Ngộ độc chì và những điều bạn không nên bỏ qua
Nội dung bài viết
Chì là một kim loại nặng và có tính gây độc mạnh. Ngộ độc chì xảy ra khi chì tích tụ trong cơ thể, thường là nhiều tháng hoặc nhiều năm. Thậm chí, một số lượng nhỏ chì cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng dễ bị ngộ độc chì, có thể ảnh hưởng nặng đến sự phát triển thể chất và tâm thần. Ở nồng độ rất cao, ngộ độc chì có thể gây tử vong.
1. Các triệu chứng của ngộ độc chì
Chì có thể tích tụ trong cơ thể qua đường miệng hoặc do hít phải không khí có bụi chì. Nó cũng có thể xâm nhập qua các vết xước trên da hoặc niêm mạc.
Chì có thể gây tổn thương tất cả các hệ cơ quan của cơ thể. Các hệ cơ quan này bao gồm tim, xương, thận, răng, ruột, cơ quan sinh dục, hệ miễn dịch và hệ thần kinh.
Ban đầu, ngộ độc chì có thể khó để xác định. Thậm chí, người khỏe mạnh cũng có thể có nồng độ chì trong máu cao. Các dấu hiệu và triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi một lượng lớn chì tích tụ trong cơ thể.
1.1. Triệu chứng ngộ độc chì ở trẻ em
- Chậm phát triển.
- Giảm chỉ số IQ.
- Vàng da.
- Khó khăn trong việc học tập.
- Dễ cáu gắt.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Thiếu máu.
- Suy chức năng thận.
- Tê hoặc châm chích đầu chi.
- Mất cảm giác ngon miệng.
- Sụt cân.
- Lờ đờ và mệt mỏi.
- Đau bụng.
- Táo bón.
- Mất thính giác.
- Ăn đồ vặt (không phải thức ăn).
1.2. Triệu chứng ngộ độc chì ở trẻ sơ sinh
Thai nhi tiếp xúc với chì trong bụng mẹ trước khi sinh có thể:
- Bị sinh non.
- Có cân nặng lúc sinh thấp hơn.
- Chậm phát triển.
1.3. Triệu chứng ngộ độc chì ở người lớn
Mặc dù trẻ em có nguy cơ cao nhưng ngộ độc chì ở người lớn cũng có thể nguy hiểm. Các triệu chứng ở người lớn bao gồm:
- Đau bụng thường là dấu hiệu đầu tiên nếu nuốt phải một lượng lớn chì.
- Tăng huyết áp.
- Thiếu máu.
- Ảo giác.
- Miệng có vị kim loại.
- Khó ngủ.
- Đau, tê và cảm giác châm chích ở đầu chi.
- Đau cơ và đau khớp.
- Khó khăn trong việc ghi nhớ hoặc tập trung.
- Đau đầu.
- Tính khí thất thường.
- Giảm số lượng tinh trùng và tinh trùng bất thường.
- Sảy thai, thai lưu hoặc sinh non.
Người lớn có thể bị bệnh gout, hội chứng ống cổ tay và giảm khả năng thụ tinh.
1.4. Các triệu chứng nặng khi ngộ độc chì ở mức độ cao
- Chuột rút và đau bụng dữ dội.
- Nôn ói.
- Yếu cơ.
- Đi đứng không vững, loạng choạng.
- Co giật.
- Hôn mê.
- Bệnh não, biểu hiện bởi các triệu chứng lú lẫn, hôn mê và co giật.
Khi xuất hiện các triệu chứng nặng, hãy liên hệ ngay với phòng cấp cứu gần nhất. Đảm bảo cung cấp các thông tin sau đây cho nhân viên cấp cứu:
- Tuổi.
- Cân nặng.
- Nguồn chì gây ngộ độc.
- Số lượng nuốt phải.
- Thời gian ngộ độc xảy ra.
2. Các nguyên nhân gây ngộ độc chì
Chì là kim loại có ở vỏ trái đất. Các hoạt động của con người như khai quật mỏ, đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất đã lan rộng chì ra nhiều nơi. Chì từng được sử dụng trong dầu khí và sơn. Hiện nay, chì vẫn được sử dụng trong các loại pin, chất hàn, ống nước, gốm, vật liệu lợp mái và một số loại mỹ phẩm.
