJ Hewlings et al. (2017), “Curcumin: A review of Its’ Effects on Human Health”, Foods, 6, 92

  5. K Singletary (2020), “Tumeric Potential Health Benefits”, Nutr Today, 55(1), pg. 45-56

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người