Ngộ độc khí Carbon Monoxide (CO): Tai nạn nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh
Nội dung bài viết
Carbon monoxide (viết tắt là CO) có thể là kết quả của quá trình đốt cháy nhiên liệu gỗ hoặc khí đốt, dầu và than. Lí do là lượng oxy không được cung cấp đầy đủ. Trong cuộc sống hằng ngày, khí CO xuất hiện nhiều trong khí thải xe hơi. Nhất là ở những bãi đậu xe dưới tầng hầm. Tiếp xúc với lượng lớn khí CO, bạn có thể bị ngộ độc.
Khí Carbon Monoxide là gì?
Khí Carbon monoxide, hay còn gọi là khí CO, là một chất khí không mùi, không màu. Do đó, có thể nguy hiểm đến tính mạng vì bạn không thể phát hiện khí này bởi các giác quan thông thường.
Khí CO được tìm thấy ở đâu?
Khí CO được tìm thấy trong khói ở nơi sản xuất có sử dụng nhiên liệu. Bao gồm động cơ trong xe hơi hoặc xe tải, bếp lò hay những khu công nghiệp. Khí CO có thể lan tỏa khắp nhà và đầu độc bạn khi hít phải nó. Khói thuốc lá cũng có nhiều khí carbon monoxide.
Các triệu chứng ngộ độc khí CO là gì?
Triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc CO là đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau dạ dày, nôn mửa, đau ngực và nhầm lẫn. Các triệu chứng của ngộ độc khí CO thường được mô tả là giống như bị cảm cúm. Những người đang ngủ hoặc say rượu có thể tử vong vì ngộ độc khí CO trước khi họ có triệu chứng.
Nếu bạn hít phải nhiều khí CO đến mức ngộ độc nặng, các triệu chứng trên có thể nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, có thể:
- Thay đổi tính cách.
- Không được tỉnh táo, mê hoặc bất tỉnh.
- Chóng mặt và mất khả năng kiểm soát cơ thể.
- Đau ngực, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim.
- Kích động, co giật, suy giảm ý thức và suy hô hấp.
- Tổn thương những cơ quan khác như não, gan, thận.
Ai có nguy cơ bị ngộ độc CO?
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ngộ độc CO. Tuy nhiên, khả năng diễn tiến nặng hơn nếu ngộ độc khí CO ở các đối tượng:
- Trẻ sơ sinh.
- Người lớn tuổi.
- Người mắc bệnh tim mạch mãn tính, thiếu máu hoặc bệnh phổi.
Xem thêm: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: COPD và những điều cần biết
Bạn nên làm gì để ngăn ngừa ngộ độc khí CO trong nhà?
1. Máy phát hiện khí CO
Lắp đặt máy phát hiện khí CO hoạt động bằng pin trong nhà của bạn. Lưu ý là bạn nên kiểm tra hoặc thay thế pin định kì. Bạn nên đặt máy phát hiện khí CO ở nơi nó dễ dàng báo động cho bạn biết. Một gợi ý là bạn có thể đặt bên ngoài phòng ngủ hay phòng sinh hoạt chung.
Bạn có thể xem xét việc mua một máy phát hiện khí CO có chức năng cho biết lượng khí CO cao nhất trong nhà của bạn ngoài việc đáng báo động. Bạn cũng nên thay thế máy phát hiện khí CO sau mỗi 5 năm.
2. Kiểm tra và bảo dưỡng các thiết bị định kì
Các hệ thống sưởi ấm, máy nước nóng và bất kỳ thiết bị đốt gas, dầu hoặc than cần được kiểm tra bởi một kỹ thuật viên hàng năm.
Nếu bạn ngửi thấy mùi lạ từ tủ lạnh của bạn, đó có thể là khí CO đang bị rò rỉ. Bạn nên liên hệ với nhân viên sửa chữa càng sớm càng tốt.
Khi bạn mua thiết bị sử dụng bằng gas, chỉ mua những sản phẩm đã được cấp phép an toàn từ công ty có uy tín.
Hãy chắc chắn rằng các thiết bị sử dụng gas của bạn được thông nối đúng cách. Điều này ngăn khí CO bị rò rỉ nếu các khớp nối đường dẫn ống không được lắp chặt.
3. Sử dụng thiết bị an toàn
Không bao giờ đốt than hay dùng máy phát điện trong nhà, tầng hầm hay nơi để xe. Nhiều cha mẹ vẫn còn thói quen đốt than để sưởi ấm trong những ngày lạnh hay khi trẻ mới được sinh ra. Than cháy sẽ tạo ra khí CO và tích tụ trong nhà. Khi sử dụng máy phát điện, bạn nên để cách nhà bạn ít nhất 5 mét. Ngoài ra, bạn có thể đặt máy phát hiện khí CO trong nhà của bạn khi cần dùng máy phát điện .
Các thiết bị như bếp gas mini nên được sử dụng ngoài trời hoặc nơi thông thoáng khi bạn đi du lịch hay cắm trại.
Làm thế nào bạn có thể tránh ngộ độc khí CO từ xe hơi hoặc xe tải?
Bạn cần kiểm tra hệ thống ống dẫn khói của xe hơi hoặc xe tải mỗi năm. Một rò rỉ nhỏ trong hệ thống ống dẫn có thể dẫn đến sự tích tụ khí CO bên trong xe.
Không bao giờ khởi động xe hơi hoặc xe tải của bạn trong tầng hầm xe ngay cả khi cửa nhà để xe mở. Nếu khu vực để xe ở riêng biệt với nhà của bạn, luôn luôn mở cửa để thông thoáng để hạn chế khí CO.
Xử trí như thế nào khi ngộ độc khí CO?
Di chuyển nạn nhân bị ngộ độc khí CO và những người khác ra khỏi nguồn khí độc. Khuyên họ tránh xa khu vực đó cho đến khi nó được thông gió hoàn toàn. Sau đó, đưa nạn nhân đến bệnh viện để được kiểm tra và thăm khám.
Tiên lượng khi ngộ độc khí CO có thể không dự đoán được. Nhiều trường hợp có thể tự phục hồi. Tuy nhiên, hiện tại không có phương pháp điều trị hiệu quả nào nếu ngộ độc để lại di chứng lâu dài.
Hầu hết những người bị ngộ độc nhẹ, tình cờ có thể trở lại công việc trong vòng một tháng. Việc chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả làm giảm biến chứng cấp tính cũng như về sau.
Carbon monoxide (CO) được tạo ra bởi quá trình đốt cháy không đủ oxy cần thiết. Biểu hiện ở người ngộ độc khí CO có thể nhẹ như đau đầu, chóng mặt đến hôn mê và tử vong. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị ngộ độc khí CO, nhưng một phần của những người sống sót vẫn phải chịu những di chứng về thần kinh và tâm lí sau đó. Vậy nên, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Carbon monoxide poisoninghttps://www.cdc.gov/co/faqs.htm
Ngày tham khảo: 30/03/2020
-
Carbon monoxide poisoninghttps://patient.info/doctor/carbon-monoxide-poisoning-pro
Ngày tham khảo: 30/03/2020