2.1. Sơn chì
Các loại sơn chì dùng cho nhà ở, đồ chơi trẻ em và nội thất đã bị cấm từ năm 1978. Tuy nhiên, sơn chì vẫn còn ở trên tường và đồ gỗ ở các ngôi nhà và căn hộ cũ. Hầu hết ngộ độc chì ở trẻ em do đưa tay hoặc đồ vật dính sơn chì vào miệng.
2.2. Ống nước và các sản phẩm đóng hộp nhập khẩu
Ống chì, những đồ vật được hàn chì có thể phân tán các phân tử chì vào nước máy. Các thực phẩm đóng hộp hàn chì đã bị cấm nhưng vẫn còn được sử dụng ở một số quốc gia.
2.3. Các nguồn chứa chì khác
Chì thỉnh thoảng có thể được tìm thấy ở:
- Đất. Các phân tử chì từ dầu khí hoặc sơn ngấm vào đất và có thể đọng lại đó nhiều năm. Đất ở gần các bức tường của khu nhà cũ có thể chứa chì.
- Bụi. Bụi từ sơn chì hoặc đất nhiễm chì mang từ bên ngoài vào.
- Đồ gốm. Gốm tráng men hoặc đồ sứ có thể chứa chì và dính vào thức ăn đựng trong đó.
- Đồ chơi. Chì thỉnh thoảng được tìm thấy trong đồ chơi và các sản phẩm nhập khẩu khác.
- Mỹ phẩm. Một số loại bút kẻ mắt có chứa nồng độ chì cao.
- Các bài thuốc thảo dược hoặc dân gian. Ngộ độc chì đã được tìm thấy ở một số bài thuốc của Tây Ban Nha, cũng như ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác.
- Kính màu. Làm kính màu liên quan đến sử dụng các chất hàn chì.
- Đạn chì. Thời gian ở các trường bắn có thể dẫn đến tiếp xúc với chì.
- Nghề nghiệp. Những người làm việc ở các cơ sở sửa chữa ô tô, khai quật mỏ, sửa ống nước, sản xuất pin, vẽ tranh, xây dựng tiếp xúc với chì, dính trên quần áo và mang về nhà.
3. Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ngộ độc chì bao gồm:
- Tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao tiếp xúc với chì hơn trẻ lớn. Chúng có thể cho vào miệng các mảnh sơn tróc ra từ tường và đồ gỗ. Tay của chúng có thể nhiễm bụi chì và trẻ có thói quen đưa tay vào miệng. Trẻ nhỏ hấp thụ chì dễ hơn so với trẻ lớn và người lớn, do nó độc hại hơn đối với chúng.
- Sống trong các ngôi nhà cũ. Mặc dù các loại sơn chì đã bị cấm từ những năm 1970, các ngôi nhà và tòa nhà cũ vẫn còn các lớp sơn chì. Những người cải tạo lại các ngôi nhà cũ có nguy cơ cao nhiễm độc chì.
- Một số hoạt động nhất định. Làm kính màu và một số đồ trang sức đòi hỏi sử dụng hàn chì. Sửa chữa lại đồ nội thất cũ có thể tiếp xúc với các lớp sơn chì.
- Sống ở các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển thường có luật ít nghiêm khắc hơn về các sản phẩm chứa chì.
Chì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai cần hết sức cẩn thận, tránh tiếp xúc với chì.
>> Ngộ đọc khí CO cũng có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Tìm hiểu thêm: Ngộ độc khí Carbon Monoxide (CO): Tai nạn nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh
4. Chẩn đoán ngộ độc chì như thế nào?
Nếu lo lắng con bạn có khả năng bị ngộ độc chì, bác sĩ có thể cho bé làm xét nghiệm máu để xác định nồng độ chì trong máu. Xét nghiệm máu này có thể lấy máu mao mạch ở đầu ngón tay hoặc máu tĩnh mạch.
CDC khuyến cáo khi nồng độ chì đạt 5 µg/dl, chúng ta nên bắt đầu các biện pháp phòng ngừa. Ở người lớn, nồng độ chì ở mức 10 µg/dl được xem là ngưỡng an toàn trên. Ở người lớn, triệu chứng tiêu hóa thường gặp khi nồng độ chì từ 45 µg/dl trở lên.
Không có nồng độ an toàn của chì trong cơ thể. Nói cách khác là bất cứ sự hiện diện nào của chì trong cơ thể đều có thể gây hại.
Các xét nghiệm khác dùng để chẩn đoán ngộ độc chì gồm:
- Sinh thiết tủy xương.
- Đo nồng độ protoporphyrin hồng cầu (để đánh giá tình trạng thiếu sắt).
- Đánh giá nồng độ sắt trong cơ thể.
- Tổng phân tích tế bào máu và xét nghiệm đông máu.
- Chụp X quang bụng và các xương dài trong cơ thể.
5. Các phương pháp điều trị ngộ độc chì
Bước đầu tiên trong điều trị ngộ độc chì là phải loại bỏ nguồn chì gây ngộ độc. Đối với trẻ em và người lớn có nồng độ chì thấp, chỉ cần tránh tiếp xúc với chì đã có thể làm giảm nồng độ chì trong máu.
Điều trị khi nồng độ chì trong máu cao:
- Thải độc chì bằng thuốc uống. Thuốc uống vào sẽ gắn kết với chì trong cơ thể và thải nó ra ngoài bằng nước tiểu. Phương pháp này thường dùng cho trẻ em có nồng độ chì từ 45 µg/dl trở lên. Người lớn với nồng độ chì trong máu cao hoặc có triệu chứng cũng điều trị theo phương pháp này.
- Thải độc chì bằng EDTA đường tiêm chích. Phương pháp điều trị này áp dụng cho người lớn có nồng độ chì từ 45 µg/dl trở lên hoặc trẻ em không dung nạp thuốc thải độc chì đường uống.
6. Các biến chứng có thể xảy ra
Tiếp xúc với chì nồng độ thấp trong thời gian dài có thể gây hại, đặc biệt ở trẻ em. Nguy cơ nhiều nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, có thể có những tổn thương không hồi phục được. Nồng độ chì cao hơn có thể gây hại cho thận và hệ thần kinh. Nồng độ rất cao của chì trong máu có thể gây co giật, mất ý thức và tử vong.
7. Làm thế nào để phòng ngừa ngộ độc chì?
- Rửa tay và đồ chơi cho trẻ. Để giảm việc lây nhiễm từ tay sang miệng, hãy rửa tay cho trẻ sau khi chơi ở bên ngoài, trước khi ăn và lúc đi ngủ. Rửa sạch đồ chơi của trẻ thường xuyên.
- Lau chùi các bề mặt bám bụi. Vệ sinh sàn nhà bằng giẻ lau nhà thấm nước. Lau các đồ nội thất, bệ cửa sổ và các bề mặt khác bằng vải ướt.
- Không mang giày dép vào nhà. Việc này giúp tránh mang đất có nhiễm chì vào trong nhà.
- Xả nước lạnh vòi nước máy trước khi dùng. Nếu nhà bạn có ống nước chì cũ, hãy cho chạy nước lạnh ít nhất 1 phút trước khi dùng. Không sử dụng nước máy nóng để pha sữa hoặc nấu ăn.
- Không để trẻ chơi trên đất. Trồng cây, cỏ hoặc che phủ bề mặt đất để trẻ không chơi được.
- Chế độ ăn lành mạnh. Ăn đúng bữa và đầy đủ chất dinh dưỡng có thể giúp giảm hấp thu chì. Đặc biệt, trẻ em cần canxi, vitamin C và sắt trong chế độ ăn để tránh hấp thu chì.
- Duy trì nhà cửa ở tình trạng tốt. Nếu nhà bạn được sơn chì, kiểm tra các mảng tường bị tróc thường xuyên và sửa chữa đúng cách.
Tóm lại, ngộ độc chì xảy ra khi chì tích tụ trong cơ thể. Đối tượng dễ bị ngộ độc chì nhất là trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Chỉ cần nồng độ chì ở mức độ thấp cũng có thể gây hại cho cơ thể. Các triệu chứng của bệnh đa dạng tùy theo độ tuổi mắc bệnh. Ngộ độc chì ở nồng độ cao có thể gây tử vong. Thải độc chì là phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, có thể dùng thuốc đường uống hoặc tiêm chích. Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp nêu trên đây.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.